Vì sao ta bồn chồn khi người khác căng thẳng? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 11, 2023
Cuộc SốngTâm Lý Học

Vì sao ta bồn chồn khi người khác căng thẳng?

Giống như ngáp, stress cũng có thể lây từ người này sang người khác.
Vì sao ta bồn chồn khi người khác căng thẳng?

Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Bạn chứng kiến sếp mắng đồng nghiệp trong cuộc họp. Và rồi trong phút chốc, một bầu không khí căng thẳng bao trùm cả phòng họp. Bản thân bạn cũng cảm thấy căng thẳng, dù vấn đề đó không hề liên quan đến bạn. Khi đến lượt báo cáo sếp, bạn lúng túng, lo âu, thậm chí rung đùi hoặc cắn móng tay cho đỡ sợ.

Nếu từng rơi vào tình huống trên, bạn không hề đơn độc - đây là phản ứng hoàn toàn bình thường. Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Research in Organizational Behaviour, căng thẳng có tính lây lan mạnh, đặc biệt giữa những người thân quen với nhau. Hiện tượng này còn có tên gọi riêng là “secondhand stress” (tạm dịch là “căng thẳng thấu cảm”).

Secondhand stress là gì?

Đây là trạng thái căng thẳng khi nhìn thấy người khác stress, dù vấn đề của họ không tác động đến bạn. Điều này xảy ra bởi khi tiến hoá, con người chú ý nhiều hơn đến các nguy hiểm tiềm tàng để bảo vệ bản thân. Theo Happiful, khi nhìn thấy người khác trong trạng thái căng thẳng, chúng ta vô thức bắt chước điều đó như một cơ chế tự vệ.

Thông thường dựa vào ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm hay tông giọng, ta có thể nhận biết cảm xúc của người khác. Từ đó, chúng ta tiếp nhận và có cảm xúc tương tự.

Căng thẳng thấu cảm dễ lây lan từ một người thân quen (bạn bè, người thân hay đồng nghiệp) hơn là từ một người xa lạ. Tuy nhiên, đôi khi điều này được xem như một phiên bản “cực đoan" của lòng thấu cảm.

Secondhand stress có những biểu hiện gì?

Căng thẳng thấu cảm thể hiện qua nhiều biểu hiện khác nhau, bao gồm cả cảm xúc và phản ứng cơ thể. Một số dấu hiệu phổ biến có thể kể đến:

Stress eating: Bạn ăn nhiều hơn khi ở gần người đó, cốt để che giấu cảm giác lo âu chứ không phải vì thực sự đói. Tác động của stress từ người khác có thể vô tình thay đổi thói quen ăn uống của bạn.

Né tránh ánh mắt người khác: Điều này cho thấy bạn khó chịu, quá tải hoặc căng thẳng khi nói chuyện với họ. Bạn cũng thường tránh các hoạt động có mặt họ, như rời khỏi phòng hoặc đổi chủ đề trò chuyện khi người đó đi vào.

Biểu hiện bồn chồn: Rung đùi, cắn móng tay, nghịch tóc hay bấm bút bi đều là những phản ứng vô thức của cơ thể, nhằm che giấu sự lo lắng của bạn khi nhận diện căng thẳng.

Biểu hiện vật lý: Đau đầu, chóng mặt, thậm chí khó thở. Những biểu hiện này khá phổ biến ở các bố mẹ có con nhỏ. Khi con cái la khóc mà họ không thể dỗ dành, nhiều phụ huynh cũng cảm thấy đau đầu.

24nov2023221123secondhandstressintext1jpg
Bạn có thể ăn nhiều hơn, bồn chồn hay né tránh ánh mắt người khác khi gặp secondhand stress.

Secondhand stress bắt nguồn từ đâu?

Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), secondhand stress lây lan nhờ hệ thần kinh gương (mirror neurons). Đây là một nhóm tế bào phụ trách phản ứng của con người. Chúng được kích hoạt qua quá trình quan sát người khác thực hiện một hành vi và bắt chước điều đó.

Từ đó, “cái gương” này tạo ra phản ứng đồng cảm với những hành vi trên. Nó tái tạo trải nghiệm đã thấy trong tâm trí bạn, khiến bạn cảm thấy như thể chính mình đang trải qua điều đó. Ngáp là một ví dụ điển hình - khi thấy người khác ngáp, bạn cũng sẽ vô thức ngáp theo dù chưa chắc đã buồn ngủ.

Dù vậy, không phải ai cũng bị ảnh hưởng bởi secondhand stress. Một số người có đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người (như nhân viên nhà hàng, khách sạn) đã “miễn nhiễm” với kiểu căng thẳng này nhờ tách biệt bản thân khỏi vấn đề/con người gây căng thẳng. Đây cũng là điều chúng ta cần học để hạn chế tối đa tác động của secondhand stress.

Làm sao để “quẳng gánh lo đi" mà không làm mất lòng người khác?

Chúng ta không thể đoán trước lúc nào người khác sẽ căng thẳng mà tránh. Nhưng ta luôn có thể kiểm soát phản ứng của mình với điều đó. Và việc để bản thân tách biệt (hoặc thấu cảm) với vấn đề đúng lúc, đúng chỗ là một chiến lược như thế. Bạn có thể thực hành nó bằng một số phương pháp sau:

Lắng nghe vấn đề

Trong hoàn cảnh phù hợp, bạn có thể chủ động hỏi han người đó xem vấn đề gì đang khiến họ bị stress. Bạn không cần cố gắng nghĩ cách giúp họ, mà chỉ cần lắng nghe là đã khiến họ dễ chịu hơn phần nào. Bởi với không ít người, việc được chia sẻ và giải tỏa cảm xúc là một cách giải quyết hiệu quả.

Tuy nhiên nếu họ không sẵn sàng chia sẻ, hoặc có xu hướng “xả” cảm xúc, thì chiến lược này có thể phản tác dụng. Trường hợp này bạn có thể áp dụng 1 trong 2 cách:

Đặt ra ranh giới lành mạnh

Khi bản thân chưa sẵn sàng lắng nghe, bạn nên tránh chủ động mở lời với họ. Điều này quan trọng bởi ranh giới giữa việc giúp đỡ người khác và khiến bản thân căng thẳng rất mong manh.

Nếu sợ làm mất lòng đối phương mà cố gắng nghe họ, bạn có thể vô tình “hứng” luôn mớ cảm xúc tiêu cực từ họ, khiến chính bạn cũng mệt mỏi. Bạn có thể đề nghị trò chuyện trở lại khi bản thân bạn bình tĩnh, sẵn sàng lắng nghe hơn.

24nov2023221123secondhandstressintext2jpg
Đặt ra ranh giới lành mạnh khi cần là điều tốt cho cả bạn và người đó.

Tận dụng hệ thần kinh gương

Điểm mấu chốt của hệ thần kinh gương nằm ở khả năng kích hoạt mong muốn bắt chước những gì đã nhìn thấy. Do đó, bạn có thể tận dụng điều này bằng cách cho hệ thần kinh gương tiếp xúc với điều tích cực, bình tĩnh ngay khi trong tình huống “căng như dây đàn”.

Bạn có thể xem clip hài, meme hay video của người mình yêu thương để tạo ra cảm xúc tích cực. Trong tình huống phòng họp ở đầu bài, bạn thử mở một tấm hình thiên nhiên (như bờ biển, rừng xanh) trên điện thoại hay máy tính và tập trung nhìn vào. Sự tĩnh tại trong bức hình sẽ nhanh chóng phản chiếu lên não bộ, giúp tâm bạn tĩnh lại giữa không khí căng thẳng.