Não làm gì khi ta đắm mình trong một trận đấu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 12, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Não làm gì khi ta đắm mình trong một trận đấu?

Dù chỉ theo dõi trận đấu qua màn hình, bạn vẫn có thể trải qua những cảm xúc y hệt như những cầu thủ trên sân.
Não làm gì khi ta đắm mình trong một trận đấu?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nếu là fan bóng đá, bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong một tháng tới: hồi hộp trước trận đấu, vui mừng hò hét khi đội bóng yêu thích ghi bàn hay thất vọng khi họ thua cuộc. Một số người còn toát mồ hôi, tim đập nhanh, tay run khi theo dõi trận đấu.

Không chỉ với bóng đá, những biểu hiện này còn xuất hiện ở người hâm mộ bất kỳ một môn thể thao nào. Và chúng đều là kết quả của những phản ứng hóa học trong não bộ.

Hệ thần kinh gương “phản chiếu” trải nghiệm

Mirror neurons, hay hệ thần kinh gương là một nhóm các tế bào thần kinh phụ trách các phản ứng của con người. Cụ thể, chúng được kích hoạt khi ta quan sát người khác thực hiện một hành động, và mong muốn bắt chước những gì đã thấy.

Hệ thần kinh gương lại liên kết với vỏ não vận động (motor cortex) và hệ cảm giác thân thể (somatosensory system). Nằm ở thùy đỉnh não, hệ thống này có vai trò tiếp nhận các thông tin liên quan tới cảm giác từ toàn bộ cơ thể. Sau đó, nó sẽ xử lý chúng để quyết định xem cơ thể nên phản ứng thế nào (chẳng hạn rụt tay lại khi chạm vào nước sôi).

Mối liên kết này giúp hệ thần kinh gương tái tạo trải nghiệm bạn đã thấy trong tâm trí, đem lại cảm giác như thể chính bạn đang trải qua điều đó. Nói cách khác, nó giúp bạn đặt mình vào vị trí của các tuyển thủ và “sống” những khoảnh khắc thi đấu của họ trên sân cỏ.

Theo chuyên gia trị liệu David Ezell, cảm xúc hồi hộp, vui mừng hay đau buồn tăng mạnh khi bạn xem đội tuyển yêu thích của mình thi đấu. “Bởi chúng ta biết họ, nên ta cũng trải qua một phần cảm xúc của họ”, ông Ezell nhận định. Đây cũng là nguyên nhân bạn thi thoảng sử dụng cách xưng hô như “chúng ta” khi nói về đội tuyển, bởi bạn và họ đã “hòa làm một”.

May mắn cho bạn là hệ thần kinh gương chỉ tái tạo một phần cảm xúc của các tuyển thủ. Vì nếu nó tái tạo toàn bộ, thì khi họ bị chấn thương, bạn cũng sẽ vô cùng đau đớn về thể chất.

Các hormone tùy cơ ứng biến

Việc xem thể thao cũng khiến các hormone dopamine, cortisol và serotonin thay đổi. Nếu thường xuyên đọc các bài Bổ Não, có lẽ bạn đã nắm sơ lược công dụng của từng loại:

  • Dopamine: Một chất dẫn truyền thần kinh khiến con người khao khát và nỗ lực đạt được một mục tiêu nhất định. Dopamine được giải phóng nhiều khi bạn đạt một thành tựu, vì vậy còn được gọi là hormone phần thưởng.
  • Cortisol: Hormone sinh ra từ tuyến thượng thận khi bạn bị căng thẳng. Trong một vài trường hợp, cortisol có thể gây căng cơ, tăng huyết áp và nhịp tim.
  • Serotonin: Hormone điều hòa tâm trạng bạn qua giấc ngủ, việc ăn uống và hệ tiêu hóa. Đây là hormone thiết yếu giúp hạn chế chứng trầm cảm và những cảm xúc cực đoan.

Khi xem đội tuyển yêu thích thi đấu, hệ thần kinh gương khiến bạn và họ “hòa làm một”. Chính vì vậy, các hormone này được kích hoạt theo những gì đội tuyển của bạn trải qua trên sân cỏ.

30nov2022intext1jpg
Cùng ngồi trên một khán đài, nhưng cách hormone biến đổi trong cơ thể từng người khác nhau.

Cụ thể, khi đội nhà ghi bàn hoặc có phong độ tốt, não bộ ghi nhận đó là “phần thưởng” cho chính bạn và sản sinh rất nhiều dopamine. Điều này khiến bạn phấn khích và mong cảm giác này lặp lại. Ngược lại khi họ bị thủng lưới hoặc sa sút, bản thân bạn cũng căng thẳng tột độ do lượng lớn cortisol được giải phóng.

Theo chuyên gia tâm lý Richard Shuster, não cũng sản sinh ít serotonin hơn trong các tình huống căng thẳng. Điều này khiến bạn dễ có cảm xúc và hành vi cực đoan (như đập bàn ghế hay xô xát nếu đội nhà thua cuộc), thậm chí trầm cảm nếu phong độ đội nhà đi xuống trong thời gian dài.

Não bộ nhận định trận đấu là tình huống căng thẳng

Bạn có thể đã từng toát mồ hôi khi đội nhà chuẩn bị tham gia một trận đấu quan trọng, cho dù trời không nóng và bạn cũng ngồi yên một chỗ. Thực tế đây là phản ứng thường gặp của các cổ động viên, dù họ có mặt trực tiếp trên sân hay không.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cổ động viên có thể thấy căng thẳng, hồi hộp và lo âu trước một trận đấu lớn không khác gì các cầu thủ. Nhờ tác động của hệ thần kinh gương, não bộ nhầm tưởng chính bạn đang ở trong một tình huống nguy hiểm.

Hệ quả là não gửi tín hiệu đến tuyến thượng thận để kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode). Một lượng lớn adrenaline được giải phóng, khiến bạn toát mồ hôi, run tay chân và huyết áp tăng do máu đổ dồn về các bộ phận này. Điều này cũng đồng nghĩa lượng máu chảy về hệ tiêu hóa ít hơn, dẫn tới cảm giác cồn cào, nôn nóng.

30nov2022intext2jpg
Căng thẳng đến toát mồ hôi là phản ứng khá phổ biến khi xem thể thao.

Thậm chí theo một nghiên cứu của Tạp chí Tim mạch Canada (CJC), nhịp tim của khán giả khi theo dõi một giải đấu khúc côn cầu tăng cao ngang với người tập gym. Điều tương tự cũng xảy ra với fan bóng đá và hầu hết các môn thể thao khác. Theo ông Shuster, đây không phải vấn đề lớn với những người khỏe mạnh. Tuy nhiên ai có tiền sử bệnh tim và huyết áp phải đặc biệt chú ý, vì nhịp tim tăng đột xuất có thể dẫn đến đột quỵ.

Cần chú ý gì trong mùa giải World Cup?

Như đã giải thích ở trên, lượng serotonin giảm xuống khi chúng ta bị căng thẳng, gây ra các cảm xúc và hành vi cực đoan. Trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn tới bạo loạn quy mô lớn, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Điều này đã xảy ra với các cổ động viên Bỉ hôm 27/11, sau khi đội tuyển nước này thua Morocco với tỉ số 0-2.

Vì vậy khi trận đấu kết thúc, các fan nên bình tĩnh tách biệt “bản dạng” của mình khỏi đội tuyển và nhìn nhận kết quả với góc nhìn người ngoài. Sau cùng thì thắng thua là chuyện bình thường trong thể thao, quan trọng là các tuyển thủ đã thi đấu hết mình.

Để làm được điều này, bạn cần bổ sung đầy đủ serotonin cho cơ thể. Bạn có thể ăn các thực phẩm giàu protein như cá hồi, trứng & các loại hạt, đi bộ nhẹ nhàng và tắm nắng buổi sáng.

Bên cạnh đó, khi theo dõi một trận đấu, não bộ có thể nhầm tưởng bạn đang trong tình huống nguy hiểm. Nhưng nếu tham gia cá độ, bạn sẽ gặp nguy hiểm thật sự khi kết quả không như bạn mong muốn. Chính vì vậy, dù có tự tin vào đội nhà đến đâu, bạn cũng không nên liều lĩnh đặt tiền và tải sản của chính mình vào kết quả thi đấu của họ.