Vì sao ta cứ thích "liếc trộm" điện thoại người khác? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 08, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta cứ thích "liếc trộm" điện thoại người khác?

... dù ta không định hack thông tin gì của họ?
Vì sao ta cứ thích "liếc trộm" điện thoại người khác?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nếu đang ngồi chờ đồ ăn hoặc chuyến tàu/chuyến bay, khả năng cao là bạn sẽ vô thức nhìn sang màn hình của người bên cạnh. Nó đặc biệt phổ biến vào ban đêm hoặc bất cứ môi trường nào thiếu ánh sáng, chẳng hạn trong rạp chiếu phim.

Điều ngược lại cũng xảy ra: nếu bạn hay mở khóa điện thoại bằng mật mã hoặc mẫu hình ở nơi công cộng, khả năng cao là đã có người nhìn thấy chúng. Thậm chí trong tiếng Anh còn có một từ riêng để gọi hành động này là shoulder-surfing (ghép từ “shoulder” - nhìn qua vai và “surfing” - nhìn lướt).

Trong hầu hết trường hợp, chúng ta không có ý muốn “hack” thông tin của người khác. Vậy não bộ đã làm gì khiến ta vô thức nhìn màn hình điện thoại của họ?

Não chúng ta coi ánh sáng là một loại tín hiệu

Não bộ vốn được “lập trình” để nhìn về nơi có ánh sáng. Bởi khi ánh sáng đi vào mắt, nó sẽ kích hoạt các tế bào nhạy cảm ở võng mạc. Quá trình này sẽ phát tín hiệu dọc theo hệ thống thần kinh thị giác ở não bộ, giúp chúng ta nhìn thấy xung quanh.

Chúng ta cũng được rèn luyện nhìn ánh sáng để tìm tín hiệu. Đèn giao thông là một ví dụ điển hình - chúng ta nhìn sự thay đổi màu đèn để biết khi nào đi và dừng. Tuy nhiên khi có nhiều loại ánh sáng khác nhau, thì bước sóng và năng lượng sẽ quyết định mức hấp dẫn của từng loại với thị giác và não bộ.

25aug2022xemdtintext1jpg
Não chúng ta coi ánh sáng là một loại tín hiệu.

Theo Healthline, ánh sáng xanh (blue light) có bước sóng ngắn và mức năng lượng cao. Do đó nó tán xạ dễ dàng hơn các loại ánh sáng khác, và hấp dẫn hệ thống thần kinh thị giác của ta hơn so với ánh mặt trời. Màn hình điện thoại sử dụng đèn LED - loại đèn phát ra lượng lớn ánh sáng xanh. Vì vậy khi có người mở điện thoại, ta vô thức coi đó như một tín hiệu mà nhìn vào.

Nhìn màn hình trở thành phản xạ có điều kiện

Với đa số chúng ta, điện thoại đã trở thành vật bất ly thân trong cuộc sống. Theo một khảo sát của công ty công nghệ Asurion, trung bình cứ 10-12 phút chúng ta lại kiểm tra điện thoại một lần. Phần lớn trong số 2000 người được khảo sát thừa nhận, trừ khi đi tắm hoặc đi ngủ, họ không thể rời mắt khỏi điện thoại quá 10 phút.

Với tần ấy thời gian sử dụng điện thoại, cộng với tác động của ánh sáng xanh, chúng ta vô tình tạo ra cho não một phản xạ có điều kiện: cứ thấy màn hình sáng lên là nhìn vào. Đây là kiểu phản xạ được hình thành qua 1 quá trình rèn luyện, để thay đổi thích nghi với điều kiện sống mới (mà ở đây là thời đại kỹ thuật số). Vấn đề nằm ở chỗ, phản xạ này không phân biệt màn hình của ta hay người khác.

Bên cạnh đó, tính nhất quán trong thời gian chiếu sáng cũng dẫn tới một phản xạ khác. Bạn tưởng tượng nếu một bóng đèn bật cả ngày, bạn sẽ không để ý; nhưng nếu nó chớp tắt, bạn sẽ vô thức nhìn lên kiểm tra xem có vấn đề gì không. Màn hình điện thoại cũng giống như vậy - nó lúc bật lúc tắt, khác với ánh mặt trời chiếu sáng suốt ban ngày. Vì vậy não bộ cũng coi ánh sáng điện thoại là ngẫu hứng và khó đoán, khiến ta nhìn vào nhiều hơn.

Tính hiếu kỳ thực chất là một bản năng sinh tồn

Theo một khảo sát của tờ New York Times, việc “dòm” điện thoại người khác xảy ra thường xuyên nhất ở những nơi công cộng đông người như ga tàu, tàu điện hay máy bay. Đa số người tham gia khảo sát cũng cho biết, họ nhìn điện thoại người khác thuần túy vì hiếu kỳ hoặc buồn chán, chứ không có ác ý gì khác.

25aug2022xemdtintext2jpg
Nhiều khi chúng ta nhìn điện thoại người khác vì tò mò hoặc hiếu kỳ, chứ không có ác ý gì khác.

Theo giáo sư ngôn ngữ và phát triển Katherine Twomey, tò mò là một bản năng giúp hỗ trợ quá trình sinh tồn của con người. Một cách thể hiện phổ biến của sự tò mò là mong muốn biết những đặc tính của người khác, bao gồm thông tin riêng tư của họ. Vì vậy, chúng ta nhìn điện thoại người khác vì biết nó chứa không ít thông tin kiểu này.

Cần lưu ý gì khi dùng điện thoại ở nơi công cộng?

Theo góc độ khoa học, nhìn điện thoại người khác là tổng hòa của nhiều phản ứng khác nhau trong não bộ. Thi thoảng việc này có thể giúp ích cho quá trình xã giao. Bản thân tôi từng “dòm” điện thoại bạn ngồi cạnh và nhận ra bạn cùng thần tượng với mình, vậy là chúng tôi trò chuyện rôm rả suốt chuyến bay dài.

Dù vậy, trong đa số trường hợp nó vẫn là hành vi gây khó chịu cho nhiều người, vì điện thoại chứa khá nhiều thông tin bảo mật của chúng ta. Để giảm thiểu khả năng điện thoại mình bị “dòm”, bạn có thể dùng miếng dán chống nhìn trộm hoặc mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt (Face ID) thay vì mật mã hoặc mẫu hình. Các thao tác cần nhập nhiều thông tin bảo mật như giao dịch ngân hàng, mua hàng online… cần hạn chế thực hiện ở những nơi đông người.

Khi ở những nơi này, bạn cũng chỉ nên dùng điện thoại chơi game, đọc tin tức hoặc lướt mạng xã hội. Nếu có thể, bạn nên mang theo một cuốn sách để đọc trên tàu xe hoặc máy bay. Cách này vừa giúp bạn chống buồn chán, vừa cho bạn một khoảng thời gian tạm rời xa điện thoại.