Ngày 8/9/2022, Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế sau 70 năm trị vì, hưởng thọ 96 tuổi. Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng trăm nghìn người đã đổ về London để tiễn đưa bà. Trên các trang mạng tràn ngập những lời chia buồn và an ủi đến Hoàng gia Anh.
Trước đó hai tháng (8/7/2022), thế giới cũng đã mất đi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bởi vụ ám sát chấn động. Ở Việt Nam, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013 là một trong những sự kiện đau buồn nhất cả nước. Nhiều người dân đã đến tang lễ và xếp hàng thâu đêm để vái biệt cụ.
Dù không cùng máu mủ hay quen biết ngoài đời, ta vẫn có thể dạt dào cảm xúc trước cái chết của người nổi tiếng. Vậy những cảm xúc đau buồn, những giọt nước mắt ta dành cho họ từ đâu mà đến?
Tình cảm với người nổi tiếng đến từ sự quen thuộc
Theo Psychology Today, nỗi tiếc thương là phản ứng tự nhiên từ hai yếu tố: mất mát và gắn bó. Nó có thể là sự trống rỗng khi bộ phim kết thúc, hoặc cơn đau tột cùng khi người thương không bao giờ trở lại. Ta có thể rơi nước mắt vì bất kỳ ai, miễn là sự gắn kết đủ lâu và đủ sâu.
Tình cảm giữa ta và người lạ có thể hình thành nhờ hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect). Hiểu đơn giản là khi “chạm mặt” ai càng nhiều, ta sẽ càng cảm mến người đó. Về cơ bản, con người đã ưu ái tính quen thuộc từ xa xưa khi điều mới mẻ thường gắn liền với hiểm nguy.
Nữ hoàng Elizabeth trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Anh vì bà xuất hiện khắp nơi, từ tờ tiền, TV đến những bức tranh trong nhà. Họ lớn lên với hình ảnh của bà và thương tiếc bà như chính người thân của họ.
Cũng nhờ sự phát triển của mạng xã hội, tương tác giữa quần chúng và người nổi tiếng trở nên gần gũi và “thật” hơn. Các thần tượng dễ dàng chia sẻ cuộc sống đời thường, giao lưu với fan qua livestream, thậm chí nhắn tin trao đổi. Điều này tạo cảm giác họ như một “người bạn” của chúng ta.
Ta cũng có thể mến mộ một người vì những đóng góp xã hội của họ. Đó có thể là hình mẫu ta hướng tới hoặc là người đã làm thay đổi cuộc sống của ta. Chẳng hạn, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đã dành cả đời để “gieo” những chân lý sống an yên và hạnh phúc. Tình yêu mến ta dành cho thầy khiến ta xúc động, trào dâng hơn khi thầy viên tịch.
Đám đông buồn nên ta cũng buồn
Con người vốn là một sinh vật xã hội. Vì vậy trong nhiều trường hợp, cảm xúc buồn đau của cá nhân có thể được định hình bởi trải nghiệm cộng đồng.
Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi là nỗi buồn tập thể (collective grief). Ta buồn để hòa nhập, để có cảm giác thuộc về. Để dễ hình dung, đôi khi bạn hò hét ở show ca nhạc không phải vì yêu thích ca sĩ đang hát, mà chỉ đơn giản vì bạn đang đắm mình vào không khí chung.
Nỗi buồn cũng được tạo nên từ niềm tin vào lời kể của số đông. Chẳng hạn bạn chưa từng gặp Công nương Diana, nhưng vẫn có thể thấy tiếc thương vì những câu chuyện khắc họa bà trên mạng. Cái chết của bà năm 1997 cũng là ví dụ điển hình của nỗi buồn tập thể, khi hàng tỷ người trên thế giới đã theo dõi lễ tang và những buổi phát sóng tưởng niệm bà.
Ta buồn cho nỗi buồn của người ra đi và người ở lại
Cảm thông và thấu cảm là hai trạng thái có thể trải qua khi chứng kiến cái chết của một người. Cảm thông là sự biểu lộ chỉ dừng ở mức quan tâm, thương tiếc và mong muốn người kia hạnh phúc hơn. Chẳng hạn người hâm mộ có thể thương cảm cố ca sĩ Hàn Quốc Sulli khi biết thông tin qua báo đài, nhưng khó mà hiểu được tình cảnh thực sự của cô ấy.
Còn thấu cảm là khả năng đặt mình vào người khác và cảm nhận sâu sắc nỗi đau của họ. Nếu đã từng mất người thân, bạn sẽ nhanh chóng đồng cảm với gia quyến của người mất.
Lòng thấu cảm càng mãnh liệt khi truyền thông ồ ạt đưa tin về người đã khuất - điều thường xuyên xảy ra với người nổi tiếng. Những hình ảnh về đám tang, cảnh người ở lại đau đớn tiễn biệt họ cũng gợi nhớ về trải nghiệm đưa tiễn người thân của chính bạn, khiến bạn đau buồn hơn.
Cảm giác sợ hãi khi nhận ra ai rồi cũng chết
Theo một khảo sát về nỗi sợ được tiến hành ở Mỹ, 20,3% số người tham gia rất sợ cái chết. Ta quan tâm đến cái chết vì nó thuộc dạng tin buồn, đánh trúng thiên kiến tiêu cực của ta.
Một nghiên cứu năm 1998 cũng cho thấy, vỏ não là nơi liên hệ với cảm xúc và trí nhớ, vì vậy nó sẽ phản ứng dữ dội trước thông tin xấu. Đây là lý do một số người khó dứt khỏi suy nghĩ về cái chết và trạng thái buồn đau.
Nỗi sợ cái chết còn liên quan đến cảm giác bất lực và mất kiểm soát. Đến người giàu có như Steve Jobs, hay quyền lực như Nữ hoàng Anh cũng không thể thoát khỏi quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi sự ra đi của họ khiến ta lo sợ cho cuộc sống hữu hạn của chính mình và những người thân yêu.
Làm gì trước loạt tin tức về cái chết của người nổi tiếng?
Tìm hiểu về cái chết và nỗi sợ
Bạn có thể làm chủ cái chết bằng cách tìm hiểu thêm về nó theo nhiều góc độ: triết học, sinh học, tâm lý và xã hội. Cách này giúp bạn khám phá và làm quen dần với ý niệm sống-chết. Tương tự với nỗi sợ, bạn cần tự vấn về nguyên nhân và vấn đề trong nỗi sợ của chính mình.
Giảm thời gian tiếp xúc thông tin tiêu cực
Khi đã đọc một thông tin tiêu cực, bạn sẽ có xu hướng gặp hàng loạt tin tương tự. Điều này xảy ra do thuật toán của các trang mạng, và do cả thiên kiến tiêu cực của chính ta. Vì vậy, tốt nhất nên hạn chế đọc các tin kiểu này. Bạn cũng có thể tăng cường theo dõi những nội dung tích cực khác để lấn át chúng.
Ý thức việc chia sẻ nỗi buồn
Việc chia sẻ nỗi buồn vô tội vạ có thể dẫn đến “xả” tiêu cực (trauma dumping). Do đó hãy thật cân nhắc việc chia sẻ các thông tin về cái chết, hoặc tag bạn bè vào những bài viết tiêu cực của người nổi tiếng.
Phấn đấu sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn
Sự ra đi của người nổi tiếng khiến chúng ta ý thức hơn được rằng, cuộc đời là hữu hạn. Vì vậy, việc sống thật hạnh phúc là cách tốt nhất để ta tri ân nó. Bạn có thể thực hành một số thói quen sau để cải thiện chất lượng cuộc sống:
- Chăm sóc bản thân cả về thể chất và tinh thần: Ăn uống điều độ, tập thể dục và dành thời gian riêng cho bản thân.
- Theo đuổi một sở thích bất kỳ về thể thao, học thuật hay nghệ thuật.
- Giúp đỡ người khác thông qua những hội nhóm thiện nguyện hoặc hoạt động cộng đồng.