Vì sao tin lá cải vẫn cứ “sống dai”? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
22 Thg 03, 2022
Truyền Thông

Vì sao tin lá cải vẫn cứ “sống dai”?

Tin lá cải tồn tại được không chỉ vì khai thác được trí tò mò của người đọc, người xem mà còn vì chúng có "nhiệm vụ xã hội" của riêng mình.
Vì sao tin lá cải vẫn cứ “sống dai”?

Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

Vài ngày trước một người bạn gửi cho tôi một mẩu tin với đại ý thế này:

“Showbiz Nhật chao đảo. Đời tư đen tối của hàng trăm tên tuổi lớn đang bị phơi bày.”

Mới lướt mắt sang thấy con số hàng trăm, tôi giật mình. Nhưng cái ngạc nhiên đánh rơi sau 2 giây vì nội dung tiếp theo cho biết rằng con số hàng trăm này chỉ là dự đoán. Thực tế chỉ mới khoảng 5 người bị tiết lộ đời tư. Tò mò đi tìm tài khoản của người “bóc phốt”, tôi phát hiện ra điều bật ngửa hơn.

Sau khi nhanh chóng thu hút hơn 300 ngàn người theo dõi trên YouTube qua vài livestream miễn phí, người này, với cái tín 27 năm làm việc với nhiều nghệ sĩ lớn trong ngành giải trí, muốn thu phí người xem. Những lời từ anh thật giả, đúng sai thế nào vẫn chưa có bên thứ ba kiểm chứng. Thế nhưng, việc anh thu phí và nhiều người đồng ý bỏ phí để xem khiến tôi suy nghĩ về bản chất của những câu chuyện về người nổi tiếng. Vì sao người ta chê bôi “sốc, sex” nhưng vẫn xúm vào?

Làm trong ngành truyền thông, tôi nghe nhiều lời bàn tán rằng tin này tin vịt, trang kia lá cải. Rằng viết, nói về xì-căng-đan hay “hít hà drama” giới giải trí làm mất đi cái chất văn minh. Để tán thành ngay một câu “Đúng thế!” thật đơn giản, nhưng đau đớn là vấn đề đạo đức đôi khi rất khó để nói đúng sai. Vì dù chính tôi hay bạn có ghét cay ghét đắng những mẩu tin tức “câu view rẻ tiền” thì chúng cũng đã tồn tại hơn chục thập kỷ qua, và chưa có vẻ gì sẽ biến mất.

Nói như vậy, tôi không có ý bênh vực những người giật tít về người nổi tiếng. Thay vào đó, tôi viết vì tin có một sự thật cần được nhìn nhận, rằng những kiểu tin sốc về người nổi tiếng vẫn cứ ra đời một phần vì chúng đánh vào những bản năng tâm lý. Mặt khác, chúng có nhiệm vụ xã hội của riêng mình, dù không phải lúc nào cũng thế.

(Cụm từ “tin lá cải” trong bài viết này được dùng để nhắc đến các loại tin giật gân về người nổi tiếng, loại chiếm ưu thế trong thế giới tin tức. Không bàn rộng đến các loại tin giật gân nói chung.)

Tin lá cải: Cách thế giới đô thị hóa nói chuyện phiếm

Nếu ngồi ăn trưa cùng các giáo sư lịch sử, các nhà vật lý hạt nhân, bạn nghĩ họ sẽ nói về điều gì? Họ sẽ nói về các nguyên nhân đã châm ngòi cho Thế chiến thứ nhất? Hay họ bàn về hạt quark?

Nếu xét theo định luật “bảo toàn hình ảnh cá nhân”, câu trả lời của tôi sẽ là “Đúng. Bao quanh những con người uyên bác đó sẽ toàn là những vấn đề vũ trụ, thế giới”.

Thế nhưng, thực tế lại trái ngược, tác giả Yuval Noah Harari khẳng định trong cuốn sách Lược Sử Loài Người. Các bậc vĩ nhân cũng tán gẫu về những việc hết sức đời thường. Chẳng hạn như cuộc ngoại tình của một vị giáo sư nọ, hay tin đồn một người đồng nghiệp kia biển thủ quỹ nghiên cứu để mua một chiếc Lexus.

Nước biển coacute giới hạn nhưng chuyện phiếm về người nổi tiếng khocircng bao giờ cạn
Nước biển có giới hạn nhưng chuyện phiếm về người nổi tiếng không bao giờ cạn.

Về bản chất thì chúng chẳng khác gì câu chuyện bác hàng xóm ngoài ngõ tám về việc anh X đi tù, hay cô Y dính bầu. Chúng tập trung vào những việc làm sai trái, tạo ra những cuộc bàn luận về chuẩn mực xã hội, và không kém phần quan trọng là tạo ra các liên kết nhóm. Khi có một câu chuyện chung để nói đến, bất kể địa vị, chuyên môn, nghề nghiệp, con người được thoả mãn nhu cầu bản năng là được thuộc về một cộng đồng nào đó.

Đây là điều mà có lẽ ai đang hoặc đã từng sinh sống tại nông thôn cũng có thể cảm nhận rất rõ. Những câu chuyện như Thị Kính, Thị Nở có xảy ra phía bên kia thôn, cách xa chục cây số, thì nói tới ai cũng biết. Tưởng xa mà lại thật gần. Chẳng giống thành phố. Nhà sát nhà mà có khi chỉ thấy tiếng, không biết “hình”.

Lúc này đây, truyền thông đại chúng có đất làm việc. Chuyện một ca sĩ nọ hát nhép, cô diễn viên kia lộ hàng, ông giám đốc nào đó bị cắm sừng cứ thế trở thành chuyện của chung. Những cá nhân rời rạc, không cùng quê hương, huyết thống, nhờ đó có cơ sở để vin vào mà xác định sự tồn tại của mình. Rằng họ thuộc về một cộng đồng “yêu hoà bình”, “sống ngay thẳng”, “ghét giả tạo” nào đó lớn hơn. Sự chuyển đổi này, theo nhà xã hội học Louis Wirth, là một hệ quả của lối sống đô thị hoá.

Đồng thời, với dòng chảy toàn cầu hoá và sự phát triển của internet, sự chuyển đổi đó đang diễn ra rất đa chiều. Giờ đây ngay cả những người đang sinh sống tại nông thôn cũng có nhu cầu được liên kết với nhau vượt khỏi phạm vi gia đình, thôn, xã.

Thế nhưng, tại sao lượng tin về người nổi tiếng lại chiếm ưu thế trên các trang tin, báo chí? Nếu để kết nối con người với nhau thì bất kỳ mẩu tin nào về tình hình thời sự có lẽ đã đủ rồi mà?

Đúng là thế, nhưng…

Truyền thông không (chỉ) truyền tải thông tin để kết nối con người

Truyền thông (còn) mua bán sự chú ý, nếu không muốn nói món hàng chính của ngành kinh doanh này là đôi mắt, đôi tai và tâm trí của bạn. Các bài báo, TV show,... thu hút sự chú ý của công chúng, đong đo thành các con số, rồi bán lại cho các nhà quảng cáo, nhà tài trợ.

Mà ở đây “phương tiện” giúp đạt được hiệu quả trao đổi cao nhất là người nổi tiếng và ước mơ họ tạo ra. Họ là những người có một vài phẩm chất đáng ngưỡng mộ nào đó. Họ là hiện thân của địa vị, phong cách sống mà con người muốn hướng tới, dù đôi khi chúng chỉ là hình ảnh tưởng tượng.

Tựa như caacutec biểu tượng người nổi tiếng đại diện cho caacutec khuocircn mẫu tiacutenh caacutech hay triết lyacute phong caacutech sống trừu tượng phức tạp magrave chuacuteng ta khocircng thể tổng hợp vagrave mocirc tả đơn giản Nguồn Soompi amp Star Cinema
Tựa như các biểu tượng, người nổi tiếng đại diện cho các khuôn mẫu tính cách hay triết lý, phong cách sống trừu tượng, phức tạp mà chúng ta không thể tổng hợp và mô tả đơn giản. | Nguồn: Soompi & Star Cinema

Chức năng đại diện cho các căn tính xã hội, hay nói cách khác là “làm gương” này của người nổi tiếng này đã được tác giả David P. Marshall bàn luận trong cuốn Celebrity and Power: Fame in Contemporary Culture.

“Các thông điệp mà người nổi tiếng cung cấp cho công chúng đều xoay quanh quá trình định vị căn tính cá nhân, sự khác biệt xã hội và tính phổ quát trong các kiểu mẫu nhân cách. Người nổi tiếng tái trình hiện lại một vị trí chủ thể (subject position) mà công chúng có thể sử dụng hoặc phỏng theo trong quá trình hình thành căn tính xã hội của mình”.

Và truyền thông rất biết cách tận dụng đặc tính đó. Nhất cử nhất động của các ngôi sao đều được ghi lại như một chương trình thực tế, hay một bộ phim dài tập (như cách dân cư mạng dùng từ 'drama') rồi chiếu rộng rãi cho người xem.

Quá trình này thậm chí càng được đẩy mạnh khi khả năng truyền thông bây giờ không còn nằm trong tay một vài cơ quan báo đài hay tổ chức nào cả. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, người tiêu thụ cũng có thể trở thành người đưa tin. Chỉ cần thu hút được sự chú ý, bạn đã trở thành một mắt xích được hưởng lợi tay trên trong hệ thống truyền thông. Tỉ dụ như YouTuber phơi bày đời tư của nhiều nghệ sĩ Nhật đã nhắc ở đầu bài.

Dù không thích, nhưng có lẽ chúng ta cũng phải phần nào thừa nhận câu nói gây tranh cãi gần đây của Khánh Vân: “Tôi cười hay tôi khóc đều có thể từ đó mà kiếm được tiền. Bạn thích hay bạn ghét tôi cũng đều khiến tôi kiếm được tiền.”

Sự chú ý của bạn là nguồn thu quảng cáo cho truyền thông và là nguồn dữ liệu khách hàng tiềm năng cho các thương hiệu. Đúng như nhà sử học Daniel Boorstin kết luận: người nổi tiếng có thế lực như hiện nay phần nhiều là nhờ chủ nghĩa tiêu dùng.

Thế nhưng, tại sao phải là tin giật gân về người nổi tiếng, mà không phải chỉ là tin về người nổi tiếng nói chung?

Truyền thông tạo nên “những người phi thường có thật”

Ở góc nhìn trên, truyền thông hiện ra như một kẻ “hóng hớt”, đeo bám vào sự nổi tiếng có sẵn. Thế nhưng, chính họ cũng nắm trong tay hai thế lực điều khiển xã hội.

Thứ nhất, họ tạo nên người nổi tiếng.

Một diễn viên điện ảnh sẽ chỉ trở thành ngôi sao khi công chúng thấy rằng đời sống thật của họ cũng thú vị không kém vai diễn. Đặc biệt là khi chúng được hé lộ thông qua một ai đó. Dần dần, danh tiếng được thêu dệt của họ sẽ bện chặt vào, hoặc thậm chí sống lâu hơn ký ức về chính sự nghiệp của họ.

Hay một ca sĩ chỉ đơn thuần hát hay ở thời đại ngày nay sẽ chẳng thể nào vụt sáng trở thành ngôi sao. Ở một mức độ nào đó, anh cần tạo được sự chú ý trước hết đối với giới truyền thông trước khi trở thành người của công chúng. Một đám cưới của hot girl có trăm ngàn người theo dõi đi nữa cũng không thể được cả triệu người dân để ý đến nếu không có hệ thống báo chí. Thậm chí, một nhân vật lạ lẫm cũng có thể trở nên tiếng tăm nhờ truyền thông.

Cơ chế hoạt động của quá trình tạo nên sự nổi tiếng này cũng giống như cơ chế toả sáng của một ngôi sao theo đúng nghĩa đen. Trong mắt mọi người, họ sẽ mãi là những hành tinh khô cằn nếu không có ánh sáng từ mặt trời chiếu vào. Mà mặt trời ở đây chính là các khán giả. Truyền thông tạo ra ngôi sao nhờ điều khiển ánh nhìn của đại chúng. Và câu chuyện lại quay về việc truyền thông được hưởng lợi quảng cáo như đã nhắc đến ở phần trên.

Điều này là rất khác với thời kỳ đồ đá, khi một người tự tay săn được một con thú hoang hay cứu mạng đồng loại sẽ được ghi nhận tương xứng. Danh tiếng của họ là tín hiệu về khả năng hợp tác sống còn. Điều này là rất khác so với thời của Aristotle, Beethoven, Newton, Darwin, Marie Curie hay các hoàng đế, quốc vương, đức giáo hoàng. Họ thụ hưởng danh tiếng thông qua năng lực hoặc/và quyền lực.

Họ là các anh hùng tự tạo nên chính mình. Còn người nổi tiếng thì “nổi tiếng vì sự nổi tiếng của họ”, một sản phẩm chỉ có ở thời kỳ truyền thông phát triển.

Caacutec bức ảnh paparazzi cagraveng đời thường nhogravee thiếu saacuteng dường như lại cagraveng coacute giaacute trị
Các bức ảnh paparazzi càng đời thường (nhòe, thiếu sáng,...) dường như lại càng dễ đón nhận.

Và khi đã nâng tầm một người bình thường lên mức phi thường bằng cách bán cuộc sống cá nhân của họ cho công chúng, truyền thông cũng thực hiện điều ngược lại. Họ lật ngửa tấm bài mang hình ảnh đời sống bình thường của một người phi thường, để nhắc nhở công chúng rằng người nổi tiếng thì cũng là người. Họ cũng buồn sầu, chia tay, ngoại tình. Họ cũng nổi mụn, sinh con, nuôi con.

Thông qua hành động bật tắt công tắc “riêng tư - công cộng” khi đưa tin, truyền thông như thay công chúng kiểm chứng thực lực của ngôi sao. Nếu chính ngôi sao có sức hút mạnh mẽ của riêng mình, ánh hào quang vẫn sẽ phần nào sáng. Có khi còn lấp lánh hơn tuỳ thuộc vào cách họ giải quyết khủng hoảng. Khi đó, công chúng sẽ thêm mê đắm thế giới lộng lẫy của họ vì tìm được điểm chung, vì có cảm giác gần gũi.

Nếu không, trong cuộc kiểm chứng này, truyền thông tước đi quyền lực của “kẻ không xứng đáng”, điều được quyết định bởi quan toà đại chúng. Đó là chưa kể sự can thiệp chính thức của các cơ quan chính phủ.

Truyền thông đến cuối cùng chỉ là kẻ ở giữa, được trao quyền giật dây.

Bạn đang bán đôi mắt của mình cho ai?

Nếu làm theo lời của tác giả Rolf Dobelli trong cuốn sách nổi tiếng của ông - “Nghệ thuật kiêng khem tin tức”, tôi sẽ phải cắt đứt hoàn toàn với thế giới tin tức nếu không muốn đối mặt với các kiểu tin giật gân. Bởi tin tức sẽ không bao giờ ngơi ngớt, nhất là khi ai cũng có thể đưa tin như hiện nay. Tôi phải dừng lại ngay công việc trong ngành truyền thông của mình nếu muốn có cuộc sống lành mạnh.

Thế nhưng, không chỉ vì đi ra khỏi nơi mua bán sự chú ý đó, mà tôi sẽ có thể để yên cho đôi mắt của mình. Xung quanh tôi đã là một mạng lưới thông tin dày đặc, với internet, bạn bè, người thân. Dù không chủ động, một lúc nào đó tôi vẫn sẽ bắt gặp loại tin tức giải trí, không thực sự cần thiết cho cuộc sống hiện tại của mình. Hơn nữa, tôi biết rằng mong muốn được hướng tới những cá thể xuất sắc hơn của mình sẽ luôn tồn tại.

Thế nên, trừ khi bản thân đã học được thế nào là đủ, tôi nghĩ mình cần học cách bơi, ý thức về quyền tự điều khiển sự chú ý trong bể thông tin đó, hơn là quẫy đạp và phê phán vùng tối của một bức tranh có-tối-có-sáng.