Sở thích viết lách của mọi người đa phần bắt đầu từ thói quen đọc sách. Nếu coi việc đọc sách là thu thập thêm kiến thức thì việc viết lách là khám phá những gì tiềm ẩn trong chính bản thân mình.
Lý do chúng ta ngày càng ít viết là gì?
Từ nhỏ ta đã được làm quen với viết lách, dưới dạng quen thuộc nhất là viết nhật ký, nhưng tại sao chúng ta thường không giữ được nó đến khi trưởng thành? Không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho câu hỏi này. Nhưng theo trải nghiệm của tôi, từ khi được tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên giải trí khác, thói quen viết nhật ký đã bị thay thế bởi những thú vui khác “nhanh” và “tiện” hơn. Sự bùng nổ của thời đại số đã và đang tước đi nhiều thói quen hay ho mà chúng ta từng làm và thích làm, một trong những việc đó là viết lách.
Tại sao chúng ta nên giữ thói quen viết?
Bởi dòng chữ là cách mà người viết thể hiện tâm tư, suy nghĩ và góc nhìn của bản thân. Sản phẩm của việc viết chính là đứa con tinh thần mà tác giả phải mất bao tâm huyết và chất xám để có thể chạm tới người đọc.
Việc viết lách cũng giống như việc nhắm mắt trong tĩnh lặng và thiền, hay uống một tách trà nóng dưới cái tiết trời se lạnh. Khi ấy những sóng gió cuộc đời bỗng chậm lại bằng dòng chữ được viết ra. Chúng ta, ai hẳn cũng có những trăn trở khó giãi bày. Viết phần nào giúp ta trút đi những tâm tư nặng trĩu đấy và hữu hình hóa những thứ vô hình thuộc về tiềm thức.
Viết còn là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất để ta khám phá những góc khuất của bản thân. Việc đặt tay lên giấy hay bàn phím để viết là sự đấu tranh to lớn với chính mình, cũng như những suy nghĩ mâu thuẫn trong đầu. Đôi lúc ta sẽ vô tình khám phá được một góc khác của bản thân, hoặc có khi lại cảm thấy thật trống trải sau khi tuôn hết những suy nghĩ lên trang giấy.
Tại sao viết giúp chúng ta biết cảm thông hơn?
Ý nghĩa của văn học và viết lách là để cảm hóa bản thân | Nguồn: Unsplash
Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, hẳn nhiều người đã từng nghĩ Ngữ Văn là môn học mà gần như không thể ứng dụng trong cuộc sống. Môn Lịch Sử đưa ta về những hồi tưởng của dân tộc; Địa Lý đem lại những góc nhìn thực tiễn về vị trí,vùng lãnh thổ, đất đai, tài nguyên, môi trường; hay Tiếng Anh giúp ta có lợi thế trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Đôi khi tôi cũng băn khoăn về mục đích của văn học. Để sau này viết hay hơn? Không hẳn. Để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của văn chương? Cũng không phải. Đến tận những năm sau đại học, tôi mới nhận ra ý nghĩa của văn học và viết lách, đó là để tự cảm hóa bản thân.
Điều cảm hóa ta không phải là sự dịu dàng trong câu chữ, mà tính chân thật khi ta đưa dòng suy nghĩ của mình đến với người đọc. Mỗi khi viết, ta luôn tự đặt mình về phía người đọc. Mọi người có cảm nghĩ gì về điều mình viết? Họ có thấu hiểu được niềm vui hay nỗi buồn của mình? Liệu những gì mình viết có đem lại giá trị cho ai đó ngoài kia?
Liên tục nhìn nhận và đánh giá dưới góc nhìn của người khác giúp ta vô thức hình thành sự cảm thông đối với mọi người. Nhờ đó, nó thay đổi sự phiến diện khi xem xét các vấn đề diễn ra trong cuộc sống.
Mạng xã hội vô hình trung khiến chúng ta tàn nhẫn với nhau hơn. Đó là nơi mọi người có thể thoải mái “xả” những bức xúc trong cuộc sống vì đã có "tấm lá chắn" là màn hình, mặc kệ những tổn thương mà mình có thể gây nên. Những lúc bị quá tải bởi sự tiêu cực trên mạng xã hội, tôi lại viết. Đôi khi chỉ để giải tỏa những trăn trở, đôi khi tôi viết với hy vọng có thể lan tỏa giá trị tốt đẹp giữa những khắc nghiệt trong cuộc sống.
Kết
Viết lách là một trong số những kỹ năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là cho đời sống tinh thần. Bắt đầu đặt bút thì dễ, nhưng biến nó thành thói quen qua nhiều năm tháng lại rất khó. Và bạn chỉ có thể nhận ra lợi ích thiết thực của nó khi bạn đã viết đủ lâu. Vì thế, bắt đầu thôi chưa đủ, mà hãy kiên trì với nó.