Câu cửa miệng của mọi người khi bị chất vấn về thói không (hoặc ít) đọc sách thường là “không có thời gian”. Nhưng thật ra, bạn có thể đọc nhiều sách hơn nếu bạn biết tận dụng các cơ hội của mình.
Thật ra, chúng ta có thời giờ để đọc mọi quyển sách ta muốn
Hằng ngày, chúng ta có vô số phút giây không dùng đến giữa các hoạt động. Khi cộng chúng lại, chúng ta dư được một quỹ thời gian không nhỏ.
Thử thách lớn nhất mà ta phải vượt qua để “khai thác” quỹ thời gian dư thừa chính là sự mất tập trung. Chúng ta quá xao nhãng để biết nên ưu tiên làm việc gì. Đấy là do cuộc sống hiện đại đầy rẫy những “cám dỗ”, liên tục kêu gọi sự chú ý của chúng ta, làm khả năng tập trung của ta ngày càng kém đi.
Con người ngày càng bận rộn
Đúng là chúng ta không có điều kiện để đọc như cách đây 50 hay 30 năm. Mỗi giây phút đọc sách nghiêm túc đều phải được lên kế hoạch, được “giành giật” từ những hoạt động khác.
Benjamin Franklin đã từng nói: “Kiến thức là khoản đầu tư sinh lời nhiều nhất." Vậy tại sao dành thời gian cho việc này lại khó khăn đến vậy?
Theo Daniel Goleman trong quyển “Focus: The Hidden Power of Excellence”, có hai kiểu phân tâm: phân tâm xúc giác (sensory distraction — mất tập trung do môi trường xung quanh) và phân tâm cảm giác (emotional distraction — mất tập trung do suy nghĩ của chính bạn).
Trong cuốn sách Deep Work, giáo sư Cal Newport cho rằng khả năng tập trung sẽ là một dạng IQ mới, là "siêu năng lực" của thế kỷ 21.
Để cải thiện khả năng tập trung và đọc tốt hơn, chúng ta cần vượt qua hai loại phân tâm kể trên. Cụ thể là giảm bớt phản ứng với những yếu tố làm phân tâm và điều tiết tâm trí để tập trung vào những điều quan trọng.
Ngay cả những người bận rộn nhất cũng dành ra thời gian để đọc
Charlie Munger, tỉ phú và đối tác lâu năm của Warren Buffett đã nói: “Tất cả những người thông thái mà tôi từng gặp đều là những người đọc chăm chỉ.”
Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffet, Mark Zuckerberg, Oprah Winfrey và nhiều danh nhân khác đều dành ra ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để tự trau dồi kiến thức. Được biết, Bill Gates đọc đến 50 quyển sách mỗi năm. Mark Zuckerberg đọc ít nhất 1 quyển trong 2 tuần.
Nếu muốn đọc nhiều hơn, hãy tự linh động
Có thể bạn đã từng nghe đến “tiêu chuẩn vàng” trong rèn luyện thể lực. Đó chính là đi 10.000 bước mỗi ngày. Đây không phải quy tắc bất di bất dịch, 10.000 là một mục tiêu dựa trên khoa học. Mỗi bước đi sẽ đưa bạn đến gần mục tiêu hơn, sức khỏe bạn cũng khá hơn qua từng bước chân.
Đọc sách là một quá trình tương tự. Bạn phải tích tiểu thành đại. Với mỗi trang sách bạn lại học thêm được một chút. Chỉ cần đọc mỗi ngày vài trang, rồi bạn sẽ hoàn thành cả quyển.
Nếu bạn muốn đọc thật nhiều sách mỗi năm, đừng kén chọn nơi hay phương tiện đọc. Cái hay của việc đọc là mình có thể làm nó ở bất cứ đâu.
Hãy tận dụng từng phút giây mà bạn có. Nếu bạn có cơ hội, hãy mở sách ra ngay. Nếu không có, hãy tự tạo. Nếu bạn thấy việc đọc đủ quan trọng thì bạn sẽ tự tìm được thời gian.
Nếu bạn là người dậy sớm, bạn có thể dành ra nửa tiếng để đọc trước khi ăn sáng. Nếu không gian không cho phép, nghe audiobook (sách nói) là một lựa chọn thay thế. Bạn có thể đọc khi đang ngồi trên chuyến xe đến chỗ làm. Nhiều người còn có thói quen đọc trước khi đi ngủ.
Nếu bạn hay bị phân tâm do tổ hợp Facebook, Instagram, Twitter,... hãy đóng mạng xã hội lại và mở sách ra nhiều hơn. Nếu muốn xây dựng thói quen đọc hàng ngày thì cũng cần vài sự thay đổi trong lối sống của bạn.
Tác giả Shane Parish từng nói: “Dành thời gian ra để đọc dễ dàng hơn bạn nghĩ nhiều. Chờ xe buýt? Đừng nhìn chằm chằm xuống đường mà hãy đọc. Chờ taxi? Hãy đọc. Trên xe lửa? Hãy đọc. Trên máy bay? Đọc chứ gì nữa. Chờ chuyến bay của bạn? Đọc nốt.”
Tôi thường đọc trên điện thoại, trên máy tính bảng hoặc nghe audiobook. Tôi để sách giấy ở khắp nhà để tiện tay thì mở ra. Từng trang tôi đọc được đều góp phần làm kiến thức của tôi phong phú hơn.
Nếu muốn tăng kỹ năng đọc hiểu, bạn sẽ phải lên kế hoạch để đọc hàng ngày và hàng tuần. Đọc sách là một lựa chọn — nên bạn phải tìm thời gian cho nó và biến nó thành thói quen.
Kết
Một khi đã quen với việc đọc, bạn sẽ không còn thấy nó như một hoạt động miễn cưỡng nữa. Bạn sẽ thấy nó thú vị hơn và sẽ không phải đấu tranh tư tưởng mỗi khi lật trang bìa. Hãy xây dựng thói quen đọc sách để có thể phát triển bản thân mỗi ngày.
Bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Thomas Oppong trên Medium.