Dành thời gian cho bản thân mà không thấy tội lỗi | Vietcetera
Billboard banner

Dành thời gian cho bản thân mà không thấy tội lỗi

Công việc và trách nhiệm đôi khi khiến bạn thấy tội lỗi nếu muốn dành thời gian cho mình. 5 Bước sau đây sẽ giúp bạn tìm lại thời gian chăm sóc bản thân.

Dành thời gian cho bản thân mà không thấy tội lỗi

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nhiều người vẫn chưa thể dành thời gian cho bản thân vì họ luôn đợi đến khi có lịch trình của mình trống. Thụ động chờ đợi để được nghỉ ngơi không phải là cách hiệu quả, guồng quay công việc và trách nhiệm gia đình sẽ không tự nhiên dừng lại. Khả năng cao là bạn sẽ kiệt sức trước khi đợi được thời gian trống cho mình.

Thay vào đó, bạn cần chủ động “giành" thời gian để quan tâm đến bản thân, dù là trong những ngày bận rộn.

Bước 1: Xác định hoạt động bạn muốn

Me time 1
Bước 1: Xác định hoạt động bạn muốn.

Bao gồm những hoạt động cơ bản và thiết yếu để bạn cảm thấy khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn:

  • Thói quen, hoạt động bạn cần để “sạc" lại năng lượng: ở một mình, ngồi ở quán cà phê quen thuộc, vẽ tranh,...
  • Người bạn thích gặp gỡ và trò chuyện.
  • Thời gian ngủ hợp lý: Mỗi độ tuổi cần thời lượng ngủ khác nhau. Dù trong cùng một nhóm tuổi, mỗi người lại có nhu cầu ngủ khác nhau. Nắm được điều này sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian đi ngủ tối ưu để hôm sau được tỉnh táo nhất.

Lưu ý rằng những hoạt động này là điều bạn “muốn", chứ không phải là “nên" hoặc “phải" làm. Bạn có thể liệt kê ra giấy để dễ rà soát khi cần.

Bước 2: Lọc ra những hoạt động bạn có thể đáp ứng

Me time 2
Bước 2: Lọc ra những hoạt động bạn có thể đáp ứng.

Điều bạn muốn thì có thể vô vàn, nhưng những ràng buộc trong cuộc sống đôi khi không cho phép bạn thoải mái thực hiện tất cả. Nhà huấn luyện quản lý thời gian Elizabeth Grace Saunders khuyên rằng bạn nên thu hẹp những hoạt động trong khả năng cho phép, hoặc tìm những hình thức thay thế phù hợp.

Ví dụ:

  • Bạn phải chạy deadline nên không thể đến phòng tập gym, thay vào đó bạn có thể tập theo những video ngắn 10 phút, thậm chí những động tác đơn giản chỉ mất 2-3 phút.
  • Bạn không thể đi du lịch xa, nhưng có thể staycation tại nhà hoặc quanh khu vực mình sống.
  • Vì con còn nhỏ nên bạn không thể rời mắt khỏi con quá lâu, nhưng vẫn có thể dành ra 5 phút để tập những bài hít thở sâu.

Bước 3: Chèn chúng vào thời gian biểu

Me time 3
Bước 3: Chèn chúng vào thời gian biểu.

Theo tiến sĩ ngành tâm lý sức khoẻ Linda Wasmer Andrews, không nên chờ đến khi thấy cần thời gian cho mình rồi mới tìm cách “chèn" chúng vào. Bởi vì khi đó bạn gần như đã đi đến giới hạn cả về thời gian rảnh lẫn sức lực và tâm trí. Thay vào đó, hãy đặt sẵn thời gian cho chúng. 

Một số mẹo từ tiến sĩ Andrews:

  • Phương pháp “lịch nhận thức" (conscious calendar): Thêm các hoạt động bạn “muốn làm” vào lịch trước các hoạt động “nên làm" hoặc “phải làm". Bạn có thể sử dụng luôn lịch công việc, nhưng nhớ để chế độ cá nhân.
  • Cài chuông nhắc nhở cho thời gian đã lên lịch. Ví dụ nhắc bạn 15 phút trước khi ngủ – để bạn bắt đầu kết thúc các hoạt động khác, hoặc sau giờ ăn trưa là 15 phút ngồi thiền.

Bước 4: Chuẩn bị tâm lý để thay đổi

Me time 4
Bước 4: Chuẩn bị tâm lý để thay đổi.

Một trong những rào cản của việc thay đổi lối sống hiện có và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân đó là thay đổi này kéo theo nhiều thay đổi khác. Cho phép bản thân có thời gian chuẩn bị và thay đổi từng bước sẽ giúp bạn giảm tâm lý kháng cự. Ví dụ:

  • Nếu định tập thể dục tại nhà, bạn có thể chuẩn bị thảm tập từ hôm trước và đặt sẵn quần áo ở nơi dễ thấy. Lưu sẵn các video hướng dẫn theo danh sách.
  • Nếu định làm bánh vào cuối tuần, bạn cần mua sẵn dụng cụ và nguyên liệu.

Tiến sĩ Andrews cho biết, thời gian đầu bạn có thể thấy hơi bứt rứt vì cảm giác ích kỷ và tội lỗi. Hãy tự nhủ rằng chăm sóc cho bản thân là bước đệm để bạn có thể hoàn thành các công việc khác và chăm lo cho người khác tốt hơn.

Bước 5: Trao đổi với người xung quanh

Me time 5
Bước 5: Trao đổi với người xung quanh.

Dành thời gian cho riêng mình cũng cần “teamwork", và điều này đòi hỏi một cuộc trao đổi hoặc chia sẻ với những bên liên quan. Chẳng hạn: 

Việc đặt ranh giới cá nhân tuy không thể đảm bảo bạn sẽ chặn được mọi yếu tố làm phiền mình, nhưng nó giúp bớt đi những đấu tranh nội tâm. Đó còn là tiêu chuẩn để bạn quyết định điều nào cần ưu tiên, và khi nào cần lên tiếng cho mình.