20 Giờ học về tình yêu qua... màu nước | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

20 Giờ học về tình yêu qua... màu nước

Tôi nhận ra bản lề của tình yêu không phải là đam mê cuồng nhiệt, mà là sự kiên nhẫn. 

20 Giờ học về tình yêu qua... màu nước

Nguồn: Unsplash

Tôi biết yêu từ năm 4 tuổi, khi say mê một… tờ giấy trắng. Nhìn khoảng trống trước mặt, tôi cảm thấy như được vùng vẫy giữa không trung.

Với năng lượng phá phách vô biên của một đứa trẻ, tôi cầm bút vẽ lên mọi mặt phẳng xung quanh mình - bàn ghế, giấy, và nhất là tường!

Vẽ là tình yêu đầu tiên của tôi, trước khi tôi mê nhiếp ảnh hay nấu nướng, và trước tất cả các anh người yêu sau này. Như bao người đang yêu, tôi mơ mộng về tương lai của “hai đứa”: lớn lên tôi muốn làm họa sĩ truyện tranh.

Và cũng như bao người đang yêu, “chúng tôi” cuối cùng bỏ nhau. Năm 14 tuổi, tâm trí tôi lao vào drama tuổi dậy thì và người bạn trai đầu tiên. Tôi không vẽ nữa.

alt
Màu nước là một loại màu rất đỏng đảnh. | Nguồn: Unsplash

Một đêm tháng trước, tự nhiên tôi cảm thấy một cơn “đói vẽ” lạ kỳ, đến mức 9 giờ tối lao ra khỏi nhà chạy khắp mấy quận tìm mua giấy bút. Khổ nỗi, đã 11 năm trôi qua rồi, não tôi chẳng còn nhớ gì nữa.

Thế là tôi học vẽ lại từ đầu. Và đây là những gì diễn ra trong 20 giờ đầu tiên.

1. Bắt đầu nhỏ thôi

Hồi bé, tôi thích vẽ nhưng rất ghét học vẽ. Thầy giảng quá nhiều lý thuyết, nhưng đến lúc thực hành lại chỉ cho vẽ một quả cam (!) Với sự lạc quan và hiếu thắng của người mới yêu lần đầu, tôi bỏ ngoài tai lời người lớn và nhảy vào vẽ những thứ đồ sộ.

Tôi ngay lập tức vấp: tôi không hiểu đủ về không gian và chất liệu để thể hiện trí tưởng tượng đa chiều của mình lên mặt giấy 2D.

Bạn đã bao giờ bất lực vì không hiểu nổi người mình yêu? Cảm giác này rất phổ biến với những người học vẽ. Và chỉ có một cách giải quyết: khiêm tốn lại, đón nhận sự giúp đỡ, chịu khó lắng nghe.

Đừng coi những bức vẽ đầu là “sáng tác”. Hãy coi đó là cơ hội quan sát những gì mình chưa hiểu: hành vi của màu vẽ trên mặt giấy, sự tương tác của các vật thể trong một bố cục, hiệu ứng thị giác của các kỹ thuật đi màu khác nhau.

Buồn (cười) ở chỗ, bây giờ hết tham vọng làm họa sĩ rồi, tôi mới chịu ngồi xem cả tiếng tutorial trên YouTube. Khi không vẽ, tôi nghe các họa sĩ giảng những bài học vỡ lòng. Khi vẽ, tôi ngoan ngoãn vẽ một quả cam.

Tôi nhận ra bản lề của tình yêu không phải là đam mê cuồng nhiệt, mà là sự kiên nhẫn.

alt
Bầu trời là thứ dễ vẽ nhất cho những người mới bắt đầu. | Nguồn: Unsplash

2. Làm quen với sự không-hoàn-hảo

Trong màu nước, nước không phải là màu, mà là một phương tiện mang các hạt sắc tố màu phân bổ lên giấy. Khi tranh khô và nước bốc hơi, thứ còn lại trên mặt giấy mới là màu. Vì vậy, học vẽ màu nước thực ra là học cách “lái nước”.

Mỗi chất liệu màu có một kiểu “đỏng đảnh” khác nhau. Màu poster được coi là dễ tính, nếu bạn lỡ vẽ sai thì đợi khô rồi đè màu khác lên là được. Màu nước thì thôi rồi, trong suốt và lồ lộ, nếu muốn sửa nét sai phải đè đến hai ba lần thì may ra. Không màu nào dễ chịu như bút chì, cho mình tẩy xóa.

Đôi khi, bạn phải chấp nhận bản vẽ này hỏng rồi, và đứa ngốc là bạn đã tiêu tốn cả ba tiếng đồng hồ vào một thất bại. Cũng như tôi đã từng tiêu tốn bao năm tuổi trẻ vào những cuộc tình tan nát.

Hồi bé, khi vẽ hỏng, tôi vò giấy ném vào sọt rác như một kiểu trốn tránh thất bại. Bây giờ, tôi chỉ lặng lẽ ngắm nhìn bức tranh hỏng và rút kinh nghiệm cho lần sau. Cũng như vậy, những cuộc tình cũ trở nên nhẹ như giấy nháp.

3. Vẽ để sống vui

Tôi rủ một đứa bạn học vẽ. Nó hỏi, “Đang yên đang lành sao tự nhiên phải vẽ?”

Câu cà khịa này chính ra lại rất đáng hỏi. Tại sao phải đầu tư thời gian và sức lực vào một thứ chưa rõ giá trị?

Vậy thì tôi sẽ cho các bạn một lý do: hãy vẽ để tự chữa lành. Cũng như chơi đàn, nhảy, hay diễn xuất, vẽ là một dạng trị liệu nghệ thuật (art therapy). Nó giúp chúng ta đối diện với cảm xúc của mình và chuyển hóa những điều không nên lời thành tác phẩm.

Vẽ đã được khoa học chứng minh là một hoạt động có lợi cho sức khỏe tâm-thân. Khi Millennials được gọi là thế hệ lo âu còn Gen Z thì đặt nickname cho trầm cảm, trị liệu nghệ thuật có thể chính là một giải pháp thời đại.

Nếu bạn muốn sống vui sống khỏe, bạn sẽ cần một cách lành mạnh để xả ra những cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể tập gym, chạy bộ, thiền. Hoặc như tôi, bạn có thể vẽ.

alt
Thời gian trôi thế nào khi các bạn bên nhau? Thấm thoát hay tù đọng? | Nguồn: Unsplash

4. Ơ, nhưng bạn có thật-sự thích vẽ không?

Hỏi một họa sĩ làm sao để vẽ mỗi ngày trong 13 năm trời, tôi chuẩn bị đón nhận một bài phát biểu đầy cảm hứng về đam mê. Nhưng anh ấy chỉ nói, “Dễ lắm. Nếu em thật-sự thích một việc gì hay một ai đó, thời gian sẽ trôi rất nhanh khi em bên họ.”

Người Việt dùng một từ rất chuẩn để mô tả cách thời gian trôi nhanh: thấm thoát. Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi thì gọi đó là trạng thái flow trong cuốn sách nổi tiếng cùng tên.

Khi đang “flow”, bạn cảm thấy một niềm hân hoan sâu sắc, và tâm trí bạn kết nối hoàn toàn với thực tại. Và 20 tiếng ngồi vẽ (hoặc ngồi bên crush) sẽ cảm giác như hai giờ.

Làm sao để biết một công việc hoặc một người có hợp với mình hay không? Tôi nghĩ câu hỏi đúng phải là: Thời gian trôi thế nào khi các bạn bên nhau? Thấm thoát hay tù đọng?

5. Khi sở thích là miếng ghép tạo nên bản dạng

Nếu bạn có một sở thích cũ giờ đã bỏ, hãy thử quay lại với nó. (Lời khuyên này không áp dụng cho người yêu cũ.)

Giống như khi về trường tiểu học và thấy cái gì cũng bé hơn mình nhớ, tôi nhận ra mình đã thay đổi như nào khi bắt đầu vẽ lại. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những giá trị cốt lõi “bám rễ” từ tấm bé mà giờ vẫn còn nguyên, ví dụ như sự tò mò về thế giới và tình yêu với cái đẹp.

Điều gì vẫn còn nguyên trong bạn từ bé đến giờ?

Những sở thích, ngoài việc giúp chúng ta “giết thời gian”, còn có một vai trò quan trọng trong việc hình thành bản dạng cá nhân. Nó nhắc ta rằng mình đã và đang là ai, điều gì quan trọng với mình, và một cuộc sống như nào sẽ khiến mình hạnh phúc.

Yuval Harrari luôn kêu gọi loài người tìm hiểu thật kỹ bản thân mình trước khi những thuật toán kịp làm việc đó. Tôi nghĩ rằng sở thích là miếng ghép tối quan trọng trong sự thấu hiểu ấy.

6. Yêu lại từ đầu

Nhà diễn thuyết kiêm tác giả Zig Ziglar từng nói thứ tạo nên sự học chính là việc lặp đi lặp lại. (“Repetition is the mother of all learning.”) Triết lý này được kiểm chứng bởi những tập đoàn giáo dục lớn như Kumon (Nhật Bản) và hàng loạt các ứng dụng spaced-repetition learning (SRL).

Học vẽ cũng vậy. Bạn không cần “có năng khiếu” để vẽ đẹp. Bạn chỉ cần vẽ nhiều. Vẽ đi vẽ lại. Tiếp tục vẽ dù biết mình vẽ dở.

Trong tiếng Anh có một cụm biểu đạt tôi rất thích: to come full circle - đi một vòng chỉ để trở về điểm xuất phát. Đó là khi quần ống loe trở lại thành trend, và khi bạn nhận ra dù đi đâu thì bố mẹ vẫn là người thương mình nhất. Đó cũng là mối quan hệ của tôi với vẽ.

11 năm không vẽ, tôi đi một vòng trái đất để học những điều xa xôi, bỏ lại sau lưng những tình yêu ở ngay bên mình.

Năm 25 tuổi, tôi quay về bên trang giấy trắng. Trên mặt giấy, tôi nhìn thấy tình yêu.