Time blindness - Liệu có hội chứng khiến bạn “mù” thời gian? | Vietcetera
Billboard banner

Time blindness - Liệu có hội chứng khiến bạn “mù” thời gian?

Chúng ta đã biết về chứng “mù đường” khiến ta đi mãi không tới nơi cần đến. Nhưng bạn có biết có cả hội chứng gây “mù” thời gian nữa?
Time blindness - Liệu có hội chứng khiến bạn “mù” thời gian?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Hẳn chúng ta đều muốn hoàn thành deadline đúng hạn, không “cao su” trong các kèo hẹn hò, nhịp nhàng phân bố thời gian giữa công việc - cuộc sống. Thế nhưng đời vốn không như mơ, ta vẫn mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Bạn tự hứa với bản thân chỉ lướt TikTok 10 phút rồi làm việc tiếp, nhưng khi nhìn đồng hồ thì 1 tiếng đã trôi qua. Bạn hứa hẹn với đám bạn 15 phút nữa sẽ tới, nhưng rốt cuộc bạn mất tới 45 phút để tìm đường và vượt qua tắc đường.

Sự mất kiểm soát về thời gian này có thể là dấu hiệu “mù” thời gian (time blindness). Nhưng bạn lưu ý bài viết này không mang tính chất ngụy biện cho sự chậm trễ, mà chỉ thể hiện khía cạnh tâm lý học của việc quản lý thời gian “lỏng lẻo”.

Time blindness là gì?

Đã bao giờ bạn nghĩ ta có thể ước lượng thời gian nhờ não bộ?

Theo Verywell Mind, não bộ có thể dự đoán thời gian qua số lần tim đập xấp xỉ trong một phút. Kết hợp với ánh sáng và nhiệt độ môi trường, ta có thể suy đoán tương đối tốt về thời gian hiện tại trong ngày, hoặc số giờ cần thiết để hoàn thành một việc.

Tuy nhiên với người gặp hiện tượng time blindness, khả năng nhận thức thời gian của họ bị hạn chế. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn khi ước lượng và quản lý thời gian.

Theo chuyên gia tâm lý Amy Morin, những người “mù thời gian” thường đánh giá cao tốc độ hoàn thành việc của mình, và đánh giá thấp độ mất thời gian của các yếu tố bên ngoài.

Time blindness hiện chưa được coi là một bệnh lý tâm thần, song nó gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất công việc và lịch trình sinh hoạt hàng ngày.

Biểu hiện của time blindness?

Bạn có thấy mình luôn chệch nhịp trong thời gian biểu hàng ngày? Theo Healthline, dân “mù” thời gian chính hiệu thường có các biểu hiện như:

Tính sai thời gian cần thiết để làm một việc

Hiện tượng này còn gọi là “ngụy biện lập kế hoạch” (planning fallacy). Chẳng hạn bạn hứa với sếp hoàn thành deadline sau 3 tiếng, nhưng làm rồi mới thấy phải mất 1 ngày mới xong. Về lâu dài, điều này khiến bạn thường xuyên đi muộn, trì hoãn công việc và trễ deadline.

Mất cảm giác thời gian trôi qua

Bạn chỉ định ngồi móc len xả stress trong 30 phút. Nhưng rồi bạn… quá mải móc và không còn để ý trời đất trăng sao gì xung quanh. Lúc nhìn lên đồng hồ thì thấy 2 tiếng đã trôi qua.

Lúc này nếu may mắn còn thời gian, bạn phải vắt giò lên cổ để chạy kịp deadline. Nhưng nếu xui thì deadline đã trôi qua từ bao giờ, bạn bị cả sếp, đồng đội lẫn khách hàng khiển trách.

Khó chuyển từ việc này sang việc khác

Bạn đang làm dở một đầu việc, nhưng phải chuyển sang làm một việc khác gấp hơn. Vì chưa hoàn thành việc cũ nên não bạn vẫn “mắc kẹt” ở đó, mặc cho mọi người đều giục giã hoàn thành việc mới. Dưới tác động của hiệu ứng Zeigarnik, bạn không còn ý niệm về thời gian, chỉ muốn làm cho xong việc dang dở kia.

Không nhận thức được thời gian hiện tại

Nếu có nếp sinh hoạt ổn định, bạn có thể dễ dàng ước chừng “lúc này là mấy giờ” dù không nhìn đồng hồ. Nhưng người “mù” thời gian thì không như vậy - chẳng hạn họ tỉnh dậy lúc 9 giờ mà vẫn nghĩ là mới 7 giờ sáng.

Tất nhiên điều này có thể bị điều kiện ánh sáng hay thời tiết tác động (chẳng hạn mùa đông trời sáng chậm hơn mùa hè). Nhưng nhìn chung với người “mù” thời gian, họ gặp hiện tượng này trong liên tiếp nhiều năm, vào bất kể thời điểm nào.

Vì sao nhiều người lại có “điểm mù” thời gian?

Chúng ta ít nhiều đều đã trải qua những khoảnh khắc trên. Nhưng với nhóm “mù” thời gian kinh niên, họ thường xuyên chậm trễ trong khi không cố tình. Trên thực tế, họ cũng đang “vật lộn” để nhận diện và quản lý thời gian, và có thể thuộc một trong hai trường hợp sau:

Mắc chứng ADHD hoặc ASD tiềm ẩn

Theo Healthline, những người gặp khó khăn trong nhận thức thời gian có thể mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) mà chưa được chẩn đoán.

Một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cũng nhận định, vỏ não trước (frontal cortex) của người mắc ADHD có cơ chế hoạt động kém hơn não bình thường. Đây là cơ quan đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta ước lượng thời gian.

Nhóm ADHD cũng bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khả năng chú ý và nhận thức thời gian. Nói cách khác, dopamine trong những bộ não này không ở mức bình thường, khiến họ khó làm chủ được thời gian.

Khác biệt về nhận thức

Với những người bình thường, vài khác biệt nhất định trong nhận thức cũng có thể khiến họ khó làm chủ thời gian. Chẳng hạn thay vì xử lý thông tin theo thứ tự thời gian xảy ra, họ lại sắp xếp chúng theo thứ tự ưa thích, khiến việc đánh giá thời gian chính xác khó khăn hơn.

Ví dụ bạn làm to-do list cho các đầu việc cần làm. Nhưng thay vì ghi rõ task nào làm trước, task nào làm sau, task nào quan trọng hơn… bạn lại làm theo kiểu nhớ ra gì thì viết nấy. Thành ra cuối cùng bạn có một “ma trận” đầu việc dài như sớ không theo trình tự nào. Vì vậy bạn cũng không nhớ nổi việc gì cần xong lúc mấy giờ, mất bao lâu để hoàn thành.

14mar2024intext1jpg
Nếu không xử lý thông tin theo trình tự thời gian, bạn rất dễ lạc vào “ma trận”.

Sinh hoạt “vô tổ chức”

Một vấn đề “xưa như trái đất” nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng nhận thức thời gian của chúng ta.

Nếu thường xuyên thức khuya, dậy muộn hay ăn uống không theo giờ giấc cố định, bạn rất khó hình dung chính xác mốc thời gian hiện tại. Bạn cũng sẽ khó nhận thức được thời gian trôi qua, và lượng thời gian cần thiết để hoàn thành một việc.

Làm sao để “xóa mù” thời gian?

Time blindness có nhiều nguyên nhân liên quan đến não bộ, nhưng không có nghĩa chúng ta không thể chủ động thay đổi nó. Bạn có thể áp dụng các mẹo nhỏ sau để từ từ cải thiện khả năng nhận thức thời gian của mình, từ đó quản trị cuộc sống và công việc tốt hơn:

“Nhận diện” các việc ngốn nhiều thời gian

Theo Get In Flow, đan móc len, lướt TikTok hay cày Netflix đều là các hoạt động thuộc dạng “time suckers”. Đây là những việc ngốn rất nhiều thời gian, và có yếu tố “gây nghiện” (một khi đã bắt đầu thì khó dứt ra được). Để tránh bị chúng “rút” hết thời gian quý giá, hãy chắc chắn bạn không dính vào chúng cho đến khi hoàn thành hết deadline trong ngày.

Đặt nhiều báo thức với âm thanh khác nhau

Ví dụ để chuẩn bị cho buổi họp, bạn có thể đặt báo thức trước 1 tiếng để kịp đến cơ quan, trước 30 phút để chuẩn bị tài liệu, trước 15 phút để ổn định chỗ ngồi. Bạn có thể chọn những âm thanh khác nhau cho từng đầu việc, tuy nhiên chú ý không để âm lượng quá to, gây ảnh hưởng tới các đồng nghiệp khác.

Lập thời gian biểu

Nhiều khi những biện pháp tưởng chừng “lỗi thời” nhất lại có hiệu quả nhất, và thời gian biểu chính là một ví dụ. Làm một thời gian biểu ghi rõ giờ nào làm việc gì trong ngày, đặt cạnh một chiếc đồng hồ, vậy là bạn sẽ luôn được nhắc nhở tuân thủ theo.

Ngày nay chức năng này đã được tích hợp trong rất nhiều máy tính, ipad. Chỉ cần mở máy tính lên là bạn đã thấy cả thời gian biểu lẫn đồng hồ trong cùng một màn hình. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian bạn sẽ dần hình thành thói quen sinh hoạt có tổ chức, cũng như nhận thức tốt hơn về thời gian.

14mar2024intext2jpg
Làm thời gian biểu sẽ giúp bạn nắm rõ việc gì làm trước, làm vào giờ nào.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên ghi chú số thời gian hoàn thành các công việc hàng ngày. Dữ liệu này sẽ giúp bạn dễ hình dung lượng thời gian mình cần cho từng đầu việc, để lên kế hoạch và bố trí thời gian phù hợp.

Nhờ người khác nhắc hộ

Khả năng tự kỷ luật của con người vốn có hạn. Nếu đã thử các công cụ chạy bằng điện mà chưa có hiệu quả, bạn hãy thử chuyển sang công cụ “chạy bằng cơm”.

Chẳng hạn nếu thường xuyên dậy trễ vào những hôm họp sáng, bạn nhờ một đồng nghiệp nhắn tin nhắc bạn vào buổi tối trước những hôm đó. Lúc này bạn sẽ có “áp lực” phải trả lời đồng nghiệp, vì vậy cũng sẽ nhớ luôn về thời gian và việc phải làm.

Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn làm điều này cùng nhiều người khác nữa. Các bạn có thể đặt thông báo/nhắc nhở chung trong nhóm, và đến giờ thì mọi người nhắc nhau thực hiện. Event “Đi Ngủ Sớm Đi” trên Facebook gần đây chính là một ví dụ điển hình.