Luận bàn về hạnh phúc trong bối cảnh cao trào của đại dịch liệu có phải lúc? Việc bị mắc kẹt trong nhà khiến ta khó tránh khỏi nhiều bất tiện, nhưng cũng nhờ sự tĩnh lặng bất đắc dĩ ấy, ta mới có cơ hội ngẫm sâu hơn về cuộc đời, điều mà ta chẳng mấy khi làm được trong nhịp sống bận bịu trước đây. Nghĩ lại thì nói về hạnh phúc trong thời điểm này là vô cùng hợp lý.
Không phải tôn giáo, triết học hay các bộ môn nghệ thuật nào khác, bài viết này sử dụng những tư liệu từ hoạt động nghiên cứu khoa học về hạnh phúc để giúp bạn chuẩn bị cho hành trình tạo dựng một cuộc sống đủ đầy và ý nghĩa, dẫn lối bạn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Những tư liệu đó được đúc kết qua 3 công thức ngắn gọn sau đây.
Công thức 1: An lạc tự thân = Gen di truyền + Hoàn cảnh + Thói quen
Tại sao là an lạc tự thân mà không phải là hạnh phúc? Nhiều nhà khoa học cho rằng hạnh phúc là một từ quá chủ quan và hàm chứa nhiều sắc thái nghĩa khác nhau. Trong ngôn ngữ thường ngày, hạnh phúc được dùng để ám chỉ nhiều vấn đề, từ đơn thuần cho đến sâu sắc. Trái ngược, an lạc tự thân lại là câu trả lời cho kiểu câu hỏi “Ngẫm lại mọi thứ, bạn cảm thấy như thế nào trong mấy ngày nay – bạn sẽ nói rằng mình rất hạnh phúc, khá hạnh phúc hay không quá hạnh phúc?” như thường thấy trong các bảng khảo sát.
Công thức 1 tóm gọn một khối lượng kiến thức hàn lâm đồ sộ về an lạc tự thân, bắt đầu bằng tính di truyền của hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy di truyền là một yếu tố lớn để xác định “điểm quyết định” của an lạc tự thân, cũng chính là vạch nền tảng mà bạn sẽ quay lại sau khi các biến cố trong cuộc sống thay đổi tâm trạng của bạn. Hai nhà tâm lý học David Lykken và Auke Tellegen từng tiến hành phân tích trên một cặp song sinh được nuôi dạy riêng từ nhỏ và kiểm tra về trạng thái an lạc tự thân khi họ trưởng thành. Kết quả cho thấy yếu tố di truyền ảnh hưởng đến an lạc tự thân chiếm khoảng 44-52%, nghĩa là khoảng một nửa.
Hai yếu tố còn lại là hoàn cảnh và thói quen. Hoàn cảnh — bao gồm cả thuận lợi lẫn bất lợi và xuất hiện vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời — chiếm tới ít nhất 10% và nhiều nhất 40%. Nhiều học giả cho rằng, tuy hoàn cảnh đóng vai trò lớn nhưng không quá quan trọng, bởi vì ảnh hưởng của hoàn cảnh không kéo dài quá lâu.
Chúng ta thường nghĩ rằng được thăng chức sẽ khiến ta hạnh phúc mãi mãi, hay bị người yêu “đá” sẽ khiến ta đau khổ trọn đời, nhưng sự thật không phải vậy. Một trong những đặc tính sinh tồn của con người là cân bằng nội môi, hay khả năng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh. Đây cũng là lý do chính tại sao tiền không thể mua được hạnh phúc, vì chúng ta sẽ quen với những thứ có thể mua được và lại quay trở về điểm quyết định của an lạc tự thân.
Yếu tố còn lại ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu dài và nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta chính là thói quen. Để hiểu hơn về thói quen, chúng ta cần Công thức 2.
Công thức 2: Thói quen = Niềm tin + Gia đình + Bạn bè + Công việc
Qua hàng trăm nghiên cứu học thuật của mình, giáo sư Arthur C. Brooks đã đi đến kết luận, hạnh phúc lâu dài đến từ những mối quan hệ, công việc năng suất và các yếu tố siêu việt khác của cuộc sống.
Trước hết, niềm tin ở đây không phải là một đức tin nào cụ thể, mà là bạn có thể tin vào bất cứ điều gì. Theo nhiều nghiên cứu, những niềm tin và triết lý sống tuy khác nhau nhưng đều mang lại hạnh phúc. Bí quyết là tìm ra một nền móng tư tưởng mà qua đó bạn có thể nghiền ngẫm sâu hơn về những bài toán của cuộc sống và gạt những tư lợi hẹp hòi qua một bên để cống hiến cho các giá trị chung.
Tương tự, không có công thức kỳ diệu nào để định hình gia đình và tình bạn. Mấu chốt là luôn vun vén, duy trì những mối quan hệ yêu thương và chân thành. Có một nghiên cứu đã theo chân những sinh viên tốt nghiệp Harvard suốt 75 năm cho đến năm họ hơn 90 tuổi, xem xét tất cả các khía cạnh về sức khỏe và chất lượng sống của họ, nhà tâm lý học George Vaillant đã tóm gọn kết quả bằng một câu: “Hạnh phúc chính là tình yêu. Chấm hết.” Những người có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và bạn bè sẽ phát triển và vươn xa, song điều tương tự sẽ khó xảy đến với những ai không sở hữu các giá trị đó.
Cuối cùng là công việc. Một trong những những phát hiện thiết thực nhất về hạnh phúc cho rằng: nỗ lực làm việc của con người là để tạo ra những ý thức về mục đích sống. Loại công việc nào mới được? Lao động trí óc hay lao động chân tay? Làm nội trợ hay một công việc lương cao? Tất cả đều sai. Điều khiến công việc có ý nghĩa không phải loại công việc bạn làm, mà là khi làm việc, bạn có thể cảm nhận rằng mình đang gặt hái thành công và phục vụ cho lợi ích chung.
Có câu “Tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng với giáo sư Arthur Brooks, đúng hơn là “tiền không mua được sự thỏa mãn”. Đây là một trạng thái đã được tâm lý học chứng minh với tên gọi “vòng xoáy khoái lạc” (hedonic treadmill). Nhiều người cảm thấy dù có bao nhiêu tiền cũng không đủ, bởi vì họ thích nghi với hoàn cảnh (có nhiều tiền) rất nhanh và cần nhiều tiền hơn nữa để tìm lại cảm giác hạnh phúc đó.
Để có một ví dụ trực quan, hãy thử nhớ lại lần gần đây nhất bạn được tăng lương. Lúc bạn cảm thấy thỏa mãn nhất là khi nào, có phải là vào ngày sếp thông báo tăng lương cho bạn? Hay là ngày mức lương mới được chuyển vào tài khoản? Sáu tháng sau, cảm giác thỏa mãn đó có còn không?
Đến đây, có lẽ bạn sẽ đi đến kết luận rằng sự thỏa mãn là một điều ngoài tầm với. Tuy nhiên, Công thức 3 sẽ cho bạn một góc nhìn mới về khái niệm này
Công thức 3: Sự thoả mãn = Điều bạn có ÷ Điều bạn muốn
Nhiều nhà lãnh đạo tâm linh cũng đồng tình với điểm này. Trong cuốn “Nghệ thuật tạo Hạnh Phúc” (tên tiếng Anh là “The Art of Happiness“), Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Chúng ta cần học cách muốn những gì chúng ta có, chứ không phải có những gì chúng ta muốn, vậy mới có được hạnh phúc bền vững và dài lâu.”
Đây không phải là một liều thuốc tiên cho tinh thần mà là một công thức sống vô cùng thiết thực. Rất nhiều người trong chúng ta suốt đời mải miết tìm cách tăng tử số của Công thức 3: tăng mức độ mãn nguyện của bản thân bằng cách tăng những gì đang có. Họ mải miết làm việc, tiêu xài, rồi lại làm việc để được tiêu xài. Song, vòng quay này rồi cũng trở nên vô nghĩa, sự thoả mãn sẽ luôn vuột mất khỏi tầm với của ta.
Bí quyết của sự thỏa mãn là tập trung vào mẫu số của Công thức 3. Đừng ám ảnh với những gì bạn có, bao gồm tiền tài, quyền lực, bạn đời, danh tiếng, mà hãy kiểm soát những gì bạn muốn. Đừng tìm cách có thêm của cải vật chất mà hãy cố gắng giảm bớt những thứ mình muốn và bỏ đi những thứ không cần thiết. Những khao khát khiến tâm can day dứt càng ít thì sự bình yên và mãn nguyện với những gì mình có càng nhiều.
Bài viết của tác giả Arthur C. Brooks tại The Atlantic, được chuyển ngữ bởi Hương Quỳnh.