Thoáng cái mà một năm đã trôi qua, mấy ngày nay bước ra đường đã thấy sự đông đúc, nhộn nhịp của hàng quán hai bên, người người sắm Tết, nhà nhà sửa sang. Với gia đình tôi, đây cũng là lúc chuẩn bị lôi chiếc nồi bánh chưng khổng lồ ra chà rửa, đặt trước nếp, đậu, lá dong để gói bánh.
Theo thông lệ, nhà tôi thường gói tầm khoảng 180 chiếc bánh với chi phí vào khoảng hơn 10 triệu bao gồm phí mua các nguyên vật liệu cơ bản (111kg gạo nếp, 40kg thịt lợn, 27kg đậu xanh, 20kg lá riềng, 1600 lá dong 2 loại, 2 bó dây lạt...). Những khoản chi khác như nồi nấu, bình gas (2 bình), gia vị... nhà có sẵn nên không tính vào.
Ước chừng mỗi chiếc bánh thành phẩm sẽ khoảng 50-60 nghìn đồng tuỳ thời giá.
Con số 10 triệu, 180 chiếc bánh có thể nhiều, có thể ít nhưng với gia đình tôi là "vừa đủ".
Nó đủ để các thành viên góp vào mỗi người một ít chi phí, đủ để có bánh ngon biếu tặng, đủ để giữ lại dùng trong Tết và đủ để trải nghiệm "cái mệt vừa đủ nhưng vui" của việc nấu bánh chưng.
Song hơn cả, đó là một cái giá quá hời để "mua" không chỉ những trải nghiệm sum họp gia đình thú vị cho đám trẻ mà còn là hoài niệm đẹp xưa cũ gửi đến hội người lớn.
Gia đình tôi là người gốc Hà Nội, vào Sài Gòn từ những năm 75, con cái đều nói tiếng miền Nam nhưng nếp sống vẫn là người miền Bắc, khẩu vị cũng vậy.
Ngày trước mỗi lần Tết đến mẹ thường kể cho cả nhà nghe về Tết Hà Nội, về cái lạnh se se, màu hoa đào nở đầy trên phố và cả cái vị bánh chưng khác hẳn Sài Gòn. Mẹ kể mãi đến nỗi chúng tôi đâm ra tò mò, cuối cùng đề nghị: "Hay Tết này nhà mình tự gói bánh chưng mẹ nhỉ."
Từ dạo đó, cứ độ 23 Tết là cả nhà tề tựu quanh nồi bánh. Lần đầu tiên trải nghiệm gói bánh chưng, chị em tôi đứa nào cũng bỡ ngỡ vì hoá ra nhiều công đoạn tỉ mỉ như vậy: chọn lá, rửa lá, lau khô rồi phơi phóng, lại đồ đậu xanh xay nhuyễn, lấy lá dứa ngâm nếp để được màu xanh đẹp mắt.
Nếp cũng phải là loại nếp cái hoa vàng đặt mua cẩn thận, thịt tươi ngon thái từng miếng vuông vức đều nhau. Công đoạn chuẩn bị phức tạp, lúc bắt đầu gói cũng lắm công phu: nào là cắt lá xếp vào khuôn, cân từng chén nếp, đong từng nắm đậu sao cho trọng lượng đều nhau, lúc nấu mới chín đều.
Mọi người vừa gói vừa trò chuyện rôm rả, bọn trẻ con chạy lăng xăng lúc lấy cái này lúc phụ cái kia.
Đúng là vui như Tết! Vui nhất là buổi tối khi một trăm bánh đã hoàn thành, cả nhà thức canh nồi lửa, thêm củi thêm nước và bày đủ trò vui. Tốp bật phim xem, tốp làm ván bài cào, tốp tỉ tê chuyện xưa tích cũ...
Bạn bè cũng kéo đến chung vui vì mấy ai được trải nghiệm chuyện gói bánh, nấu bánh như vậy. Nồi bánh chưng phải nấu cả đêm dài, mọi người cũng thức trắng đêm như thế...
Hôm sau vớt bánh, tất cả lại hò nhau lau rửa, lèn cho chặt, có khi còn buộc lạt treo lên cho ráo nước, mùi bánh thơm phức cả nhà, ai đi qua cũng phải ngoái nhìn. Bánh ráo là lúc chia nhau đem biếu tặng hàng xóm họ hàng, tự hào khoe thành quả của hai ngày bận bịu.
Trải nghiệm như vậy không phải nhà nào cũng có được. 10 triệu không phải con số nhỏ nhưng vô cùng xứng đáng vì nó không chỉ tạo ra món quà biếu Tết chất lượng mà cỏn giúp bọn trẻ hiểu thêm về phong tục quê hương, là dịp để đại gia đình xích lại gần nhau, tận hưởng không khí Tết trọn vẹn nhất.
Đến nay, tuy việc gói bánh hàng năm đã trở thành thói quen nhưng lúc nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này cả nhà lại rạo rực như ngày đầu tiên gói bánh. Mỗi năm một lần nhưng "đáng tiền" lắm thay!
(Câu chuyện của chị Lê Hoàng Phi Yến)
Dọc theo hành trình vạn dặm, Manwah tự hào mang vị lẩu Đài nguyên bản đến với hàng triệu cuộc sum vầy của người Việt mỗi năm. Không chỉ đơn thuần là cùng nhau ăn một bữa, mà Thưởng Lẩu đã trở thành dịp để chúng ta chuyện trò & gắn kết thân tình. Tết này, cùng gặp mặt người thân kể chuyện tâm tình tại Manwah bạn nhé.