Du học đã dạy tôi điều gì? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 06, 2019
Thăng Tiến

Du học đã dạy tôi điều gì?

Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm cứng, cuộc sống tự lập cũng dạy cho tôi rất nhiều bài học mềm, điều mà tôi tin bạn khó có thể học được nếu sống cùng bố mẹ.

Du học đã dạy tôi điều gì?

Năm 2015, tôi gói ghém cuộc sống của mình vào một chiếc vali 30kg và lên đường đi du học. Tôi hoàn toàn không biết cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đó. Tôi chưa từng sống xa gia đình, hoặc xa Hà Nội, ngoại trừ một vài lần đi công tác, nhưng lòng tôi biết chắc rằng tôi đã sẵn sàng cho một hành trình mới.

Nếu bây giờ có ai hỏi tôi sống ở một đất nước phát triển là thế nào, du lịch đây đó ra sao, hay có nhớ nhà không, tôi sẽ chỉ nhún vai. Tôi ghét phải thừa nhận rằng tôi đã thích nghi với việc không còn quá hoài niệm về những ngày xưa cũ, những mối quan hệ bạn bè cấp Hai và cấp Ba. Không phải vì những điều mới mẻ lấp lánh làm tôi quên, mà vì tôi luôn nghĩ về tương lai phía trước.

Ai cũng sẽ thay đổi và trưởng thành dù ở bất cứ nơi đâu. Điều quan trọng là bạn đã góp nhặt được những bài học quý giá thế nào trên con đường trưởng thành. Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm cứng, cuộc sống tự lập cũng dạy cho tôi rất nhiều bài học mềm, điều mà tôi tin bạn khó có thể học được nếu sống cùng bố mẹ.

1. Nấu ăn

Ai cũng có thể nấu ăn, nhưng nấu 3 bữa một ngày, đều đặn và đủ chất, thì tôi tin ít bạn phải bận tâm về điều đó, đặc biệt là khi sống cùng gia đình. Ăn uống luôn là điều thiết yếu nhất, mà bạn cũng không thể ngày nào cũng ăn trứng luộc hay mì tôm, nên bắt buộc phải ‘lăn vào bếp’.

Du học đã dạy tôi điều gì0
Khi sống ở nước ngoài, bạn có thể mua vô vàn những thực phẩm mà ở Việt Nam không có hoặc bán rất đắt.

Nỗi nhớ nhà, cơn thèm ăn ngon đã thôi thúc tôi tự mày mò học được nhiều cách chế biến hơn. Việc tập tính toán lượng calories dựa theo ngân quỹ cũng khiến tôi càng thêm giống một bà nội trợ thông thái.

Khi sống ở nước ngoài, bạn có thể mua vô vàn những thực phẩm mà ở Việt Nam không có hoặc bán rất đắt, ví dụ như olive, rượu vang, bơ, sữa, phô mai,… với giá rất rẻ, và từ đó khẩu vị cũng trở nên linh hoạt hơn.

Đừng chỉ mãi mãi nem rán, thịt kho tàu, cá rán nhé. Sống ở đâu thì hãy làm thân với thực phẩm địa phương đó, đặc biệt ở những chợ trời nông sản, hoặc cửa hàng bán đồ chuyên biệt.

2. Less is more

Du lịch, công tác và chuyển nơi ở đến những thành phố khác nhau trong vài năm khiến tôi nhận ra việc dọn dẹp là một cơn ác mộng, và vứt bỏ đồ đạc là những nỗi trống trải ghê gớm. Một trong những cách khắc phục là tìm đến chủ nghĩa tối giản. Thế nhưng, ‘sống tối giản’ tuy là một khái niệm khá quen thuộc và được nhắc rất nhiều lần trên báo đài, nhưng để thực hiện được thì khá khó khăn.

Du học đã dạy tôi điều gì1
Hãy lựa chọn những món đồ vừa vặn, chất liệu tốt để có thể dùng được lâu dài.

Tuy nhiên có một điều mà tôi có thể áp dụng, đó là khi shopping, tôi chỉ lựa chọn những món đồ vừa vặn, chất liệu tốt để có thể dùng được lâu dài. Dù giá cả sẽ nhỉnh hơn một chút, nhưng nghĩ thử xem, bạn có muốn tha lôi những món đồ cả mấy nghìn cây số để rồi mặc vài lần thì tuột chỉ, dãn phom không?

3. Ngoại ngữ thứ 3 (và cũng có thể là thứ 4…)

Nếu bạn đang học tập và sinh sống tại một đất nước không nói tiếng Anh, thì đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để học thêm một ngoại ngữ thứ 2. Hiện nay tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong sinh hoạt và công việc, do đó một ngôn ngữ khác sẽ là điểm sáng mới mẻ trong hồ sơ của bạn. “Speak in his language and you’ll speak to his heart.”(Nếu bạn nói chuyện với một người bằng chính ngôn ngữ của người nọ, điều đó sẽ khắc sâu vào tim)

Thân thiết với người bản xứ và nói ngôn ngữ của họ là điều nhanh nhất để hòa mình vào một nền văn hóa mới. Ngôn ngữ phản ánh và truyền tải văn hoá đặc trưng của mỗi quốc gia, tiếp cận tiếng nói đồng nghĩa với tiếp cận lối suy nghĩ của quốc gia đó.

Du học đã dạy tôi điều gì2
Ngôn ngữ phản ánh và truyền tải văn hoá đặc trưng của mỗi quốc gia, tiếp cận tiếng nói đồng nghĩa với tiếp cận lối suy nghĩ của quốc gia đó.

Có rất nhiều từ tồn tại ở ngôn ngữ này nhưng lại không có ở ngôn ngữ khác, ví dụ ‘spezzatura’ trong tiếng Ý dịch nôm na là ‘vẻ đẹp không cần cố gắng chau chuốt’, và từ yêu thích đặc Pháp của tôi là ‘retrouvailles’ có nghĩa là ‘niềm vui khi được gặp ai đó sau một thời gian dài’.

4. Trân trọng gia đình

Xa nhà, tôi đắm mình trong vô vàn điều mới lạ và cứ ngỡ mọi thứ ở quê nhà vẫn sẽ nguyên vẹn khi tôi trở về, nhưng thực tế không phải như vậy. Ông bà ngoại của tôi đã lần lượt ra đi trong thời gian tôi ở nước ngoài. Cuộc sống ở bất kỳ nơi đâu sẽ không dừng lại, hay chậm lại, chỉ vì mình không ở đó.

Một cảm giác thật khó chấp nhận đúng không nào – khi không thể ở bên cạnh những người thân yêu khi họ cần bờ vai của mình. Ngồi yên lặng lo lắng trước màn hình điện thoại hay máy tính, chỉ có cảm giác bất lực xâm chiếm vì tôi biết mình không thể làm được gì.

Du học đã dạy tôi điều gì3
Cuộc sống ở bất kỳ nơi đâu sẽ không dừng lại, hay chậm lại, chỉ vì mình không ở đó. Vì thế, hãy trân trọng những khoảng thời gian ngắn ngủi được ở bên gia đình.

Thế nên, tôi luôn trân trọng những khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi khi có dịp gặp gỡ gia đình và họ hàng, vì tôi biết ông bà bố mẹ của mình, từ giờ trở đi, sẽ chỉ già đi mà thôi. Những người họ hàng của mình, tôi cũng không thể biết rằng đó có phải là lần cuối tôi được gặp họ hay không.

5. Độc lập trong hành động và suy nghĩ

Chẳng ai quản thúc hay bắt bạn phải làm điều gì, đồng nghĩa với việc bạn phải quản lý chính mình. Bản thân tôi cũng đã trưởng thành từ những điều nhỏ nhất: hôm nay ăn gì, tự sửa bồn cầu khi bị tắc, lên những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho bản thân, tìm kiếm những mối quan hệ có thể nâng đỡ mình trong công việc, hay thậm chí tự bảo vệ bản thân trong những trường hợp nguy hiểm.

Du học đã dạy tôi điều gì4
Chẳng ai quản thúc hay bắt bạn phải làm điều gì, đồng nghĩa với việc bạn phải quản lý chính mình.

Sống tự lập, lựa chọn tự mình bước đi trên một con đường, nghĩa là mình phải thực sự có trách nhiệm với những gì xảy đến. Nếu bạn béo nghĩa là bạn vận động chưa đủ; nếu bạn điểm kém nghĩa là bạn chưa đủ chăm; nếu bạn than phiền về ‘khủng hoảng tuổi 20 hay 30’ thì chỉ đơn giản là vì bạn chưa cố gắng đủ so với lứa tuổi; nếu bạn băn khoăn đi học xong thì về hay ở thì nghĩa là bạn chưa hiểu rõ con người mình mà thôi. Chính bạn phải là người ra quyết định, và lựa chọn một thái độ sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Bài viết được thực hiện bởi Nga Lê.

Xem thêm:

[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm khi còn ngồi ở giảng đường đại học?

[Bài viết] Vì sao nhiều sinh viện chọn khởi nghiệp khi mới ra trường?