Những người biết rất sớm mình muốn làm gì trông có vẻ ấn tượng, kiểu là người đầu tiên tìm ra đáp án một bài toán trong lớp vậy. Họ có đáp án, nhưng khả năng cao là đáp án đó sai.
Mình đọc được câu này trong bài viết How To Do What You Love của Paul Graham và nó nói “trúng tim đen” của mình ngay vì hai lý do.
Thứ nhất, mình từng là một học sinh giỏi Toán. Trong lớp học thêm Toán hồi cấp 1 của mình, thầy sẽ đọc đề 7 bài toán đầu giờ cho cả lớp làm. Ai làm xong bài nào trước sẽ lên chấm điểm bài đó. Làm đúng 10 điểm về chỗ. Làm sai về chỗ làm lại. Cuối giờ, những bạn có nhiều điểm 10 nhất sẽ được thầy đọc tên đầu tiên (oách!).
Khi ấy, dù lớp có nhiều bạn giỏi - toàn là những người sau này trở thành học sinh trường chuyên Hà Nội Amsterdam và chuyên Đại Học Sư Phạm, nhưng nhờ vào tốc độ và cả sự chuẩn xác mà mình luôn nằm trong top 5 của lớp. Kể từ lớp học đó, sự ám ảnh của mình với tốc độ dần hình thành. Nhanh còn vào ‘top’. Nhanh là tốt.
Thứ hai, mình cũng từng là một người hay được miêu tả là “biết sớm thứ mình giỏi và muốn làm”, cụ thể là giáo dục. Mình đã “may mắn” được tiếp xúc với hoạt động ngoại khóa trong mảng giáo dục từ rất sớm - ngay kỳ 2 lớp 10, với công việc điều phối trại hè.
Thần may mắn tiếp tục mỉm cười với mình khi mình được đẩy lên vị trí trưởng trại rất nhanh (sau 1 năm) vì tổ chức không có người đủ “rảnh” để lên thay trưởng trại cũ. Và mình tìm được những đồng đội rất giỏi - những người chịu trách nhiệm cho 99% thành công của trại hè đầu tiên mình dẫn dắt.
Những thành quả sớm hái được đó đã giúp mình tự tin để tiếp tục nuôi ước mơ làm giáo dục. Mình tham gia hội thảo giáo dục quốc tế ở Việt Nam, điều phối trại hè quốc tế ở Trung Quốc, thỉnh thoảng lên mạng viết về giáo dục cũng được hưởng ứng, và học đại học ngành Nghiên cứu Giáo dục.
Khi vừa bước chân vào đại học thì trên giấy tờ, mình đã có “4 năm hoạt động trong mảng giáo dục rồi.” Việc này cho mình rất nhiều lợi thế và sự tự tin để apply các chương trình, công việc liên quan đến giáo dục.
Nhưng lợi thế cũng có hạn chế
“Bất lợi” của việc phát triển theo một hướng tập trung từ quá sớm là mình có xu hướng nói “không” với những cơ hội ngoài mảng giáo dục. Chỉ bởi vì mình có nhiều “kinh nghiệm” hay “chuyên môn” với giáo dục hơn.
Thậm chí, nếu mình không từ chối thì người khác cũng từ chối mình. Trong vòng phỏng vấn cuối ở một công ty tư vấn chiến lược, ngay từ lúc bắt đầu, anh Phó Chủ tịch (Vice President) đã xem qua hồ sơ của mình và nói rằng: “Em nên quay lại và tập trung vào nhánh giáo dục, bên đấy cơ hội cạnh tranh của em cao hơn nhiều”. Mình cũng chỉ biết trả lời: “Vâng, em cũng nghĩ thế”. Và dĩ nhiên, mình không được nhận vào làm.
Nếu có thể quay lại buổi hôm đó, mình sẽ làm nổi bật hơn những công việc có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, tư vấn ở trong CV cũng như lúc trả lời phỏng vấn. Mặc dù không chắc chắn kết quả sẽ khác, nhưng ít nhất cũng giúp mình nâng cao khả năng được nhận. Cơ mà hồi đó mình chỉ mới 19 tuổi, còn “non” mà.
Thế là lợi thế biến thành bất lợi. Việc sớm “biết” mình thích làm gì đã giới hạn cơ hội phát triển kỹ năng và kiến thức của mình theo chiều ngang. Trong khi mình còn muốn khám phá thêm nhiều tiềm năng khác khi còn trẻ, và phát triển toàn diện hơn thì cũng đâu mất mát gì.
Biết sớm chưa chắc là biết đúng
Biết ước mơ, điểm mạnh, đam mê của mình từ sớm có giúp cho việc chọn ngành học, ngành nghề dễ dàng hơn không? Có.
Nhưng việc chuyên môn hóa và biến nó thành công việc để theo đuổi từ sớm, liệu có đảm bảo một sự nghiệp thành công và cuộc sống viên mãn về lâu dài không? Ngay cả các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các môn khoa học xã hội cũng chưa trả lời được câu hỏi này với sự chắc chắn 100%. Bởi thế nào là chọn “đúng ngành đúng nghề”?
“Đúng” là cảm giác nhẹ nhõm khi biết mình đang học cái khiến mình thấy “thoải mái”? Hay “đúng” là dù trong lúc học và làm, có những lúc mình “khốn khổ”, nhưng khi qua đi qua 4, 5 năm vượt “ải” thì mình sở hữu những kỹ năng được trả rất nhiều tiền?
Hơn nữa, “đúng” vào thời điểm nào? Đúng khi ra quyết định hay đúng trong chặng đường dài phía trước? Khi kiến thức về công việc và trải nghiệm với ngành nghề còn chưa có, làm sao mà những đứa trẻ 16, 17 tuổi chọn “đúng ngành” được?
Vậy nên việc “nghĩ là mình biết muốn làm gì từ sớm” thực chất chỉ mang lại một lợi thế là được thử và nghiệm: “Bây giờ chọn hết mình với điều này một thời gian, thử xem mình có thực sự thích và có tương lai ở đây không?”
Mình còn trẻ mà mình đâu cần cam kết một cách mù quáng chỉ mãi mãi đi theo một con đường sự nghiệp. Cần biết khi nào nên dừng lại, chấp nhận rằng có khi đứa trẻ 15 tuổi chọn sai, và mình cần gói ghém những thứ đã học được để tiếp tục khám phá con đường khác.
Vậy nên, mình thích câu trích dẫn của Paul: “Những người biết rất sớm mình muốn làm gì trông có vẻ ấn tượng, kiểu là người đầu tiên tìm ra đáp án một bài toán trong lớp vậy. Họ có đáp án, nhưng khả năng cao là đáp án đó sai.”
Vì nó khiến những người “nghĩ mình biết” phải suy nghĩ lại, và những người chưa biết sẽ không cảm thấy áp lực với việc “phải biết ngay”.
Đọc bài viết gốc của Akwaaba Tùng tại đây.