APT dù viral khắp nơi, nhưng lại bị “cấm sóng” ở quê nhà? | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 11, 2024

APT dù viral khắp nơi, nhưng lại bị “cấm sóng” ở quê nhà?

Với lý do mà có lẽ “chính chủ” của nó cũng sẽ thông cảm và hợp tác hết mình.
APT dù viral khắp nơi, nhưng lại bị “cấm sóng” ở quê nhà?

Nguồn: Vogue

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Từ khi ra mắt ngày 18/10, ca khúc “APT” đang viral của ca sĩ Rosé (Black Pink) và Bruno Mars vẫn đang tiếp tục “làm mưa làm gió” khắp thế giới. Nó đã giúp Rosé trở thành nghệ sĩ K-pop có lượng người nghe hàng tháng cao nhất trên Spotify với 46.4 triệu người nghe, phá vỡ kỷ lục của BTS lập ra trước đó (45.8 triệu người nghe).

Tuy nhiên ngay tại quê nhà Hàn Quốc, nó hiện đang bị… cấm phát sóng tại nhiều trường cấp 3 và trung tâm luyện thi (hagwon). Lý do là bởi kỳ thi đại học quốc gia (CSAT) của Hàn Quốc sắp được tổ chức vào ngày 14/11. Bài APT bị cho là dễ “dính” trong não, khiến các thí sinh không thể tập trung ôn thi.

12nov2024roseblackpink2024seouldkbillboard1548jpg
Rosé (Black Pink) vừa lập kỷ lục về lượng người nghe hàng tháng trên Spotify. | Nguồn: Billboard

Nhiều học sinh lớp 12 Hàn Quốc chia sẻ trên mạng xã hội rằng, họ không thể ngừng ngân nga “apateu” khi ngồi học, và lo sợ gặp tình trạng tương tự kể cả khi đã bước vào phòng thi. Họ thậm chí phải hạn chế tới các quán cafe, ga tàu điện ngầm và trung tâm thương mại để không nghe trúng bài hát này.

Được biết các thí sinh chuẩn bị thi CSAT đã thiết lập một danh sách các bài hát không nên bật trong thời gian này, và chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn mạng. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng thể hiện sự ủng hộ với quyết định tạm thời “cấm sóng” các ca khúc trên, thậm chí kêu gọi các cửa hàng, quán cafe gần trường học tạm dừng bật chúng cho tới khi kỳ thi CSAT kết thúc.

2. Hiện tượng gì đã khiến APT “bám dính” tai người nghe?

Đó chính là sâu tai (earworm) - hiện tượng một bài hát cứ tua đi tua lại trong đầu mà không có nút tắt. Cụ thể, trong vỏ não trước trán (frontal lobe) của chúng ta có vùng lặp âm vị (phonological loop) - khu vực chịu trách nhiệm “ghi âm” một phần các thông tin thính giác tiếp nhận, chẳng hạn điệp khúc của một bài hát.

Vùng lặp âm vị thuộc bộ nhớ ngắn hạn, nên hầu hết thông tin vào đây đều được xử lý bằng cách lưu trữ (chuyển sang bộ nhớ dài hạn) hoặc loại bỏ sau một thời gian. Tuy nhiên, những bài hát tạo ra “sâu tai” lại nằm ở đây lâu hơn nhờ một số yếu tố đặc biệt:

Giai điệu bắt tai: Theo nhà tâm lý Kelly Jabukowski, những bài hát “sâu tai” có điểm chung là cấu trúc đơn giản, tiết tấu nhanh, khác biệt cao độ không quá lớn và luôn lặp lại theo một khuôn mẫu để người nghe dễ hát theo. Và APT đã thỏa mãn đầy đủ cả 4 yếu tố này, khi chỉ một từ apateu lặp lại cũng biến thành một đoạn điệp khúc dễ gây nghiện.

Được phát nhiều lần: Một bài hát dễ biến thành “sâu tai” nếu nó được bật gần như khắp mọi nơi, đi tới đâu bạn cũng nghe thấy. Điều này cũng đúng luôn với APT, khi nó được bật không chỉ ở các nhà hàng, quán cafe mà còn được cover rộng rãi trên mạng xã hội, khiến chúng ta đi đâu cũng nghe thấy.

“Còn thở là còn Apateu” - vũ công Kaylee Bays quẩy APT cực “sung” dù ngồi xe lăn. | Nguồn: Kyle Hanagami @ YouTube

Trước APT, nhiều ca khúc “sâu tai” khác đã lọt vào “danh sách cấm” của sĩ tử CSAT như Ring Ding Dong của SHINee, Dumb Dumb của Red Velvet và cả “siêu phẩm thiếu nhi” Baby Shark với lý do tương tự. Theo giáo sư tâm lý Lim Myung-ho đến từ Đại học Dankook, một phần nguyên nhân đến từ việc người trẻ dễ bị “sâu tai” đeo bám hơn so với người trưởng thành.

“Những âm thanh đơn giản, lặp đi lặp lại có thể dễ dàng kích hoạt các thiên kiến cảm xúc nhất định, đặc biệt ở người chưa có nhiều kinh nghiệm sống” - giáo sư Lim Myung-ho chia sẻ.

12nov2024babysharkjpg
Nhìn hình là đã thấy âm thanh “doo doo doo” phát ra. | Nguồn: PinkFong

3. Kỳ thi CSAT quan trọng đến mức nào?

CSAT còn được gọi tắt là suneung trong tiếng Hàn, là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Hàn Quốc. Kỳ thi thường diễn ra vào ngày thứ Năm trong tuần 3 của tháng 11 (trong năm 2024 là ngày 14/11), được xem như “cửa ải sống còn” mà học sinh lớp 12 nước này phải vượt qua nếu muốn vào đại học.

Thí sinh sẽ phải hoàn thành ít nhất 5 trong số 6 môn thi, gồm Tiếng Hàn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc (bắt buộc), Môn phụ (Tổ hợp Tự nhiên/ Tổ hợp Xã hội/ Giáo dục nghề nghiệp - thí sinh thường chọn 2 trong 3 tổ hợp này) và Ngoại ngữ 2. Trừ một phần của môn Toán, toàn bộ đề thi ở hình thức trắc nghiệm.

Các thí sinh CSAT phải hoàn thành những bài thi trên trong 8 tiếng đồng hồ, do đó đây là kỳ thi vô cùng căng thẳng. Vào ngày thi, phương tiện công cộng chạy với tần suất cao và cảnh sát được bố trí hỗ trợ thí sinh tới điểm thi, thị trường chứng khoán mở cửa muộn và nhiều chuyến bay bị hoãn để giảm bớt tiếng ồn.

12nov20242f53b78b8e46474ca2a0a90b881e3183166864965805929660258216686603535571668660353735819797438jpg
Các thí sinh chuẩn bị vào kỳ thi CSAT tại một điểm thi ở Gyeonggi, Hàn Quốc. | Nguồn: Korea Herald

Những nghệ sĩ Hàn thi CSAT năm nay sinh vào khoảng từ 2005 đến 2007. Nổi bật có thể kể đến Yeseo (cựu thành viên Kep1er), Zoa (Weeekly), Woonhak (BOYNEXTDOOR) và nữ diễn viên Gal So Won (vai con gái người tử tù trong phim Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7).