Đâu là nhân tố cốt lõi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 02, 2022

Đâu là nhân tố cốt lõi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số?

Trong bối cảnh các doanh nghiệp chú trọng vào chuyển đổi kỹ thuật số và xây dựng hệ sinh thái, tư duy lấy khách hàng làm trọng tâm chính là từ khoá then chốt.
Đâu là nhân tố cốt lõi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số?

Vietcetera cùng với AIA Việt Nam và KPMG tại Việt Nam tổ chức hội thảo thứ ba trong số bốn hội thảo trực tuyến “Shaping The Future In The Digital Age: Digital Advantage & Transformation”.

Đối với doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo là hai mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển và tăng trưởng. Và để hiện thực hóa mục tiêu, một trong số những yếu tố cốt lõi hiện nay chính là tập trung cải thiện giao diện khách hàng (customer interface).

Ngày 21/1 vừa qua, Vietcetera cùng với AIA Việt Nam và KPMG tại Việt Nam tổ chức hội thảo thứ ba trong số bốn hội thảo trực tuyến “Shaping The Future In The Digital Age: Digital Advantage & Transformation”, nhằm nêu bật những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Được dẫn dắt bởi host Hảo Trần (CEO của Vietcetera), buổi hội thảo đã mở ra các phiên thảo luận chuyên sâu với sự góp mặt của những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: ông Bill Nguyễn (CTO tại AIA Việt Nam), ông Yann Rousselot-Pailley (Giám đốc mảng Chuyển đổi số tại KPMG Việt Nam), và ông Mark Morawski (CTO tại ZaloPay).

Dưới đây là tóm tắt những chủ đề được bàn luận trong buổi hội thảo trực tuyến ngày 21/1. Bạn cũng có thể xem lại toàn bộ buổi hội thảo tại đây.

Lợi thế của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời kỳ gián đoạn

Là một nhà cung cấp dịch vụ tài chính, AIA Việt Nam hiện đang đặt việc xây dựng hệ sinh thái là ưu tiên hàng đầu, và kết nối với nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau. Trước tiên, họ vẫn ưu tiên tìm kiếm đối tác trong ngành công nghệ để hỗ trợ AIA trong quá trình chuyển đổi số.

Tại buổi hội thảo, diễn giả khách mời Bill Nguyễn, CTO của AIA Việt Nam, đã chia sẻ một số quan hệ đối tác nổi bật mà công ty đạt được trong quá trình xây dựng hệ sinh thái. Ông tin rằng: “Chuyển đổi kỹ thuật số đi kèm với rất nhiều thay đổi về tư duy. Chúng tôi thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số không chỉ để ứng phó tình hình trước mắt, mà còn hướng đến tầm nhìn 3-5 năm tới.”

Ngoài đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hệ sinh thái của AIA Việt Nam còn bao gồm những cái tên đáng chú ý khác như Tiki – một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, các ngân hàng, cũng như doanh nghiệp có danh mục khách hàng lớn.

Bill Nguyễn CTO của AIA Việt Nam
Bill Nguyễn, CTO của AIA Việt Nam

Thảo luận về vấn đề đổi mới sáng tạo, ông Yann Rousselot-Pailley, Giám đốc mảng Chuyển đổi số của KPMG Việt Nam, trước tiên làm rõ sự khác biệt mấu chốt giữa đổi mới sáng tạo (Innovation) và nghiên cứu và phát triển (R&D). Ông nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo và R&D là hai quá trình trái ngược. R&D là đầu tư tiền của để tạo ra kiến thức mới, còn đổi mới sáng tạo là vận dụng kiến thức mới để tạo ra giá trị và tài sản.”

“Vì vậy, về thực chất, đổi mới sáng tạo là bạn đang cố tạo ra một quy trình mới, một sản phẩm hoặc dịch vụ mới được thị trường hoặc khách hàng đón nhận. Trái lại, R&D có thể là giới thiệu một công nghệ hoàn toàn chưa được biết đến chẳng hạn.”

Theo Yann, thay đổi hành vi và thói quen của khách hàng là thách thức lớn nhất của quá trình đổi mới sáng tạo, và cần có sự nhập cuộc của các chuyên gia như KPMG. “Không phải vì chúng tôi tân tiến hơn những doanh nghiệp khác, mà vì chúng tôi sở hữu các kỹ thuật giúp thay đổi tư duy của mọi người.”

Yann tin rằng, việc doanh nghiệp quyết định hợp tác hay tự tạo ra một hệ sinh thái hoàn toàn mới không quan trọng, mà yếu tố mấu chốt nằm ở con người. Đối với những doanh nghiệp đang nhắm đến một thị trường hoặc phân khúc khách hàng nào đó đã có sẵn những cộng đồng phát triển, ông khuyên họ nên tiến hành hợp tác, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái nếu họ có đủ nguồn nhân lực.

“Đổi mới sáng tạo không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn về con người. Vì vậy, để thúc đẩy mọi người đi đúng hướng và đến đúng đích, chúng ta cần khoa học xã hội hơn là khoa học công nghệ.”

Không chỉ KPMG Việt Nam, mà CTO Bill Nguyễn và AIA Việt Nam cũng hướng đến hiện thực hóa mục tiêu này, “cùng đồng hành nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ không chỉ xoay quanh vấn đề số hóa”.

Yann RousselotPailley Giaacutem đốc mảng Chuyển đổi số của KPMG Việt Nam
Yann Rousselot-Pailley, Giám đốc mảng Chuyển đổi số của KPMG Việt Nam

Mark Morawski, CTO của ZaloPay, cho biết thêm về những lợi ích mà hệ sinh thái đang phát triển của tập đoàn VNG mang tới cho doanh nghiệp, “Ngoài hệ thống tầm cỡ hay công nghệ mới đang chuẩn bị ra mắt, chúng tôi còn có cơ hội hợp tác với những cá nhân và tập thể có chung suy nghĩ về một vấn đề, hoặc đã có giải pháp phù hợp cho vấn đề đó.”

Đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái lấy khách hàng làm trọng tâm

Khi lựa chọn đối tác, AIA Việt Nam tập trung vào ba yếu tố quan trọng nhất: công nghệ tân tiến, trải nghiệm khách hàng hoặc có cách thức tạo ra trải nghiệm mượt mà cho người dùng, và giá trị mà tổ chức đó có thể mang lại cho các đối tác và khách hàng. Theo Bill, một giám đốc công nghệ (CTO) cũng nên hiểu rõ khía cạnh kinh doanh và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp, vì “hầu như các doanh nghiệp như chúng ta đều hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ phát triển công nghệ.”

Còn theo Yann, để đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, doanh nghiệp phải cân nhắc xem liệu sự đổi mới đó có phù hợp với kỳ vọng tương lai của người dùng, và có dễ dàng được tiếp nhận hay không. Ông cũng đề cập đến hãng sản xuất máy bay Airbus như một ví dụ về hệ sinh thái thành công, qua đó nhấn mạnh vai trò của khách hàng (hoặc người dùng) trong quá trình xây dựng hệ sinh thái.

“Airbus trước đây chỉ tìm kiếm ý tưởng, nhưng giờ đây họ đang tìm hiểu nhu cầu của người dùng. Nếu doanh nghiệp đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, thậm chí xem người dùng là ‘kim chỉ nam’ để phát triển các sản phẩm tương lai, thì mọi công việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.”

Tại AIA Việt Nam, để đảm bảo quá trình đổi mới sáng tạo đi đúng hướng, công ty luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm những cải tiến mà khách hàng mong đợi. Rồi từ đó sẽ triển khai các công nghệ, mô hình kinh doanh và thậm chí cả hệ sinh thái mới.

Về phía ZaloPay, Mark cho biết nền tảng ví điện tử này gặp nhiều thuận lợi nhờ cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ của Zalo. “Đặt khách hàng làm trung tâm là cốt lõi của mọi hoạt động tại ZaloPay, và cũng là điều kiện quan trọng của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Từ đó có thể thấy, mô hình hệ sinh thái Zalo hoàn toàn khác với marketplace (sàn giao dịch chung mà bên bán và bên mua tập trung lại để dễ dàng tìm được nhau).”

Trên ZaloPay, bên mua và bên bán thường đến từ các hệ sinh thái đối tác, chẳng hạn như các sàn thương mại điện tử hoặc ngân hàng. Với chiến lược đặt khách hàng làm trọng tâm, ZaloPay sở hữu lượng thông tin chuyên sâu vô cùng giá trị, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh ở vai trò nhà môi giới trung gian giữa người mua và người bán.

Mark Morawski CTO của ZaloPay
Mark Morawski, CTO của ZaloPay

Cơ hội tăng trưởng từ quá trình đổi mới sáng tạo

Bill nhận định, dù khoảng thời gian giãn cách do dịch bệnh là một thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh của AIA Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi và tiếp tục tăng trưởng. Với hệ thống công nghệ và công cụ tân tiến, AIA Việt Nam đã thành công duy trì tương tác với khách hàng thông qua nền tảng kết nối từ xa.

Thêm vào đó, để đối mặt với những thay đổi trên thị trường, CTO Bill Nguyễn cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp luôn cần có tâm thế sẵn sàng, nhất là về công nghệ.

“Với tâm thế đó, quy trình đưa ra quyết định của chúng tôi cũng được đẩy nhanh hơn. Công nghệ càng phát triển, kỳ vọng và tâm lý của khách hàng cũng sẽ liên tục thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp luôn cần sẵn sàng đối mặt với những thay đổi để nắm bắt cơ hội tăng trưởng.”

Trả lời câu hỏi một công ty nên xác định quỹ đạo tăng trưởng của mình như thế nào khi làm việc với các hệ sinh thái và đối tác lớn hơn, Yann khuyến nghị các doanh nghiệp nên hình dung ra những kịch bản tăng trưởng khả thi, xác định những tác nhân có thể đoán trước và khả năng thành công của quá trình này trước khi triển khai.

“Doanh nghiệp có thể bị “kẹt” trong quy trình quản trị đổi mới và sáng tạo (innovation management) nếu không hoạch định rõ ràng. Điều này khiến họ vừa lãng phí thời gian và tiền của, vừa đánh mất lợi thế cạnh tranh. Một khi đã xác định được vị trí xuất phát và các mục tiêu cần đạt được, doanh nghiệp nên cố gắng thu hẹp nhất có thể quá trình thực hiện, để có thể nắm bắt nhiều cơ hội hơn khi đối mặt với thay đổi trên thị trường.”

Yann cũng kêu gọi các tổ chức bắt đầu quá trình đổi mới sáng tạo càng sớm càng tốt, thông qua phương pháp tiếp cận từ trên xuống (top-down approach). Bằng cách đó, tất cả các bên liên quan trong quá trình — từ nhân viên của doanh nghiệp cho đến khách hàng hiện tại và tương lai — đều có cơ hội nắm rõ mục tiêu của công ty và thích ứng được với những thay đổi.

Còn theo Mark, ZaloPay đang phát triển theo hướng “loại bỏ khó khăn trong trải nghiệm của khách hàng”, tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt. Để hiện thực hóa mục tiêu và trở thành doanh nghiệp phát triển vượt bậc tại Việt Nam, ZaloPay đã tích hợp một số tính năng như: nạp tiền cho thiết bị di động bằng số dư trong ví điện tử, hoặc hỗ trợ người dùng thanh toán hóa đơn kịp thời thông qua cài đặt lời nhắc.

Mark giải thích, “Là một công ty trực tiếp xây dựng và quảng bá sản phẩm, trách nhiệm sau cùng và lớn nhất của ZaloPay là giải quyết khó khăn cho khách hàng. Nhờ sự hỗ trợ của các hệ sinh thái đối tác, chúng tôi đã có thể mang lại nhiều giải pháp phù hợp cho người dùng.”

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm và Thảo Vân