Ở những bước chân đầu tiên vào sân chơi cổ phiếu chứng khoán, nhiều chứng sĩ dễ chọn gu đầu tư tùy hứng, nhắm vào những mã riêng lẻ theo sự chỉ dẫn của người có chuyên môn hoặc diễn biến thị trường thời điểm đó.
Tuy nhiên, còn một kiểu đầu tư khác mà bạn có thể tham khảo đó chính là đầu tư theo ‘combo’ nhóm ngành (đầu tư nhiều mã phổ biến trong một ngành).
Vì sao nên tham khảo cổ phiếu theo nhóm ngành?
Thứ nhất, đầu tư theo nhóm ngành giúp bạn linh hoạt hơn ở một số tình huống theo nguyên tắc “lướt sóng cơ hội”, “lấy lãi số đông bù lỗ số ít”.
Lấy ví dụ như khi các mã cổ phiếu đầu tư chính của bạn rơi điểm (do biến động kinh tế, xã hội), việc di chuyển nguồn đầu tư đến nhóm ngành vùng xanh khác có thể giúp bạn chữa cháy kịp thời bên cạnh quyết định cắt lỗ đúng lúc.
Gần đây, khi một số các tập đoàn bất động sản gặp sự cố khiến hàng loạt mã cổ phiếu ngành giảm điểm, chuyển hướng đầu từ vào ngành ngân hàng đang xanh tại thời điểm đó phần nào giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại.
Thứ hai, hiểu rõ được mã cổ phiếu theo nhóm ngành còn giúp bạn sớm tận dụng được lợi thế thông tin, tăng tính hiệu quả cho các khoản đầu tư đường dài trong cả một năm đó.
Đồng thời, giúp nhà đầu tư có thêm gợi ý để chọn nhóm ngành đầu tư mà không phải suy nghĩ quá nhiều - ít nhất là khi thị trường chưa có những biến động rõ nét.
Vậy đâu là một số ngành và mã cổ phiếu nên cân nhắc đầu tư? Hãy cùng Vietcetera điểm lại qua danh sách dưới đây:
1. Nhóm ngành Bất động sản
Là nhóm cổ phiếu có tính biến động và gắn bó mật thiết đến tình hình thị trường nên cũng có một số yêu cầu về kinh nghiệm, khả năng đọc vị thị trường từ chứng sĩ nếu muốn tối ưu hiệu quả đầu tư nhóm ngành này.
Cổ phiếu bất động sản có thể chia thành hai nhóm chính: bất động sản khu công nghiệp và bất động sản dân dụng/nghỉ dưỡng.
Nhóm BĐS công nghiệp
- Có tiềm năng phát triển/sinh lời tốt, nhất là theo đường dài nhờ các tác động vĩ mô. Dòng vốn FDI được “bơm” trở lại vào trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch (nhu cầu đầu tư nhà xưởng, kho bãi). Ngoài ra, nhà nước cũng đang có các hoạt động khuyến khích đầu tư công - trong đó có mảng cơ sở hạ tầng, để tái thu hút nhà đầu tư ngoại nên BĐS công nghiệp cũng nhận được những ưu đãi nhất định.
- Hầu hết có giá không dễ tiếp cận.
Nhóm BĐS dân dụng/nghỉ dưỡng
- Có diễn biến tương đối phức tạp nhưng đáng để kỳ vọng vì một số lý do:
Thứ nhất, việc các doanh nghiệp đang đẩy nhanh các tiến độ dự án trong giai đoạn hồi phục giúp giá trị cổ phiếu nhóm này có nhiều tín hiệu tích cực từ trong năm nay.
Thứ hai, việc mặt bằng lãi suất ngân hàng đang thấp, các nhà đầu tư có khuynh hướng chọn bất động sản để làm kênh đầu tư thay thế sẽ giúp sức mua hồi phục.
Thứ ba, doanh thu của ngành này chỉ phát sinh trên báo cáo tài chính khi doanh nghiệp bàn giao nhà xong. Sau một năm chững lại, 2022 dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn xả đơn giúp doanh thu toàn ngành năm nay được dự đoán tích cực. - Từng có thời gian thanh khoản cực tốt nhưng hiện nay vì vấn đề khó huy động vốn nên nhà đầu tư chọn cổ phiếu này nên cân nhắc những mã an toàn, uy tín.
- Nền giá không còn hấp dẫn - hậu quả từ việc tăng nóng năm qua và sự cố gần đây của các ông lớn như Tân Hoàng Minh, FLC.
- Khá rủi ro vì ngành bất động sản thường có nhiều vấn đề về pháp lý.
Các mã chứng khoán phổ biến/nên cân nhắc hiện nay
Nhóm BĐS công nghiệp
- BCM (Becamex)
- IDC (Ideco)
- SZN (Sonadezi)
- TID (Tín Nghĩa)
- PHR (Cao su Phước Hoà - có mảng BĐS công nghiệp)
- ITA (KCN Tân Tạo)
Nhóm BĐS dân dụng/nghỉ dưỡng
- DIG (Dig corp)
- CEO (Tập đoàn CEO)
- SCR (TTC Land)
- PDR (Phát Đạt)
- NNL (Nam Long)
- HTN (Hưng Thịnh ICONS)
2. Nhóm ngành Vật liệu xây dựng
Trải qua nhiều biến động nhưng đây vẫn là một nhóm ngành hấp dẫn vì tiềm năng phát triển tốt trong giai đoạn hậu đại dịch.
Trong đó, thép được coi là nhân tố “gánh team” cho cả nhóm/ngành với các đặc điểm đáng chú ý:
- Đang trong giai đoạn hạ nhiệt từ đỉnh (từ Q4/2021 và hệ quả từ thương chiến Mỹ-Trung kéo dài từ 2018) nên nhìn chung không còn sức hấp dẫn vốn có.
- Tiềm năng lớn: Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đang giảm nguồn cung nên dễ tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.
- Một số doanh nghiệp phát triển tốt, ổn định:
Hoà Phát tự sản xuất được thép cuộn cán nóng (các doanh nghiệp khác phải nhập) nên sản xuất có phần ổn định hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có hướng có phát triển đa ngành. Bên cạnh Hoà Phát thì Nam Kim cũng được đánh giá cao nhờ thể mạnh đặc biệt về xuất khẩu. - Bệ phóng 2020: Nguồn của cải để dành từ 2 năm “lên đỉnh” (2020-2021) tạo đà để các doanh nghiệp ngành này đầu tư, mở rộng thêm về sản xuất. Từ đó, đáp ứng nhu cầu vẫn đang lớn từ các thị trường đang hồi phục như EU, Mỹ và tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Các mã chứng khoán phổ biến/nên cân nhắc hiện nay
- HPG (Hoà Phát)
- HSG (Hoa Sen)
- NKG (Nam Kim)
- POM (Pomina)
3. Nhóm ngành Tài chính (Ngân hàng/Sàn chứng khoán)
Là ngành có quan hệ mật thiết đến không chỉ chứng khoán mà còn là sức khỏe của cả một nền kinh tế. Vì thế, đây là khu vực nhận được sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ nhà nước để hạn chế tối đa các biến động tiêu cực.
Cổ phiếu ngành tài chính cũng được xem như cổ phiếu "vỡ lòng" - dù bạn có đầu tư kiểu nào thì cũng nên có cho mình những mã cổ phiếu tốp đầu thuộc nhóm này. Tuy nhiên, để đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư cần lưu ý một số đặc điểm của chúng:
- Phát triển tương đối ổn định theo thời gian dài nên mã cổ phiếu ngành này cũng được khuyến khích dành cho đầu tư đường dài (hold).
- Thanh khoản tốt.
- Dễ theo dõi và nhận biết: Nếu không phải người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, bạn chỉ cần tập trung vào các mã cổ phiếu của nhóm Big 4 (4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam).
- Giá cổ phiếu dễ tiếp cận: Giá khởi điểm không quá cao, tương đối dễ mua nên không tạo áp lực về vốn ban đầu và phù hợp với những nhà đầu tư vốn ít, muốn đầu tư an toàn.
- Niêm yết trên sàn chứng khoán tăng: Quy định hiện hành về việc niêm yết tất cả các ngân hàng đang hoạt động trong năm 2022 sẽ là tiền đề để số lượng ngân hàng niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ không ngừng tăng lên. Từ đó tạo ra sức cạnh tranh và giá cổ phiếu ngân hàng có những chuyển biến thu hút nhà đầu tư.
Các mã chứng khoán phổ biến/nên cân nhắc hiện nay
- VCB (Ngân hàng Vietcombank)
- MBB (Ngân hàng MB)
- MSB (Ngân hàng MSB)
- VPB (Ngân hàng VPBank)
- BID (Ngân hàng BIDV)
- CTG (Ngân hàng Vietinbank)
4. Nhóm ngành Bán lẻ
Là một trong những ngành có đường phát triển tương đối tốt theo đường dài cả giai đoạn trước, sau và hậu đại dịch, dễ thấy ngành bán lẻ trong nước sở hữu nhiều mã cổ phiếu hấp dẫn giới đầu tư.
Tuy nhiên, giá mua cổ phiếu nhóm này có hạn chế là tương đối khó tiếp cận với các nhà đầu tư có vốn hạn chế.
Các mã chứng khoán phổ biến/nên cân nhắc hiện nay
- MWG (Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động)
- FRT (Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT)
- MSN (Công ty cổ phần tập đoàn Masan)
- PNJ (Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận)
- BTT (Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bến Thành
- DGW (Công ty CP Thế Giới Số)
5. Nhóm ngành khác
Đặc điểm thứ nhất của các ngành thuộc tập hợp này là có tiềm năng đầu tư tốt nhưng chỉ có một số nhỏ các mã cổ phiến đáng chú ý.
Đặc điểm thứ hai là thường yêu cầu nhà đầu tư có khả năng nắm bắt các thông tin về ngành hoặc tình hình thời sự kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để có chiến lược đầu tư đúng thời điểm.
Ví dụ ngành khoáng sản có nhiều tác động môi trường nên việc phát triển của nhóm này chịu nhiều kiểm soát, có một số hạn chế.
Song, gần đây dấu hiệu tích cực đã trở lại. Điển hình như than đá tăng mạnh vào đầu tháng 07/2021 do nhu cầu dùng chất đốt và tái phục vụ sản xuất hoặc chiến sự Nga-Ukraine vừa qua giúp cổ phiếu nhóm dầu khí, hoá chất, phân bón tăng mạnh vì nhiều nguyên nhân.
Các mã chứng khoán phổ biến/nên cân nhắc hiện nay
Ngành Công nghệ thông tin
- FPT (FPT Corporation)
Ngành Logistics
- MVN (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam)
- TMS (Transimex)
- VSC (Công ty CP Container Việt Nam)
Ngành Phân bón
- DPM (Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ)
- LAS (Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao)
- SFG (Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam)
Ngành Khoáng sản
- PVS (Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam)
- TDN (Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin)
- DHA (Công ty cổ phần Hóa An)
Anfin là ứng dụng đầu tư chứng khoán thông minh với mức vốn khởi điểm rất thấp dành cho tất cả mọi người. Với Anfin, bạn có thể giao dịch mua, bán các cổ phiếu và đầu tư vào các Quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, với tính năng cho phép giao dịch cổ phiếu phân đoạn, mua cổ phiếu chính xác theo số tiền hoặc số lượng cổ phiếu bạn muốn sở hữu, bạn có thể bắt đầu giao dịch với Anfin chỉ từ 10.000 đồng.
Ngoài ra, App còn có mục cung cấp Kiến thức và cập nhật Tin tức đầu tư, để người dùng có nền tảng kiến thức và thông tin vững chắc, từ đó có thể tự tin ra quyết định giao dịch.Tải app tại App Store và Google Play.