Dịch vụ streaming kiếm tiền như nào mà ngày càng giàu vậy? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 11, 2021

Dịch vụ streaming kiếm tiền như nào mà ngày càng giàu vậy?

Các dịch vụ streaming đang ngày càng phổ biến với nhu cầu tăng cao của người dùng trên thị trường. Nguồn thu chính của họ đến từ đâu?
Dịch vụ streaming kiếm tiền như nào mà ngày càng giàu vậy?

Nguồn: Minh Hồng

Ngày nay, việc sở hữu một tài khoản cao cấp của Netflix, Spotify hay Disney+, FPT Play đã không còn quá mới mẻ với bất cứ ai. Chúng ta đang tiêu thụ những nội dung từ các dịch vụ streaming như một phần tất yếu của cuộc sống.

Sự tăng trưởng vượt bậc của các nền tảng này đều nhờ sự chuyển đổi hoạt động kinh doanh tập trung vào khách hàng, đa dạng hoá nội dung và tối ưu trải nghiệm người dùng. Cùng với đó, là doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng đáng ngưỡng mộ của công ty sở hữu loại hình dịch vụ này.

Vậy, những dịch vụ này kiếm tiền như thế nào để liên tục sản xuất các nội dung hấp dẫn, mở rộng thị trường và sở hữu kho dữ liệu khổng lồ như thế?

Thu phí đăng ký từ người dùng

Một trong những cách kiếm tiền dễ hiểu nhất của các nền tảng streaming là thu phí từ các gói đăng ký của người dùng. Mười năm trước, sẽ chẳng có Netflix hay Spotify,... Còn ở thời điểm hiện tại, cả hai công ty đều thu được lợi nhuận siêu khủng trong lĩnh vực của mình. Và phần lớn trong số đó đến từ người dùng trả phí.

Bắt đầu hoạt động trực tuyến vào năm 2007, Netflix đã đi từ con số 0 tới 100 triệu người đăng ký chỉ trong 10 năm. Năm 2021, Netflix có khoảng 209 triệu tài khoản người dùng. Mỗi tài khoản vào khoảng 65.000 VND thì với con số 203 triệu, mỗi tháng Netflix sẽ bỏ túi tầm hơn 10 nghìn tỷ VND.

alt
Kỷ nguyên trả phí cho nội dung đang giúp các nền tảng trực tuyến bội thu mỗi năm.

Một ông lớn khác của mảng dịch vụ streaming cũng đang trên đà thắng lớn là Spotify. Theo báo cáo, trong quý đầu của năm 2020, Spotify đã cán mốc 155 triệu người đăng ký gói trả phí (premium), tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phát triển này đã đưa doanh của công ty tăng thêm 22%, vượt xa kỳ vọng ban đầu của các nhà phân tích. Hiện nay, ứng dụng nghe nhạc này đang chiếm hơn 20% doanh thu của ngành âm nhạc toàn cầu.

Cùng thời điểm đó, đối thủ của Spotify là Apple Music cũng mang về hơn 60 triệu người dùng trả phí. Với mức giá 59.000 VND/ tháng cho gói này, mỗi tháng, ứng dụng của Apple có thể kiếm khoảng hơn 3 nghìn tỷ VND.

Tại Việt Nam, một số nền tảng như FPT Play, MyK+, VieOn, cũng đang dần mở rộng thị phần và tung ra các gói cước trả phí với kho nội dung khổng lồ nhằm thu hút người dùng. Mức phí của các gói dịch vụ này vào khoảng 40.000 - 120.000 VND theo các nhu cầu khác nhau.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng người dùng của các nền tảng này, song đây vẫn là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khác

Nếu như các dịch vụ như Spotify lấy thông tin bản quyền từ các thương hiệu ghi âm và các nhạc sĩ cá nhân thì Hulu và Netflix lấy thông tin từ Hollywood để có thể phát triển và tăng doanh thu của mình.

Năm ngoái, hai ứng dụng của Trung Quốc là WeTV và iQIYI đã bắt đầu xuất hiện. Theo đó, chỉ cần tải ứng dụng về, người Việt có thể tiếp cận một kho phim và TV show khổng lồ, chủ yếu do Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan sản xuất. Các ứng dụng này thường sẽ liên kết hợp tác với một bên thứ 3 để phát triển thị trường ở các nước khác.

alt
Việc hợp tác với các doanh nghiệp khác đang giúp thị trường của dịch vụ phát trực tuyến nở rộ hơn.

Với Netflix, việc tăng trưởng nhanh chóng đã giúp họ mở rộng mối quan hệ với rất nhiều ông lớn trong ngành khác. Netflix đã hợp tác với các công ty Smart TV như LG và Sony cho các thị trường mới nổi và một số khía cạnh khác. Bên cạnh đó là tham gia mạng lưới và các nhà cung cấp dữ liệu lớn như Google và Amazon và hợp tác với Wii, X-Box, PlayStation,... trong ngành công nghiệp game.

Việc liên tục mở rộng thị trường với những cú bắt tay đáng được mong đợi đều mang về cho các nền tảng, dịch vụ này rất nhiều cơ hội và gia tăng giá lợi nhuận một cách nhanh chóng.

Quảng cáo phát trên các dịch vụ

Thông thường, đối với các dịch vụ có thu phí, nếu người dùng đăng ký các gói nâng cao sẽ được đi kèm nhiều quyền lợi như nghe nhạc không bị gián đoạn, truy cập không giới hạn kho dữ liệu,.. Còn khi sử dụng các gói miễn phí, bạn sẽ không thể tránh được những quảng cáo bị hiển thị thường xuyên khi sử dụng.

Với dụ rõ nhất là ở Spotify, việc phải nghe quá nhiều quảng cáo khi sử dụng gói miễn phí khiến nhiều người chấp nhận bỏ tiền cho gói nâng cấp hơn. Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Podcast những năm gần đây, số tiền kiếm được từ Podcast của ứng dụng này cũng tăng theo.

Trong số những người dùng Spotify đã nghe podcast, lượt nghe podcast tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số giờ tiêu thụ tăng 95%. Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo podcast tăng 627%, vượt mức mong đợi.

alt
Quảng cáo đang là một trong những doanh thu chính của Spotify cũng như các nền tảng phát sóng trực tuyến khác

Nhưng bên cạnh cách kiếm tiền hợp lệ của các dịch vụ streaming cũng tồn tại các website lậu có thể kiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng từ quảng cáo. Ở Việt Nam, hẳn khán giả không lạ mặt với những cái tên như phimmoi.net, phimbathu.com. Theo bảng giá quảng cáo từ kênh phimmoi.net, một TVC chạy trước phim, có giá dao động từ 18 triệu đồng trở lên, TVC chạy giữa phim có giá lên đến 16 triệu đồng.

Tính trung bình, chỉ cần 10 nhãn hàng thì một tuần web phim lậu thu về ở hạng mục quảng cáo TVC lên đến hơn 180 triệu đồng ở TVC trước phim và 160 triệu đồng cho TVC giữa phim. Như vậy, con số hàng tỷ đồng quảng cáo một tháng ở một dịch vụ streaming lậu là hoàn toàn có khả năng.

Tương lai tự chủ sản xuất nội dung độc quyền

Ngày nay, việc các dịch vụ streaming đang dần tự chủ về nội dung hay sản xuất các nội dung độc quyền đã không còn xa lạ gì với người dùng.

Tháng 4 năm nay, Spotify đã ra mắt đăng ký podcast trả phí – thông qua Anchor, máy chủ podcast được mua năm 2019, người sáng tạo có thể chọn một số nội dung nhất định sau khi trả tiền. Apple cũng đã tung ra tính năng tương tự. Mặc dù, con số về lợi nhuận và ảnh hưởng của việc tự chủ về nội dung chưa thể đo đếm, nhưng trong tương lai có thể sẽ trở thành hướng đi chính của những nền tảng này.

alt
Các nền tảng đang dần chuyển mình sang sản xuất các nội dung độc quyền để thu hút người dùng và mở rộng thị trường.

Trong sự kiện See what’s next Korea, hãng phim trực tuyến Netflix gây sốt khi công bố sẽ đầu tư món tiền lớn trị giá 500 triệu USD để làm phim Hàn trong năm 2021. Điều này không chỉ giúp nền tảng này gây tiếng vang với những series độc quyền mà còn giúp họ mang về hơn 3,8 triệu tài khoản đăng kí thuộc phạm vi Hàn Quốc.

Hulu hay Disney+ cũng không đứng ngoài đường đua này khi cũng sở hữu những loạt phim gốc của riêng mình để mang về thêm lợi nhuận và khách hàng. Hơn nữa, việc chịu chấp nhận một mức lỗ ban đầu để kiếm lãi về sau cũng khiến các nền tảng này mạnh tay hơn cho việc chi tiền để sở hữu nội dung độc quyền.

Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng này khi Danet từng chiếu độc quyền Glee Vietnam, Hậu duệ mặt trời Việt Nam. Hay như mới đây, bộ phim cung đấu hiếm hoi của Việt Nam có tên "Phượng Khấu" chỉ chiếu trên nền tảng Pops.

Kết

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc bị kẹt ở nhà do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu và thị trường dịch vụ streaming và các nền tảng khác bùng nổ. Nhưng dù thế nào, cũng không thể phủ nhận, sự thay đổi trong thói quen sống cũng như chuyển mình của internet, thời đại số đã mang đến lợi nhuận khổng lồ cho các dịch vụ này.

Những đống tiền chúng ta đang đóng góp và chi cho nhu cầu giải trí đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hoá, sáng tạo nghệ thuật. Điều quan trọng ở đây là, hãy luôn chi tiền một cách đúng đắn, thông minh và hạn chế tiếp tay cho các dịch vụ streaming lậu và vi phạm pháp luật.