Không phải hiển nhiên mà chứng khoán trở thành một kênh đầu tư được ưa chuộng nhất nhì hiện nay với hầu hết nhà đầu tư trẻ. Điều này đến từ nhiều lý do, có thể vì kênh đầu tư yêu cầu mức vốn tối thiểu đa dạng, rủi ro tương đối hay lãi suất (nếu đầu tư đúng) thuộc hàng khá.
Song trên tất cả, sức hút của chứng khoán chính là việc tạo ra một môi trường đầu tư tự do, cá nhân hoá theo gu và sở thích của người tham gia - miễn sao điều đó phù hợp với khả năng quản trị rủi ro và mong muốn sinh lời của cá nhân đó.
Bạn có thể khởi đầu với mọi số vốn, chọn lựa đầu tư theo nhiều chiến thuật thông qua hàng trăm mã cổ phiếu hiện có trên thị trường. Tất cả tạo ra vô số các khả năng để bạn phát triển nguồn vốn ban đầu.
Tuy nhiên, hành trình này không xuyên suốt.
Ở mỗi giai đoạn, khi kinh nghiệm và số vốn có sự thay đổi, những chiến lược mới hơn là cần thiết. Nói cách khác, xác định được mình ở đâu trên lộ trình đầu tư hoặc biết được những cột mốc sắp tới sẽ giúp bạn vạch ra mục tiêu rõ ràng hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư khi “chơi” chứng khoán.
Vậy đâu là những cột mốc phát triển cơ bản của một trader? Hãy cùng Vietcetera điểm qua nhé!
Cấp độ 1: Tấm chiếu mới (Không có kinh nghiệm)
Bạn có thể đang mang tâm lý thử nghiệm sau khi ít nhiều tìm hiểu qua hoặc muốn trau dồi những kiến thức dẫn nhập của bộ môn đầu tư chứng khoán. Nhưng dù là tâm thế nào thì bạn đang có những đặc điểm như:
- Rất ít kinh nghiệm
- Khả năng quản lý rủi ro kém
- Lãi nếu có thường dựa vào sự may mắn hoặc đầu tư theo lời khuyên thay vì nhìn vào diễn biến thị trường hoặc các nguồn tin uy tín từ cá nhân.
- Có thể không quan trọng việc lời lãi vì đang trong tâm thế thử nghiệm hoặc vừa tham gia vừa học
- Tiềm đầu tư ở mức thấp, không quá nhiều so với nguồn vốn sẵn có.
Ưu điểm/Nhược điểm
Dù là người mới, bạn vẫn có một số lợi thế nhất định như tâm lý thoải mái hơn, tự do lựa chọn hướng đầu tư mà không bị áp lực gỡ vốn (vì mới chơi) và nhất là sự hứng khởi, lạc quan.
Ngược lại, nhược điểm rõ nhất là thiếu kinh nghiệm và thiếu nguồn tư vấn phù hợp - cộng đồng/ hội nhóm/ diễn đàn về chứng khoán hoặc các nguồn tin dự báo uy tín. Bên cạnh đó, tâm lý hiếu thắng cũng sẽ khiến bạn dễ bị ‘FOMO’ đầu tư theo số đông, đễ bị “lùa gà” hay thậm chí ‘all-in’, “đu đỉnh” mà thiếu quan sát.
Bạn có thể làm gì?
- Đặt nguồn đầu tư chính vào các mã chứng khoán có tính ổn định, thanh khoản tốt như mã của các công ty cổ phần chứng khoán, ngân hàng (nhóm ‘Big 4’) hoặc các doanh nghiệp lớn, uy tín. Với các mã còn lại, bạn có thể thử “lướt sóng” nhưng chỉ nên bắt đầu với vốn khiêm tốn nếu chưa có nhiều sự tư vấn.
- Luôn giữ sự bình tĩnh bằng cách đặt ra lộ trình vài tuần đến vài tháng để tập quan sát, làm quen các kịch bản biến động của thị trường trước khi đẩy thêm vốn đầu tư hoặc có các chiến lược đầu tư có rủi ro cao như ‘all-in’ hoặc ‘margin’.
- Tích cực tham gia nhiều diễn đàn chứng khoán hoặc tham khảo tin tức về thị trường trên các báo/chuyên trang uy tín để có cái nhìn đa chiều. Nếu may mắn, bạn cũng có thể kết bạn với một số người có kinh nghiệm hoặc chuyên gia trong lĩnh vực để được tư vấn.
- Chơi các tựa game giả lập về chứng khoán hoặc đầu tư qua các apps đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
- Mua chứng khoán theo lô lẻ (ví dụ qua một số apps) để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Cấp độ 2: Kẻ học việc (Có ít kinh nghiệm)
Đây là lúc bạn có nhiều kinh nghiệm hơn những “tấm chiếu mới” nhưng vẫn là ít để có thể kiểm soát khả năng sinh lời, quản lý rủi ro. Đặc điểm chung của giai đoạn này thường là:
- Có thể nắm bắt cơ bản các diễn biến của thị trường
- Đã từng trải qua việc thua lỗ. Có thể có lãi nhưng không nhiều hoặc chưa hoàn vốn.
- Sẵn sàng để nâng mức đầu tư và mong muốn thử sức ở nhiều chiến lược đầu tư mới
- Sở hữu những kênh tham khảo thông tin tương đối
Ưu điểm/Nhược điểm
Sự nhiệt huyết và lạc quan của giai đoạn đầu nay được đồng hành với sự cẩn trọng. Bạn sẽ dễ tìm thấy động lực đầu tư vì trong giai đoạn này bạn bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn những vui buồn mà đầu tư chứng khoán mang lại.
Đây cũng là giai đoạn giúp bạn xác định rõ định hướng, phong cách đầu tư chứng khoán trong tương lai.
Nhược điểm của giai đoạn này vẫn là ở việc có nhưng chưa nhiều kinh nghiệm để có thể kiểm soát sinh lời tối ưu hơn cũng như khả năng tham gia các chiến lược mạo hiểm hơn như margin.
Bạn có thể làm gì?
- Duy trì việc học tập ở cấp độ 1
- Cân nhắc việc đầu tư ở nhiều mã khác nhau và phân chia chúng thành các danh mục đầu tư theo cấp độ rủi ro hoặc mục đích. Bạn có thể đặt các câu hỏi mã nào nên ‘hold’, mã nào lướt sóng, trong cùng 1 mã thì lướt sóng và hold bao nhiêu %...
- Làm quen với việc theo dõi thị trường nhiều lần trong ngày mà vẫn cân bằng được công việc và cuộc sống cá nhân (nếu bạn là nhà đầu tư bán thời gian hoặc tự do)
- Luyện phân tích các thông tin từ báo chí/chuyên trang để thử nghiệm khả năng dự đoán biến động thị trường.
Cấp độ 3: "Chứng sĩ" kinh nghiệm
Đặc điểm chung của giai đoạn này là bạn có kinh nghiệm đủ để thử sức ở hầu hết các chiến lược đầu tư chứng khoán. Đây cũng là giai đoạn bạn nghiêm túc hơn về việc cân đối lỗ/lãi và liên tục đánh giá mức độ hiệu quả đầu tư.
Ưu điểm/Nhược điểm
Ưu điểm dễ thấy là bạn đã “gai góc” hơn và có một số lãi nhất định để có thể tự tin biết mình nên làm gì để nâng cao hiệu quả đầu tư. Kinh nghiệm từ những lần “chinh chiến” cũng giúp bạn có linh cảm, sự dự đoán và nhạy bén với thị trường tốt hơn các giai đoạn trước
“Cái gì nhiều quá cũng không tốt” chính là vấn đề lớn mà cấp độ này đối diện. Bạn có nhiều nguồn tin và bắt đầu theo dõi tích cực hơn thông tin cũng đồng nghĩa với việc dễ bị “loạn chưởng” - không biết nên nghe nguồn nào.
Mặt khác, vì có quá nhiều thông tin cần xử lý nên đôi khi có quá nhiều hướng rẽ, khiến bạn khó trung thành với định hướng đầu tư đặt ra nếu không có kế hoạch phân bổ sát sao.
Đến cuối cùng nhìn lại thì đầu tư nhiều, đầu tư sôi động nhưng lãi ròng thực tế không cao. Nói cách khác, hiệu quả đầu tư thì đa số chỉ ngang với Index - tức là khi tăng thì hứng khởi, khi giảm thì "chạy giặc".
Bạn có thể làm gì?
Chọn lọc và chia các nguồn tin thành nhóm theo dõi chính và nhóm tham khảo để tránh nhiễu thông tin.
Xác định một kế hoạch đầu tư rõ ràng, chi tiết với đủ các danh mục: hold, lướt sóng, margin… Việc ghi chép hoặc cập nhật mỗi ngày sẽ rất quan trọng để bạn có thể kiểm soát việc đầu tư.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc việc nghỉ ngơi tạm thời nếu cảm thấy việc đầu tư đang ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân.
Dám chấp nhận thực tế bằng việc đón nhận các rủi ro hoặc cắt lỗ nếu cần thiết.
Cấp độ 4: Chuyên gia hoặc 'Tenbagger'
'Tenbagger' là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một khoản đầu tư tăng gấp mười lần. Nó ám chỉ cấp độ giao dịch mà ở đó nhà đầu tư đã thành thạo để tối ưu hoá lợi nhuận gấp nhiều lần. Nói cách khác, bạn đã trở thành một nhà đầu tư giỏi, không còn nhiều nhược điểm để quan tâm.
Bạn có thể làm gì?
Đây là cấp độ mà bạn nên cân nhắc việc đầu tư chứng khoán như một kênh toàn thời gian hoặc kiếm thêm thu nhập từ kiến thức của mình. Có thể là mở các kênh youtube, viết sách hoặc blog cá nhân. Ngoài ra, nghề tư vấn cũng có thể được cân nhắc nếu bạn tìm được nhóm khách hàng tiềm năng của mình.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm đầu tư và nguồn vốn có được qua nhiều năm đầu tư chứng khoán, bạn cũng có thể tham gia các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hoặc các kênh đầu tư mới như cryptocurrency, NFT để thử sức.
Cấp độ 5: Cộng đồng 5% ('5%-ers' - nhóm tinh hoa)
Nhóm này để chỉ một số ít (5%) những traders thành công tốp đầu trên thị trường, dù thực tế con số này có thể ít hơn khoảng 0,5%-1%.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa đến cấp độ này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ tụt lùi. Bạn không chỉ biết nơi để thu lợi nhuận mà quan trọng hơn bạn biết nơi để cắt một giao dịch thua lỗ hoặc có khả năng ‘hold’ lâu hơn một chút cho đến khi giá cuối cùng đạt đến mục tiêu của bạn.
Ngoài ra, một khả năng đặc biệt của nhóm này chính là khả năng dự đoán chính xác thị trường (không phải thao túng) bằng sự quan sát, may mắn và cả mạng lưới nguồn tin của mình.
Không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ là 5% mãi mãi nhưng với những người đã từng hoặc nằm trong giai đoạn này, có thể yên tâm rằng bạn có đủ sự tự tin và năng lực để kiểm soát tốt nhất hành trình đầu tư chứng khoán của bản thân.
Bạn có thể làm gì?
Trở thành một nhà giao dịch vĩ đại không phải là một tài năng bẩm sinh mà là một kỹ năng phát triển trong nhiều năm. Do đó, ngoài những việc bạn có thể làm ở giai đoạn chuyên gia, sự học hỏi không ngừng những diễn biến mới, bối cảnh thị trường mới sẽ luôn là điều cần thiết để bạn có được đỉnh cao trong sự nghiệp đầu tư chứng khoán.
*Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline.
Anfin là ứng dụng đầu tư chứng khoán thông minh với mức vốn khởi điểm rất thấp dành cho tất cả mọi người. Với Anfin, bạn có thể giao dịch mua, bán các cổ phiếu và đầu tư vào các Quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, với tính năng cho phép giao dịch cổ phiếu phân đoạn, mua cổ phiếu chính xác theo số tiền hoặc số lượng cổ phiếu bạn muốn sở hữu, bạn có thể bắt đầu giao dịch với Anfin chỉ từ 10.000 đồng.
Ngoài ra, App còn có mục cung cấp Kiến thức và cập nhật Tin tức đầu tư, để người dùng có nền tảng kiến thức và thông tin vững chắc, từ đó có thể tự tin ra quyết định giao dịch.Tải app tại App Store và Google Play.