Những sai lầm trong việc quản lý tài chính là một chủ đề vô tận, bởi vì rất ít người trong số chúng ta được dạy về kỹ năng này từ khi còn nhỏ, và thậm chí tới tận khi đã bắt đầu sống tự lập vẫn còn mơ hồ về vấn đề này.
Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu – Rich Dad Poor Dad” của Robert Kiyosaki và Sharon Lechter đề cập: “Đa số sinh viên rời trường mà không có một kỹ năng tài chính nào… Điều thiếu sót trong vốn học của họ không phải là làm thế nào để kiếm tiền, mà làm thế nào để sử dụng tiền.”
Đó là lý do mà dù là đầu tháng hay cuối tháng chúng ta vẫn liên tục than phiền về tình trạng “túng thiếu”. Vậy đâu là những sai lầm dẫn đến hậu quả như vậy, và làm thế nào để khắc phục điều đó?
1. Không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng
Điện thoại vừa báo lương về, mức tài chính lại được cân bằng khiến bạn cảm thấy tâm trạng vui vẻ. Bạn quyết định lướt các trang mua sắm để tự thưởng cho mình một món nào đó. Vấn đề là đến khi thanh toán thì giỏ hàng không chỉ dừng lại ở một món.
Đó chỉ là một số biểu hiện của việc chi tiêu không có kế hoạch. Bạn cứ mãi tiêu số tiền mình đang có mà không tính toán kỹ lưỡng, không nắm rõ những ngày tới mình sẽ dùng tiền như thế nào.
“Thật ra không cần phải bỏ việc tự thưởng, dù gì đó cũng là số tiền bạn làm vất vả cả tháng mới kiếm được. Mình thường lên sẵn một danh sách tự thưởng từ trước đó. Đó có thể là một bữa ăn “hoành tráng” hơn thường ngày, hoặc đôi giày mình đã thích từ lâu. Lên kế hoạch càng chi tiết thì càng dễ quản lý. Hơn nữa, lập danh sách lúc tiền lương còn chưa về sẽ khiến mình cân nhắc kỹ lưỡng về giá cả và mức độ cần thiết của từng món hàng hơn.” — Khánh, 24 tuổi.
2. Không có khoản tiền dự phòng
“Mình lúc dự tính ngân sách thì là đủ, thế nhưng khi có 7749 khoản tiền nằm ngoài dự tính rơi xuống, như phí này phí kia, mình lại phải chi trả cho số tiền đó, và thế là thiếu tiền” — Hằng, 20 tuổi.
Sai lầm thứ hai của các bạn trẻ là không có khoản tiền dự phòng. Nhiều bạn chỉ tính vừa đủ các khoản chi tiêu cần thiết như ăn, ở, học tập mà quên mất mình cần có một khoản tiết kiệm phòng khi khẩn cấp. Trong cuộc sống sẽ luôn có những điều nằm ngoài dự tính, những khoản phí phát sinh mà bạn phải chi trả. Ví dụ như lúc đau ốm, nó không hề nằm trong kế hoạch của ai cả, và cũng không ai muốn điều đó xảy ra.
Ngoài những khoản chi tiêu cơ bản, hãy trích ra một khoản tiền tiết kiệm nhỏ cho những tình huống ngoài ý muốn. Một khoản tiền dự phòng sẽ không chiếm phần lớn trong thu nhập, thế nhưng, đừng bỏ sót nó nếu muốn quản lý tài chính hiệu quả.
3. Thiếu kỹ tính trong chi tiêu
Nền kinh tế phát triển, các nhà kinh doanh không ngừng tìm ra những khuyết điểm và vấn đề của khách hàng, và chỉ những sản phẩm của họ mới giúp chúng ta giải quyết được. Điều này dẫn đến việc người trẻ ngày nay bị “quá tải” bởi các “giải pháp” từ các nhà kinh doanh.
Đồng thời, hiệu ứng FOMO (fear of missing out) khiến bạn không thể ‘kháng cự’ được khi nhìn thấy các sản phẩm liên tục được đề cử bởi các KOL, được các trang bán hàng tâng bốc “đã bán được cả trăm đơn”. Càng gần những mùa giảm giá, tinh thần bạn càng dễ lung lay vì sợ hụt mất những ‘món hời’ một năm mới có vài lần. Vì thế, cho dù ví tiền vẫn hơi eo hẹp, bạn vẫn bấm bụng “thôi thì mua để dành, bao giờ mới có giá thế này nữa”.
“Mỗi lần cảm thấy thiếu ‘sức đề kháng’ với Black Friday hoặc các sản phẩm được quảng cáo khắp mạng xã hội, mình sẽ tìm đọc các bài đánh giá và so sánh giá cả trước. Đôi khi nhờ đó mà mình nhận ra, thỏi son đang giảm giá thật ra rất dễ gây khô môi, hoặc mình đã có rất nhiều thỏi son cùng màu rồi.” — Vân, 24 tuổi.
“Một bí quyết khắc phục tâm lý sợ bỏ lỡ của mình là hỏi ý kiến bạn bè. Đó có thể là người đã từng sử dụng sản phẩm đó, hoặc là một người giỏi quản lý tiền bạc hơn mình. Đã nhiều lần mình được bạn bè cản lại kịp thời, và một thời gian sau nhận ra rằng không có những sản phẩm đó, cuộc sống của mình cũng chẳng bị ảnh hưởng gì cả.” — Thảo, 19 tuổi.
4. Xài trước, kiếm sau
Những ‘sai lầm’ phía trên kéo theo hệ quả là bạn phải ‘mượn nợ’ người quen. “Mượn một người quá nhiều thì ngại, nên mình mượn người này một ít, người kia một ít. Tới ngày nhận lương cũng là ngày trả nợ. Vòng tuần hoàn tiền vừa vào tài khoản đã phải chuyển đi cứ lặp đi lặp lại hàng tháng như vậy.” — Thu, 23 tuổi.
Đối với những người sử dụng credit card thì lại là một câu chuyện khác. Khác với tiền mặt giúp ta ý thức được số dư trong ví, hành động quẹt thẻ diễn ra quá chớp nhoáng, chúng ta còn chưa kịp cảm nhận rõ rệt cảm giác “tiêu tiền” thì tài khoản đã báo giảm rồi.
Cố gắng ưu tiên trả hết các khoản nợ trước là một bước quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, hoặc ít nhất cũng nên kiểm soát được những khoản nợ đang tồn tại. Và để hạn chế những khoản nợ tiếp theo có thể xảy ra, bản thân cần kiểm soát mức chi tiêu khi sử dụng credit card của mình.
5. Văn hóa cả nể
Đối với những nước châu Á chú trọng tính tập thể, các mối quan hệ ảnh hưởng rất nhiều lên cách chúng ta quản lý tài chính. Đôi khi không thể tránh việc ăn tối tại một nhà hàng đắt đỏ để chiều theo ý bạn bè, hoặc chi trả cho mọi buổi hẹn để không mất lòng người yêu.
Nét văn hóa khách sáo này của người Việt cũng đã khiến nhiều người gặp phải cảnh khó xử, đặc biệt là trong chuyện hẹn hò. Khi cả hai đi ăn, ai nên là người thanh toán? Đề nghị chia đôi có khiến người còn lại khó chịu hoặc tự ái không? Rất khó để có được câu trả lời thỏa đáng, bởi nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như quan điểm, khả năng tài chính và tình trạng của mối quan hệ. Vì vậy, quan trọng nhất là cả hai cần thẳng thắn chia sẻ và thống nhất với nhau trước.
“Từ lúc hẹn hò, mình ngại không đề cập đến chuyện chi trả, thông thường mình sẽ là người trả cho cả hai. Một lần người yêu dẫn mình ‘ra mắt’ hội bạn. Khi thanh toán mình hồn nhiên ứng tiền trước, cứ nghĩ cả hội sẽ góp lại sau. Nhưng sau đó không ai có ý định trả lại cả, mọi người mặc định là mình khao bữa đó. Người yêu mình không nói gì, mình cũng ngại mở lời.” — Thắng, 25 tuổi.
Kết
Bản thân chúng ta chính là chủ thể của việc chi tiêu. Vì vậy, quan trọng nhất là hiểu rõ tư tưởng của bản thân về quản lý tài chính và quản lý bản thân. Một khi biết rõ mình cần gì và bị ảnh hưởng bởi điều gì, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bài viết này được thực hiện bởi Như Đoàn.
Xem thêm:
[Bài viết] Vì sao giới trẻ không thể quản lý tiền bạc tốt như thế hệ trước?
[Bài viết] SWOT – Bí kíp để hết nghèo vào cuối tháng