Trần Đặng Đăng Khoa: Bỏ sự thân thuộc, được giấc mơ cả cuộc đời | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 09, 2020

Trần Đặng Đăng Khoa: Bỏ sự thân thuộc, được giấc mơ cả cuộc đời

Trần Đặng Đăng Khoa chiêm nghiệm cùng Vietcetera về câu chuyện từ bỏ và hành trình 1111 ngày hoàn thành giấc mơ cuộc đời.
Trần Đặng Đăng Khoa: Bỏ sự thân thuộc, được giấc mơ cả cuộc đời

Nguồn: Trần Đặng Đăng Khoa.

Đằng sau mỗi sự từ bỏ là một cuộc chuyển giao. #Bỏ là series kể lại những cuộc chuyển giao này.

“Lúc hạ cánh về Việt Nam mình thấy đầu óc trống rỗng vì đang đi chơi vui quá mà phải về. Nói chung... nửa nạc nửa mỡ.

Nhưng giờ nghĩ lại cũng thấy hay, vì lý do kết thúc là một trận đại dịch 100 năm sau, kể từ cúm Tây Ban Nha. Thì người ta sẽ nhớ là: ‘CHUYẾN ĐI TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA, NGÀY VỀ LÀ ĐỢT COVID-19 NĂM THỨ NHẤT’. Cũng vui!”

Đó là những chia sẻ đầu tiên chúng tôi được nghe từ Trần Đặng Đăng Khoa, người vừa trở về từ hành trình 1111 ngày vòng quanh thế giới trên chiếc Honda Wave.

Nói về mình, Khoa tự nhận là con người của những thái cực, giống như Ấn Độ, hoặc là rất hiền hoặc là rất dữ. Có lẽ nhờ sự cực đoan này mà Khoa đã có dũng khí bỏ lại rất nhiều thứ và mang về cho mình một trải nghiệm vô giá.

Giống một cuộn cát-xét, như cách Khoa nói, anh tua ngược lại trải nghiệm bỏ này trong một buổi chiều cà phê cùng Vietcetera.

Trần Đặng Đăng Khoa Bỏ sự thacircn thuộc được giấc mơ cả cuộc đời0

“Một chuyến đi không hẹn ngày về”, mọi người xung quanh phản ứng thế nào khi Khoa thông báo điều này?

Bạn bè mình cứ bảo nói vậy là xui. Nhưng mình thì thấy chữ “không hẹn ngày về” thú vị phết chứ có gì đâu mà xui.

Không hẹn ngày về tức là mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chừng nào thì xảy ra, mình có thể gặp những ai, ai sẽ đi cùng mình, rồi dẫn tới việc gì kế tiếp.

Muốn đi đâu là đi, đi bao lâu là đi. Tới nước đó không thích thì xin Visa đi nước khác. Không bị bó buộc bởi bất kỳ điều gì.

Bỏ lại công việc, gia đình, bạn bè và cả sự an toàn, điều gì khiến Khoa chắc chắn về quyết định này?

Mình hay nghĩ tới 3 câu này trước khi làm cái gì đó:

  • Một, mình có thể làm việc này không?
  • Hai, việc này có cần thiết không?
  • Và ba, có cách nào làm việc này tốt hơn không?

Bỏ công việc để đi chuyến này thì mình có làm được không? Có! Mình biết là mình có thể vì mình đã từng đi nhiều dịp trước đó rồi. Giờ mình chỉ đi xa hơn một chút thôi.

Chuyến đi này có cần thiết không? Cần thiết chứ! Vì mình đã suy nghĩ về nó 30 năm rồi, bây giờ không làm thì mình sẽ ân hận suốt đời. Nếu có bị mất tay mất chân, bị bệnh, bị bắt cóc thì sau này cho làm lại, mình có làm không? Có, mình cũng sẽ không bao giờ hối tiếc.

Chuyến đi này có thể thực hiện theo cách khác không? Hoặc là mình có thể đi với một người nào đó, trên một phương tiện khác, chờ đợi một thời gian khác không? Không, mình muốn phải đi ngay lúc đó, bằng chiếc xe đó, tuyến đường đó, và phải đi một mình. Tại vì đó là giấc mơ của đời mình, mình không muốn chia sẻ nó với ai cả.

Dĩ nhiên ngoài tự hỏi bản thân, mình cũng cần nghe người khác. Nhưng mình phải giới hạn lại những ai nên nghe, những ai không. Bản thân mình chỉ nghe những người mình hâm mộ. Mình biết người đó giỏi cái gì và họ hơn mình cái gì thì mình sẽ nghe họ.

Rồi xem những dữ liệu đó có đủ để mình ra quyết định không? Nó ảnh hưởng gì tới mình? Mình có sẵn sàng đánh đổi không? Có xứng đáng không?

Trần Đặng Đăng Khoa Bỏ sự thacircn thuộc được giấc mơ cả cuộc đời1

Tuần cuối trước khi lên đường diễn ra thế nào?

Nói thật khoảng thời gian đó rất khó khăn. Mình hay nằm mơ rồi cũng hay lo lắng: “Trời ơi, sắp tới đi mấy năm như vậy, không ai biết mình, mình cũng không biết ai, bị cướp thì phải làm sao? Bị té gãy tay chân nằm đó thì có ai chở mình đi không? Bị bệnh, bị ai hại thì phải làm sao?...”

Khác với nhiều người nghĩ, mình không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Một tuần trước khi đi mình mới nghỉ việc công ty, nên lúc đó là sáng đi làm rồi tối đi sửa xe. Hoặc là tranh thủ trước khi gặp khách hàng thì đem xe ra sửa rồi mua cái này, đặt hàng cái kia... Xong hết thì cũng chỉ còn 5 ngày để thu gom đồ đạc lên đường.

Lúc đó còn phải tranh thủ về thăm gia đình, bạn bè. Bạn bè cũng nhiều nhưng mình cố gắng tạm biệt cho hết bởi đó có thể là lần cuối cùng gặp họ trên cuộc đời này. Nhiều lúc cũng có cái cảm giác giống như sắp ra chiến trận.

Chuyến đi này có gì khác với mong đợi của Khoa?

Thật ra trước giờ mình cũng đã đi quen rồi. Mình đã bỏ đô thành trong vòng 2 ngày cuối tuần, rồi 10 ngày, rồi tăng dần lên nên mình thấy nó cũng bình thường.

Nhìn lại thì lúc đó cũng chỉ khác trước kia ở khoảng cách địa lý. Thay vì mỗi ngày đi từ điểm A đến điểm B, thì lúc đó qua một ngày mình lại đi đến chỗ C, chỗ D, chỗ E. Qua tới tháng thứ ba thì thấy chuyện đó bình thường.

Trước khi đi thì mình cũng không tìm hiểu các nước nhiều để có được sự bất ngờ. Đọc nhiều quá sẽ bị suy nghĩ của tác giả áp chế. Mình chỉ tìm hiểu sơ sơ vùng này vùng kia, tuyến đường này tuyến đường kia. Để cho nó ngẫu hứng thì vui hơn.

Đã là không hẹn ngày về thì sao phải đi theo một tuyến hay cách nào nhất định?

Nói chung lên xe rồi thì mình quên hết mọi chuyện, vừa nghe nhạc vừa ngắm cảnh. Rất thích!

Cứ qua một góc cua lại có một cảnh đẹp mới, một câu chuyện mới nên thấy rất thoải mái. Mỗi ngày thức dậy đi qua một con đường chưa bao giờ qua, gặp những con người chưa bao giờ gặp, ăn những món mà chẳng biết tên gì. Nói chung tất cả đều không quan trọng. Cái mình thích nhất là không phải suy nghĩ nhiều.

Trần Đặng Đăng Khoa Bỏ sự thacircn thuộc được giấc mơ cả cuộc đời2

Nhiều người cho rằng Khoa lên đường để khám phá bản thân hay chứng minh một điều gì đó. Điều đó có đúng không?

Nói thật là mình biết mình quá rõ rồi nên chẳng có gì gọi là đi khám phá bản thân nữa. Đây đã là chuyến đi tuổi 30, chứ không phải 20 nữa.

Mình đã biết mình suy nghĩ gì, mình tin cái gì, mình thích cái gì. Thậm chí biết rất rõ nếu mua chiếc mô tô sẽ mua loại gì, màu gì, nếu cưới vợ thì sẽ cưới người như thế nào, nhận nuôi bao nhiêu đứa con, sẽ sống ở đâu năm 50 tuổi...

Mình thấy vui vì cuối cùng cũng thực hiện được giấc mơ của đời mình. Cái ngày lăn bánh, mình đã nghĩ dù chạy được 2 km mà bị xe đụng chết thì cũng vui. Xui rủi là chuyện bất khả kháng. Nhưng lăn bánh được thì mình đã thấy vui rồi. Tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ, chuẩn bị về nó mà không đi thì rất tiếc.

Nhờ đó, mình biết được mình có thể làm được những thứ ghê gớm hơn mình nghĩ. Rồi mình cũng biết được sau này có muốn đi đâu thì mình cũng đi được, tất nhiên là trong chuyện chạy xe thôi.

Khoa nghĩ gì về những bàn tán xung quanh chuyến đi của mình?

Thật ra, mình không quan tâm lắm.

Mình không có nhu cầu cho người ta hiểu mình. Mình đã qua 30, qua bên kia con dốc cuộc đời rồi. Một số người bảo mình phải cạo râu, mặc đồ này nọ cho trẻ hơn, hay đừng xưng chú vì nghe già lắm. Mình thấy chẳng cần.

Mình già thì mình thích mình già. Mình thấy vui, tới tuổi thì nó vậy. Mình không có nhu cầu thay đổi hay làm gì đó để người ta hiểu mình.

Nếu được mang bất cứ thứ gì về Việt Nam từ chuyến đi, Khoa sẽ chọn gì?

Cái mạng mình và chiếc xe. Nói là mang về kiến thức hay góc nhìn mới thì cũng đúng nhưng nghe nó xa vời quá. Chỉ cần hai cái kia thôi cũng đủ rồi.

Khoa có lời nào nhắn nhủ cho các độc giả vẫn đang chật vật với việc bỏ không?

Các bạn cứ bơi bơi qua tuổi 30 thì các bạn sẽ biết mình cần gì. Dĩ nhiên mốc 40 thì mới biết. À không, nhiều khi mình nghĩ mình biết chứ đến lúc chết cũng chưa biết mình muốn gì.

Nói chung biết hay không thì mình thấy không quan trọng. Mình làm cái gì thì mình sẽ hiểu mình thêm một chút thôi.

Cũng giống việc bỏ này, phải thử thì mới biết. Không bỏ nhiều thì bỏ từ từ. Giống như cuộc đời cần những người dũng cảm, dám xông pha thì trận chiến mới giành được chiến thắng.

Xin cảm ơn Khoa!

Đằng sau mỗi sự từ bỏ là một cuộc chuyển giao. #Bỏ là series kể lại những cuộc chuyển giao này.