3 Bước giúp bạn “đá bay” mọi niềm tin xấu về bản thân | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 03, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

3 Bước giúp bạn “đá bay” mọi niềm tin xấu về bản thân

Theo Mark Manson, để loại bỏ những niềm tin xấu, bạn phải xác định các dẫn chứng đang củng cố nó. Bằng cách đi từ việc thay đổi dẫn chứng, bạn sẽ thay đổi được niềm tin.
3 Bước giúp bạn “đá bay” mọi niềm tin xấu về bản thân

Nguồn: Tấn Danh @ Pexels

Tiếp nối bài viết “Vì đâu mà “giang sơn khó đổi, niềm tin xấu khó dời”?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Why We Hold On to Bad Beliefs” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Làm sao để thay đổi những niềm tin xấu?

Niềm tin và các dẫn chứng ta dùng để củng cố nó tạo nên một vòng phản hồi, mà trong đó chúng củng cố lẫn nhau. Nếu bạn tin mình là một kẻ ngu ngốc, bất tài, thiếu tự tin và chẳng làm được việc gì ra hồn, thì hành vi của bạn sẽ phản ánh niềm tin đó.

Điều này khiến bạn lại càng có thêm nhiều dẫn chứng chứng minh cho điều bạn vẫn nghĩ. Và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ thế mà lặp lại. Để chấm dứt nó, bạn có 2 lựa chọn:

  1. Cố gắng thay đổi niềm tin đó.
  2. Cố gắng thay đổi các dẫn chứng bạn dùng để củng cố niềm tin đó.

Không ngạc nhiên lắm khi lựa chọn 1 nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng khó thực hiện. Giả sử tôi cho bạn 1000 dollar nếu bạn tin tên mình là Mona Lisa, và bạn chỉ có 1 chân.

Việc thuyết phục bạn tin những điều này gần như là không thể, dù bạn có muốn tin chúng đến mức nào. Chúng ta cần bằng chứng, mà theo như tôi kiểm tra thì tên bạn không phải Mona Lisa, và bạn đâu chỉ có 1 chân.

Thế nên chúng ta còn lựa chọn 2: thay đổi các dẫn chứng bạn dùng để củng cố niềm tin đó. Cách làm nay hay ở chỗ, dù bạn không thể kiểm soát trực tiếp niềm tin của mình, bạn vẫn có thể kiểm soát các dẫn chứng cho nó.

Do đó chỉ cần thay đổi dẫn chứng, bạn có thể từ từ tạo ra ảnh hưởng lên niềm tin của chính mình. Bạn có thể hình dung nó giống như việc làm nhiễu loạn một vụ án cấp cao. Bạn muốn bồi thẩm đoàn tin là mình ngầu đét, phải không? Thế thì phải đưa bằng chứng cho họ chứ.

1. Xác định các dẫn chứng củng cố niềm tin của bạn

Đây là thời điểm bạn thực hành kỹ năng tự nhận thức. Thử tự vấn một vài câu đơn giản, và yêu cầu bản thân phải trả lời thành thật nhất có thể, dù nó có đau lòng đến đâu.

Gợi ý: Trong quá trình tự vấn, nếu có câu hỏi nào khiến bạn không thoải mái trả lời, có thể có sự thật nào đó ẩn chứa trong đó. Sau đây là một số ví dụ:

Nếu tin rằng mình kém hấp dẫn, bạn có điều gì chứng minh nhận định này? Bạn có đang thừa cân và nghĩ rằng nguyên nhân do di truyền, khổ hình người bạn vốn như vậy và bạn chẳng thể làm gì để thay đổi nó?

Bạn có ăn đồ ăn ngoài/chế biến sẵn là chính, vì bạn không đủ thời gian/sự kiên nhẫn/kỹ năng để nấu được một bữa cơm lành mạnh, tử tế? Bạn có cảm thấy việc gượng dậy khỏi ghế và đi tập thể dục nó thật khó khăn, vì công việc đã chiếm trọn thời gian khiến bạn kiệt sức vào cuối ngày?

Nếu tin rằng mình không xứng đáng hẹn hò với người khác, bạn có dẫn chứng nào đưa tới niềm tin đó? Có phải bạn lớn lên trong một gia đình nghèo khó/mất chức năng, và cho rằng không ai muốn ở bên người có xuất thân như vậy?

17mar2024minan2jpg
Thử xác định xem nguyên nhân nào đã khiến bạn suy nghĩ (hoặc hành xử) theo cách này? | Nguồn: Pexels

Bạn có từng trải qua một chấn thương tâm lý nào đó khiến bạn cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương và trân trọng? Hoặc có phải những mối quan hệ gần đây của bạn đều kết thúc một cách thảm họa, và bạn cho rằng nó xảy ra vì bạn không giỏi giữ gìn chúng?

2. “Chất vấn” các dẫn chứng trên xem chúng có hữu ích gì không

Một ý tưởng tôi thường chia sẻ với độc giả, là tin vào những gì có ích cho bạn. Điều này không có nghĩa bạn nên tự huyễn rằng mình giàu, trong khi bản thân còn đang vật lộn với nợ tín dụng.

Trên thực tế, những niềm tin như vậy không đúng và cũng chẳng hữu ích cho hoàn cảnh của bạn. Để tìm ra điều gì thực sự hữu ích, bạn phải tách biệt giữa tình hình thực tế mình đang gặp phải với cách bạn diễn giải tình hình đó.

13mar2024dddannydb9xgplg3iqunsplashjpg
Bạn cần tách biệt giữa những gì bạn gặp phải, và cách bạn lý giải nó. | Nguồn: Unsplash

Có thể đúng là bạn lớn lên trong gia đình nghèo khó/mất chức năng, hoặc bạn đã trải qua vài mối tình thảm họa. Nhưng nó không có nghĩa là bạn kém hấp dẫn, và không xứng đáng được người khác hẹn hò.

Bạn có thể nói rằng, những trải nghiệm ấy đã biến bạn thành con người thú vị hơn. Chỉ cần bạn mở lòng một chút, người ta sẽ nhận thấy bạn là người khá phức tạp và hấp dẫn, đã trải qua vài điều tồi tệ mà vẫn sống tốt để kể về chúng. Chuyện đời của chính bạn, người thật việc thật chắc chắn là hấp dẫn hơn show truyền hình bạn thích xem rồi, phải không?

3. Tập trung vào các dẫn chứng chắc chắn trong cuộc đời

Chính tôi cũng từng tin rằng mình giao tiếp vụng về, hay lo âu và kém hấp dẫn. Buồn cười là thực tế gần như hoàn toàn ngược lại - tôi rất hòa hợp với mọi người, chỉ là tôi sợ phải trò chuyện với họ.

Tôi từng có niềm tin khá vô lý rằng, người ta chỉ thích mình nếu họ có được một lợi ích gì đó từ mình. Và nó đã gây ra tác dụng phụ khủng khiếp: tôi chỉ hấp dẫn những ai muốn gì đó từ tôi.

Sau cùng tôi nhận ra rằng, không ít niềm tin của tôi về con người (và lý do họ thích tôi hay không) chỉ là cái tôi tự tưởng tượng ra. Nó hoàn toàn khác với thực tế, và những gì tôi trải nghiệm được lại rất tích cực.

Vấn đề của tôi nằm ở chỗ, tôi tin mình giao tiếp vụng về trong khi không có bằng chứng nào trong đời tôi củng cố cho thông tin đó cả. Song chính những niềm tin trừu tượng chúng ta có về bản thân lại khó thay đổi nhất, bởi vì chúng quá xa rời thực tế.

Sự trừu tượng này đã bảo vệ niềm tin của bạn khỏi những gì bạn không muốn tin. Thế nên niềm tin càng trừu tượng, ta lại càng khó kéo chúng khỏi não.

Nhưng nếu tập trung vào những dẫn chứng thực tế, cụ thể trong cuộc sống để chứng minh điều ngược lại, bạn sẽ dần loại bỏ được những niềm tin không lành mạnh đó. Bạn có thể hình dung nếu niềm tin xấu là 1 quả bóng khổng lồ, thì mỗi dẫn chứng là 1 cái kim nhỏ. Bạn càng tìm được nhiều dẫn chứng, thì càng sớm đâm thủng được quả bóng khổng lồ ấy để trở nên tự tin hơn.

17mar2024pexelshoangchng2219209jpg
Càng tìm được nhiều dẫn chứng tốt, bạn càng sớm chọc thủng được những niềm tin xấu. | Nguồn: Pexels

Trở lại câu chuyện khử khuẩn ở phần trước, các bác sĩ phẫu thuật cũng phải mất vài thập kỷ mới phát triển được các kỹ thuật khử trùng hiện đại để cứu sống hàng trăm ngàn bệnh nhân. Dù chậm nhưng rồi họ cũng làm được.

Họ bắt đầu bằng việc khử khuẩn dụng cụ phẫu thuật, rồi rửa tay và đeo găng tay, rồi mặc quần áo chuyên dụng, giữ phòng phẫu thuật sạch sẽ và hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc vết thương. Bây giờ thì khử khuẩn đã là chuyện đương nhiên phải làm trước phẫu thuật, chẳng còn ai thắc mắc về nó nữa. Ai cũng phải tin điều này.

Làm theo cách tương tự, bạn có thể thử nghiệm từ từ với các dẫn chứng xoay quanh niềm tin mà bạn muốn thay đổi. Liên tục tìm ra và “chất vấn” từng dẫn chứng một, rồi tập trung vào những điều thực tế đã xảy ra trong cuộc sống của bạn để chứng minh điều ngược lại. Kiên nhẫn làm điều này, bạn sẽ đến ngày được tận hưởng quả ngọt của sự thay đổi tích cực.

Rồi bạn sẽ thấy, những điều bạn từng tin theo cách “sái cổ” nhất đều có thể thay đổi một cách chậm rãi. Bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin rằng bạn khỏe mạnh, tự tin và giao tiếp tốt, bởi bạn luôn có các bằng chứng chứng minh điều đó.