Trong kinh doanh cũng như đầu tư, lựa chọn đối tác là một trong những điều quan trọng nhất. Điều này có thể là lợi thế khi các cặp đôi đầu tư chung.
Lý do là khi đang trong một mối quan hệ hoặc là vợ chồng, cả hai ít nhiều đã hiểu hơn về đối tác của mình. Đó không chỉ là sức khỏe tài chính mà còn là các mặt tính cách, tình cảm, sở trường, điểm mạnh.
Nhưng trên thực tế, các lợi điểm này chỉ thực sự hiệu quả khi có sự cân nhắc một số tình huống.
Dựa vào kinh nghiệm đầu tư của vợ chồng tôi và tham khảo từ những trường hợp khác trong giới đầu tư - tài chính, có một số lưu ý cũng như việc cần làm tôi muốn gửi đến bạn, trong trường hợp bạn muốn cùng "bạn cùng nhà" đầu tư làm ăn.
1. Đặt mục tiêu đầu tư chung, và chia quyền quản lý danh mục theo điểm mạnh
Trước khi vào một mối quan hệ, mỗi người có mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro cũng như lựa chọn ưu tiên tài chính khác nhau. Bởi thế, việc đặt và thống nhất mục tiêu đầu tư từ đầu giúp cho các quyết định được tối ưu hơn, và tránh các mâu thuẫn không đáng có.
Mục tiêu đối với mỗi cặp đôi sẽ phụ thuộc vào nguồn thu nhập, tỷ lệ tiết kiệm, và khẩu vị rủi ro.
Ví dụ như trước đây, bản thân tôi là người thích đầu tư mạo hiểm, còn vợ chuộng các sản phẩm an toàn nhưng lợi tức chưa cao. Sau khi cùng ngồi xuống bàn bạc nhất là thời điểm khi đã có con, hai vợ chồng cùng sắp xếp lại các ưu tiên chi tiêu, phân bổ lại dòng tiền và tỷ trọng các khoản đầu tư.
Hiện tại, vợ là người nắm chính các khoản đầu tư lâu dài như bất động sản, chứng chỉ quỹ hay trái phiếu. Còn tôi nắm danh mục mạo hiểm, bao gồm tiền ảo và phần vốn vào các công ty khởi nghiệp.
2. Trao đổi thẳng thắn, minh bạch về các khoản đầu tư chung
Ở trong một mối quan hệ (tình cảm) tốt không có nghĩa là bạn hoàn toàn hiểu về nửa còn lại. Hành động của một người trong ứng xử hàng ngày cũng rất khác với việc họ đưa ra quyết định trong đầu tư.
Mặt khác, việc nói chuyện về tiền nong, các khoản đầu tư đôi khi có thể gây ra căng thẳng, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ. Vì thế, nhiều cặp đôi cảm thấy muốn né tránh khi đề cập tới vấn đề này.
Và lời khuyên của tôi là các cặp đôi muốn đầu tư chung hãy bỏ qua những e dè này, học cách thẳng thắn nói chuyện với nhau.
Bản thân tôi cũng đã từng có những khoản đầu tư chưa thành công, khiến thâm hụt vào quỹ của gia đình. Lúc đó, tôi chọn việc không chia sẻ cùng vợ, tự tìm các khoản đầu tư khác để lấp vào.
Tuy nhiên, việc giấu diếm đó tạo tâm lý phải kiếm lời thật nhanh, nên tôi đã chọn cách chia sẻ với vợ. Lựa chọn đó khiến tôi thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn và tập trung vào các cơ hội khác một cách sáng suốt.
Nếu bạn cảm thấy còn ngại ngùng trong việc trao đổi về tiền nong, hãy nhắc chính bản thân hay nửa còn lại về mục tiêu ban đầu, để cả hai cùng nhìn về một hướng, thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau hơn.
Tôi cũng khá may mắn khi có vợ cũng từng làm trong lịch vực đầu tư, nên có thể nói đây là chủ đề ưa thích của hai vợ chồng.
Ngoài các chủ đề về công việc, gia đình, cách nuôi dạy con thì hai vợ chồng còn có thể cùng chia sẻ về tình hình tài chính thế giới, triển vọng phát triển của các công ty, hay ngành nghề lựa chọn để đầu tư.
3. Hiểu rõ thế mạnh của từng người và tôn trọng quyết định của nhau
Có nhiều sản phẩm tài chính khác nhau để đầu tư, từ chứng chỉ quỹ, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản hay kể cả tự doanh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể đầu tư thành công khi có đủ kiến thức về lĩnh vực đó.
Trong khi đó, không một ai có thể hiểu và giỏi tất cả các lĩnh vực. Bởi thế một khi đã uỷ thác cho người còn lại phần tiền đầu tư của mình, bạn cần tin tưởng tuyệt đối vào quyết định của người đó.
Đơn cử ở trường hợp gia đình tôi, khi hai vợ chồng có mong muốn mở một cửa hàng cà phê, tôi chịu trách nhiệm cho các công việc liên quan tới kế toán hay vận hàng. Vợ sẽ phụ trách phần thiết kế hay marketing.
Nguyên tắc chung là tôi có thể đóng góp ý kiến vào marketing, nhưng vẫn sẽ tin tưởng để vợ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Lời kết
Các nguyên tắc về đầu tư chung của các cặp đôi hay đầu tư cá nhân thực ra cũng tương tự nhau. Nhất là khi bạn nhắc đến các khái niệm như phân bổ tỷ trọng của nguồn vốn, hay đa dạng hóa danh mục.
Tuy nhiên, khi đầu tư chung cùng với người bạn đời, bạn sẽ cần cân nhắc thêm về mặt tình cảm. Điều này giúp không chỉ hạn chế những mâu thuẫn, mà còn khiến quá trình đầu tư cùng nhau trở nên thú vị. Việc đầu tư chúng do đó thành chất gắn kết tốt cho một mối quan hệ khi ta thấu hiểu, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau.
Suy cho cùng, dù lựa chọn đầu tư thế nào thì tôi tin rằng mục đích cuối cũng là dành cho cuộc sống gia đình những điều kiện tốt nhất trong khả năng.