3 Nguyên tắc giúp bạn cải thiện chất lượng sống | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 01, 2023
Cuộc SốngChất Lượng Sống

3 Nguyên tắc giúp bạn cải thiện chất lượng sống

Theo Mark Manson, nguyên tắc có thể áp dụng linh hoạt cho nhiều người và nhiều trường hợp. Sau đây là 3 nguyên tắc giúp bạn sống chất lượng hơn.
3 Nguyên tắc giúp bạn cải thiện chất lượng sống

Nguồn: Andy Lee @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “3 Principles for a Better Life” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tôi từng có một bản tin (newsletter) với tựa đề “3 Ý tưởng có thể thay đổi cuộc đời bạn”. Và tôi đã gửi email cho độc giả của mình theo định dạng đó suốt nhiều năm: ý tưởng 1 - ý tưởng 2 - ý tưởng 3 - lời cảm ơn và khích lệ. Nhưng trong bài viết lần này, tôi sẽ thay đổi cách triển khai thành 3 nguyên tắc giúp bạn có cuộc sống lý tưởng hơn.

Người ta hay nói nguyên tắc thì cứng nhắc, nhưng tôi lại rất thích chúng. Không như luật lệ hay ý tưởng chỉ đúng trong từng trường hợp cụ thể, ta có thể áp dụng nguyên tắc một cách linh hoạt và rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh. Dù vậy, chúng vẫn chỉ đúng với đa số các trường hợp chứ không phải tất cả.

Tính chất của nguyên tắc cũng có nhiều khác biệt. Nếu một điều luật hay lời khuyên hướng dẫn bạn từng bước phải làm gì, thì nguyên tắc chỉ mang lại những thông tin cần thiết để bạn tự ra quyết định và quan điểm cho riêng mình. Theo cách này, một số nguyên tắc hiệu quả hơn nhiều so với những lời khuyên bảo bạn nên làm thế này hay thế kia.

Sau đây là 3 trong số các nguyên tắc hữu ích nhất tôi đã áp dụng để “chèo lái” cuộc đời mình, và tôi mong các bạn cũng sẽ thấy như vậy:

Nguyên tắc thứ nhất: Bạn đã là phiên bản tốt nhất của chính mình, nhưng bạn luôn có thể “nâng cấp” nó

Một sư thầy đã nói câu này trong khóa thiền tôi tham gia hồi mới đôi mươi, và nó theo tôi đến tận bây giờ. Càng lớn tuổi, tôi càng “thấm” nó nhiều hơn. Bạn đã là phiên bản tốt nhất của chính mình… nhưng bạn luôn có thể “nâng cấp” nó.

Trong chúng ta luôn tồn tại một mâu thuẫn cố hữu giữa việc chấp nhận và cải thiện bản thân. Một mặt, nó giúp bạn thấy bình yên với chính mình, thấu hiểu rằng bản thân mình tốt, có giá trị, xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Mặt còn lại thì trừ khi bạn hôn mê, chắc chắn bạn phải thừa nhận rằng, đa số thời gian bạn chẳng biết mình đang làm gì. Bạn nhìn đâu cũng thấy mình đang làm sai một cái gì đó. Còn quá nhiều khoảng trống phát triển để bạn lấp đầy nó - rằng bạn có thể học hỏi nhiều hơn, đạt nhiều thành tích hơn và hoàn thiện bản thân hơn.

Tôi thích nguyên tắc trên vì nó thẳng thắn khẳng định rằng, mâu thuẫn này không bao giờ biến mất. Dù bạn có làm việc hiệu quả, có năng lực và tuyệt vời đến mức nào, sẽ luôn có thứ gì đó bạn không giỏi. Bạn sẽ luôn bị cảm giác “không đủ” ấy gặm nhấm mà không thể chinh phục nó. Không có sự hoàn hảo, chỉ có sự tiến bộ.

Nhưng sau tất cả, bạn vẫn là một con người giá trị. Bất kể bạn mắc phải bao nhiêu sai lầm và có bao nhiêu khoảng trống phát triển để lấp đầy, bạn xứng đáng với mọi điều tốt lành trên đời.

Nguyên tắc này hay ở chỗ, nó cho thấy việc chấp nhận và cải thiện bản thân cần tồn tại song song với nhau. Thiếu đi một trong hai thứ này, bạn sẽ không thể “vận hành” bình thường.

30dec2022azizacharkirbwjkid1neunsplashjpg
Việc chấp nhận và cải thiện bản thân cần tồn tại song song với nhau. | Nguồn: Unsplash

Nếu chỉ biết chấp nhận bản thân, bạn sẽ trở thành kẻ lười biếng, ích kỷ và không có chí phấn đấu. Nhưng nếu luôn ám ảnh về việc cải thiện bản thân, bạn sẽ chỉ trích bản thân thái quá, dẫn đến nhiều chứng rối loạn thần kinh. Bạn đã làm rất tốt rồi, nhưng bạn luôn có thể cố gắng hơn thế nữa.

Nguyên tắc thứ hai: Đa số con người không độc ác, mà chỉ ngu ngốc - bao gồm cả chúng ta

Nhiều bài viết đã nói về ảnh hưởng của mạng xã hội lên chính trị và cả sức khỏe tinh thần chúng ta. Nhưng tôi tin rằng, yếu tố ít được bàn luận nhất trong thế giới mạng xã hội là nó thúc đẩy việc đạo đức hóa một cách tinh vi. Sự thúc đẩy này lớn đến mức nó khiến tôi tin vào điều mà 10 năm trước đây tôi không thể tưởng tượng nổi: chúng ta nên sống bớt “đạo đức” lại một chút.

Đạo đức hóa trở thành vấn đề lớn, bởi đa số chúng ta thiếu hiểu biết về hầu hết mọi chủ đề. Giờ đây trên mạng có vô số bài đăng với nội dung được thiết kế để chọc tức bạn nhiều nhất có thể. Với vũ khí duy nhất là chiếc bàn phím, việc đánh giá những con người ngồi bên kia màn hình và buông ra những lời độc địa trở nên vô cùng dễ dàng. Hệ quả là chúng ta có một quần thể những vị “đạo sĩ online” đi rao giảng đạo lý khắp nơi trên mạng xã hội.

Nếu có bài học gì chúng ta rút ra được sau đại dịch, nó sẽ là: đến một thời điểm nào đó, mọi người đều sẽ sai lầm về một điều rất quan trọng. Bất kể bạn đến từ đâu, có quan điểm chính trị thế nào, tin vào tôn giáo gì và chịu được rủi ro ở mức độ nào - thì trong ba năm gần đây, chắc chắn cả bạn và tôi đều đã sai điều gì đó. Trong nhiều trường hợp, đó là những sai lầm khủng khiếp. Thế nên tôi có thể nói rằng, chúng ta sẽ lại sai lầm khủng khiếp về một điều khác nữa.

Có thể bạn sẽ nghĩ, nghiệm ra chân lý này giúp con người ta khiêm tốn hơn một chút và bớt phán xét mọi thứ. Nhưng sự thực thì ngược lại.

30dec2022featuremm2jpg
Sự phát triển của mạng xã hội đã thúc đẩy xu hướng “đạo đức hóa” một cách cực đoan. | Nguồn: Unsplash

Nguyên tắc thứ hai này gần giống với một khái niệm trong triết học dao cạo là Hanlon’s Razor: “Đừng bao giờ đánh giá một điều là độc ác, bởi nó có thể bắt nguồn từ sự vô tri.” Tôi xin phép được mở rộng quy tắc này như sau: “... và hầu hết mọi thứ bạn thấy hoặc đọc đều là hệ quả của ngu ngốc ở một mức độ nào đó.”

Trong mười năm qua, tôi đã viết rất nhiều về tầm quan trọng của việc quản trị sự chú ý của chúng ta. Đối với tôi, đây có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất chúng ta cần có để thích nghi với một thế giới trực tuyến.

Nhưng giờ đây thế giới trở nên ngày một phân cực và giận dữ, và thông tin sai lệch thì lan truyền theo mọi hướng. Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng khả năng kiềm chế phán xét đạo đức và kết luận vội vàng mới là kỹ năng quan trọng nhất để sinh tồn giữa các anh hùng bàn phím.

Nguyên tắc thứ ba: Một chút sự thật tồn tại trong mọi thứ, nhưng toàn bộ sự thật chẳng là gì cả

Tôi tìm ra nguyên tắc này khi đọc các tác phẩm của nhà văn Ken Wilber, và nó đã thông tuệ cho tôi suốt cuộc đời. Ông từng châm biếm rằng, “không ai đủ thông minh để sai về mọi thứ”. Thế nên kể cả khi bất đồng với ai đó, ta luôn có cơ hội để nhìn ra những luận điểm có thể đúng hoặc hữu dụng trong ý kiến của họ.

Chẳng hạn tôi không tin vào chiêm tinh học, nhưng nó được hình thành dựa trên một số giả định có thể đúng. Tính cách bẩm sinh của mọi người cũng khác nhau, và sự khác biệt này có thể dự đoán và đo lường được.

Thậm chí đã có nghiên cứu chứng minh rằng, tính cách con người có phần phụ thuộc vào mùa sinh của họ. Nó hơi khác một chút so với việc tin rằng giờ, ngày và tháng sinh quyết định cả cuộc đời bạn. Nhưng nó cũng cho thấy, chiêm tinh học dựa trên một chút sự thật.

Khả năng tìm kiếm những mảnh nhỏ sự thật trong một thế giới đầy ắp sai lầm là một kỹ năng quan trọng mà bạn cần luyện tập. Nó không chỉ khiến bạn học nhanh hơn, mà còn đồng cảm hơn với những người có niềm tin khác biệt với bạn. Quan trọng hơn cả, nó giúp bạn thay đổi suy nghĩ của mình khi cần thiết - một kỹ năng ngày nay bị đánh giá thấp khủng khiếp.

30dec2022pexelscottonbro7407117jpg
Kỹ năng sinh tồn mới của thế kỳ 21: Tìm kiếm những mảnh sự thật trong một thế giới đầy ắp dối lừa. | Nguồn: Pexels

Chính nguyên tắc này cũng có mặt trái: không có gì hoàn toàn sai, nhưng cũng không có gì hoàn toàn đúng cả. Không có tôn giáo, ý thức hệ hay hệ thống niềm tin nào sở hữu độc quyền sự thật. Một lần nữa, hiểu được điều này là cần thiết để học hỏi, đồng cảm, sẵn sàng thay đổi suy nghĩ và phát triển.

Chúng ta thường cảm thấy thoải mái và an toàn khi tìm thấy “sự thật” - điều mà bạn tin câu trả lời cuối cùng cho chính mình. Nhưng cho phép tôi nhắc lại một chút rằng, cuộc đời này không có câu trả lời cuối cùng nào. Nó là một quá trình thử và sai, và sau mỗi lần sai ta lại trả lời đúng hơn một chút cho các câu hỏi tiếp theo. Điều này không chỉ cần thiết cho một tinh thần mạnh mẽ, mà bản thân nó cũng là một sự thật không đầy đủ.