3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng

Người dùng Internet đang tiếp xúc với hàng trăm luồng thông tin mỗi ngày, bao gồm cả những tin giả. Vì thế, Vietcetera sẽ liệt kê 3 cách giúp bạn xác minh nguồn tin của một bài viết.

3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng

Nguồn: Unsplash

Với lượng thông tin khổng lồ trong thời đại Internet hiện nay, nguồn gốc và mức độ tin cậy của chúng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Lợi dụng khả năng lan truyền nhanh chóng của các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, những người đứng sau các tin tức sai lệch, giả mạo đang đưa chúng tiếp cận đông đảo người dùng hơn chỉ trong tích tắc nhằm trục lợi. Nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, người dùng Internet sẽ rất dễ sa vào những cái bẫy thông tin đó.

Việc tiếp thu những thông tin sai lệch này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người đọc, mà một khi đã được phát tán rộng rãi, nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Tuy luật An ninh mạng vừa được thông qua và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng vẫn chưa thể rà soát triệt để các trang tin giả mạo đang tồn tại nhan nhản trên Internet.

3 Phương phaacutep phacircn biệt tin giả trecircn mạng0
Với lượng thông tin khổng lồ trong thời đại Internet hiện nay, nguồn gốc và mức độ tin cậy của chúng đang là một vấn đề đáng lo ngại. | Nguồn: Internet.

Vì lý do đó, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết và đưa ra quyết định đúng đắn trước những thông tin trôi nổi trên các trang mạng. Thực chất, việc này không đòi hỏi quá nhiều thời gian hay kiến thức chuyên môn. Vietcetera đã tổng hợp ba cách hiệu quả sau đây để giúp người đọc có thể xác minh được độ tin cậy của một bài viết.

1. Chú ý đường link

Trước tiên hãy kiểm tra phần top-level domain (tên miền cấp cao nhất) của trang đó. Top-level domain chính là phần sau cùng của một tên miền Internet. Chẳng hạn như trong tên miền www.google.com thì com chính là top-level domain. Dưới đây là một số top-level domain mà bạn thường gặp:

com, info, net, org…: Đây là những top-level domain phổ biến nhất trên Internet vì bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể mua và sở hữu những tên miền này. Chính vì thế mà bạn phải thật cẩn trọng với tin tức từ những trang web kết thúc bằng đuôi này.

Riêng đuôi org, tuy là tên miền dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng bạn cũng nên cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc.

3 Phương phaacutep phacircn biệt tin giả trecircn mạng1
Bước đầu tiên để xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, hãy kiểm tra phần top-level domain (tên miền cấp cao nhất) của trang đó. Top-level domain chính là phần sau cùng của một tên miền Internet. | Nguồn: Internet.

vn, au, ca…: Đây là những top-level domain thuộc cấp quốc gia (vn – Việt Nam, au – Úc, ca – Canada, …). Để có thể sở hữu những top-level domain này, người mua cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp pháp cũng như đáp ứng đủ tiêu chí của quốc gia đó. Vì vậy, nội dung được đăng trên những website sử dụng đuôi này có mức độ tin cậy cao hơn những website nêu trên.

Tuy nhiên, những đuôi này vẫn có thể được mua bởi bất kỳ ai nên bạn cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác để xác minh độ tin cậy.

edu, gov: Đây là top-level domain dành riêng cho các tổ chức giáo dục đào tạo (edu) và các tổ chức chính phủ (gov). Bạn có thể tin tưởng và chia sẻ những nội dung được đăng tải trên các trang này vì đây đều là những thông tin chính thức.

2. Đọc phần “About Us” (Về chúng tôi)

Nếu bạn gặp một trang thông tin lạ chưa từng đọc hoặc chưa từng nghe tên thì hãy vào mục “About Us” (Về chúng tôi) để tìm hiểu thêm về những cá nhân hoặc tổ chức đứng sau. Họ có phải là những chuyên gia dày dặn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà website đó tập trung vào không? Đó có phải là tòa soạn báo được nhiều người trong ngành tín nhiệm không? Hay chỉ là một trang blog thể hiện quan điểm của một cá nhân nào đó?

3 Phương phaacutep phacircn biệt tin giả trecircn mạng2
Phần “About Us” sẽ giúp bạn biết liệu trang thông tin đó có nội dung châm biếm, trào phúng hay không. | Nguồn: Internet.

Đại đa số những website chính thống sẽ có đầy đủ thông tin về công ty chịu trách nhiệm; thành viên trong ban quản trị; nhiệm vụ, mục tiêu, và tầm nhìn của tổ chức đứng sau. Ngoài ra, những thông tin về ban lãnh đạo cũng nên được tìm thấy ở nhiều website khác chứ không chỉ riêng mỗi trang đó.

Hơn nữa, phần “About Us” sẽ giúp bạn biết liệu trang thông tin đó có nội dung châm biếm, trào phúng hay không. Ví dụ như The Onion (tiếng Anh) hoặc Tuổi Trẻ Cười (tiếng Việt) là những tờ báo được xác nhận mang tính chất trào phúng, châm biếm.

3. Sử dụng Google Images

Những phần mềm chỉnh sửa hình ảnh như Photoshop (Adobe) đang bị lạm dụng nhằm xóa nhòa lằn ranh giữa thật và giả. Đôi khi rất khó nhận biết một hình ảnh đã qua hậu kì nếu chỉ nhìn sơ lược, người chỉnh sửa có trình độ cao, hoặc kích cỡ hình ảnh không đủ lớn.

3 Phương phaacutep phacircn biệt tin giả trecircn mạng3
Nếu có nhiều trang web cũng sử dụng hình ảnh đó nhưng với những nội dung khác nhau thì bạn nên đặt nghi vấn về nguồn gốc bài viết mà bạn đang đọc. | Nguồn: Internet.

Rất may là hiện nay chức năng tìm kiếm hình ảnh của Google Images có thể phần nào giúp chúng ta xác minh độ tin cậy của các bức hình trên Internet. Chỉ cần bấm chuột phải vào tấm hình mà bạn cảm thấy đáng ngờ và chọn “Search Google for image.” Phần “Pages that include matching images” sẽ hiển thị những trang web có chứa hình ảnh tương tự tấm ảnh bạn vừa tìm kiếm.

Nếu có nhiều trang web cũng sử dụng hình ảnh đó nhưng với những nội dung khác nhau thì bạn nên đặt nghi vấn về nguồn gốc bài viết mà bạn đang đọc. Nếu hình ảnh bạn vừa tìm có điểm khác biệt với những tấm còn lại thì bạn không nên tin tưởng bài viết đó.

Một số mẹo xác minh khác

Truy cập website chuyên xác minh nguồn tin

Nếu trang tin tức bạn đọc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, bạn có thể truy cập FactCheck, International Fact-Checking Network (IFCN), hoặc Snopes để xác minh nguồn tin. Đối với nội dung bằng tiếng Việt, bạn có thể tham khảo mục Giả – Thật của báo Tuổi Trẻ để kiểm tra tính xác thực của một hiện tượng hoặc sự kiện nổi trội nào đó.

3 Phương phaacutep phacircn biệt tin giả trecircn mạng4
Nếu trang tin tức bạn đọc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, bạn có thể truy cập FactCheck, International Fact-Checking Network (IFCN), hoặc Snopes để xác minh nguồn tin. | Nguồn: Internet.

Tìm trang web đăng nội dung tương tự

Kiểm tra xem thông tin bạn đang đọc có được đề cập trên những trang báo chính thống khác như Tuổi Trẻ hoặc Thanh Niên hay không. Nội dung trên những trang này hầu hết đã được rà soát và kiểm tra về tính xác thực trước khi được đưa lên mặt báo.

Kiểm tra chất lượng bài viết và nội dung bình luận

Nếu một bài viết phạm nhiều lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, dù chỉ là lỗi nhỏ, thì bạn không nên tin tưởng vào nội dung bài viết đó. Ngoài ra, đọc lướt qua phần bình luận cũng là một cách để xác minh. Nếu có nhiều người chỉ ra những thông tin sai lệch của bài viết thì khả năng cao là bài viết đó không đáng tin cậy.