Vì sao thuyết âm mưu lại cuốn hút? Tâm lý học giải thích | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 11, 2020
Tâm Lý Học

Vì sao thuyết âm mưu lại cuốn hút? Tâm lý học giải thích

Dù rất hoang đường nhưng thuyết âm mưu (conspiracy theory) vẫn thu hút một lượng người cuồng tín và lan truyền đông đảo. Lý do đằng sau sự hấp dẫn của chúng là gì?

Vì sao thuyết âm mưu lại cuốn hút? Tâm lý học giải thích

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Thuyết âm mưu (conspiracy theory) không phải một hiện tượng mới. Từ những năm 1960s tại Mỹ đã tồn tại thuyết âm mưu rằng việc thêm fluoride vào nước sinh hoạt là một nỗ lực của thế lực ngầm nằm gây hại cho sức khoẻ dân thường. Mặc dù cách làm này đã được chứng minh là bảo vệ răng lợi và hoàn toàn không gây tổn hại tới sức khoẻ, lời đồn vẫn lưu truyền đến ngày nay. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, sự phân cực trong cộng đồng, cùng bối cảnh nhiều biến động, ngày càng nhiều thuyết âm mưu bị lan truyền. Đặc biệt với COVID-19, thuyết âm mưu được coi như một mối nguy cho y tế công cộng.

Không khó để kể tên các thuyết âm mưu điên rồ (và hài hước):

  • Công nghệ 5G gây ra COVID-19
  • Birds Aren’t Real: CIA đã thủ tiêu toàn bộ loài chim, rồi thả 12 tỷ con chim robot để giám sát loài người.  
  • Flat-Earthers, những người vẫn tin Trái Đất phẳng.
  • Nón Sơn là một tổ chức điệp viên.
  • Nobita thật ra chỉ giả vờ ngu dốt và vụng về.

Tất cả đều nghe rất hoang đường, vậy tại sao vẫn có hàng triệu người cuồng tín và chung tay lan truyền chúng?

Tư duy nào nào đằng sau thuyết âm mưu? 

Theo nhà tâm lý học Ted Goertzel, thuyết âm mưu là những giả thiết và lý giải tin rằng có những tổ chức bí mật đang hoạt động để đạt được những mục tiêu độc ác. Niềm tin vào thuyết âm mưu thường phi lý. Thay vì dựa trên bằng chứng và logic, thuyết âm mưu dựa trên định kiến, nỗi sợ hoặc sự hoang tưởng. 

Được gia tăng bởi lối “lý luận lòng vòng” (circular reasoning) — một ngụy biện logic trong đó luận đề được dùng để chứng minh cho kết luận, rồi từ kết luận suy ra luận đề, chứ không đưa ra được chứng cứ độc lập nào khác. Chẳng hạn, những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng những bằng chứng chống lại nó chính là sự che đậy của các tổ chức bí mật, và họ xem đó là một bằng chứng bảo vệ thuyết âm mưu của mình.

Niềm tin vào thuyết âm mưu còn được các nhà tâm lý học liên kết với hiện tượng tâm lý apophenia (còn gọi là “illusory pattern perception”) — xu hướng liên kết những thứ không liên quan và suy ra một ý nghĩa chung. Theo đó, những sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên được những người cuồng tín xâu chuỗi thành một câu chuyện âm mưu như thật.

Thuyết âm mưu 1
Nhiều thuyết âm mưu là do xâu chuỗi những thông tin không liên quan mà thành.

Một số người dễ rơi vào thuyết âm mưu là do tính cách

Theo nghiên cứu của Phó giáo sư Anthony Lantian tại Đại học Paris Nanterre và nghiên cứu từ một đội ngũ từ Atlanta (Mỹ), một số đặc điểm tính cách của những người dễ tin vào thuyết âm mưu là:

  • Bất hợp tác (low-agreeability) và thiếu niềm tin (distrust): Thường đa nghi, thiếu lòng hảo tâm và sự hợp tác.
  • Chủ nghĩa xảo quyệt (Machiavellianism): kiểu người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, đến mức sẵn sàng thao túng và lừa lọc người khác để đạt được mục đích. 
  • Người tìm kiếm “điều phi nghĩa” (injustice collector): Nông nổi và quá tự tin, luôn nóng lòng chỉ ra sự ngây thơ ở tất cả mọi người, trừ chính mình.
  • Kẻ cô lập: Cô đơn và lo âu, buồn rầu và tách biệt với mọi người. 

Nghiên cứu của Lantian cũng chỉ ra, nếu xét đến quy trình tư duy, những người tin vào thuyết âm mưu thường có khả năng tư duy phân tích thấp và hay quy kết có chủ đích, dù sự việc không thể tồn tại.

Thuyết âm mưu 2
Một số đặc điểm tính cách khiến người ta dễ tin vào thuyết âm mưu hơn.

Thuyết âm mưu khiến họ cảm thấy mình đặc biệt 

Theo tiến sĩ Jan-Willem van Prooijen, lòng tự tôn thiếu ổn định là một đặc điểm tính cách thường thấy ở người tin vào thuyết âm mưu. Tính ái kỷ cũng có thể gia tăng các suy nghĩ hoang tưởng vào thuyết âm mưu. 

Với những cốt truyện liên quan đến thông tin mật, người bình thường khó tiếp cận được, những người tin vào thuyết âm mưu cảm thấy họ đặc biệt, có hiểu biết về các vấn đề chính trị, xã hội hơn so với cộng đồng.

Thuyết âm mưu 3
Thuyết âm mưu cho một số người cảm giác đặc biệt và ưu thế hơn người khác.

Để bù đắp cảm giác bị xã hội cô lập

Niềm tin vào thuyết âm mưu có liên kết với các cảm giác bị xã hội cô lập, như cảm giác cô độc, bất lực, không có hoặc xa rời các chuẩn mực xã hội, theo nhóm các nhà nghiên cứu từ hai trường đại học Swinburne và Deakin, Úc. Việc tìm đến thuyết âm mưu giúp những người bất hợp tác và bị xã hội cô lập tìm cảm giác thuộc về một cộng đồng khác, đi ngược với cộng đồng mà họ bị từ chối.

Tình trạng khủng hoảng và mạng xã hội càng đẩy cao niềm tin vô lý

Bản thân thuyết âm mưu là một mánh khóe thao túng, thường xuất hiện cùng lúc với các sự kiện khủng hoảng như thiên tai, hoặc các diễn biến chính trị-xã hội phức tạp. Bởi những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, hoang mang, bất lực sẽ thúc đẩy con người tìm cách để giải nghĩa hoàn cảnh, làm gia tăng khả năng tiếp nhận những thuyết âm mưu.

Đặc biệt, thiết kế của thuật toán đề xuất (recommended algorithms) trên mạng xã hội và truyền thông khiến những người tin vào thuyết âm mưu bị rơi vào một “buồng vang thông tin” (echo chamber). Nguồn tin của họ, như newsfeed trên Facebook và đề xuất của trình duyệt, luôn lặp lại và không bị phản bác. Điều này càng gia tăng niềm tin của họ và tạo nên các cộng đồng cuồng tín.

Thuyết âm mưu 4
Các thuật toán đề xuất khiến nhiều người rơi vào "buồng vang thông tin" và không thể tiếp cận thông tin nào ngoài các thuyết âm mưu đã biết.

Kết

Thuyết âm mưu sẽ không biến mất, một khi chúng còn đem lại cho các tín đồ cảm giác đặc biệt và sự an toàn giả tạo.

Mệt mỏi trước những thuyết âm mưu hoang đường? Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế độ tiếp cận của những thông tin đó thay vì cố sức tranh cãi với các tín đồ thuyết âm mưu. Theo tiến sĩ John Grohol, việc thay đổi họ gần như vô vọng, vì họ không dựa trên logic hoặc bằng chứng có căn cứ, mà thuần túy dựa trên niềm tin mù quáng.