Trào lưu FaceApp quay trở lại, liệu còn nguy hiểm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Trào lưu FaceApp quay trở lại, liệu còn nguy hiểm?

FaceApp thực sự là gì?
Trào lưu FaceApp quay trở lại, liệu còn nguy hiểm?

FaceApp thực sự là gì?

1. FaceApp là gì?

FaceApp là một ứng dụng di động chỉnh sửa hình ảnh từ công ty Wireless Lab từ Nga, nổi lên với tính năng biến đổi rất chân thực độ tuổi hoặc giới tính của người dùng trong các bức hình.

FaceApp được hưởng ứng bởi cư dân mạng và người nổi tiếng trên toàn thế giới từ năm 2017 (Nguồn: nytimes.com). Ở Việt Nam, xu hướng sử dụng FaceApp mới thịnh hành trở lại trong 1 tuần gần đây.

2. Tại sao FaceApp lại gây tranh cãi?

Bên cạnh “cơn sốt” trở lại của FaceApp, nhiều cảnh báo về khả năng rò rỉ thông tin người dùng của ứng dụng này đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng Việt.

Đây không phải lần đầu tiên FaceApp đối mặt với quan ngại về bảo mật dữ liệu người dùng.

Vào năm 2019, ứng dụng này bị nghi vấn lấy toàn bộ hình ảnh từ điện thoại và tải lên máy chủ mà không có sự đồng ý của người dùng. (Nguồn: forbes.com)

Theo tờ Forbes, nó còn bị nghi ngờ vì Chính sách bảo mật không rõ ràng và lời đồn chuyển dữ liệu đánh cắp cho Nga, khiến Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) phải vào cuộc.

Ngoài ra, tính năng thay đổi sắc tộc của FaceApp bị lên án vì tiếp tay cho blackface.

3. Những người tạo nên FaceApp nói gì?

Chính sách Riêng tư của FaceApp khẳng định không để lộ hình ảnh hoặc video của người dùng cho bên thứ ba nào, ngoại trừ tải hình ảnh được người dùng tự chọn và mã hoá lên nền tảng đám mây để thực hiện chỉnh sửa. Những hình ảnh này chỉ tồn tại trên nền tảng đám mây từ 24-48 giờ và sẽ bị xoá khỏi hệ thống sau đó.

Nhà sáng lập FaceApp, Yaroslav Goncahrov, khẳng định người dùng có thể yêu cầu xoá dữ liệu của họ theo hướng dẫn.

4. Các chuyên gia nghĩ gì về ứng dụng này?

Nhà nghiên cứu an ninh mạng Baptise Robert kiểm tra nơi FaceApp gửi hình ảnh của người dùng và nhận thấy nó chỉ gửi những hình ảnh họ chọn tới máy chủ của công ty này.

Fabio Assolini, nhà phân tích bảo mật cấp cao tại Kaphersky cho biết FaceApp không chứa yếu tố gây hại nào. Tuy nhiên, người dùng cần cảnh giác khi chia sẻ hình ảnh với bên thứ ba vì nhận dạng khuôn mặt là công nghệ để xác thực mật khẩu.

5. Còn ứng dụng chỉnh ảnh nào bị nghi ngờ vi phạm quyền riêng tư?

Meitu từng gây quan ngại về bảo mật dữ liệu người dùng khi yêu cầu truy cập vào vị trí GPS, mạng di động, dữ liệu kết nối Wifi, thông tin thẻ SIM, thông tin định danh cá nhân của người dùng.

Những thông tin này được cho là có thể giúp Meitu theo dõi người dùng và thiết bị của họ.

6. Cuộc tranh luận về FaceApp còn lại gì?

Các chuyên gia bảo mật cho rằng ứng FaceApp không phải là ngoại lệ, mà đang đi theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp này. Đa số các ứng dụng đều có Chính sách bảo mật khó đọc, dẫn đến nguy cơ người dùng bỏ qua điều khoản về vấn đề này.

Cư dân mạng dần nhận ra tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu cá nhân. Họ bắt đầu nhận thức được những dữ liệu này có thể bị thu thập để phục vụ cho mục đích thương mại, chính trị mà họ không hay biết.

7. Vậy người dùng nên làm gì để tự bảo vệ thông tin?

Cùng điểm danh một số mẹo từ Kapersky và Forbes dưới đây:

  • Kiểm tra cài đặt bảo mật của các tài khoản mạng xã hội.
  • Đọc kỹ điều khoản bảo mật và yêu cầu truy cập của các ứng dụng điện thoại và tính năng mở rộng của các trình duyệt.
  • Thay đổi cài đặt điện thoại để chặn tính năng theo dõi địa điểm không cần thiết.
  • Sử dụng các nền tảng nhắn tin mã hoá nếu có thể.
  • Sử dụng VPN (Virtual Private Network: Mạng Riêng Ảo) khi dùng Wifi công cộng.