Được chuyển ngữ từ bài viết “5 Life-Changing Levels of Not Giving a Fuck” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Mỗi ngày, hàng trăm triệu người trên thế giới đau khổ vì quan tâm đến quá nhiều thứ. Cả cuộc đời họ bị giam cầm bởi những lo lắng vô nghĩa - nhưng họ không nhất thiết phải sống như vậy.
Trong bài viết này, tôi sẽ cùng bạn vượt qua 5 cấp độ của việc “bơ đi mà sống”, đi dần từ thấp lên cao. Bạn sẽ từng bước học cách đối mặt với nỗi sợ của mình, cách ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ, và cách đạt tới cảnh giới hạnh phúc của việc sống vô tư. Đã đến lúc ngừng quan tâm nhiều quá và bắt đầu sống thôi.
Cấp độ 1: Sự xấu hổ
Trong tâm lý học có một hiện tượng gọi là hiệu ứng tâm điểm (spotlight effect). Theo đó, chúng ta có xu hướng cho rằng người ta chú ý đến mình nhiều hơn thực tế.
Thử nhớ lại lần gần nhất bạn bị cắt tóc hỏng - có lẽ bạn đã dành cả ngày lo lắng xem người ta nghĩ gì về kiểu đầu thảm họa của bạn. Nhưng sự thực là hầu hết mọi người chẳng để ý đến nó, hoặc nếu có thì cũng chẳng quan tâm lắm. Nhà văn David Foster Wallace cũng từng nói:
Bạn sẽ ngừng lo lắng quá về những gì người ta nghĩ về bạn, một khi bạn nhận ra họ hiếm khi làm vậy.
Bản thân tôi cũng đã lớn lên với không ít nỗi lo âu, nên câu nói này thực sự quan trọng với tôi. Nhưng chỉ nghe nó thôi thì chưa đủ. Bạn phải thực sự bước ra ngoài xã hội và trải nghiệm nó, để vượt qua cảm giác bị chú ý mà hiệu ứng tâm điểm mang lại.
Điều này không có nghĩa bạn phải đi dạo quanh phố trong một bộ trang phục kỳ cục, nhưng bạn phải chủ động làm gì đó. Bạn nên đặt mình vào những tình huống kém thoải mái trước mặt người khác, và chứng minh với bản thân rằng chẳng ai quan tâm đến nó cả.
Chịu được sự xấu hổ là tiền đề quan trọng giúp bạn đạt đến cảnh giới của việc “đếch” quan tâm. Khi nhận ra người ta không chú ý đến mình nhiều đến thế, bạn đã chinh phục thành công cấp độ 1 của giáo trình “bơ đi mà sống”.
Cấp độ 2: Sự từ chối
Ở cấp độ 1, chúng ta đã học cách “bơ” những gì người lạ nghĩ về mình. Nhưng còn người quen thì sao?
Bạn có dám nói những điều người thân hay bạn bè của bạn có thể không đồng tình? Bạn có duy trì được một cuộc hội thoại với đề tài nhạy cảm hay không? Bạn có dám mời ai đó đi hẹn hò, và sẵn sàng chấp nhận khả năng bị từ chối?
Những người quan tâm đến quá nhiều thứ thường khó chấp nhận việc bị từ chối. Lòng tự trọng của họ phụ thuộc quá nhiều vào sự chấp thuận từ xã hội, nên họ sẽ làm bất cứ điều gì để không bị từ chối. Họ nhìn mọi tình huống bằng góc độ “mình phải làm gì để được mọi người thích?” và rồi cố hết sức để làm nó.
Đây là một cách tồi tệ để sống, vì nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên là nó quá mệt mỏi. Mọi tình huống xã hội trở thành một bài thi học kỳ, nơi bạn phải làm đúng mọi thứ để đạt điểm cao.
Nhưng quan trọng hơn, kiểu sống này khiến bạn không bao giờ có được những mối quan hệ lành mạnh. Kể cả khi bạn làm “đúng” và khiến người ta thích bạn, bạn sẽ không bao giờ tin tưởng rằng, họ đang thích con người chân thật nhất của bạn.
Hầu hết mọi người khi nhận ra bài học này sẽ không “gồng” nữa, và sống thoải mái trong các mối quan hệ bằng phiên bản chân thật của chính họ. Họ nhận ra rằng dù cố gắng làm hài lòng người ta đến đâu cũng sẽ có người từ chối, vậy sao phải “gồng” làm gì nữa?
Tiếp cận các mối quan hệ bằng con người thật nhất của mình, và chấp nhận mọi kết quả xảy ra mà không hề hối hận. Bạn sẽ nhận ra rằng, bạn không phải đợi người ta chọn bạn. Chính bạn cũng có quyền chủ động lựa chọn ai xứng đáng ở lại trong cuộc sống của mình. Hiểu được điều này, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi.
Cấp độ 3: Sự chỉ trích
Sự thật là bạn chẳng thể làm hài lòng được tất cả mọi người.
Bạn làm bất cứ việc gì cũng sẽ bị ai đó chỉ trích và nói xấu. Bạn phải học cách sống với điều này, và hiểu rằng sự chỉ trích là một phần của thành công. Sự tôn trọng và ngưỡng mộ bạn có được sẽ luôn đi kèm với một lượng ý kiến trái chiều, có khả năng hạ gục bạn nếu bạn không vững tâm. Vì vậy, lần tới bị người khác chỉ trích, bạn hãy làm thế này:
- Nếu tôn trọng người đó, hãy lắng nghe và cải thiện bản thân.
- Nếu người đó chẳng là gì với bạn, thì bơ họ luôn đi. Quan tâm làm cái gì?
Lời chỉ trích chẳng qua cũng chỉ là thông tin mà thôi. Nếu nó không phải thông tin hữu ích về bạn, thì nó cũng cho bạn thông tin hữu ích về họ. Thế thì sao bạn phải tránh nó?
Cấp độ 4: Sự thất bại
Điều đáng kinh ngạc sẽ xảy ra khi bạn dừng quan tâm tới những gì người khác nghĩ về mình: quyền được thất bại một cách tự do.
Những gì bạn luôn mơ ước đến, những cuộc phiêu lưu bạn luôn muốn theo đuổi mà không dám (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) bỗng mở ra trước mắt bạn. Bởi bạn không còn quan tâm đến việc người ta sẽ nói gì về bạn nếu thất bại.
Bạn sẽ không quan tâm gia đình mình nghĩ gì nếu bạn bỏ công việc tồi tệ hiện tại mà chưa tìm được việc mới, vì bạn không thể tiếp tục chịu đựng nó thêm nữa. Bạn cũng chẳng quan tâm nếu bạn đăng ký một lớp breakdance, và bạn nhảy tệ đến mức trở thành trò đùa của mọi người.
Thất bại không quan trọng, mà những gì bạn làm mới quan trọng. Cuộc đời diễn ra trong quá trình chứ không phải một đích đến nào đó.
Hầu hết chúng ta đều tập trung quá nhiều vào kết quả mà bỏ qua quá trình. Tôi cho rằng điều này xuất phát từ cách chúng ta được giáo dục. Bạn được thưởng vì đạt điểm 10 trong bài kiểm tra ở lớp. Mọi thứ đều diễn ra theo cách “nếu đạt kết quả này, con sẽ được thưởng”.
Nhưng kỳ thực là cuộc sống không vận hành theo cách như thế. Theo nhiều cách khác, cuộc sống sẽ trao thưởng nếu bạn sẵn sàng thất bại, sẵn sàng chịu xấu hổ một chút, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng làm dở tệ một việc cho đến khi bạn làm nó giỏi.
Vậy để tôi hỏi bạn, có việc gì bạn làm rất tệ nhưng lại không hề hối hận? Việc gì khiến bạn hạnh phúc dù làm nó dở tệ, bởi nó cho bạn niềm vui trong cuộc sống?
Hãy tìm ra và làm việc đó. Kể cả nếu thất bại một cách ngoạn mục, chí ít bạn đã làm được điều gì đó ý nghĩa, và có một câu chuyện để “flex” với con cháu mình sau này.
Cấp độ 5: Bơ đi mà sống
Chúc mừng bạn đã đạt tới cảnh giới cuối cùng của việc “đếch” quan tâm. Từ đây bạn sẽ sống thoải mái mà không còn nản lòng trước sự xấu hổ, từ chối, chỉ trích hay thất bại nữa.
Khi không còn để tâm quá nhiều, bạn sẽ sống không còn áp lực hay hối tiếc. Đó là một cuộc sống tự do, làm bất cứ điều gì bạn muốn làm, trở thành bất cứ ai bạn muốn.
Một ngày nào đó, bạn và những người xung quanh đều sẽ tan biến khỏi thế giới. Thế nên bạn còn chờ gì nữa? Mục tiêu bạn luôn muốn theo đuổi, giấc mơ bạn luôn ấp ủ, người bạn luôn muốn gặp - bạn còn để điều gì ngăn cản bạn nữa? Thực hiện chúng đi thôi. Vì nghiêm túc mà nói, có ai quan tâm đâu cơ chứ?