“Sao chưa có bồ? Hay là bê đê?” và 5 câu hỏi phân-biệt-giới tránh hỏi dịp lễ Tết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“Sao chưa có bồ? Hay là bê đê?” và 5 câu hỏi phân-biệt-giới tránh hỏi dịp lễ Tết

Khi bị hỏi khó ngày lễ Tết, bạn thường trả lời thế nào?
“Sao chưa có bồ? Hay là bê đê?” và 5 câu hỏi phân-biệt-giới tránh hỏi dịp lễ Tết

Nguồn: Shutterstock

Đôi khi vì quan tâm chưa đúng cách mà người khác (hoặc chính chúng ta) lỡ hỏi những câu hỏi đầy định kiến, khiến người bị hỏi rơi vào thế khó xử.

Thu thập và khảo sát từ những “nạn nhân” từng kinh qua “thiên la địa võng” của những màn hỏi khó, chúng tôi lọc ra bộ sưu tập các câu hỏi phân biệt giới mà tất cả chúng ta nên tránh sử dụng.

“Vẫn chưa có bạn gái/trai? Hay là bê đê?”

Ảnh hưởng bởi văn hóa tập thể của lối sống Á Đông, người Việt mình thường quan tâm đến đời sống tình cảm cá nhân của nhau. Thấy con cháu độc thân lâu quá, nhiều cô dì chú bác vô ý lôi chuyện giới tính ra đùa. Sự quan tâm quá mức bị đẩy đến ranh giới của soi mói, làm người bị hỏi gò bó, ngột ngạt.

Đi liền với “con có bạn trai/bạn gái chưa?” đôi khi là “hay mày bê đê?”. Tưởng vui mà không vui, chỉ thấy không khí chùng xuống, người bị hỏi thì cười gượng cho qua. Đây là lý do dịp lễ Tết, tụ họp thường là cơn ác mộng của những người đồng tính, vô tính hoặc chuyển giới.

Cách hỏi khác

Hỏi những câu mang tính xây dựng, liên quan đến dự định tương lai, những thành tựu công việc gần đây: “Con tính sau này làm gì tiếp?”, “Làm ở đó có có học hỏi được nhiều không?”, “Sếp và đồng nghiệp thân thiện chứ?”, “Công ty con có ảnh hưởng vì dịch không?”.

Ứng phó

Trả lời kiểu nghiêm túc “Con muốn đợi người phù hợp. Vội vàng rồi yêu nhầm người thì mất thời gian ạ”. Hoặc hài một chút: “Con không bê đê nhưng bạn trai con thì có”.

“Con gái tuổi này sao chưa lấy chồng?”

Khi đã có một mối quan hệ tạm gọi là ổn định. Người trẻ, theo đúng các bước truyền thống, phải đối diện với giai đoạn tiếp theo - cưới hỏi.

Thời trước, các cụ thường kết hôn khá sớm, độ tuổi trung bình từ 20 đến 25 tuổi. Quan niệm hôn nhân đã thay đổi, nhưng nhiều bậc tiền bối vẫn “ôm” tư tưởng cũ và mong con cháu (đặc biệt là con gái) sớm ổn định giống mình. Điều này xuất phát từ sự quan tâm: Sợ con gái có tuổi sẽ mất giá, sẽ khó sinh con, sẽ bị người khác bàn tán.

Ấy nhưng, ngày nay, nhiều người phụ nữ không sợ lấy chồng muộn, chỉ sợ lấy nhầm người và mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không lối thoát. Mỗi người có một quan điểm hôn nhân khác nhau, và họ sẽ công khai khi sẵn sàng, vì vậy đừng hỏi những câu áp đặt thế này.

Cách hỏi khác

Chuyển sang chủ đề dễ nói hơn như sức khỏe, du lịch, trải nghiệm, vấn đề xã hội: “Dạo này COVID ghê quá, ra ngoài đường nhớ cẩn thận nha con”, “Cô định đi Đà Lạt lúc hết dịch, con nghĩ tầm tháng mấy đi chơi là đẹp nhất?”.

Ứng phó

Trả lời kiểu nghiêm túc “Dạ chắc cứ từ từ, sợ yêu nhầm người rồi li dị thì khổ” hoặc bông đùa: “Dạ nhiều anh xếp hàng quá nên chưa biết nên cưới ai trước”, “Cuối năm con cưới, mà cuối năm nào thì chưa biết”.

“Có tính đẻ thêm con trai không?”

Tưởng như lập gia đình, sinh con và ổn định cuộc sống là xong, các gia đình sinh nhiều con gái tự nhiên phải đối mặt với câu hỏi: “Có tính đẻ thêm con trai?”.

Từ góc nhìn văn hóa, tư tưởng Nho giáo vẫn ảnh hưởng đến một số người Việt thế hệ trước, họ mong có đứa con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Hay sinh con gái thì sau này cũng theo nhà chồng, vậy là mất con. Có người muốn “có nếp có tẻ” để gia đình trọn vẹn.

Những câu hỏi kiểu này dẫu có thiện ý, nhưng cũng thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Một số gia đình hiện đại tâm niệm: con trai hay con gái thì vẫn quý như nhau.

Cách bắt chuyện khác

Hỏi về những khó khăn, niềm vui của việc sinh con, hoặc đưa ra lời khuyên nếu là người có kinh nghiệm: “Ngày trước cô sinh thằng M., cũng kén lắm, sau mới tập cho ăn rau nhiều”, “Khi nào có bầu đừng uống cà phê hay ăn nhiều đồ cay nha, không tốt cho con”.

Ứng phó

Trả lời kiểu nghiêm túc “Con trai hay con gái cũng được, miễn là con mình khỏe mạnh”. Có thể thả chút muối: “Cháu muốn đẻ lắm mà không ai nuôi cho, bác nuôi giúp 1 đứa thì cháu đẻ ngay bây giờ”, hoặc xài chút chút kiến thức xã hội: “Dạo này sinh con gái được thưởng tiền nên con đang muốn kiếm thêm chút đỉnh”.

“Con trai mà bấm khuyên cái gì?” / “Con gái mà cũng xăm?”

Trong mắt những bậc phụ huynh khắt khe, xăm mình là sở thích của những tay côn đồ, con trai đã khó, con gái gần như cấm tuyệt. Không biết vô tình hay cố ý, những câu nói phân biệt giới thế này vẫn được nói ra hằng ngày: “Con gái cũng xăm à?”, “Con gái không ai xăm mình hết”, “Xăm vậy khó lấy chồng lắm”.

Vẫn là câu chuyện của cá tính, nhưng trong diễn biến khác, nạn nhân là những bạn nam bấm khuyên tai. “Sao bấm khuyên như con gái vậy?”, “Nhìn điệu đà giống bê đê quá”, “Coi chừng người ta nhìn mày tưởng bê đê, con gái nó không thèm yêu”.

Cách bắt chuyện khác

Hỏi thăm một chút: “Bấm khuyên có đau không?”, “Xăm thế này mất bao lâu mới rõ màu?”, “Thời gian đầu phải ăn kiêng nhiều lắm hả?”.

Cũng có trường hợp người đã xăm muốn xóa hình xăm đó, nên tốt nhất vẫn là không hỏi.

Ứng phó

Trả lời kiểu nghiêm túc: “Hình này bạn bè, người yêu hay đồng nghiệp đều thích”, “Con thấy bấm khuyên tai xong con tự tin hơn nhiều”.

Hoặc “cợt nhả” một chút như BB Trần: “Dạ, ban đầu con cũng tính xăm mí mắt, xăm chân mày như cô mà sợ đau, nên xăm tay cho đỡ đau”. Bẻ lái theo hướng tri thức: “Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tục xăm mình của người Việt có từ thời Hùng Vương rồi ạ, hồi đó vẽ yêu quái thấy ghê lên người chứ không hiền như hình xăm của con”.

“Sao con gái ở nhà không phụ nấu nướng, dọn dẹp?”

Đôi khi người hỏi có thiện ý: “Là con cái thì nên giúp ba mẹ nấu nướng, dọn dẹp”, nhưng cấu trúc thân quen “sao con gái” đã bó buộc đối tượng vào trách nhiệm xã hội: đã là phụ nữ thì phải tề gia nội trợ, dọn dẹp nhà cửa.

Cách bắt chuyện khác

Bỏ cụm “sao con gái” và nói một câu trung lập hơn “con ra giúp ba mẹ phụ dọn dẹp đồ đạc nào”.

Ứng phó

Trả lời kiểu nghiêm túc: “Lát con tính ra giúp liền ạ”, “Hồi sáng đi chúc Tết nhiều quá, con hơi mệt nên nghỉ ngơi xíu”.

Trả lời kiểu bông đùa: “Con tính mai mốt thuê người giúp việc rồi dọn một thể”, “Để con gọi bạn trai qua nhà phụ dọn cho lẹ”.

Nói chung là

Viễn cảnh bị-hỏi-khó ngày Tết vẫn sẽ diễn ra. Nhưng thay vì nhìn vấn đề một cách quá tiêu cực, hãy học cách chấp nhận chúng như một phần của văn hóa. Mười hay hai mươi năm nữa, khi thế hệ trẻ ngày nay thành người những bậc cô chú, có thể tất cả những câu hỏi này sẽ biến mất.

Còn hiện tại, nếu bị hỏi, cứ trả lời nhẹ nhàng rồi cười cho qua, đừng gay gắt và biến mình thành kẻ xấu xí vô lễ trong mắt họ hàng, gia đình. Đôi khi hài hước một chút cũng không sao. Nhưng mà, tùy đối tượng mới được đùa nhé!