Bạo hành chưa bao giờ là một chủ đề hết “nóng” khi tìm hiểu về những bất cập trong mối quan hệ tình cảm. Bên cạnh bạo lực thể xác, bạo hành cảm xúc cũng đáng quan ngại do những tổn thương vô hình mà nó mang lại.
Theo định nghĩa, bạo hành cảm xúc là một hình thức để kiểm soát đối phương bằng cách tấn công tinh thần của họ thông qua những hành vi như công kích cá nhân, cô lập, miệt thị, đổ lỗi, thao túng,...
Bài viết sau sẽ chỉ ra 7 dấu hiệu lạm dụng tâm lý trong tình yêu để bất cứ ai đều có thể nhận thức và phòng tránh kịp thời.
1. Cô lập
Tình yêu là một phần trong rất nhiều mối quan hệ mà một người có. Tuy nhiên với một số người, sự tồn tại của những mối quan hệ khác bị coi là mối đe dọa. Chẳng hạn, người có kiểu gắn bó lo âu thường dễ ghen tuông hơn do cảm giác thiếu an toàn trong các mối quan hệ.
Điều này dẫn đến những thái độ và hành vi quyết liệt, ngăn cản bạn phát triển các mối quan hệ xã hội khác. Họ chỉ muốn bạn dành toàn bộ sự tập trung vào mình.
Khi bạn gặp gỡ với hội bạn hay người thân bất cứ lúc nào – người yêu bạn luôn phản ứng “sao anh/em cứ đi với những người đó hoài vậy”. Không chỉ ở lời nói, người đó còn thể hiện bằng cử chỉ như lườm nguýt, lôi kéo hoặc ra ám hiệu đến khi bạn nhượng bộ vì không muốn xảy ra phiền phức.
2. Dọa nạt nhưng sau đó lại quay ra xin lỗi
Đây là cơ chế điển hình của mối quan hệ phụ thuộc. Dọa nạt là một cách bạo hành trực tiếp để bên ưu thế (dominant) nhanh chóng đạt được mục đích mình muốn. Tuy nhiên để duy trì vòng lặp có lợi cho mình, họ sẽ lập tức nài nỉ bạn tha thứ và hành xử đúng mực nhằm lấy lại niềm tin.
Nạn nhân rất khó để thoát khỏi vòng lặp này do họ ở thế bị động (passive). Đây là đối tượng khó có thể tự đưa ra quyết định từ nhiều lý do như lòng tự tôn thấp, không có ranh giới riêng,...
Chẳng hạn, một người liên tục dọa chia tay khi người kia không đáp ứng yêu cầu của mình (không thể mua ngay điện thoại vì tài chính đang thiếu hụt, không thể gặp gỡ gia đình vì chưa sắp xếp được công việc,…). Nhưng khi đã đạt được mục đích hoặc thấy bạn bắt đầu có phản ứng khó chịu, người này lại liên tục van xin bạn tha thứ và hành xử ngọt ngào.
3. Kiểm soát quá mức
Đặc điểm của loại bạo hành này là một người luôn kỳ vọng và dùng mọi cách bắt người còn lại đáp ứng kỳ vọng đó. Những người này bị ám ảnh kiểm soát đến mức can thiệp vào những khía cạnh thuộc quyền riêng tư của bạn, từ bạn mặc gì đến công ty, hoạt động trên mạng xã hội, đến việc bạn đi đâu, với ai.
Có nhiều lý do một người kiểm soát quá mức trong mối quan hệ như sự cầu toàn đối với người khác, tính cách ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới.
Dấu hiệu này thường bắt đầu từ ngoại hình như “Đi làm mà việc gì anh/em cần gì phải ăn diện dữ vậy”, đến “sao anh/em không cho em/anh biết mật khẩu Facebook” hoặc thậm chí theo dõi quá trình di chuyển của bạn hằng ngày cũng như ép bạn phải chia sẻ định vị.
4. Ép buộc đối phương làm những điều khiến họ không thoải mái
Hành vi thao túng cảm xúc để đạt được mục đích cá nhân chính là định nghĩa của “hiệu ứng đèn ga” (gaslighting). Bằng cách liên tục gây ra sức ép đến tâm lý, tước bỏ sự tự tin để khiến nạn nhân trở nên mặc cảm, thủ phạm một cách tinh vi khiến cho họ nghe theo sự điều khiển của mình.
Chẳng hạn như miệt thị ngoại hình (body shaming) khi một người dùng tiêu chuẩn chủ quan về cái đẹp của mình gán lên người kia. Từ đó, họ buộc nửa kia phải ăn mặc, giảm cân theo ý thích của của riêng mình, mà hoàn toàn phớt lờ cảm giác của đối phương.
5. Bóp méo hiện thực và lờ đi sự đồng thuận của đối phương
Đây cũng là biểu hiện của gaslighting. Một người cố tình bóp méo sự thật bằng một loạt hành động lừa dối, kiểm soát nhằm ép buộc bạn phải đồng thuận với yêu cầu của họ, dù bạn có nhận ra (hay không) là mình không muốn. Hành động bạo hành này rất nguy hiểm vì hậu quả của nó không chỉ đến tinh thần mà còn là thể xác của người bị hại.
Ví dụ, một người muốn quan hệ tình dục sử dụng biện pháp an toàn, nhưng người còn lại lại cố tình thúc ép bằng những lời nói dối như “người bình thường không ai như vậy”, “chỉ có mình anh/em như vậy”, “nhìn xung quanh có ai như anh/em không” để khiến bạn thực sự tin rằng mình đã làm quá lên và chấp nhận yêu cầu bất hợp lý từ họ.
6. Biến nửa kia thành người sai
“Tất cả là tại lỗi của anh/em”.
Theo giáo sư Brené Brown, đổ lỗi là cách để giải phóng sự đau đớn hay nỗi lo lắng. Khi một tình huống không mong muốn xảy đến, chúng ta thường dùng cách này để bảo vệ bản thân khỏi cảm xúc tiêu cực như một cơ chế phòng vệ.
Nhưng trong tình yêu, một số người lại thường xuyên đổ lỗi để trốn tránh trách nhiệm. Hệ quả là người liên tục bị đổ lỗi trở nên lo âu và dần hình thành hội chứng kẻ giả mạo (luôn sợ mình không đủ tốt).
Chẳng hạn như sau cuộc cãi vã, bạn muốn có thời gian riêng tư để làm nguội sự căng thẳng giữa cả hai. Nhưng đối phương lại buộc tội bạn là đang lảng tránh họ.
7. Khiến người kia cảm thấy tội lỗi bằng cách lợi dụng tình yêu của họ
Tình yêu là một cảm xúc cao đẹp nhưng nó không nên được thần thánh hóa như lối tắt để giải quyết tất cả các vấn đề.
Theo tác giả Mark Manson, có một sự thật tàn nhẫn là tình yêu không thể tháo gỡ mọi nút thắt trong mối quan hệ và không phải lúc nào cũng đáng để hy sinh bản thân vì tình yêu.
Trong trường hợp này, người bạo hành lợi dụng tình yêu để bắt đối phương giải quyết vấn đề của mình thay vì tự đối mặt. Người còn lại thì ngộ nhận rằng “đã yêu thì phải hy sinh”, dẫn đến cảm giác mặc cảm, tội lỗi khi không đáp ứng được yêu cầu vô lý của nửa kia.
Ví dụ, khi một bên có tư tưởng phụ thuộc bên còn lại về tài chính, sự bạo hành này có thể xảy ra dưới dạng “vì cả hai là người yêu nên đó là lẽ thường”.