8 Từ tiếng Anh để hiểu về quá trình làm podcast | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

8 Từ tiếng Anh để hiểu về quá trình làm podcast

Cùng tìm hiểu về hành trang từ vựng “vẽ đường” cho ta làm podcast.
8 Từ tiếng Anh để hiểu về quá trình làm podcast

Nguồn: Unsplash

Xuất hiện lần đầu năm 2004, podcast (kết hợp giữa iPod và broadcast) trở thành kiểu nội dung được yêu thích rộng rãi trên thế giới. Khác với radio truyền thống phát sóng tổng hợp nhiều chương trình, podcast được chuẩn bị kỹ càng theo từng đề tài cụ thể, giúp thính giả có thể nghe lại bất cứ lúc nào.

Những năm gần đây, podcast trở thành xu hướng nội dung mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều podcast chất lượng với đề tài phong phú ra đời, và các cuộc thi làm podcast như Cast Camp đã bắt đầu xuất hiện, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Cùng tìm hiểu về 8 thuật ngữ tiếng Anh liên quan đến quá trình thu âm, sản xuất và phát hành một podcast qua bài viết dưới đây.

1. Media host

Media host hay podcast host là các trang web chuyên dùng để lưu trữ phần âm thanh (audio) của podcast. Điều này nghĩa là khi hoàn thành thu âm và hậu kỳ, bạn không tải tệp âm thanh của podcast lên website riêng của bạn, mà phải tải lên một media host.

Nguyên nhân là do các tệp âm thanh này thường có dung lượng rất lớn. Nếu sử dụng website của bạn làm nơi lưu trữ, chúng có thể gây quá tải băng thông (bandwidth) và làm chậm tốc độ download về máy của người nghe. Trong nhiều trường hợp, nó có thể khiến trang web của bạn bị đánh sập, hoặc bạn phải trả một khoản phí lớn cho việc truyền dữ liệu.

Để sử dụng media host, bạn cần tạo tài khoản và điền thông tin về podcast của mình (tên, miêu tả, ngôn ngữ…). Sau đó media host sẽ cho podcast của bạn một liên kết RSS feed để phát hành tới thính giả. Các media host phổ biến nhất có Buzzsprout, Transistor và Captivate.

2. RSS feed

RSS là viết tắt của Really Simple Syndication (đường liên kết phân phối đơn giản). Đây là liên kết riêng biệt được media host tạo ra cho từng podcast. Để phát hành podcast, bạn sẽ đặt liên kết này vào các danh bạ (directory) hoặc vào trang web riêng của mình.

Hiểu một cách đơn giản, RSS feed đóng vai trò kết nối giữa media host (là nơi lưu trữ phần âm thanh của podcast) và danh bạ/website (là nơi thính giả sẽ truy cập để nghe hoặc tải podcast của bạn). Các tập podcast trong cùng một series có RSS feed giống nhau. Vì vậy sau khi hoàn thành bước điền thông tin về podcast, bạn chỉ việc đăng tải từng tập mới lên media host, RSS feed sẽ tự động cập nhật nó tới danh bạ hoặc website của bạn.

3. Directory

Directory (danh bạ) là những nền tảng hiển thị podcast cho thính giả nghe hoặc tải xuống. Những danh bạ podcast phổ biến nhất có Spotify, Apple Podcast hay Google Podcast.

Đến đây bạn có thể hình dung, nếu podcast của bạn là sản phẩm và thính giả là khách hàng thì danh bạ chính là cửa hàng nơi bạn trưng bày sản phẩm của mình. Media host đóng vai trò như nhà kho, còn RSS feed là người vận chuyển, phân phối sản phẩm từ nhà kho đến các cửa hàng.

4. Condenser/Dynamic microphone

Microphone (hay mic) là dụng cụ không thể thiếu trong quá trình ghi âm podcast. Có hai loại mic chính mà các podcaster hay sử dụng:

Condenser microphone (mic dạng tụ) có màng hoạt động tương tự một tụ điện. Khi có âm thanh tác động vào, màng thu sẽ tạo ra rung động chuyển hóa nó thành tín hiệu âm thanh. Từ góc nhìn chuyên môn hơn, mic này sử dụng nguồn Phantom 48V, cấp từ mixer hoặc audio interface.

Loại mic này được sử dụng phổ biến trong phòng thu nhờ độ nhạy cao và khả năng đáp ứng việc thu các loại âm thanh ở các nhóm tần số khác nhau, đặc biệt là các âm thanh có âm lượng nhỏ, tinh tế và cần sắc thái mượt mà. Chính vì thế, chúng thường được sử dụng để thu giọng nói và các nhạc cụ mộc (như piano, violin và có khi là guitar thùng) trong môi trường phòng thu. Chúng không thích hợp với việc thu các âm thanh quá to trong một môi trường quá ồn ào.

Riêng trong việc thu podcast, sẽ là lý tưởng nếu phần lớn thời gian chúng được dùng trong môi trường yên tĩnh và được kiểm soát nghiêm ngặt về âm thanh như phòng thu. Vì độ nhạy cao của mic condenser cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ bắt nhiều âm thanh không mong muốn (tiếng còi xe, các tạp âm trong phòng) nếu bạn thu nó ở môi trường bên ngoài - tức là một căn phòng không được làm cách âm hay tiêu âm.

10may2022img6300jpg
Mic tụ có độ nhạy cao, phù hợp sử dụng trong phòng thu. | Nguồn: Unsplash

Dynamic microphone (mic điện động) có màng rung rất mỏng, gắn với 1 cuộn dây đồng mảnh đặt trong khe từ trường của 1 khối nam châm. Khi có âm thanh tác động vào màng, rung động trong từ trường của nam châm sẽ tạo thành tín hiệu âm thanh. Cũng nhờ cơ chế này mà phần lớn mic điện động có thể tự sinh ra dòng điện, không phải cung cấp thêm nguồn điện ở ngoài.

Dynamic microphone thích hợp với việc thu các tiếng động có tín hiệu đầu vào lớn (giọng nói rất to, trống, amp cho guitar). Nhờ tính năng này và việc chịu xóc và va đập tốt, dynamic microphone phù hợp cho cả môi trường phòng thu lẫn diễn trực tiếp trên sân khấu. Chính vì thế, bạn có thể thấy một số mẫu dynamic microphone hay được sử dụng cho ca sĩ hát trên sân khấu, vì ca sĩ theo thói quen hay đung đưa mic của họ trên tay.

Loại mic này cũng có độ nhạy thấp hơn condenser microphone nên lý tưởng cho các bạn thu podcast trong phòng không được làm cách âm. Bạn sẽ có một tín hiêu âm thanh rõ ràng từ giọng nói của host và khách mời mà không cần lo lắng quá nhiều về tạp âm trong phòng.

10may2022img6302jpg
Mic điện động phù hợp với môi trường cách âm không tốt. | Nguồn: Unsplash

Cả 2 loại mic này đều có thể sử dụng để ghi âm podcast, tùy thuộc vào hoàn cảnh và ngân sách của người thu. Mic điện động có chi phí thấp hơn, phù hợp ghi âm ở môi trường cách âm không tốt. Trong khi đó, mic tụ có độ nhạy và chi phí cao hơn sẽ phù hợp sử dụng trong phòng thu cách âm tốt, mang đến chất lượng âm thanh rõ ràng, sắc nét.

5. DAW

DAW là viết tắt của Digital Audio Workstation (tạm dịch: trạm âm thanh kỹ thuật số). Hiện nay, DAW chính là các phần mềm hỗ trợ việc thu âm, sản xuất và hậu kỳ âm thanh. Bạn sẽ sử dụng nó xuyên suốt trong quá trình từ thu âm đến hết hậu kỳ và xuất file. DAW giúp các podcaster trong các thao tác sau:

  • Thu âm các diễn giả
  • Chỉnh sửa các lỗi từ lúc thu âm: tiếng gió, va đập, các đoạn nói hỏng hay ngắt quãng
  • Chỉnh sửa tín hiệu đầu vào qua các hiệu ứng như EQ, Compression để đầu ra đạt hiệu quả tối đa.
  • Chèn nhạc và hiệu ứng

Hiện nay, các phần mềm chỉnh sửa âm thanh cơ bản như Audacity và Adobe Audition hay được sử dụng. Nhưng để cho quá trình sản xuất dễ dàng và có nhiều thao tác chuyên sâu hơn, các DAW chuyên dụng như Reaper, Cubase, Logic Pro, hay Pro Tools là các lựa chọn đáng để cân nhắc.

6. Compression

Compression (nén âm) là hiệu ứng âm thanh giúp giảm bớt sự biến động về âm lượng của tín hiệu âm thanh. Cơ bản, hiệu ứng này giúp kéo phần âm thanh có âm lượng lớn nhất và nhỏ nhất trong file thu âm vào gần nhau hơn, giúp tổng thể podcast của bạn có một mức âm lượng nhất quán.

Thao tác này đặc biệt quan trọng với những podcast có từ 2 người thu âm trở lên, vì giọng của từng người to nhỏ khác nhau. Trong DAW, có hai công cụ để điều chỉnh hiệu ứng Compression là Compressor và Limiter.

10may2022img6304jpg
Sự khác biệt trong dải động âm giữa âm thanh không được nén (trái) và được nén (phải). | Nguồn: Justin Brady

7. Metadata

Metadata (siêu dữ liệu) còn có tên gọi khác là ID3 tags (thẻ dữ liệu ID3). Đây là phần thông tin được nhúng (embed) vào tệp âm thanh mp3 của podcast. Nó giúp sắp xếp từng podcast trên thiết bị của người nghe.

Các thông tin siêu dữ liệu bao gồm tên podcast, title từng tập, tên người thu, đơn vị phát hành và hình bìa (cover art). Bạn có thể nhập những dữ liệu này từ phần mềm DAW sau khi hoàn chỉnh phần hậu kỳ cho podcast.

8. Videocast

Videocast, hay vodcast là podcast được phát hành dưới dạng video. So với podcast âm thanh thông thường, videocast là lựa chọn hữu ích cho các nội dung cần hình ảnh minh hoạ, hoặc tập trung khắc hoạ tương tác giữa những người thu âm với nhau.