3 Điều bạn nên tham khảo trước khi làm podcast | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 08, 2021
Sáng TạoTruyền ThôngCastcamp

3 Điều bạn nên tham khảo trước khi làm podcast

Và 6 lời khuyên để bạn làm podcast chuyên nghiệp hơn; chia sẻ bởi hai host YênLy và Duy Tin của The Finding Audio.
3 Điều bạn nên tham khảo trước khi làm podcast

The Finding Audio

Cast Camp 2021

Năm 2016, YênLy có ý tưởng thực hiện một kênh podcast tiếng Việt. Lúc bấy giờ, hình thức sản xuất nội dung này vẫn còn xa lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải gần 4 năm sau, cô với co-host Duy Tin mới ngồi lại cùng nhau và khai sinh ra The Finding Audio (TFA).

TFA đã tạo ra được giọng nói đặc biệt hấp dẫn khán giả. Với chủ đề “bình thường hóa những thất bại và sự dễ bị tổn thương (failure & vulnerability)", TFA tiếp cận công chúng bằng sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và truy vấn bản thân họ.

Vietcetera đã kết nối với YênLy và Duy Tin, hai podcaster cũng là host của podcast The Finding Audio. Liệu trong 4 năm “trì hoãn" họ đã chuẩn bị gì để ra mắt tập podcast đầu tiên? Những chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

Nghe nhiều podcast để tìm kiếm ý tưởng, sáng tạo format, học tập cách triển khai nội dung

Theo YênLy, việc nghe podcast không chỉ giúp bạn tiếp nhận nhiều thông tin, kiến thức mới mà còn học được cách làm podcast. Từ cách xây dựng format, triển khai ý tưởng, bố cục chương trình, dẫn dắt thính giả, bạn đều có thể được tiếp nhận một cách tự nhiên trong quá trình này.

alt
Người nghe Apple Podcast chấm TFA đạt 4.5/5 sao và kênh podcast này hiện xếp hạng 4 trên Spotify Việt Nam | Nguồn: TFA

Cũng theo YênLy, các kênh podcast nước ngoài thường có nhiều chuẩn mực khắt khe về chất lượng nội dung, âm thanh, thời lượng mỗi tập. Team TFA cũng đã áp dụng những điều này vào chính kênh podcast mà họ sáng tạo ra.

“Đừng sợ bắt chước ai đó khi mới bắt đầu. Bạn cứ tìm hiểu và thực hiện cho đến khi tìm ra được hướng đi và chất riêng của mình", Duy Tin nói, “Quan trọng hơn, hãy xây dựng nội dung và chọn format phù hợp nhất với con người bạn.”

“Dòm ngó" thị trường một vòng để tạo ra nội dung độc đáo cho podcast và phục vụ công chúng tốt hơn

Theo YênLy, podcast không còn xa lạ ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, đó là một “mỏ vàng" để mọi người khai thác và phát triển. Tuy nhiên, để kênh podcast hiệu quả và tiếp cận đến nhiều thính giả, nghiên cứu thị trường (market research) là bước rất quan trọng.

“Podcast là làn sóng tiếp theo về sản xuất nội dung sau vlog (Youtube), nội dung ngắn như TikTok, Reel”, YênLy chia sẻ, “Vlog có sự hỗ trợ về mặt hình ảnh còn podcast lại tập trung vào nội dung và các chủ đề sâu sắc hơn. Đây là điểm mạnh, khác biệt giúp podcast có sức sống lâu bền.”

alt
Đội ngũ The Finding Audio | Nguồn: TFA

Quá trình nghiên cứu thị trường cũng giúp người làm podcast định hình được các chủ đề, cách tiếp cận, trình bày khác biệt so với kênh podcast khác. Chủ đề xuyên suốt của TFA xuất phát từ nhu cầu cá thân và sự lắng nghe từ công chúng.

Duy Tin cho biết, TFA bàn luận các vấn đề thuộc social norm (chuẩn mực xã hội). Chủ đề chính họ khai thác là "bình thường hóa thất bại và sự dễ bị tổn thương" của con người trong xã hội hiện đại. TFA là một trong những kênh podcast đầu tiên bàn luận chuyên sâu vấn đề này tại Việt Nam.

Từ đó, TFA dần hình dung ra được đối tượng công chúng của họ. Quá trình xây dựng nội dung từ lên ý tưởng, nghiên cứu khoa học (tâm lý học, xã hội học), truy vấn bản thân hay cách trình bày đều nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu lắng nghe, chia sẻ, cũng như sở thích của khán/thính giả.

Lên kế hoạch dài hơi để thỏa sức “bơi lội", tránh bí ý tưởng, tạo động lực theo đuổi đến cùng

TFA lên kế hoạch dài hạn (theo từng season) từ khi bắt đầu xây dựng kênh podcast của họ. Theo Duy Tin, việc lên kế hoạch dài hạn giúp họ kiểm soát được nội dung, tiến độ làm việc và deadline (hạn nộp) một cách rõ ràng.

TFA “cam kết” với độc giả 1 tuần/ 1 podcast từ những ngày đầu ra mắt. Việc lập kế hoạch dài hạn giúp họ thực hiện điều này dễ dàng hơn. Tuy nhiên, kênh podcast này từng phải ngừng phát sóng hai tuần trong season đầu tiên.

YênLy và Duy Tin thú nhận, họ chưa kiểm soát được kế hoạch sản xuất và phát hành của mình do một số lý do về phòng thu, chuẩn bị nội dung... Sự cố này giúp họ rút ra kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ càng hơn cho những tập phát sóng tiếp theo sau đó.

alt
Host YênLy và Duy Tin phỏng vấn một khách mời của The Finding Audio | Nguồn: TFA

Ngoài ra, việc lên kế hoạch dài hạn còn giúp cho người thực hiện podcast có mục tiêu theo đuổi, không bỏ cuộc giữa chừng, và hoàn thành công việc theo đúng tiến độ đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch dài hạn còn cho podcaster linh hoạt với các dự án khác trong cùng hệ sinh thái, cân bằng các áp lực.

Mini podcast 7dayinspo for U là ví dụ cho thấy việc thiết lập kế hoạch dài hạn trở nên hiệu quả. Không chỉ tạo ra các tập podcast ngắn (độ dài trung bình khoảng 20 phút, bằng ⅓ với podcast chính) nhưng vẫn đầy đủ nội dung, dẫn dắt đơn giản nhưng đầy cảm hứng.

Sau thành công của season 1 gồm 14 tập, TFA tiếp tục sản xuất season 2 và đã ra mắt 4 tập. Bên cạnh đó, kênh podcast hơn một năm tuổi này còn đa dạng hóa format bằng chuỗi mini podcast 7DayInspo from U gồm 16 tập.

Khi triển khai kế hoạch chính đúng tiến độ, bạn sẽ có thêm thời gian để lên ý tưởng mới, nghiên cứu đề tài hay thậm chí, sáng tạo ra các dự án podcast nhỏ khác để bổ trợ cho kế hoạch chính bạn đang theo đuổi.

6 lời khuyên khác dành riêng cho bạn - podcaster tương lai

Bên cạnh những chia sẻ trên đây, hai host YênLy và Duy Tin của The Finding Audio còn “bonus" thêm cho bạn một số mẹo nhỏ trong quá trình sáng tạo những podcast đầu tiên.

  • Hãy viết ra một cách trọn vẹn tập podcast đầu tiên bạn định làm từ lên ý tưởng, nghiên cứu, kịch bản chi tiết. Khi đã tiến hành thuần thục và sáng rõ mục tiêu cũng như nội dung trình bày, bạn có thể giản lược dần những điều này.
  • Freetalk (nói tự do một mình hoặc với co-host) thật nhiều trước khi thu âm. Hãy nói mọi chuyện trên trời dưới biển nhưng đừng “bơi" quá xa với chủ đề bạn định trao đổi. Điều này có thể giúp bạn nói trôi chảy hơn trong quá trình thu âm.
  • Để làm podcast chuyên nghiệp, bạn nên lập ra một team (nhóm) riêng. Host không phải là tất cả, bạn cần đến những những người khác hỗ trợ như kỹ thuật (thu âm, sản xuất), marketing nếu cần.
  • Phương tiện thu âm (phòng thu, micro) rất quan trọng. Nếu điều kiện chưa có nhiều, hãy bắt đầu với những gì mình có, như một chiếc tai nghe có micro. Thu bằng mic gì, bạn đều phải để ý đến không gian thu, tránh tiếng vang và tiếng ồn. Mẹo trùm chăn sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều tiếng vang.
  • Hãy kiểm định podcast của mình thật kỹ trước khi đăng tải. Con số này có thể lên đến 10 lần hoặc hơn nhưng đừng nản chí.
  • Cuối cùng, khi bí hoặc không có cảm hứng thu âm thì cứ ăn uống và nghỉ ngơi thật kỹ rồi trở lại làm việc sau đó. TFA đã từng hết ăn bánh đến uống trà sữa rồi dạo phố mới cho ra được một tập podcast. Có thực mới vực được… podcast.

Xin cảm ơn các Nhà tài trợ đồng hành cùng Vietcetera tại "trại thi" Cast Camp 2021.

Prudential: Là lựa chọn số 1 về bảo hiểm nhân thọ cho mọi gia đình Việt.
Tiki: Sàn thương mai điện tử đáng tin cậy nhất Việt Nam theo khảo sát của Nielsen năm 2020.
Baemin: Là ứng dụng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, hướng đền giới trẻ văn phòng - những người muốn dành nhiều thời gian để sống, làm việc và trải nghiệm hơn là vào việc chuẩn bị thức ăn.
Tiger: Tiger Collab - Dòng bia duy nhất đại diện cho Hệ Bản Lĩnh sẽ debut hoành tráng vào ngày 30/08.