Ậm Ừ Talk #2: Bạn tiêu rồi có dùng không? | Vietcetera
Billboard banner

Ậm Ừ Talk #2: Bạn tiêu rồi có dùng không?

Không có việc gì khó, chỉ sợ tiêu (không) dùng.

Ậm Ừ Talk #2: Bạn tiêu rồi có dùng không?

Nguồn: Vietcetera

Qua 5 tháng giữ chặt chúng ta ở trong nhà, COVID để lại những tâm hồn có phần lạc lối, nhưng túi tiền của mọi người thì có lẽ đều rủng rỉnh hơn mọi khi. Nhưng chỉ qua một ngày giữ chặt chúng ta trên màn hình để đợi sale, các nền tảng thương mại điện tử có vẻ đã đảo ngược tình thế. 

Riêng trong ngày hội “siêu sale” 11/11, Shopee đã có hơn 2 tỷ mặt hàng đã được bán ra, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2020. Số lượng đơn hàng tại Tiki tăng gấp 9 lần. Lazada cũng tham gia cơn bão với doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần.

Còn bạn, bạn có hân hoan khi chốt được nhiều đơn hời? Hay có đơn nào đã chốt mà bạn cảm thấy hối hận không? Nếu có, thì cũng đừng quá lo lắng… vì sắp tới bạn sẽ đón thêm nhiều cơn bão mua sắm lớn mà không phải một mình. Vietcetera sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình “gỡ gạc” những chi tiêu sai lầm trong tập 2 của chuỗi webinar Ậm Ừ Talk (tổ chức vào 15:00 giờ, Thứ 7 tuần này).

Cụ thể, tại đây mọi người sẽ cùng chia sẻ trải nghiệm, và hỏi đáp thân mật xoay quanh chủ đề “tiêu dùng”.

Ba nhóm vấn đề chính sẽ là: (1) hiểu về chủ nghĩa tiêu dùng và sự khác nhau về thói quen chi tiêu giữa các thế hệ, (2) mối liên quan giữa sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và hành vi tiêu dùng, (3) các kinh nghiệm quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân. 

Không cần quá tay, cũng biết giới hạn

Những năm tháng còn là sinh viên, vì vài lần chưa đến cuối tháng đã cháy túi, tôi mới biết mình tiêu hoang. Cuối tuần đi chơi, mở tủ đồ mà lẩm nhẩm “không có gì để mặc”, tôi mới nhận ra chiếc tủ của mình đã quá đầy để đầu óc tôi được thông thoáng. Tôi đã nghĩ mình phải chạy quá vạch một chút thì mới biết giới hạn của bản thân. 

Nhưng trong một dịp ở nhà cùng mẹ, bà đã chỉ lại cho tôi thấy “đã có công thức, cứ thế mà làm”. Không phải lúc nào cũng cần nêm muối quá tay mới biết mặn, không cần một lần mua sắm quá mức để nhận ra có bẫy tiêu dùng ở đó. Thói quen chi tiêu tiết kiệm truyền thống của mẹ phần nào đó lại giao thoa với chủ nghĩa tối giản hiện đại. Bà hoạch định chi tiêu rõ ràng mà không cần học đến khoá quản lý tài chính. 

Có những điều thế hệ trước làm một cách cảm tính lại có thể trở thành quy trình cho thế hệ trẻ ngày nay. Có lẽ là vì họ đã lớn lên trong một thời đại mà chủ nghĩa tiêu dùng chưa bùng nổ. Và nhờ đó, họ biết thế nào là vừa-đủ. 

Ngay tối nay, bạn có thể gọi điện tâm sự cùng ba mẹ để tìm ra các “bí quyết gia truyền”, hay vui hơn, hãy rôm rả chia sẻ với bàn tròn 3 thế hệ của Ậm Ừ Talk vào cuối tuần này. Khách mời của Ậm Ừ Talk có độ tuổi bao trọn từ gen X cho đến gen Z, và làm việc trong đa dạng các lĩnh vực, gồm:

  • Nguyễn Thành Long - Marketing Director tại Tiki
  • Kendall Nguyễn - Managing Director tại MonoX
  • Nguyễn Lâm Thảo Tâm - MC, diễn viên
  • Thanh Nguyễn - Vice President, Revenue Manager tại Vietcetera
  • An Trương - Business Manager tại Vietcetera

Ngoài các chia sẻ cá nhân, bạn tham gia cũng sẽ được thảo luận về các nghiên cứu về vấn đề chủ nghĩa tiêu dùng. 

Đọc thêm về các dấu hiệu mua sắm bốc đồng và sự khác biệt trong thói quen tài chính giữa các thế hệ:

5 Đặc điểm của người nghiện mua sắm

Revenge shopping - Mua sắm để “phục thù”

Mẹ đã dạy tôi đối mặt với bão sale thế nào?

Tiêu mà không dùng là vì đâu?

Là vì chúng ta. | Nguồn: Jeshoots/Unsplash
Là vì... tiêu tiền không khó. | Nguồn: Jeshoots/Unsplash

Vì mình lỡ mua bốc đồng, vì mình lỡ buồn lúc mua, vì mình lỡ mua lúc mệt? Vì các trang thương mại dùng “chiêu” để khuyến khích mình tiêu tiền? 

Nếu giải trình những lý do này với ba mẹ, có lẽ một số bạn trẻ sẽ khó tìm được sự đồng cảm. Bởi dù cha mẹ có những bí quyết chi tiêu rất đáng để học hỏi, họ vẫn không thể sử dụng công nghệ thành thạo bằng bạn để hiểu sự tiện lợi và sức hấp dẫn của việc mua sắm trực tuyến. 

Số liệu từ Sách trắng Thương mại điện tử cho thấy, năm 2020, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ người trong nước tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân nào đứng sau sự tăng trưởng này? Bạn mua hàng sale có phải là rơi vào bẫy tiêu dùng của các trang thương mại điện tử? Đợi mùa sale mới mua có phải là cách chi tiêu thông thái?

Bạn không cần phải tìm kiếm đâu xa, tất cả sẽ được giải đáp với câu trả lời trực tiếp đến từ đại diện của sàn thương mại điện tử Tiki và các influencer!

Để tham gia webinar, mời bạn truy cập và làm theo hướng dẫn tại đây.

Chúc các bạn một mùa sale tự tin vượt bẫy và hạnh phúc với việc tiêu (có) dùng của mình nhé. Hẹn gặp bạn ở Ậm Ừ Talk #2: “Tiêu (không) dùng” vào Thứ 7 tuần này!