Mẹ đã đối mặt với bão sale như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Mẹ đã đối mặt với bão sale như thế nào?

Những ngày bão sale tràn về khắp ngõ đường, thứ tôi nhớ nhất là những bài học mẹ dạy, về cách “né” chủ nghĩa tiêu dùng.

Mẹ đã đối mặt với bão sale như thế nào?

Nguồn: Unsplash.com

Tôi nghĩ đứa trẻ nào lớn lên cũng mang theo mình những bài học cuộc sống đến từ mẹ. Từ nhỏ, mẹ đã "tha" đứa con gái là tôi đi khắp nẻo đường cùng bà, trong những chuyến công tác, những lần du lịch, và cả những hôm đi chợ. Có lẽ vì có sự kết nối bền chặt với mẹ, tôi nhặt nhạnh được nhiều những kiến thức từ bà. Những ngày bão sale tràn về khắp ngõ đường, thứ tôi nhớ nhất là những bài học mẹ dạy, về cách “né” chủ nghĩa tiêu dùng.

Bài học thứ nhất: Đừng bỏ cuộc đến khi người bán hàng bỏ cuộc

alt
Không phải cuộc trả giá nào cũng kết thúc theo cách mẹ tôi mong muốn. Nhưng gia đình tôi rất hay ‘tậu’ được một món hàng với giá rẻ hơn. | Ảnh: Unsplash.com

“Cái này bao nhiêu? Giảm chút được không?” là câu cửa miệng của mẹ tôi mỗi khi bước vào hàng tạp hóa nào và chọn được món hàng ưng ý. 35 ngàn ư? 30 ngàn thôi! 100 ngàn ư? 80 chứ! Luôn trả đến giá thấp nhất, đó là phương châm của mẹ.

Tôi luôn tin mẹ mình là người không kiên nhẫn, qua những lần bà khẽ tay tôi chỉ một giây sau khi tôi bày bừa ra sàn. Duy chỉ có một ngoại lệ, là khi mua hàng.

Mẹ không bao giờ bỏ cuộc sau câu từ chối đầu tiên. Thậm chí câu từ chối thứ hai, hay thứ ba. Có những người bán hàng sẽ đầu hàng sau lời kì kèo thứ tư của mẹ. Có những người xuôi lòng “một nửa”: “Thôi được rồi, 100 mà tui để chị 85, chịu chưa?”. Nếu mẹ vừa ý, ‘cuộc chiến’ kết thúc. Nếu không, màn kì kèo lại tiếp tục. Thậm chí, mẹ sẽ giả bộ ‘quay lưng’ không mua, để người bán hàng í ới đằng sau.

Không phải cuộc trả giá nào cũng kết thúc theo cách mẹ tôi mong muốn. Nhưng gia đình tôi rất hay ‘tậu’ được một món hàng với giá rẻ hơn. Giờ đây, ‘chiêu’ trả giá tuyệt không thể thực hiện ở những trung tâm thương mại, những cửa hàng tiện lợi, nơi mọi thứ đều niêm yết. 

Nhưng thật ra, mẹ dạy cho tôi nhiều hơn là chuyện mua hàng. Thứ mẹ dạy tôi, là đừng bao giờ bỏ cuộc, và cả sự kiên nhẫn nữa.

Bài học thứ hai: Đừng quyết định cho đến khi bạn thực sự suy nghĩ kĩ

Hình như phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có niềm đam mê nhất định với áo quần. Nếu tôi muốn ‘rớt nước mắt’ với những chiếc áo Uniqlo thì mẹ năm xưa lúc dạo chợ không thể kiềm mình trước dãy váy đầm sặc sỡ. 

Mỗi khi chở tôi đi chợ mua đồ ăn, mẹ sẽ dạo quanh những con phố bán quần áo. Thỉnh thoảng, bà sẽ dừng chân trước một chiếc váy nào đó, ướm thử lên người, hỏi giá và trầm ngâm hồi lâu. Thông thường, mẹ sẽ không bao giờ mua ngay. Bà dắt tôi dạo quanh khu mua sắm, đi thật xa khỏi chiếc váy mình thích. Mẹ bảo, bà muốn suy nghĩ thật kĩ càng, xem món đồ đó có thật sự cần thiết không, và đời bà có thể thay đổi thế nào nếu có nó. 

Có khi, mẹ sẽ quay lại và mua. Có khi không. 

alt
Luôn cần một sự dũng cảm phi thường để không phải mắc chiếc bẫy của bộ não và bước ra khỏi giá treo hàng. | Ảnh: Unsplash.com

Chúng ta luôn dễ bị hấp dẫn bởi những món hàng mới. Thậm chí mua hàng ‘vô tội vạ’ còn là một cách giải tỏa cảm xúc khá hiệu nghiệm. Nhưng luôn cần một sự dũng cảm phi thường để không phải mắc chiếc bẫy của bộ não và bước ra khỏi giá treo hàng. (Theo Psychology Today)

Ai cũng bảo chúng ta phải sống thật nhanh. Nhưng đôi khi, chọn sống chậm cũng tốt. Tôi đã thấy rõ điều đó trong những lần mẹ dắt tôi rảo bước khỏi chiếc váy bà thích.

Bài học thứ ba: Không phải lúc nào mới cũng là tốt!

Barney trong How I Met Your Mother có câu cửa miệng: “Mới luôn tốt hơn.” Chắc Barney cần gặp mẹ tôi để bàn lại chuyện này. 

alt
Mẹ sẵn sàng lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm cho món đồ-cũ-y-hệt-đồ-mới. | Ảnh: Unsplash.com

Mỗi khi nhìn thấy một món hàng mới tinh trong chợ, như quần áo hay đồ gia dụng, mẹ sẽ ghi nhớ thật kĩ dáng hình của chúng trong đầu. Sau đó, bà lùng sục các chợ đồ cũ và luôn tìm được những món hàng y hệt, hoặc ‘giông giống’, với giá chỉ từ một nửa, đến ⅓. 

Đôi khi, mẹ sẽ nhờ cậy hệ thống bạn bè của mình để tìm và mua được món hàng bà thích đang bị quên lãng trong ngăn tủ nhà họ. 

Mẹ tôi đã tiêu dùng bền vững, trước cả khi từ tiêu dùng bền vững có mặt trên đời.

Kết

Chủ nghĩa tiêu dùng xuất hiện như một cách thử thách chúng tôi trong đường đời. Có người mua hàng để lấp đầy sự tự ti trong mình. Có người dùng mua sắm để khỏa lấp sự cô đơn. Có nhiều lý do để chúng tôi mua một món hàng nào đó, nhưng nhiều trong số chúng rồi cũng đóng bụi. Có lẽ, thứ có thể giải quyết những vấn đề của tâm hồn, không thể gói gọn trong một hay nhiều món hàng.

Những lúc bão sale tràn khắp phố phường, tôi lại nhớ những bài học của mẹ, về sự dũng cảm và chậm rãi trong chi tiêu, về tính kiên nhẫn, và về sự bền vững. 

Những bài học về tiêu dùng của mẹ, chúng ta mang theo vào cả cuộc đời rộng lớn sau này.