5 Điều cho thấy bạn nghiện mua sắm | Vietcetera
Billboard banner

5 Điều cho thấy bạn nghiện mua sắm

Với những người nghiện mua sắm (compulsive buying), vấn đề không chỉ ngừng lại ở quản lý chi tiêu và tránh bẫy tâm lý. Bạn có đang tiêu xài quá độ không?

5 Điều cho thấy bạn nghiện mua sắm

Nguồn: Shutterstock

Câu chuyện “làm cả tháng, thanh toán trong một ngày giảm giá" và đếm từng ngày cho đến đợt lương tiếp theo chắc hẳn không còn quá xa lạ. Với nhiều người, đó chỉ là vấn đề về quản lý chi tiêu hoặc cẩn thận với bẫy tâm lý. Nhưng với một nhóm khác, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề khó kiểm soát hơn.

Đó là chứng nghiện mua sắm hoặc mua sắm cưỡng chế (compulsive buying). Nó được xếp tương đồng với các chứng nghiện mang tính hành vi như ăn vô độ (binge eating) và nghiện đánh bạc. (Theo Psychology Today)

Chứng nghiện mua sắm là gì?

Hầu hết chúng ta đều mua sắm dựa trên giá trị và tính hữu dụng của món hàng, nhưng người nghiện mua sắm thì lại bị thôi thúc bởi các cơn căng thẳng, sự chấp nhận của xã hội và hình ảnh của bản thân, mặc cho những hậu quả tiêu cực của nó. Những cơn thôi thúc khó chịu đó chỉ tan biến khi họ mua sắm, và họ dần quen với vòng lặp này.

Dù không được ghi nhận là một thói nghiện trong DSM-5, nó có các đặc điểm tương đồng với các rối loạn nghiện ngập khác. Một vài hệ quả của nó là xung đột hôn nhân hoặc vấn đề tài chính. Nhiều người thậm chí còn không mở gói hàng sau khi mua.

Nghiện mua sắm thường xảy ra cùng lúc với các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống,... và thường xuất hiện ở tuổi 30 – độ tuổi đã tự chủ về tài chính.

compulsive buying 1
Họ luôn có một sự thôi thúc lặp lại việc mua sắm để giảm cảm giác lo âu, khó chịu.

Các dấu hiệu của nghiện mua sắm

1. Bốc đồng trong quyết định mua sắm

Mua sắm cưỡng chế lẫn mua sắm bốc đồng (impulsive buying) đều là những biểu hiện của rối loạn chức năng kiểm soát xung động, do đó bị cuốn theo các hành vi lặp lại và gây ra những hậu quả không mong muốn. Nhưng khác nhau ở chỗ, mua sắm cưỡng chế được thực hiện nhằm giảm bớt nỗi lo âu, khó chịu.

Còn mua sắm bốc đồng là hành vi hấp tấp, thiếu kế hoạch để đạt được niềm vui và thoả mãn. Nó xảy ra khi mong muốn sở hữu thấp hơn ý chí kháng cự. Tâm trạng, đặc điểm tính cách và các nhân tố ngoại cảnh (bắt gặp đúng lúc, mánh khoé quảng cáo,...) cũng góp phần đưa đến hành vi mua sắm bốc đồng.

Đặc biệt, hành vi bốc đồng này có thể biến chuyển thành chứng nghiện mua sắm.

Có 4 dạng mua sắm bốc đồng:

  • Bốc đồng thuần túy (pure impulse): Mua 1 món đồ hoàn toàn ngẫu hứng và không tính toán trước. Ví dụ: tình cờ thấy 1 đôi giày ưng ý trên Facebook và mua ngay không suy nghĩ.
  • Bốc đồng được gợi nhắc (reminder impulse): Thấy và mua 1 món đồ vì nhớ ra mình đang cần nó.
  • Bốc đồng được gợi ý (suggestive impulse): Thấy 1 món đồ và tự hình dung mình cần nó. Ví dụ: Bạn mua một đôi giày và được gợi ý thêm dây giày, vậy là bạn mua luôn.
  • Bốc đồng có kế hoạch (planned impulse): Mua 1 món đồ ngoài dự kiến để tận dụng ưu đãi giảm giá. Ví dụ: Bạn mua thêm 1 món hàng để đủ điều kiện được miễn phí vận chuyển.

2. Phụ thuộc vào cảm giác phấn khích khi tiêu tiền

Những người nghiện mua sắm trải qua cảm giác phấn khích tột độ khi được mua sắm. Trải nghiệm hưng phấn này không tới từ thành quả sở hữu món đồ, mà từ hành động mua nó.

Về mặt tâm lý học, khi cân nhắc việc mua 1 món đồ mới, con người đang trông đợi điều đó như một phần thưởng (reward). Việc hoàn thành mua sắm sẽ kích hoạt vùng khen thưởng (reward pathway) trong não bộ, gia tăng sự sản sinh của dopamine, khiến người mua cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Khi cảm giác hưng phấn này nguội đi, họ sẽ thèm được trải nghiệm lại nó.

Với người mắc chứng nghiện mua sắm, suy nghĩ về phần thưởng trở thành một yếu tố kích hoạt có tính phụ thuộc (dependency trigger), khiến họ liên tục mua sắm để giữ cảm giác hưng phấn (dopamine rush).

3. Mua sắm để đè nén cảm xúc tiêu cực

Hành vi nghiện mua sắm có thể là một nỗ lực để né tránh cảm xúc tiêu cực như cô đơn, thiếu kiểm soát, tự ti,... Một nghiên cứu về tâm lý tiêu cực cũng chỉ ra rằng mức độ căng thẳng tỉ lệ thuận với ý định mua sắm. Những tình huống tạo cảm giác khó chịu như một cuộc cãi nhau hoặc sự ức chế rất dễ kích hoạt cơn thèm mua sắm mạnh mẽ.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng tạm thời, và khi nó qua đi có thể làm tăng nỗi lo lắng hoặc tội lỗi.

compulsive buying 2
Theo sau những đợt mua sắm thường là cảm giác tội lỗi, thiếu trách nhiệm.

4. Hối hận sau mỗi lần "rút ví"

Người nghiện mua sắm thường cảm thấy có tội lỗi trước những lần mua sắm "nuông chiều bản thân". Điều này có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố như:

  • Hối tiếc vì đã hấp tấp thanh toán, trong khi có thể chờ mức giá rẻ hơn
  • Tự nhận thấy món đồ vừa mua không cần thiết hoặc giá trị không tương xứng số tiền mình bỏ ra
  • Rơi vào ma trận lựa chọn, sợ mình bỏ lỡ thông tin cần thiết.

Cảm giác hối hận của người nghiện mua sắm có thể gia tăng nếu người khác tra hỏi hoặc kể ra những lựa chọn tốt hơn so với thứ họ đã mua. Tệ hơn, điều này có thể khiến họ rơi vào vòng lặp: mua sắm –  hối hận - tiếp tục mua sắm để giải tỏa.

5. Ngại trả tiền mặt

Các chuyên gia kinh tế đã chứng minh rằng thanh toán bằng tiền mặt gây ra nhiều “đau đớn” hơn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Theo khía cạnh tâm lý học, thẻ tín dụng đã tách riêng niềm sung sướng của mua sắm với nỗi niềm "đau ví". Nó vô tình tiếp tay cho những người nghiện mua sắm càng chi tiêu quá mức bằng cách:

  • Khiến người dùng mất đi cảm nhận thực tế về quỹ tiền của mình.
  • Cho phép người dùng mượn tiền dễ dàng.
  • Dẫn dụ người dùng nghĩ về những khía cạnh tích cực (tích luỹ điểm, tính nhanh gọn, các chương trình ưu đãi,...)
compulsive buying 3
Những người nghiện mua sắm thường "làm bạn" với thẻ tín dụng, một phần vì giúp họ tách khỏi nỗi đau "chi trả" – thường cảm nhận được khi trả tiền mặt.

Các biện pháp khắc phục

  • Nhận biết vấn đề: Tự hỏi cách thức mua sắm hiện tại của bạn có vấn đề tại đâu. Ghi lại những yếu tố kích thích cơn thèm mua sắm, ví dụ: sự sợ hãi, cô đơn, mâu thuẫn với gia đình,... và hậu quả của chúng.
  • Chia sẻ với gia đình, bạn bè thân thiết: Cách tiêu xài của bạn có mối tương quan với những người xung quanh. Nếu biết về vấn đề của bạn, họ sẽ dễ tìm cách phù hợp để hỗ trợ cho bạn hơn.
  • Ghi chép: Theo dõi những khoản cần chi tiêu và hạn mức tài chính của bạn để tránh “vung tay quá trán".
  • Tránh bẫy tâm lý khi mua sắm: Bạn có thể tham khảo tại đây.
  • Luật 72 tiếng: Khi có cảm giác thôi thúc muốn mua, hãy đợi 72 tiếng. Cách này giúp bạn hiểu rõ đâu là sự ham muốn tức thời, đâu là điều bạn thật sự thích và cần.
  • Tránh mua sắm một mình: Hãy rủ bạn bè, người thân cùng đi, nhất là những người luôn sáng suốt trước những cạm bẫy chi tiêu.
  • Tìm đến chuyên gia: Khi tự nhận thấy chứng nghiện mua sắm quá trầm trọng, hãy tìm đến cố vấn hoặc chuyên gia trị liệu.