Bạn có cảm thấy mình như một kẻ giả mạo? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
30 Thg 04, 2024
Chất Lượng Sống

Bạn có cảm thấy mình như một kẻ giả mạo?

Có thể vì bạn thiếu đi người dẫn dắt phù hợp, nên không nhận được lời khen ngợi, động viên hay trấn an trong những khi cần thiết.
Bạn có cảm thấy mình như một kẻ giả mạo?

Nguồn: Rodnae Production @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “Are You Feeling Like an Imposter?” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).


Bạn có cảm thấy mình đang phải “gồng” lên ở trường học hay cơ quan không? Rằng thực ra bạn không giỏi đến thế, và không xứng đáng với mọi lời khen bạn nhận được?

Có lẽ ai cũng từng trải qua cảnh này. Đây quả thực là một hiện tượng mang tên hội chứng kẻ giả mạo (imposter syndrome - IS), được phát hiện lần đầu bởi hai nhà tâm lý Pauline Clance và Suzanne Imes hơn 40 năm về trước. Cụm từ imposter syndrome cũng từ đó được dùng phổ biến đến mức đã trở thành một phần của tiếng Anh đại chúng.

Hiện nay chưa rõ hội chứng này có xuất hiện nhiều hơn hay không, song yếu tố tâm lý của nó ngày một hấp dẫn giới khoa học. Điều này thể hiện ở hơn 15,000 nghiên cứu về IS được tìm thấy trên Google Scholar, đến từ nhiều quốc gia như Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội chứng kẻ giả mạo là gì?

Các nghiên cứu về hội chứng này tập trung chủ yếu vào sinh viên đại học, những người làm giáo dục, y tế, điều dưỡng và một số ngành khác. Gần như tất cả kết quả đều chứng minh nhận định ban đầu của Clance và Imes rằng, nhiều phụ nữ thành công thực sự nghĩ họ không xứng đáng với những gì đã đạt được. Họ thường nghi ngờ bản thân, sợ mắc sai lầm, không dám công nhận thành tích của mình, thậm chí cho rằng mình đang gian lận.

Họ cho rằng mình thành công không phải do năng lực và nỗ lực cá nhân, mà do may mắn hoặc các yếu tố khác bên ngoài. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy nó cũng xuất hiện ở không ít nam giới. Tuy nhiên giới học thuật đều đồng tình rằng, hội chứng này nhìn chung phổ biến hơn ở phụ nữ và các nhóm yếu thế về chủng tộc hay tôn giáo.

Vậy điều gì khiến người ta coi mình là kẻ mạo danh chốn công sở? Làn sóng nghiên cứu đầu tiên đã nêu bật các khiếm khuyết về tính cách như lo lắng cao độ, cầu toàn thái quá hay lòng tự trọng thấp. Những đặc điểm này thường bắt nguồn từ phong cách nuôi dạy con độc đoán, hay các bậc “cha mẹ trực thăng” bảo bọc con thái quá. Đây cũng là điều được nhà trị liệu tâm lý Alfred Adler dự đoán khi nghiên cứu về phức cảm tự ti (inferiority complex)

Trong làn sóng nghiên cứu thứ hai diễn ra gần đây hơn, các yếu tố xã hội như phân biệt chủng tộc, định kiến có hệ thống (systemic bias) hay vi hiếp (microaggression) được chú ý nhiều hơn. Đáng chú ý phải kể đến bài phê bình của hai nhà nghiên cứu Ruchika Tulsiyan và Jodi-Ann Burley trên tạp chí Harvard Business Review. Theo đó, các công sở vẫn đi sai hướng khi tìm kiếm giải pháp riêng lẻ cho các vấn đề do phân biệt đối xử và lạm quyền theo hệ thống gây ra.

24apr2024pexelscottonbrostudio7407372jpg
Ngoài tính cách, các vấn đề xã hội như định kiến có hệ thống cũng gây ra hội chứng kẻ giả mạo. | Nguồn: Pexels

Là người viết tiểu sử cho Abraham Maslow, tôi muốn nhấn mạnh thêm một yếu tố nữa dẫn đến hội chứng kẻ giả mạo là thiếu sự dẫn dắt (mentoring). Bởi cảm giác “không thật” và sự cô đơn khi luôn phải “gồng” lên để tránh bị người khác phát hiện cho thấy sự trống rỗng bên trong cá nhân. Theo nhà tâm lý Carl Rogers, điều này sẽ không xảy ra nếu bạn được một người cố vấn dẫn dắt. Bởi khi đó bạn sẽ cảm nhận được sự tôn trọng một cách tích cực và vô điều kiện.

Maslow luôn tách bạch giữa giáo dục để truyền tải kiến thức với giáo dục để thúc đẩy sáng tạo. Vì vậy, việc phân biệt cố vấn tập trung vào kỹ năng (skill-centered mentorship) với cố vấn tập trung vào phát triển (growth-centered mentorship) là điều hợp lý và cần thiết.

Dù vậy, cả hai kiểu cố vấn đều cần khả năng đồng cảm, thái độ nồng nhiệt và khuyến khích - điều mà hệ thống trường học nhiều nước vẫn chưa đáp ứng được. Hệ quả là hội chứng kẻ giả mạo trở nên phổ biến.

Vậy cố vấn như thế nào thì sẽ giúp con người phát triển?

Đối với tôi, “cố vấn” không phải là đi trị liệu tâm lý hay đi tư vấn (coaching). Nó là một mối quan hệ tương hỗ và có tính chất hợp tác. Về khía cạnh nào đó, nó giống với tình bạn hơn là mối quan hệ giám sát tiền bối - hậu bối vốn phổ biến ở cả các cơ quan chính phủ lẫn công ty tư nhân.

Trong chính cuộc đời mình, tôi đã may mắn được gặp các cố vấn mà sau này tôi coi như những người bạn lớn. Họ hỗ trợ tôi về tri thức và tinh thần trong quá trình tôi phát triển sự nghiệp. Họ khen ngợi khi tôi đạt thành tựu, trấn an khi tôi hoang mang và giúp tôi đưa ra những quyết định và mục tiêu đúng đắn. Vì vậy mà tôi chưa từng gặp hội chứng kẻ giả mạo trong đời.

24apr2024homepageslide7leftjpeg
Quan hệ người cố vấn - người được cố vấn gần giống tình bạn hơn là tiền bối - hậu bối. | Nguồn: AIM

Từ quan điểm của Maslow, có hai điểm quan trọng trong mô hình cố vấn tập trung vào phát triển. Thứ nhất, để người được cố vấn sống thật nhất với bản chất của họ, người cố vấn phải “làm gương” với sự chân thật, chính trực, khả năng tự phản ánh (self-reflection) và sẵn sàng từ bỏ thái độ phòng thủ. Nhà tâm lý Clark Moustakas cũng nhấn mạnh rất rõ điều này trong tác phẩm kinh điển The Authentic Teacher của ông.

Thứ hai, trải nghiệm đỉnh cao (peak experience - những khoảnh khắc nổi bật so với các sự kiện hàng ngày, khiến bạn nhớ lâu hơn) đóng vai trò quan trọng. Bởi chúng tạo nên mối quan hệ cố vấn được duy trì bởi lòng háo hức và đam mê trong lĩnh vực mà người được cố vấn theo đuổi. Tuy nhiên người cố vấn cần tránh truyền tải thông điệp rằng, bắt buộc phải có những trải nghiệm kiểu này thì mới thành công.

Điều kỳ lạ nằm ở chỗ khi truyền thông dồn sự chú ý vào hội chứng kẻ giả mạo, và quiet quitting trở nên phổ biến ở nhiều công sở, thì nỗi buồn - một nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên - lại hiếm khi được nhắc đến. Liệu có phải “nỗi buồn” đã trở thành đề tài cấm kỵ?

Các bài tập giúp bạn ghi nhận khả năng của chính mình

Bài tập 1: Để vượt qua cảm giác “không xứng đáng” mà hội chứng kẻ giả mạo đem lại, bạn hãy kể về hai lần bạn thấy mình đã thể hiện xuất sắc trong công việc, đặc biệt nếu nó mang lại một trải nghiệm đỉnh cao.

Những ký ức đẹp này đã mang lại bài học gì về khả năng của bạn? Và nếu khi đó bạn đánh giá thấp bản thân, thì vì sao bạn lại làm như vậy? Cố gắng trả lời càng cụ thể càng tốt nhé.

Chẳng hạn bạn vượt KPI bán hàng trong tháng và thấy mình thật “ngầu”. Điều này cho thấy bạn có thể quản trị khối lượng công việc của mình để đạt kết quả vượt trội so với kỳ vọng của sếp.

Nếu bạn nghĩ mình vượt KPI vì may mắn gặp khách hàng dễ tính, có thể bởi bạn đã gặp khách hàng khó hơn trong quá khứ. Nếu vậy hãy nghĩ rằng, các khách hàng khó tính đã cho bạn kinh nghiệm để xử lý tình huống tốt hơn, vì vậy bạn mới có thành công như bây giờ.

24apr2024pexelsyankrukau8199247jpg
Để vượt qua cảm giác tự ti, hãy nhớ lại 1-2 lần bạn thể hiện xuất sắc trong học tập hay công việc. | Nguồn: Pexels

Bài tập 2: Nếu là người cầu toàn, bạn dễ gặp hội chứng kẻ giả mạo, bởi việc đạt tới sự hoàn hảo gần như là không thể. Thế nên đôi lúc bạn cần hạ thấp tiêu chuẩn của mình xuống một chút, để cảm thấy mình có năng lực và đáng được khen ngợi.

Với bài tập này, hãy kể lại một sự cố mà bạn đã quá cầu toàn, thành ra không còn thấy vui và thỏa mãn khi đạt một thành tựu. Giờ hãy tưởng tượng lại ký ức đó trước mắt, và cho phép bản thân được hài lòng và vui vẻ nhất có thể.

Ví dụ bạn đạt điểm 9 bài thi cuối kỳ năm lớp 10, nhưng lại buồn chỉ vì chưa đạt được… điểm 10. Thử nhớ lại khoảnh khắc đó, và khi nhìn thấy phiên bản 16 tuổi của bản thân trước mắt, hãy khen ngợi cậu bé/cô bé đó vì đã cố gắng hết mình.