Bí quyết "định giá bản thân" khi thỏa thuận lương | Vietcetera
Onboardy
Vietcetera
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 09, 2020

Bí quyết "định giá bản thân" khi thỏa thuận lương

Làm thế nào để thỏa thuận lương hiệu quả. Hãy cân nhắc qua 3 bước sau.

Bí quyết "định giá bản thân" khi thỏa thuận lương

Nguồn: Shutterstocks.

Thỏa thuận lương (deal lương) hiện vẫn là một chủ đề còn khá xa lạ và nhạy cảm với nhiều người đi làm, đặc biệt ở những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Vì vậy, thông qua bài viết này, mình muốn chia sẻ một chút trải nghiệm cá nhân về cách làm sao biết được “mình đang ở đâu”, và mức lương thế nào là tương xứng và phù hợp với bản thân.

Bài viết chia sẻ với mọi người bao gồm 3 phần:

  • Tư duy cần có khi thỏa thuận lương
  • Định giá bản thân thế nào cho đúng
  • Cách thỏa thuận lương trong thực tế

Tư duy cần có khi thỏa thuận lương

Về bản chất, thỏa thuận lương là một cuộc thương thuyết giữa bạn (ứng viên phù hợp) và nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) để đạt được sự hợp tác trong tương lai. Vì vậy, cá nhân mình có một số điểm muốn chia sẻ với bạn đọc ngay từ đầu:

  • Trong thỏa thuận lương, win-win (đôi bên cùng có lợi) là yếu tố đầu tiên chúng ta phải luôn nhớ. Đừng cố giành phần thắng bằng tất cả mọi giá, cũng đừng tỏ ra quá nhún nhường, bởi những người đang ngồi trên “bàn đàm phán” với bạn sẽ là đồng nghiệp trong tương lai. Sự tôn trọng nhau nên được đặt ra từ ban đầu để việc hợp tác trong dài hạn được bền vững.
  • “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng” - một câu nói được xem như “kim chỉ nam” trong đàm phán của mình. Hãy biết giá trị của mình ở đâu và mức giá mà thị trường sẵn sàng chi trả cho khả năng lao động của bạn.
  • Hãy thẳng thắn và rõ ràng khi trao đổi. Khi chúng ta trở thành ứng viên tiềm năng hay bước vào giai đoạn thỏa thuận lương, rõ ràng nhà tuyển dụng muốn có chúng ta tham gia vào tập thể của họ. Hãy mạnh dạn trao đổi khi nhận thấy mức lương mà mình mong muốn có sự khác biệt với lời đề nghị mà mình nhận được (tất nhiên là nó phải hợp lý).

Định giá bản thân thế nào cho đúng?

Bí quyết định giá bản thân khi thỏa thuận lương0

Nguồn: Shutterstocks.

Ở phần trên, mình có nhắc đến việc nhận được mức lương “tương xứng và phù hợp". Tại sao lại là hai chữ này?

  • “Tương xứng” tức là mức lương chúng ta nhận được phải xứng đáng với giá trị mà bản thân đóng góp cho tập thể (doanh nghiệp).
  • “Phù hợp” có nghĩa mức lương đó phải phù hợp với quy mô của doanh nghiệp cũng như tổng thể tình hình nền kinh tế nói chung.

Để định giá bản thân, từ góc độ cá nhân, mình sẽ dựa trên 5 nguồn thông tin sau:

  • Mức thu nhập ở doanh nghiệp gần nhất.
  • Mức trung bình thị trường chi trả cho vị trí tương tự.
  • Thông tin nhà tuyển dụng cung cấp trong buổi phỏng vấn.
  • Quy mô doanh nghiệp ứng tuyển.
  • Tình hình kinh tế nói chung.

1. Mức thu nhập ở doanh nghiệp gần nhất

Có lẽ đây là phần thông tin xử lý dễ dàng nhất. Từ mức thu nhập gần nhất, chúng ta sẽ nhẩm tính được mức thu nhập mong muốn, cũng như mức mình “nghĩ” bản thân xứng đáng nhận được.

Phần thông tin này hoàn toàn ở góc độ cá nhân, chỉ bản thân của mỗi người mới có thể “nói thẳng, nói thật” về mức lương thật sự mà mình thấy bản thân xứng đáng. Hãy cứ thành thật, chúng ta vẫn còn 4 phần thông tin còn lại để tinh chỉnh nó cho phù hợp với thời thế.

2. Mức trung bình thị trường chi trả cho vị trí tương tự

Sau khi có được một con số (chẳng hạn như 12,000,000 VND/tháng) hoặc một khoảng (10,000,000 - 14,000,000 VND/tháng) từ việc đánh giá thu nhập và khả năng của bản thân. Chúng ta cần so sánh nó với mức mà thị trường chi trả.

Bạn có thể tìm hiểu thông tin này ở các trang web tuyển dụng hay công ty nghiên cứu thị trường uy tín như: Vietnamworks, Anphabe, Careerbuilder, Navigosgroup...

Riêng cá nhân mình thì thường sử dụng JobsGo. Khi truy cập vào đường dẫn, điền chức vụ ứng tuyển và địa điểm làm việc thì ta sẽ nhận được con số trung bình mà thị trường đang chi trả, dựa theo năm kinh nghiệm.

Đây sẽ là mức tham khảo để chúng ta biết được điều mình nghĩ và thực tế khác nhau ra sao. Tất nhiên, nếu hai con số không có sự chênh lệch quá nhiều thì rất tốt, chúng ta có thể tiếp tục bước sau. 

Nhưng, nếu hai con số chênh lệch quá xa thì sao? Lúc này, chúng ta cần tự hỏi: "Có phải công ty cũ đang trả cho mình một mức lương quá hời hay mình đã tự đánh giá bản thân quá cao?"

Hãy thực sự nhìn nhận một cách trung thực về khả năng của bản thân trước khi quyết định thay đổi công việc nói chung hay thỏa thuận lương nói riêng. Nếu chắc chắn quyết định của bản thân đã được cân nhắc kỹ, hãy cứ mạnh dạn dấn bước.

3. Câu trả lời của nhà tuyển dụng ở vòng phỏng vấn

Bí quyết định giá bản thân khi thỏa thuận lương1

Nguồn: Shutterstocks.

Hiện nay, khi ứng tuyển một vị trí, mức lương không còn là thứ duy nhất bạn nhận được. Chúng ta có mức thưởng thành tích, bảo hiểm y tế và rất nhiều phúc lợi đi kèm. Vì vậy, khi nhận được câu hỏi “Bạn/em mong muốn nhận được mức lương bao nhiêu?”. Đừng trả lời ngay, hãy để nhà tuyển dụng cho bạn thêm thông tin thông qua một số câu hỏi như sau:

  • Anh/Chị có thể cho em biết khung lương cho vị trí này được không?
  • Như em biết, VNG là doanh nghiệp có môi trường tốt bậc nhất ở Đông Nam Á, anh/chị có thể cho em biết mức lương cũng như phúc lợi ở vị trí này chi tiết ra sao không ạ?

4. Quy mô của nhà tuyển dụng

Ở phần trên, chúng ta đã có thông tin về mức chi trả trung bình của thị trường. Tuy nhiên, con số đó mới dừng ở mức “trung bình”, sự khác nhau về quy mô doanh nghiệp sẽ đem lại sự khác biệt trong mức lương đề xuất.

Vì vậy, hãy cân nhắc liệu quy mô doanh nghiệp của mình ở mức vừa và nhỏ (SME) hay tập đoàn để từ đó điều chỉnh con số phù hợp.

Cá nhân mình thì nếu đang ứng tuyển ở một tập đoàn lớn có quy mô hàng ngàn nhân sự, mình sẽ mạnh dạn hướng tới "mức trần" trong mong muốn về lương khi trao đổi với nhà tuyển dụng. Ngược lại, nếu cơ hội làm việc ở một công ty khởi nghiệp (Start-up) còn non trẻ đem lại tiềm năng lớn trong tương lại, mình chọn "mức sàn" trong khoảng lương mà bản thân mong muốn.

Ngoài ra, nếu có bạn bè, người quen từng làm ở những doanh nghiệp này hoặc công ty cùng ngành có quy mô tương tự, bạn có thể liên hệ họ để ước chừng mức lương thường được chi trả cho vị trí này, cùng với số năm kinh nghiệm, cấp bậc...

5. Tình hình kinh tế chung

Thông thường, đây sẽ là yếu tố ít được cân nhắc tới. Nhìn chung trong suốt những năm qua, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn duy trì được một mức tăng trưởng tương đối. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện trong năm 2020 khiến mọi thứ đảo lộn.

Trong tình huống ngặt nghèo như hiện tại, hãy chấp nhận sự thật là mức lương đề xuất nên được tính ở “mức sàn” (thấp nhất) hơn là “mức trần” (cao nhất). Và mức lương này phải đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu, như đối với mình là: chi phí nhà ở, ăn uống, sinh hoạt, tiêu vặt và 2-3 triệu đồng để phòng thân, chu cấp cho gia đình.

Như vậy, thông qua 5 nguồn thông tin trên, chúng ta đã có cho mình một vài con số trong đầu. Ở đây, chia sẻ của cá nhân mình là đừng đưa ra một con số cụ thể, mà hãy chọn một khoảng lương mà bản thân mong muốn. 

Ví dụ: Giả sử sau khi cân nhắc mọi thông tin có được, bạn nhận thấy 12,000,000 VNĐ là mức lương mà mình hài lòng. Tất nhiên, trong trường hợp khó khăn hiện nay, bạn đã chuẩn bị tâm lý là 10,000,000VNĐ/tháng vẫn là con số chấp nhận được. Chúng ta sẽ đưa ra mức lương mong muốn trong khoảng 11,000,000 VNĐ - 13,000,000VNĐ/tháng.

Với con số chúng ta đưa ra, thông tin nhà tuyển dụng nhận được sẽ là, với đề xuất này mức thấp nhất chúng ta hài lòng là 11 triệu. Và dù mức lương có dao động xuống, bạn vẫn chắc rằng mình có được mức đáp ứng các nhu cầu tối thiểu.

Thỏa thuận lương trong thực tế ra sao?

Bí quyết định giá bản thân khi thỏa thuận lương2

Nguồn: Shutterstocks.

Thật ra thỏa thuận lương quan trọng nhất là định giá được bản thân và xem xét thị trường nhân sự thực tế ra sao. Sau khi cân nhắc tất cả yếu tố trên, chúng ta đã có được mức lương mong muốn và những lý do mình xứng đáng với nó.

Khi nhận được cuộc gọi đề nghị của nhà tuyển dụng, hãy làm theo 3 bước sau:

  • Đừng trả lời ngay lập tức! Hãy cảm ơn, đọc lại mọi thứ thật kỹ và từ tốn. Chỉ trả lời lại khi đã có cho mình một câu trả lời rõ ràng và thuyết phục.
  • Hãy xác định rõ những thông tin về phúc lợi cũng như thu nhập được trình bày, bao gồm: mức lương đề xuất (lương gross hay net), số ngày nghỉ có lương, thưởng tháng 13, phúc lợi kèm theo, kỳ đánh giá để thăng lương…
  • Hãy trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng về mức lương mình mong muốn nếu có sự chênh lệch. Hãy chia sẻ một cách thẳng thắn về lý do mình mong muốn con số đó. Cái đích sau mỗi buổi trò chuyện là nhà tuyển dụng phải xác nhận con số từ phía chúng ta là hợp lý và cân nhắc lại quyết định của mình.

Một số điểm mình muốn chia sẻ thêm về quá trình này:

  • Mỗi doanh nghiệp ngay từ đầu đã có sẵn mức lương mong muốn chi trả cho từng vị trí theo khung lương cũng như cấp bậc nhân sự. Vì vậy, nhà tuyển dụng luôn cố gắng hết sức để giúp bạn nhận được mức lương khiến bạn hạnh phúc. 
  • Đừng bao giờ “trầm trọng hóa “ vấn đề, hãy luôn khiêm tốn và thể hiện sự hào hứng với việc gia nhập tập thể và tin rằng mức lương mình mong muốn là hoàn toàn xứng đáng. Thái độ của chúng ta sẽ là thứ còn lại mãi mãi dù quá trình tuyển dụng có thành công hay không.

Kết luận

Chúng ta vượt qua vòng phỏng vấn, nhận được lời đề nghị từ nhà tuyển dụng, chứng tỏ chúng ta đủ tốt, đủ khả năng để gia nhập vào tập thể và họ rất mong chờ điều đó. Hãy cân nhắc thật kỹ mọi thứ và đưa ra câu trả lời chân thành cho bản thân.

Giống như câu hát của Kendrick Lamar mà mình rất thích: “Sit down, be humble” (Hãy ngồi xuống và thể hiện sự khiêm tốn). Ngày rộng, tháng dài, mọi quyết định của chúng ta chỉ là một bước nhỏ trong hành trình 40 năm sự nghiệp của mỗi cá nhân. Nếu công việc này là lời giải - Hãy chấp nhận nó vì tiền lương không phải là thứ duy nhất chúng ta nhận được.

Chúc tất cả mọi người thành công!

Onboardy Skycraper