“Săn sale Shopee”, “nhập code để được freeship" hay “rẻ hơn hoàn tiền" đang là những từ khóa rất quen thuộc trong tiêu dùng và mua sắm hàng ngày hiện nay.
Chỉ trong quý 4/2020, nhiều tên tuổi thương mại điện tử đạt traffic truy cập tăng gần 80%, doanh thu cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,8 tỷ USD. Trong đó, Shopee đạt 68,8 triệu lượt, Tiki, Lazada cũng đạt trên 20 triệu lượt.
Buôn bán truyền thống, đầu tư mặt bằng đẹp đang dần lép vế trước mô hình kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Không khó để bắt gặp những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, những đợt siêu sale cực khủng hàng tháng trên các sàn khác nhau. Vậy, nguồn tiền từ đâu để các sàn thương mại điện tử chi khủng như vậy?
Nguồn tiền của các nhà đầu tư
Lĩnh vực thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột kinh tế số trong nền kinh tế hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á. Tại Việt Nam trong năm vừa qua, chi tiêu cho thương mại điện tử tăng gấp 2 lần, theo Tech in Asia. Chính điều này đã đưa thương mại điện tử trở thành một miếng bánh được rất nhiều các nhà đầu tư dòm ngó.
Một tuần trước, Tiki đã hoàn thành vòng gọi vốn Series E, huy động được 258 triệu USD do AIA Insurance Inc dẫn đầu. Với thành công của vòng gọi vốn này, Tiki có thể rút ngắn thời gian niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ (kế hoạch ban đầu là vào năm 2025).
Cùng lúc, đối thủ của Tiki tại thị trường Việt Nam là SEA (công ty mẹ của Shopee) đang có kế hoạch huy động 6,3 tỷ USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi trong năm 2021. Shopee trước đó từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của SEA (Singapore).
Kém miếng khó chịu, đại gia Alibaba sau khi đổ hơn 4 tỷ USD vào Lazada, giữa năm 2021, đã cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) đầu tư thêm 400 triệu USD vào The CrownX (công ty quản lý phần vốn góp của Masan Group).
Nhu cầu tiêu dùng cùng sự phát triển của các ứng dụng mua sắm tăng cao, thị trường thương mại điện tử đang tiếp tục nhận những nguồn vốn lớn đổ vào. Bốn ông lớn của Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo liên tục được bơm vốn cạnh tranh giành thị phần, mở rộng quy mô.
Đây có thể coi là nguồn đầu tư và cũng là nguồn thu lớn nhất của các sàn thương mại điện tử trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Thu phí từ các đơn hàng của người bán trên ứng dụng
Hiện nay, khi bạn tham khảo để mua sắm tiêu dùng từ đồ gia dụng, quần áo, sách vở đến dịch vụ thiết yếu, các cửa hàng đều có dẫn đường link trên các trang thương mại điện tử. Việc thay đổi thói quen mua sắm cùng với các ưu đãi đến từ sàn thương mại điện tử đã khiến thị trường dịch chuyển sang các nền tảng bán lẻ khác nhau. Đây cũng là một trong những nguồn thu cho các sàn thương mại điện tử.
Ví dụ, với mỗi cửa hàng ở trên Lazada trước đây, người bán phải chịu khá nhiều loại phí như:
- Phí cố định: Tính theo % giá sản phẩm khi bán được hàng
- Phí dịch vụ: Các loại phí khi sử dụng dịch vụ của Lazada
- Phí mặc định: Áp dụng phạt với các nhà bán hàng online vi phạm
Như vậy, với hệ thống lên đến hàng chục nghìn gian hàng và người bán, doanh thu từ các loại phí của Lazada có thể lên đến vài triệu USD một năm. Tuy nhiên, từ tháng 4/2018, Lazada đã miễn phí bán hàng trên kênh bao gồm cả phí cố định và phí mặc định. Ngoài ra, Lazada cũng đã tính thêm các loại phí khác như:
- Phí lấy hàng: Lazada đến lấy hàng tận nơi và vận chuyển đến nơi tập trung hàng hóa của Lazada (chỉ áp dụng khi shop có trên 30 đơn hàng/ngày)
- Phí Fulfillment by Lazada (FBL): Loại phí áp dụng khi bạn sử dụng dịch vụ nhập hàng kho Lazada như: Phí xử lý hàng hóa FBL, phí xử lý hàng hoàn trả về, lưu kho quá hạn
Tương tự như Lazada, trên các kênh thương mại điện tử khác như Shopee, Tiki, Sendo, người bán cũng phải chịu các loại phí dịch vụ theo điều kiện của sàn. Với một sàn thương mại lớn Tiki, khi gian hàng đi vào kinh doanh thì Tiki sẽ thu 3 khoản phí chính: Chiết khấu, thanh toán và chuyển hoàn.
- Chiết khấu: Khoản phí hoa hồng tuỳ thuộc vào danh mục hàng hoá đối tác kinh doanh (từ 6%-8%)
- Thanh toán: Chủ shop sẽ chịu phí 1%/ 1 đơn hàng thành công. Đây là khoản phí giao dịch thẻ hay thu hộ COD trên mọi đơn hàng
- Phí chuyển hoàn: 20.000 VND/sản phẩm. Khi đơn hàng thuộc danh mục hàng cồng kềnh giao hàng thất bại
Theo các nhận định của chuyên gia, nhiều sàn thương mại đang có hướng tập trung rõ ràng vào lợi nhuận trong năm 2021. Bước đi đầu tiên là tăng mức hoa hồng thu của người bán. Bên cạnh đó, nhiều mã giảm freeship cũng bị hạn chế, thay đổi điều khoản áp dụng hay tăng mức phí vận chuyển lên gấp nhiều lần trong mỗi đợt siêu sale.
Như vậy, với mô hình càng lớn và càng nhiều gian hàng trên sàn, các công ty sẽ càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ các loại phí của người bán hơn.
Quảng cáo từ người bán trên các sàn thương mại điện tử
Giống như các thị trường trực tuyến khác, việc quảng cáo sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử đã không còn xa lạ gì với người bán. Ví dụ với Sendo, họ có bán các gói quảng cáo cho gian hàng trên trang web và đẩy gian hàng lên top tìm kiếm với giá vài chục triệu cho một gói marketing.
Với những gian hàng mới, nếu muốn đạt được lượng đơn để cạnh tranh với các shop khác, họ thường sẽ bỏ tiền để mua banner, quảng cáo nổi bật trên website. Quảng cáo trực tuyến trên các website thương mại chính là cầu nối gần nhất giữa người bán hàng và người tiêu dùng.
Một mẫu quảng cáo bắt mắt với nội dung hấp dẫn và phù hợp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ dễ dàng thu hút người xem, khiến họ lập tức click vào để tìm hiểu, khám phá gian hàng của bạn để chọn lựa các sản phẩm mà họ cần hoặc đơn giản là họ thích. Đây chính là điều hấp dẫn người bán chi tiền cho các sàn thương mại điện tử.
Kết hợp với các ví điện tử
Hạ tầng thanh toán với trọng tâm là ví điện tử trở thành trận chiến mới của các "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam trong vài năm gần đây.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM) vào nền tảng thương mại điện tử của họ.
Shopee áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví Shopee Pay, một dịch vụ nằm trong nền tảng số của SEA. Nếu nói đến các sàn thương dmại điện tử lớn, Tiki có lẽ là cái tên duy nhất chưa có ví điện tử riêng, song hiện tại họ hợp tác với Momo.
Những cú bắt tay lớn của các đại gia mang đến cho họ nguồn hoa hồng và chiết khấu khác nhau, cùng với đó là giảm chi phí bán hàng, giảm thiểu đơn hàng bị huỷ sau khi đặt. Việc có ví điện tử cũng giúp các sàn thương mại điện tử giảm chi phí luân chuyển dòng tiền thông qua các đơn vị người bán, người mua và bên thứ ba. Từ đó, tiền sẽ được tập trung và tạo ra các lợi nhuận giá trị khác nhau.
Kết
Với sự bùng nổ trong việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cùng với các dịch chuyển, thay đổi trong xu hướng mua sắm của khách hàng, các sàn thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng với nguồn thu đa dạng hơn.
Mặc dù, việc báo lỗ khủng vẫn thường xuyên được công bố trong các báo cáo quý và năm của họ, nhưng không thể phủ nhận, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn trong thời gian tới với sự tham gia của nhiều công ty lớn có quy mô toàn cầu. Điều này mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng đồng thời gây ra tính cạnh tranh bán hàng khắc nghiệt.
Hãy luôn là những người tiêu dùng thông minh, mua sắm cân đối trước cơn bão khuyến mãi hấp dẫn mà các sàn thương mại đang chào mời chúng ta.