Đừng chỉ tin vào cảm xúc! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đừng chỉ tin vào cảm xúc!

Theo Mark Manson cảm xúc không phải lúc nào cũng dẫn lối ta làm những điều đúng đắn.
Đừng chỉ tin vào cảm xúc!

Nguồn: Soragrit Wongsa/Unsplash

Được chuyển ngữ từ "Fuck Your Feelings", đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Những gì mà ta thích và những gì đúng đắn thường không là một

Tôi biết rằng những cảm xúc như tức giận và lo âu là quan trọng. Bạn hẳn nghĩ rằng việc mặt của mình trông cứ nhặng xị cả lên khiến bạn trở nên quan trọng. Nhưng không. Cảm xúc chỉ là cảm xúc. Ý nghĩa mà chúng ta gán ghép cho nó - như quan trọng hay không - thường đến sau.

Những điều chúng ta làm trong đời chỉ xuất phát từ 2 lý do: a) bởi vì ta thích nó hoặc b) bởi vì ta tin đó là điều đúng đắn. Thỉnh thoảng 2 lý do này đồng nhất với nhau. Những thứ vừa khiến ta cảm thấy thích vừa đúng đắn đương nhiên rất tuyệt.

Nhưng thường thì “đời không như là mơ”. Những gì khiến ta thấy tệ thường lại là điều mà ta nên làm (như thức dậy lúc 5 giờ sáng để đến phòng gym, đến thăm bà vào cuối tuần để đảm bảo rằng bà vẫn khỏe). Và ngược lại, có những thứ khiến ta cảm thấy tuyệt đấy nhưng lại chẳng đúng (chẳng hạn như quan hệ tình dục bừa bãi).

mark manson
Những thứ ta nên làm lại khiến ta cảm thấy tệ. | Nguồn: Unsplash

Bị cuốn theo cảm xúc thì rất dễ dàng. Chẳng hạn như khi gãi, bạn chỉ cần làm khi ngứa. Cảm giác nhẹ nhõm và giải tỏa đi kèm với nó khiến bạn thấy thỏa mãn nhưng lại chẳng kéo dài bao lâu.

Hành động theo lẽ phải thì khó hơn. Bởi đúng và sai thường không rõ ràng. Điều này đòi hỏi bạn phải ngồi xuống và thật sự nghĩ về nó. Chúng ta sẽ cảm thấy mâu thuẫn về quyết định của bản thân hoặc phải tranh đấu với tính bốc đồng của mình.

Nhưng khi làm những gì đúng đắn, tác động tích cực sẽ lâu dài hơn rất nhiều. Chúng ta cảm thấy tự hào nhiều năm sau đó. Chúng ta sẽ kể với bạn bè, họ hàng và cảm thấy xứng đáng với phần thưởng được đánh đổi bằng nỗ lực của mình.

Mấu chốt là: những điều đúng đắn giúp nâng cao lòng tự trọng và ý nghĩa trong cuộc sống.

Nhưng bộ não vốn luôn “lươn lẹo”

Đơn giản thì bây giờ chúng ta chỉ cần lơ đi mớ cảm xúc của mình và làm những gì đúng đắn chẳng phải sao?

Giống như nhiều thứ khác trong cuộc sống, thực hiện được điều này không dễ như lúc nói.

Vấn đề ở chỗ não không hề thích sự mâu thuẫn trong việc phải đưa ra quyết định. Nó sẽ cố tránh xa những cuộc vật lộn trong sự không chắc chắn và mơ hồ, bởi điều này không hề thoải mái. Khi đó, não sẽ cố thuyết phục ta rằng miễn là ta thích thì nó tự khắc trở nên đúng đắn.

Chẳng hạn, bạn biết kem vốn không tốt cho sức khỏe nhưng não lại bảo rằng “ăn chút cũng chẳng hại gì, cứ coi như tự thưởng cho bản thân sau một ngày vất vả vậy”. Rồi cứ thế mà nhích thôi. Vậy là mọi thứ bỗng không còn sai nữa.

ice cream
Kem không tốt cho sức khỏe nhưng vậy đã sao. | Nguồn: Unsplash

Bạn biết gian lận trong thi cử là xấu nhưng não cứ cố khiến bạn tin rằng “điều này cũng đáng mà, đằng nào thì bạn cũng đang làm quần quật một lúc hai việc, chứ đâu có như mấy đứa hư hỏng khác trong lớp”. Thế là bạn quay cóp câu trả lời của bạn cùng lớp và mọi thứ bỗng trở nên đúng đắn.

Nếu bạn tự thuyết phục mình đủ lâu rằng thích đồng nghĩa với đúng, não bạn rồi sẽ bắt đầu mặc định cả hai là một. Nó sẽ nghĩ rằng miễn bạn vui thì có ra sao cũng được.

Và khi điều này xảy ra, bạn sẽ bắt đầu tự huyễn hoặc bản thân tin rằng cảm xúc là quan trọng.

Hãy nghĩ về nó một chút. Những thứ khiến cuộc sống bạn đảo lộn thường là những thứ làm bạn lệ thuộc vào cảm xúc. Để rồi bạn trở nên bốc đồng hoặc tự cho rằng mình đúng. Bạn biết đấy, cảm xúc luôn có cách chi phối con người. Nó làm bạn tự cho mình là cái rốn của vũ trụ. Và mặc dù không thích nhưng tôi phải cho bạn biết rằng, bạn đã sai bét.

mark manson
Bạn không phải cái rốn của vũ trụ. | Nguồn: Mark Manson

Nhiều người trẻ rất ghét khi phải nghe những điều này bởi vì họ có những ông bố bà mẹ o bế cảm xúc cho mình từ bé. Bố mẹ họ bảo vệ nó bằng mọi giá như mua thật nhiều kẹo và khóa học, miễn là xoa dịu được cảm xúc cho họ.

Đáng tiếc, các bậc phụ huynh này làm thế cũng chỉ bởi họ quá phụ thuộc vào cảm xúc của chính mình. Họ không thể nào chịu đựng được nỗi đau khi thấy con cái mình vất vả, dù chỉ trong phút chốc. Họ không nhận ra rằng trẻ em cần đối mặt với nghịch cảnh để phát triển nhận thức và cảm xúc, rằng thất bại là bước đệm cho thành công. Đòi hỏi rằng lúc nào mình cũng phải cảm thấy hài lòng thật ra là chiếc vé hạng nhất dẫn đến việc bị xa lánh khi trưởng thành.

Vấn đề khi cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh cảm xúc

1. Cảm xúc tồn tại một cách độc lập

Bạn là người duy nhất cảm thấy nó. Cảm xúc không thể mách bảo rằng đâu là điều tốt nhất dành cho mẹ bạn, cho sự nghiệp của chính bạn hoặc cho môi trường. Nó chỉ cho bạn thấy thứ tốt cho mỗi mình bạn… mà thậm chí còn chưa chắc là đúng.

2. Cảm xúc chỉ kéo dài tạm thời

Mark Manson
Cảm xúc chỉ tồn tại tạm thời. | Nguồn: Unsplash

Chúng chỉ tồn tại trong một vài khoảnh khắc. Cảm xúc không thể chỉ ra đâu là điều tốt cho bạn trong vòng một tuần hoặc 20 năm tới. Chúng cũng chẳng cho bạn biết bạn nên làm gì và học gì khi là một đứa trẻ. Nó chỉ bảo rằng đâu là thứ tốt cho bạn ở hiện tại… và điều đó cũng chẳng hề đáng tin.

3. Cảm xúc của bạn không hề chính xác

Có bao giờ bạn nói chuyện với một người bạn và tức giận bởi những lời lẽ độc địa mà họ nói ra nhưng hoá ra họ chẳng có ý gì cả, và bạn chỉ hiểu lầm? Hoặc bạn cảm thấy đố kỵ với một người gần gũi với mình bởi một lý do bạn tự tưởng tượng ra?

Chẳng hạn, điện thoại của họ hết pin, còn bạn thì nghĩ rằng họ ghét mình hoặc chỉ muốn lợi dụng mình? Hay có bao giờ bạn hào hứng theo đuổi một điều gì đó khiến bạn trông ngầu hơn, nhưng sau đó nhận ra rằng đó chỉ là do cái tôi trong lúc bốc đồng, và bạn đã vô tình làm tổn thương những người xung quanh?

Cảm xúc của chúng ta đôi khi chẳng ra làm sao. Và đây chính là vấn đề.

Còn tiếp...