Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, những “career influencer" hay “nhà tư vấn hướng nghiệp" trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm không hề nhỏ của giới trẻ.
Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer

Nguồn: TikTok @erinmcgoff

“Bí kíp để được nhận lời mời phỏng vấn từ những tập đoàn lớn", “hướng dẫn viết cover letter với 5 bước đơn giản" hay “cách để từ chối một offer bạn không mong muốn", đó là những tiêu đề thường thấy trên những video ngắn “triệu view" của các career influencer. Từ marketing, quảng cáo, kinh doanh cho đến luật, công nghệ… gần như ở bất cứ ngành nghề nào, chúng ta cũng tìm được những career influencer tương xứng.

Nếu trước thời kỳ nở rộ của mạng xã hội, những lời khuyên về công việc, sự nghiệp thường đến từ các chuyên gia, những nhà tư vấn hướng nghiệp được đào tạo bài bản và có chứng nhận chuyên môn thì nay, người trẻ đang có xu hướng tìm đến những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để lắng nghe lời khuyên về lĩnh vực này.

Career influencer là ai?

Hiểu một cách đơn giản, career influencer là những nhà sáng tạo nội dung sử dụng mạng xã hội để đưa ra những lời khuyên và định hướng sự nghiệp (một cách miễn phí) cho những bạn trẻ mới chập chững bước chân vào thị trường lao động hoặc những người trẻ đang loay hoay tìm chỗ đứng trong sự nghiệp.

Điểm chung của những nhà tư vấn hướng nghiệp trên mạng xã hội này là họ thường ghi lại những chia sẻ của bản thân về những chủ đề nóng hổi, luôn được quan tâm trong công việc như làm hồ sơ xin việc, phỏng vấn, deal lương, trò chuyện với sếp… Những video này thường ở dạng ngắn, dao động từ 10 - 30 giây.

alt
Nguồn: Tina Đỗ

Trước đây, mạng xã hội thường được biết đến là nơi để giải trí và chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sáng tạo nội dung lựa chọn “mảnh đất" này để chia sẻ lời khuyên về sự nghiệp.

Hai nền tảng mạng xã hội được nhiều career influencer “chọn mặt gửi vàng" nhất là TikTok, theo sau là Instagram. Một vài cái tên nổi bật có thể kể đến Emily Durham (@emily.the.recruiter), Tiffany Uman (@tiffany.uman) và Jerry Lee (@jerrỵhlee). Ở Việt Nam, chúng ta có Tina Đỗ (@tinado.channel), Duy Khương (@duykhuong.huynh)...

Bên cạnh những gương mặt mới tinh xuất hiện vào giữa thời điểm đại dịch Covid-19, có rất nhiều nhà hướng nghiệp kỳ cựu với hàng chục năm kinh nghiệm đã bắt đầu đăng tải nội dung đều đặn trên mạng xã hội trong thời điểm đó. Những người này đã có được hàng chục cho đến hàng trăm nghìn người theo dõi chỉ sau vài tháng.

Có thể nói, mạng xã hội đã chứng kiến sự bùng nổ của những career influencer trong thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch. Theo một báo cáo của LinkedIn, tổng số nội dung hướng nghiệp được tạo ra trên mạng xã hội trong năm 2020 đã tăng 60% so với một năm trước đó.

Vì sao các career influencer lại được yêu thích?

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 từ công ty tư vấn quản lý Deloitte, khoảng 40% người lao động Gen Z và 24% người lao động thuộc thế hệ Millennial có mong muốn nghỉ việc trong vòng 2 năm tới.

Riêng tại Mỹ, dữ liệu từ cục lao động Hoa Kỳ chỉ ra rằng nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến 4 triệu người Mỹ nghỉ việc, để lại một con số kỷ lục là 10.9 triệu việc làm cần tuyển dụng. Từ đây, những người lao động trẻ bắt đầu tìm kiếm hướng dẫn để định hướng sự nghiệp của họ. Và cũng từ đây, họ tìm đến những career influencer.

Các chuyên gia cho rằng điều này một phần đến từ việc những Gen Z coi trọng các kết nối và tương tác có ý nghĩa nên những video chia sẻ kinh nghiệm gần gũi, dễ hiểu, dễ áp dụng thường được ưu ái.

alt
"5 điều bạn cần phải NÓI DỐI khi đi phỏng vấn" | Nguồn: TikTok @anna..papalia

Bên cạnh đó, Gen Z và Millennial cũng coi trọng chuyện một người cố vấn chân thành, có mối liên hệ mật thiết với họ hơn là những yếu tố như số năm kinh nghiệm, bằng cấp… Khi cảm thấy mình có thể liên hệ và đồng cảm với một career influencer, họ sẵn sàng tin tưởng lời khuyên của người này.

Không chỉ vậy, sự gần gũi đến từ những video không quá bóng bẩy, trau chuốt với bối cảnh ngay trong nhà, khiến họ trở nên dễ tiếp cận và khiến người xem hiểu được về con người họ, từ đó thu hút người xem hơn.

Career influencer cũng xuất hiện vào thời kỳ mạng xã hội nở rộ với thế hệ Gen Z. Theo khảo sát của Morning Consult, hơn nửa số Gen Z dành 4 tiếng hoặc hơn trên mạng xã hội mỗi ngày, trong đó 88% Gen Z lựa chọn YouTube là nền tảng mạng xã hội yêu thích nhất, theo sau là Instagram (76%) và TikTok (68%). Từ những con số này, có thể thấy rằng: video là định dạng nội dung được Gen Z yêu thích nhất. Do đó, video cũng là định dạng được các career influencer lựa chọn khi làm nội dung để tiếp cận nhóm đối tượng này.`

Cuối cùng, việc career influencer cung cấp nội dung miễn phí là một lợi thế lớn khi mà chi phí cho những buổi tư vấn hướng nghiệp không hề rẻ (trung bình 1.500.000 - 2.500.000 VND/buổi tư vấn 60 phút). Đặc biệt với những người trẻ mới gia nhập thị trường lao động thì tư vấn hướng nghiệp trực tiếp với chuyên gia có thể được xếp vào nhóm những dịch vụ cao cấp.

Hãy là một người nghe biết chọn lọc

Dù không thể phủ nhận những lời khuyên trên mạng xã hội có tính khích lệ rất cao, những video này thường khá chung chung và chỉ dựa trên những khái quát về văn hóa doanh nghiệp và hành vi con người. Vì vậy, những lời khuyên này có thể khó áp dụng cho từng tính huống cụ thể của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, làm theo lời khuyên trên mạng xã hội có thể có rủi ro vì mọi người thường đánh đồng sự nổi tiếng với sự đáng tin cậy. Thực tế, có rất nhiều career influencer không có bằng cấp và chuyên môn về lĩnh vực này. Họ bắt đầu làm career influencer khi cảm thấy rảnh rỗi và có nhiều kinh nghiệm muốn chia sẻ.

alt
Nguồn: Unsplash

Tuy vậy, cũng có nhiều career influencer có xuất phát điểm từ công việc hướng nghiệp chuyên nghiệp sau nhiều năm mới tham gia vào thế giới mạng xã hội để tiếp cận được với thế hệ người lao động trẻ tuổi. Chính vì vậy, không có gì sai khi nghe theo những lời khuyên về công việc và sự nghiệp trên mạng xã hội, quan trọng nhất, bạn cần là một người xem thông thái, biết chọn lọc và kiểm chứng thông tin.

Một vài yếu tố để cân nhắc trước khi chọn tin tưởng một career influencer có thể kể đến:

  • Bằng cấp: họ có công khai bằng cấp, chứng chỉ nào về coaching không?
  • Kinh nghiệm: kinh nghiệm ở đây bao gồm kinh nghiệm việc làm, trải nghiệm của chính họ trên thị trường lao động và kinh nghiệm làm coaching. Những career influencer đã từng có thời gian làm việc trong những tập đoàn lớn là một điểm cộng lớn khiến những lời khuyên họ đưa ra có giá trị hơn.
  • Thành tựu: họ đã từng được xuất hiện trên tờ báo lớn nào chưa? Họ đã giúp cho bao nhiêu người có được công việc mong muốn? Họ đã bao giờ tổ chức những sự kiện hướng nghiệp? Quy mô của những sự kiện này như thế nào?...
  • Mức độ liên quan của lời khuyên đến bản thân bạn: những lời khuyên của họ có liên quan trực tiếp và giúp ích cho vấn đề bạn đang gặp phải không? Xuất thân, kinh nghiệm của họ có mối liên hệ nào đến bạn không?

Một career influencer uy tín và phù hợp với bạn không nhất thiết là người phải có đủ 4 tiêu chí trên. Tuy nhiên, đó là những yếu tố để bạn cân nhắc và lựa chọn tin tưởng một người giữa làn sóng career influencer đang phát triển mạnh mẽ.