Chúng ta có còn muốn viết khi AI đã biết viết? | Vietcetera
Billboard banner

Chúng ta có còn muốn viết khi AI đã biết viết?

Khi coi viết là một liệu pháp, AI sẽ không thể thay thế được con người. Quan trọng nhất, con người cũng không cần AI làm việc đó.
Chúng ta có còn muốn viết khi AI đã biết viết?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Khi bàn về AI (trí tuệ nhân tạo), hay cụ thể hơn là cơn sốt ChatGPT gần đây, bên cạnh sự hào hứng, tâm lý chung của chúng ta là sợ hãi. Chúng ta sợ bị mất việc, sợ bị thay thế vĩnh viễn bởi một thứ công nghệ quá thông minh và không ngừng phát triển.

Theo báo cáo của PwC, đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ đóng góp 15.7 triệu đô vào nền kinh tế toàn cầu. 3% số việc làm hiện nay sẽ có khả năng bị thay thế bởi AI, con số này có thể lên đến 30-44% trong vài năm tới đây.

Với thế mạnh ở việc viết lách, ChatGPT, một chatbot được phát triển bởi OpenAI, được đánh giá là có tiềm năng thay thế những nghề dựa vào kỹ năng viết như nhà báo, người viết nội dung trong lĩnh vực quảng cáo, người soạn thảo văn bản… Nhưng liệu việc này có thay đổi cách chúng ta, những con người, viết hay không?

Vì sao chúng ta viết?

Khoan bàn về chuyện AI biết viết có thể thay đổi cục diện các công việc viết lách như thế nào cũng như người viết phải học cách “cộng sinh" với AI ra sao để hoàn thành công việc, tôi chỉ muốn bàn về bản thân chúng ta, những người viết, có còn muốn viết hay không.

Cũng như khi AI có thể tự sáng tác nhạc, chúng ta vẫn thấy những người nghệ sĩ bền bỉ soạn nhạc và chất lượng âm nhạc trên thị trường chẳng hề giảm sút. Hay khi AI đã có thể vẽ tranh, chúng ta thấy những người họa sĩ vẫn không ngừng theo đuổi công việc sáng tạo.

Phải chăng khi coi AI như một người bạn đồng hành giúp tiết kiệm thời gian ở các công đoạn liên quan đến nghiên cứu, kỹ thuật, chúng ta lại có cơ hội (và thời gian) để đi tìm cảm hứng, thực hành sáng tạo và nhìn sâu vào bên trong công việc của chính mình? Tương tự với việc viết, nhờ AI, chúng ta có thể viết chậm lại, viết sâu hơn và viết như một liệu pháp tinh thần.

Điều này quay trở lại với câu hỏi: Con người chúng ta viết để làm gì?

alt
Nhờ AI, chúng ta có thể viết chậm lại, viết sâu hơn và viết như một liệu pháp tinh thần.

Có những người viết cho người khác, để giao tiếp, để kêu gọi sự quan tâm hoặc hành động của người đọc. Ngược lại, có những người chọn viết cho bản thân mình, giúp họ suy ngẫm về những trải nghiệm của mình và học hỏi từ chúng.

Viết cũng được coi là một phương pháp trị liệu, nơi con người viết ra những suy nghĩ, cảm xúc trong lòng nhằm giải tỏa căng thẳng và những tổn thương trong tâm trí. Nghiên cứu từ những năm 1980 của tiến sĩ James Pennebaker chỉ ra rằng những người viết ra suy nghĩ về nỗi đau quá khứ trong 4 ngày liên tục, mỗi ngày 15 phút có thể cải thiện hệ miễn dịch, từ đó sức khỏe tinh thần tốt lên rõ rệt.

Và khi coi viết là một liệu pháp, AI sẽ không thể thay thế được con người. Quan trọng nhất, con người cũng không cần AI làm việc đó.

AI sẽ trở thành đối thủ hay công cụ?

Mỗi chúng ta đều có những tiêu chuẩn, sở thích đọc khác nhau và không có công thức nào để đảm bảo bạn thấy bài viết của người khác thuyết phục hay hấp dẫn. Một văn bản tốt thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cách hành văn, cách sử dụng từ, cách lập luận, chủ đề… cũng như sự hợp “gu" người đọc. Trong khi đó, một văn bản không tốt lại rất dễ để nhận biết.

Sai chính tả, sai ngữ pháp, đạo văn, lặp từ… là những lỗi thường gặp ở một văn bản với chất lượng thấp. Tuy vậy, những lỗi này đều có thể được khắc phục bởi AI. Hiện nay có rất nhiều phần mềm kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp như Grammarly, LanguageTool, Reverso…

Bên cạnh đó, những công cụ kiểm tra đạo văn cũng được sử dụng rộng rãi. Những công cụ này cho thấy AI đã và đang được sử dụng để giúp chúng ta viết tốt hơn đồng thời cho thấy tiềm năng của AI trong việc thay con người tạo lập văn bản.

ChatGPT chỉ mất chưa đến một phút để tạo ra một văn bản khoảng 500 từ, điều mà mà có thể tiêu tốn của con người một tiếng (hoặc hơn) để viết nếu đó là một đoạn văn bản cần nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng.

Mô hình của ChatGPT cho phép công cụ này phản hồi bất cứ câu hỏi và chủ đề nào được đưa ra. Điều đặc biệt là nếu bạn cho đoạn trả lời đó vào các phần mềm kiểm tra đạo văn, bạn sẽ phát hiện ra rằng nội dung đó hoàn toàn độc nhất.

Vào năm 2016, nhà nghiên cứu Nhật Bản Hitoshi Matsubara và nhóm của mình tại đại học Đại học tương lai Hakodate đã phát triển một chương trình AI, biến nó trở thành đồng tác giả của một tiểu thuyết văn học.

Đáng chú ý, tác phẩm này đã vượt qua được vòng loại của một giải thưởng văn học quốc gia. Tại thời điểm đó, Hitoshi đã lựa chọn sẵn các từ và câu, sau đó lập trình cho AI cách để viết chúng thành những đoạn văn hoàn chỉnh và một câu chuyện có ý nghĩa.

alt
AI có thể là một “người bạn đồng hành", giúp chúng ta rút ngắn thời gian nghiên cứu.

7 năm trôi qua, AI đã trở nên thông minh hơn, chúng không cần con người giúp đỡ quá nhiều như 7 năm trước để có thể tạo lập văn bản nữa. Ở thời điểm hiện tại, với khả năng tìm kiếm và sàng lọc thông tin nhanh chóng, có thể nói, AI đã thắng thế với những văn bản thuần tính thông tin.

Nhưng cũng chính vì vậy, AI có thể là một “người bạn đồng hành", giúp chúng ta rút ngắn thời gian nghiên cứu. Thay vì mất thời gian đọc từng cuốn sách, chúng ta sẽ chỉ cần kiểm tra lại tính xác thực của thông tin sau khi hoàn thành một văn bản.

Dù vậy, như với bất kỳ công nghệ mang tính cách mạng nào, sẽ rất khó để đưa ra dự đoán chính xác về việc AI sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào trong vài thập kỷ tới. Rất có thể đến một ngày không chỉ những nhà sáng tạo nội dung mà cả nhà báo và nhà văn cũng có thể bị thay thế bởi AI bởi có thể trong tương lai, AI sẽ tự học từ các văn bản trên Internet, thu thập và phân tích dữ liệu mà không cần con người giúp đỡ.

Kết

Kể cả đến một ngày khi AI trở nên xuất sắc đến mức thay thế được con người làm công việc viết lách, chúng ta vẫn sẽ viết. Trước khi trở nên sợ hãi, hãy nhớ về bản chất của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một cây cầu, kết nối người với người, xuyên qua không gian và thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu nhau và hiểu hơn về chính mình.

Nếu một bên của cây cầu, là người viết hoặc người đọc, không còn cảm nhận được ý nghĩa của những câu từ được viết ra, cây cầu sẽ sụp đổ. AI có thể thay bạn viết nhưng nó không thể suy nghĩ hoặc cảm nhận thay bạn.