Chúng ta có thể mong đợi gì khi tỷ phú nắm giữ truyền thông? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Chúng ta có thể mong đợi gì khi tỷ phú nắm giữ truyền thông?

Từ việc là một người có ảnh hưởng trên Twitter, Elon Musk chuyển luôn sang gia nhập ban lãnh đạo mạng xã hội này.
Chúng ta có thể mong đợi gì khi tỷ phú nắm giữ truyền thông?

Nguồn: Justin cho Vietcetera

*Bài viết đã được cập nhật theo tin tức ngày 27/04

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk, nhân vật của năm 2021, chưa bao giờ thất bại trong việc làm truyền thông chú ý tới mình. Tới ngày 26/04, Twitter đã đồng ý cho Elon Musk mua Twitter với giá 44 tỷ USD.

Elon Musk đã nhiều lần đề cập tới việc muốn tạo ra mạng xã hội riêng. Trong thời gian qua, ông cũng liên tục xuất hiện không ngớt trên truyền thông:

  • 04/04, thông tin Elon Musk đã mua 9,2% cổ phiếu của Twitter (tương đương với 73,5 triệu cổ phiếu) được tiết lộ.
  • 05/04 truyền thông dậy sóng với tin Elon Musk gia nhập vào ban lãnh đạo của Twitter.
  • 15/04, Elon Musk đề nghị mua Twitter thay vì tham gia vào ban lãnh đạo.

Cho tới hiện tại, dù đã nắm trong tay Twitter nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc Elon Musk sẽ điều hành nền tảng này ra sao.

2. Elon Musk nắm giữ bao nhiêu quyền lực?

Cho tới hiện tại Musk đang là cổ đông lớn nhất của Twitter. Jack Dorsey, nhà sáng lập và cựu CEO của Twitter cũng chỉ đang nắm giữ 2.25% cổ phần. Sau sự việc, giá cổ phiếu của Twitter đã tăng lên 25%. Theo như Reuters, việc Musk tham gia vào hội đồng quản trị có thể là để ngăn chặn tỷ phú này sở hữu nhiều hơn 14.9% cổ phần.

alt
Cổ đông lớn nhất chính là Elon Musk | Nguồn: The Hustle

Có thể thấy Musk đã quyết định nắm giữ một vai trò mang tính chủ động hơn, có khả năng tạo ra thay đổi ở Twitter. Nhất là khi ban đầu, cổ phần mà Musk nắm giữ là cổ phần phụ động. Nói cách khác, ông vốn chỉ là một cổ đông bình thường và không thể tham gia vào hoạt động của công ty.

Hiện tại, Musk nắm giữ 9% số phiếu bầu cổ đông nhưng ông không có quyền thay đổi các chính sách của Twitter. Vậy nên, trong tương lai Musk sẽ cần nhiều sự ủng hộ của 11 thành viên còn lại trong hội đồng cho các đề xuất mới của mình. Tuy nhiên thì Parag Agrawal (CEO của Twitter) và cả Jack Dorsey đều đang thể hiện sự ủng hộ của mình với Musk trên Twitter.

alt
Jack Dorsey và Parag Agrawal (CEO của Twitter)

3. Twitter "bản cập nhật Elon Musk" sẽ ra sao?

Là một tỷ phủ hoạt động tích cực trên Twitter, Musk thường xuyên "khảo sát" người dùng về những gì họ muốn ở ông cũng như ở Twitter. Tỷ phú này đã từng đăng bài hỏi về việc tạo ra tính năng "sửa bài viết" cho Twitter và nhận về tới 73% phản hồi đồng tình.

alt
Phản hồi tích cực của người dùng

Musk cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn Twitter sẽ có mã nguồn mở nhằm thúc đẩy minh bạch. Công ty tư nhân này vốn nắm trong tay quyền điều chỉnh nội dung của những người dùng trên nền tảng và rõ ràng Musk không thích điều này.

Musk đã nhiều lần chỉ trích Twitter (trên Twitter) về việc nền tảng này đang "phá hoại nền dân chủ khi không tuân theo các nguyên tắc tự do ngôn luận." Đây cũng là lý do mà Musk từng muốn tạo ra mạng xã hội mới.

Tuy nhiên cho tới hiện tại, không ai chắc chắn về định nghĩa tự do ngôn luận mà Musk đang nhắc tới là gì.

Trong quá khứ, Musk cũng có một lịch sử dài và phức tạp về những lần "khẩu chiến" với Ủy ban Chứng Khoán (SEC). Khi mà trước đó, một dòng Twitter của Musk đã tạo ra một đợt bán tháo cổ phiếu Tesla.

Musk từng nhiều lần "tấn công" những cât bút và nhà phê bình không đồng tình và phê phán quan điểm của ông, và liên tục có những bài viết/meme gây tranh cãi về ấu dâm hay phân biệt giới. Vậy nên, việc Twitter có thể trở thành một nền tảng "tự do ngôn luận" và không kiểm duyệt, đồng nghĩa với việc, nó sẽ tạo ra nhiều nội dung có thể gây tranh cãi hơn.

4. Quyền lực của người giàu: Nắm giữ truyền thông

Người giàu mua lại các tờ báo, nắm giữ công ty truyền thông dường như là câu chuyện xưa như quả đất. Trong những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến Jeff Bezos mua lại Washington Post hay Michael Bloomberg xây dựng trang tin tức hàng đầu Bloomberg từ con số 0. Tham vọng phát triển đã khiến những tỷ phú như Bezos hay Musk vươn vòi bạch tuộc, muốn làm chủ thị trường, vũ trụ và bây giờ là cả không gian mạng.

alt
Năm 2021, chúng ta đã chứng kiến cuộc đua vào vũ trụ của tỷ phú | Nguồn: The Times

Cho dù là vậy thì không tỷ phú nào thích mất tiền. Lợi nhuận vẫn là một yếu tố quan trọng. Bản thân tỷ phú Warren Buffett trong những năm qua cũng đã bán đi 31 tờ báo công ty ông sở hữu. Lợi nhuận cũng là một trong những lý do khiến các mạng xã hội mới chật vật phát triển. Đa phần các nền tảng mới này đều tập trung vào tự do ngôn luận, thứ bị kiểm duyệt nhiều trên các mạng xã hội truyền thống. Chính điều này biến nó thành nền tảng chính trị, đẩy các nhà đầu tư ra xa.

Đối với những người gây sức ảnh hưởng như Musk thì một dòng Tweet cũng có thể kiếm ra tiền, khó mà khẳng định được mục đích của họ chỉ là "cho vui". Khác với những tỷ phú thường chọn "về phe" báo chí, Musk thường xuyên chỉ trích các phương tiện truyền thông, nhưng đồng thời luôn khiến truyền thông nhắc tên mình. Vậy nên, khó mà dự đoán được tương lai của mạng xã hội khi nằm trong tay của những tỷ phú.

5. Tại sao chúng ta thần tượng tỷ phú?

Cư dân mạng yêu Elon Musk vì nhiều lý do, một trong số đó là vì ông là một phần của văn hóa đại chúng. Rất nhiều tỷ phú muốn tạo cho mình một hình ảnh "thú vị" trên mạng xã hội. Bản thân đội PR của Jeff Bezos (chủ sở hữu của tờ Washington Post) cũng từng chia sẻ mục đích của họ là tạo ra hình tượng "hay ho" cho ông. Điều nó khiến chúng ta quên mất những vấn đề thật sự nghiêm trọng hơn nằm sau mỗi quyết định của tỷ phú (như là trốn thuế) và chọn đi theo "câu chuyện" mà ta cho là thú vị hơn, hay ít nhất là có nhiều meme hơn.

Nghiên cứu của Đại học Bang Ohio và Đại học Cornell chỉ ra rằng, chúng ta có xu hướng ghét tầng lớp của nhóm người siêu giàu, tuy nhiên, lại ngưỡng mộ những tỷ phú dưới tư cách cá nhân. Đây là lý do khi nhắc về một người giàu như Elon Musk hay Bill Gates, chúng ta dễ sinh thiện cảm hơn.

Việc thần tượng một tỷ phú đi kèm với rủi ro của nó. Tác giả sách Dennis Tourish, chia sẻ trên Vox rằng điều này khiến những CEO được thần tượng dễ đưa ra những quyết định tệ hại. Chủ nhiệm khoa triết học tại Đại học Bentley, Jeffrey Moriarty thì nói chúng ta có xu hướng đơn giản hóa những thứ phức tạp và mơ hồ. Thay vào đó, chúng ta phụ thuộc vào những quyết định của những nhà lãnh đạo và đánh giá cao điều đó.

Vậy nên, sự thần tượng chúng ta dành cho tỷ phú rốt cuộc cũng chỉ là ảo ảnh được thao túng bởi truyền thông, thứ thuộc sở hữu của tầng lớp này.