Elon Musk - Nhân vật của năm không nhất thiết phải có ảnh hưởng tích cực | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Elon Musk - Nhân vật của năm không nhất thiết phải có ảnh hưởng tích cực

Adolf Hitler và Joseph Stalin cũng từng được Time vinh danh tại hạng mục này.
Elon Musk - Nhân vật của năm không nhất thiết phải có ảnh hưởng tích cực

Elon Musk - Nhân vật của năm 2021. | Nguồn: TIME.

Nhân vật của năm 2021, được tờ Time công bố vào ngày 13/12 vừa qua, là một cái tên gây tranh cãi - tỷ phú Elon Musk. Bên cạnh những dòng tweet gây chao đảo cộng đồng tiền mã hóa, Musk nổi tiếng với tư cách là người tiên phong trong lĩnh vực xe điện và hàng không vũ trụ.

Ước mơ của Elon Musk là đem ý thức của nhân loại lên sao Hoả, và những vùng không gian xa xôi hơn nữa. Thả mình vào những dòng tweet của vị tỷ phú đặc biệt này, chúng ta có quyền mơ mộng về một nền văn minh liên ngân hà sử dụng năng lượng sạch. Đó là một giấc mơ đắt đỏ, và người gánh phí tổn là những cộng đồng yếu thế.

Chỉ những người tư sản mới có quyền mơ

Như tất cả chúng ta đều biết, Lithium là thành phần quan trọng nhất để sản xuất ra pin của xe điện và vô số đồ điện tử khác. Thứ khoáng sản này không bỗng nhiên xuất hiện từ không khí, mà nó được khai khoáng ở những địa điểm cụ thể trên thế giới.

Bolivia là một trong những quốc gia có trữ lượng Lithium lớn nhất trái đất. Ước tính, sản lượng Lithium tại nước này chiếm khoảng 25-45% sản lượng toàn cầu. Mỏ khoáng sản ở đất nước này và khu vực Mỹ Latin nói chung luôn là mục tiêu nhòm ngó của các thế lực tư sản quốc tế.

Chính quyền của cựu tổng thống Evo Morales - lãnh đạo người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Bolivia - có thái độ cứng rắn trong việc bảo vệ khoáng sản của nước mình khỏi tay nước ngoài. Đây cũng là nguồn cơn khiến nước này trải qua khủng hoảng chính trị.

Với sự trợ giúp của Mỹ, phe đối lập đã lật đổ Evo Morales, khiến ông phải tị nạn chính trị ở nước ngoài một thời gian. Biểu tình và xung đột với chính phủ mới nổ ra khiến hàng trăm người thiểu số thiệt mạng. Mục tiêu của vụ lật đổ rất rõ ràng: chiếm quyền khai thác Lithium - thứ tài nguyên ngày càng có giá trị trong thế giới kỹ thuật số.

Elon Musk hưởng lợi rất lớn trong sự vụ này. Ông cũng chẳng che giấu lập trường chính trị của mình. Khi một tài khoản chất vấn Musk, “Ông có biết điều gì không phải lợi ích tốt nhất của người dân không? Chính phủ Mỹ tổ chức một cuộc đảo chính Evo Morales ở Bolivia để ông kiếm được Lithium ở đó”, ông trả lời, “Chúng tôi sẽ đảo chính bất cứ ai chúng tôi muốn! Hãy đối mặt với điều đó.”

Phản ứng của Elon Musk là hợp lý với giai cấp ông ta thuộc về. Chúng ta có lẽ cũng đừng ảo tưởng rằng trong mơ ước năng lượng sạch và chinh phục vũ trụ của vị tỷ phú này, các nhóm yếu thế được hưởng lợi.

Trong hàng thập kỷ qua, cộng đồng yếu thế và hệ sinh thái ở các quốc gia nghèo đói nhưng giàu tài nguyên luôn gánh phí tổn cho ước mơ của các nhà tương lai học. Chỉ là trong khi các tỷ phú khác im lặng hoặc rơi nước mắt cá sấu trước tình cảnh khổ đau của kẻ yếu, thì Musk thể hiện rõ ràng lập trường rằng ông chẳng hề quan tâm gì đến điều đó.

alt
“Chúng tôi (giới tư sản) sẽ đảo chính bất cứ ai chúng tôi muốn! Hãy đối mặt với điều đó.”

Và cũng đừng quên tình trạng lao động tồi tệ ở Tesla trong dịch Covid-19

Elon Musk cũng từng bị phê phán bởi quyết định mở lại nhà máy Tesla ở Fremont - California từ tháng 05/2020 dù có lệnh đóng cửa do dịch Covid-19. Quyết định của ông khiến 450 công nhân dương tính với virus từ khoảng thời gian đó cho đến cuối 2020.

Musk từ bi hiểu nhiều công nhân lâm vào tình thế khó khăn sẽ không thể quay lại nhà máy. Ông viết email xúc động tới toàn bộ người làm thuê của mình: “Nếu bạn không thoải mái khi quay trở lại làm việc vào lúc này, vui lòng không cảm thấy bắt buộc phải làm việc đó”.

Tuy vậy, một số công nhân đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ bộ phận nhân sự vì “không thể trở lại làm việc” sau khi lựa chọn tạm nghỉ không lương để bảo vệ sự an toàn của gia đình.

Đây không phải lần duy nhất Tesla của Elon Musk gặp phải lùm xùm về điều kiện lao động không mấy thân thiện. Năm 2019, Musk cùng một số nhân sự cao cấp ở Tesla cũng từng chịu phán quyết của Uỷ ban lao động Mỹ, rằng họ đã phá hoại bất hợp pháp nỗ lực thành lập công đoàn của nhân viên.

Uỷ ban lao động Mỹ yêu cầu Musk phải xoá dòng tweet có ý chống thành lập công đoàn vì nó đi ngược lại luật lao động Mỹ. Đồng thời Tesla cũng được yêu cầu phải thuê lại Richard Ortiz và bồi thường cho nhân viên này vì gây cho anh tổn thất về thu nhập và thuế. Ortiz bị sa thải vì tham gia tổ chức chiến dịch ủng hộ thành lập công đoàn tên là “Thất bại tại Tesla”.

alt
“Không gì ngăn Tesla bỏ phiếu thành lập công đoàn. Chúng tôi có thể làm như vậy ngay ngày mai nếu muốn. Nhưng tại sao phải trả phí công đoàn và từ bỏ quyền chọn mua cổ phiếu một cách vô ích?”

Chúng ta nên hiểu sự giàu có của Elon Musk không chỉ xuất phát từ sự thông minh và nỗ lực của bản thân. Nó còn đến từ sức lao động của hàng chục nghìn lao động làm việc dưới trướng của ông. Ước mơ và hoài bão của vị tỷ phú này sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu thiếu đi tầng lớp người lao động - đối tượng luôn bị lu mờ sau những dòng tweet.

Khi người giàu nhất thế giới cũng… né thuế

Năm 2021, tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận ProPublica công bố một báo cáo gây sốc về tình trạng né thuế của các CEO công nghệ giàu có. 25 người giàu nhất nước Mỹ, dĩ nhiên bao gồm Elon Musk, đóng rất ít thuế so với số tài sản tăng vọt và các tài sản khác của họ.

Cụ thể, vào năm 2018, Musk không đóng một đồng thuế nào. Từ 2014-2018, thuế trên mức tăng tài sản của Musk chỉ là 3,27%. Logic của nền kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economy), một trong những rường cột của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, cho rằng việc cắt giảm thuế cho tầng lớp 1% giàu nhất sẽ có lợi cho xã hội.

Lập luận của logic này là khi người giàu không gặp rào cản để tiếp tục giàu hơn, tổng chung nền kinh tế sẽ phát triển. Nền kinh tế phát triển tức là tài sản từ tầng lớp trên sẽ bằng cách nào đó chảy xuống tầng lớp dưới và ai cũng có lợi.

Điều này tất nhiên là không xảy ra trong thực tế. Nhưng niềm tin vào sự nhỏ giọt lại nằm quá sâu trong não trạng của giới quản lý hệ thống chính trị. Musk và những người giàu khác vô tình hưởng lợi từ việc này.

Và hậu quả đã đến. Khi chính quyền Joe Biden công bố một loạt chi tiêu khủng vào chương trình cơ sở hạ tầng, cộng thêm việc vay nợ của chính phủ tăng vọt để chi trả cho việc ứng phó với đại dịch Covid-19, áp lực tài chính đổ lên đầu các gia đình bình dân.

Né thuế cũng là đặc sản của các công ty đa quốc gia, khi họ chuyển lợi nhuận về các nước có mức thuế thấp. Để ngăn chặn điều này, cũng trong năm nay, nhóm G7 (7 cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển) đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

Nhưng nỗ lực này vẫn là hạt cát so với tốc độ tích luỹ tài sản hiện nay của Musk. Đặc biệt là khi khối tài sản của ông đã vươn đến vũ trụ, còn số thuế thu nhập thì vẫn nằm bẹp dưới mặt đất.

Kết

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận việc Elon Musk đã cống hiến nhiều cho nhân loại, đặc biệt là trong ngành hàng không vũ trụ và vận chuyển. Nếu những sứ mệnh vì sao trong tương lai thành công, Musk sẽ có chỗ đứng trong lịch sử.

Nhưng chúng ta cũng không nên quá thần tượng Musk và các nhà tương lai học. Vì viễn cảnh xây dựng thuộc địa trên sao hoả và thống trị hệ mặt trời sẽ chỉ thành thực tiễn đối với tầng lớp tinh hoa. Trong khi phần lớn còn lại - những tầng lớp dưới sẽ chịu phí tổn và chết dần chết mòn trên Trái Đất.