Tỷ phú nắm mạng xã hội: Bảo vệ tự do ngôn luận hay thâu tóm quyền lực? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 04, 2022
Truyền ThôngOpinion

Tỷ phú nắm mạng xã hội: Bảo vệ tự do ngôn luận hay thâu tóm quyền lực?

Elon Musk đang biến thành người “anh cả” (Big Brother) mà cư dân mạng khó lòng ghét bỏ vì những lời hứa của ông. Anh cả này sẽ thất hứa chúng ta như thế nào?
Tỷ phú nắm mạng xã hội: Bảo vệ tự do ngôn luận hay thâu tóm quyền lực?

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Trong 2 tuần vừa qua, không một ngày nào Elon Musk không xuất hiện trên báo. Từ việc trở thành cổ đông lớn nhất, Elon Musk đã mua đứt luôn mạng xã hội này. Dù cách đây không lâu vừa hô hào về giải quyết nạn đói, bây giờ, Musk lại muốn là vị anh hùng đem lại tự do ngôn luận.

Chúng ta có nhiều lý do để nghi ngờ mục tiêu thực sự của Musk. Tỷ phú luôn tìm được cách để nắm giữ truyền thông, trước đây là báo chí và giờ là mạng xã hội. Tuy nhiên, tương lai của Twitter có thật sự tốt hơn khi nằm trong tay Musk?

Tỷ phú nắm giữ Internet

Trong thời đại thông tin được lưu truyền gần như ngay lập tức nhờ công nghiệp truyền thông, thế giới biến thành một “ngôi làng toàn cầu” (Global village). Từ năm 1964, triết gia truyền thông Marshall McLuhan đã sớm dự báo được về sự biến chuyển này ngay cả từ trước khi chúng ta có Internet.

Đáng tiếc rằng, McLuhan chỉ mới đoán đúng một phần, ngôi làng toàn cầu không thuộc quyền sở hữu của mọi “dân làng.” Ngày nay, những ngôi làng tỷ dân như Facebook, Google hay Twitter đang được sở hữu tư nhân bởi các trưởng làng lắm tiền và quyền. Nói cách khác, Internet đang nằm trong tay của các tỷ phú. Sự tự do không nằm trong tay dân làng, mà thuộc về những già làng.

alt
Ngôi làng toàn cầu yên lành chỉ còn là viễn cảnh tốt đẹp trong quá khứ

Twitter vốn đã luôn là sân chơi yêu thích của Elon Musk, nơi ông mua chuộc sự yêu thích của Internet bằng meme và shitpost. Và bây giờ, Musk lại nằm thêm quyền lực khi sở hữu sân chơi chung của Internet, biến đổi nó theo tầm nhìn của mình. Với những gì Musk đã từng làm, khó mà khẳng định được rằng ông sẽ không dùng nó để củng cố hình ảnh cá nhân.

Cư dân mạng bị ảnh hưởng gì khi nền tảng thay đổi?

Điều đầu tiên Elon Musk muốn thay đổi chính là tính năng "edit" (chỉnh sửa bài viết). Đa phần mọi người đều hào hứng trước quyết định này của Musk và ủng hộ ông. Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ khi tin rằng sự thay đổi này không đem tới hậu quả nào cho số đông.

Sự thay đổi này đáng lo ngại ở chỗ nó có khả năng "đánh lừa" người xem và lan truyền thông tin giả mạo. Chúng ta chứng kiến điều tương tự ở Facebook khi mà một bài viết cảm động nhiều tương tác sau một đêm biến thành bài đăng bán hàng. Tính năng này cũng từng bị lợi dụng trong một vụ lừa đảo crypto lên tới 150,000 USD. Thứ chúng ta muốn, chưa chắc đem lại lợi ích như ta nghĩ.

Mạng xã hội đã từng là ngôi làng yên bình khi đã làm đúng trách nhiệm của mình là kết nối. Nhưng qua thời gian, phương tiện này tiến hóa với những tính năng như “like" hay “retweet” giúp gia tăng “quyền lực" cho người dùng mạng xã hội. Họ có thể bày tỏ quan điểm (với like) và thể hiện sự đồng tình (với retweet) chỉ trong một giây.

McLuhan cho rằng, không phải nội dung mà phương tiện truyền thông mới góp phần định hình và tác động tới hành vi của con người. Sự thay đổi của mạng xã hội đã gây ảnh hưởng lên hành vi người dùng. Chúng ta dần biến nền tảng kết nối thành nơi lan truyền sự chia rẽ và phẫn nộ.

Chris Wetherell, kỹ sư tạo ra nút “retweet" nói anh hối hận vì việc này và so sánh nó với việc trao vũ khí cho một em bé 4 tuổi. Jack Dorsey cũng cho rằng mình đã góp phần phá hủy Internet với nút like. Tính năng này đã tạo ra một hệ sinh thái nơi người ta chạy theo danh tính ảo, nội dung giật gân, gia tăng theo lượng tương tác.

Chỉ với một thay đổi nhỏ, hàng loạt ngôi làng yên bình biến thành nơi gieo mầm sự phẫn nộ và tiêu cực.

Tại sao ta cần cẩn trọng với tự do?

Lời hứa tự do có thể biến thành công cụ kiểm soát

Elon Musk hứa hẹn nhiều về sự tự do và khiến nhiều người tin rằng ông chính là tương lai của tự do ngôn luận. Tuy nhiên chúng ta không nên quên rằng một lời nói của ông có thể làm thị trường trao đảo hay đổi hướng dư luận.

Rốt cuộc, đây cũng chỉ là câu chuyện cũ mòn về việc một người đàn ông giàu có thao túng truyền thông. Chúng ta sống trong ảo tưởng tự do được tạo ra bởi Elon Musk.

Điều này đã từng được nhắc tới trong tiểu luận Postscript on the Societies of Control của triết gia Pháp Gilles Deleuze. Ông nhắc tới việc chúng ta đang sống trong xã hội bị kiểm soát triệt để. Công nghệ cao góp phần tạo ra một xã hội nơi ta bị “giam cầm” trong tự do.

Với điện thoại luôn kết nối với mạng Internet, chúng ta có sự tự do lưu động và dòng chảy thông tin liên tục di chuyển. Tuy nhiên nhiều tự do hơn đồng nghĩa với nhiều sự kiểm soát hơn. Deleuze đã nhắc tới điều này trong một văn bản khác của mình, nơi ông so sánh sự kiểm soát không phải là giam cầm, mà thay vào đó là sự tự do như đường cao tốc.

Khi đi lại một cách thoải mái trên đường cao tốc, chúng ta vẫn sẽ bị dừng lại ở các chốt kiểm soát, CCTV theo dõi mọi nước đi. Quan trọng hơn, đường cao tốc buộc ta không được đi chậm, bằng không ta sẽ gặp tai nạn bởi các phương tiện đang lao nhanh khác.

Tương tự như khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta đăng và viết những gì mình muốn nhưng đổi lại vẫn bị giám sát trong khuôn khổ nhờ vào dữ liệu. Khủng khiếp hơn, khi người dùng không còn lao theo tốc độ luân chuyển trong chớp mắt của dữ liệu, họ không được coi là "tồn tại."

Bóc lột dựa trên sự tự do

Chúng ta được nghĩ rằng mình nắm trong tay quyền làm chủ, nhưng tương lai đã sớm được định đoạt dựa trên những gì ta chọn. Mạng xã hội giới hạn những gì chúng ta thấy và tiếp thu dựa trên dữ liệu hành vi của bạn. Ngay cả thứ chúng ta mua cũng không tới từ quyết định của chính mình. Dữ liệu trở thành sự kiểm soát tuyệt đối.

Deleuze đã nhắc tới khái niệm "dividual" - cá nhân bị phân rẽ - để nói về những người sống trong xã hội bị kiểm soát. Thay vì là một cá nhân (individual), chúng ta bị phân tách ra, trở thành một loại dữ liệu khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống mà chúng ta tương tác. Với mạng xã hội, chúng ta là dữ liệu quảng cáo, ngân hàng thì lại là điểm credit còn trường học thì là thành tích…

alt
Chúng ta vẫn luôn bị giám sát trong chính sự tự do của mình

Hãy thử tưởng tượng rằng, cư dân mạng, giống như những nông nô đang phải “cày” trên mảnh đất mà địa chủ “Facebook” giao cho. Chúng ta tự do “cày” và sản xuất nội dung trên mảnh đất đó, giúp gia tăng người dùng và thu hút lợi nhuận. Theo như ông, “đây vẫn là một hệ thống cực kỳ hiệu quả” để “bóc lột sự tự do.” Đây chính là so sánh của triết gia người Đức gốc Hàn Byung-Chul Han, nói về chúng ta những người sử dụng mạng.

Han tự hỏi rằng, liệu chúng ta có thật sự cần sự tự do. “Trái ngược với sự tự do là cưỡng ép.” Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn tự nguyện sử dụng mạng xã hội. Thứ tạo ra vô vàn những phiền phức lên cuộc sống thật, ép chúng ta đuổi theo những kỳ vọng xã hội, xu hướng tiêu dùng và vòng xoay năng suất.

Định nghĩa của tự do biến thành ép buộc. Nhưng ta không thể phản kháng khi vẫn đang nghĩ rằng mình tự do.

Đó là lý do ông đã trích lời “Hãy bảo vệ tôi khỏi những thứ tôi muốn" ở đầu cuốn sách của mình - Psychopolitics. Suy cho cùng thì nền tảng tự do của các tỷ phú không có thật, nhất là khi sự tự do đã không tồn tại ngay từ đầu. Cái Elon Musk (cùng những người bạn tỷ phú) muốn là thâu tóm dư luận thông qua sự “tự do” của mạng xã hội và tạo ra lợi nhuận từ chính nó.

Có những dự đoán gì về tương lai mạng xã hội?

Mạng xã hội trở thành "của công"

Có rất nhiều cuộc thảo luận và dự đoán xung quanh tương lai của mạng xã hội, một trong số đó là biến chúng trở thành “của công" (public utility). Lúc này, quyền kiểm soát mạng xã hội sẽ rơi vào tay chính phủ hay ít nhất là vài tập đoàn có quyền lực ngang nhau. Ý tưởng này tới từ việc cuộc sống của chúng ta ngày càng gắn liền với sự tồn tại của mạng xã hội, khiến nó dần trở nên thiết yếu.

Ở hình thái lý tưởng nhất, mạng xã hội có thể quay trở về lại với hình dáng của “không gian công” (public sphere). Không gian lý tưởng này này chỉ tồn tại khi nó không bị sở hữu hay phụ thuộc vào một chính phủ/ tổ chức kinh tế; dựa trên sự tôn trọng và khách quan; ai cũng có quyền được bày tỏ và cùng thảo luận về một vấn đề chung.

Tuy nhiên, đây là điều mà mạng xã hội khó làm được. Bản thân Jack Dorsey, CEO cũ của Twitter cũng tin vào việc nên biến Twitter thành tài sản chung (pubic good), thay vì vận hành như một công ty. Nhưng để thay đổi cả một hệ thống lớn, sử dụng người dùng làm "lõi" vận hành để thu lợi nhuận thì việc này không hê dễ dàng.

Xây dựng mạng xã hội mới

Giải pháp thứ 2 được nhắc tới đó là tạo ra một mạng xã hội khác. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thành công khi có sự góp sức của cả cộng đồng để cùng vận hành nó. Việc chờ đợi hay dựa vào một tỷ phú nào khác thành lập ra nó chỉ khiến chúng ta lặp lại quá khứ.

Thời gian vừa qua có rất nhiều mạng xã hội mới với tư tưởng tự do và thiết kế thân thiện lần lượt ra mắt. Đáng tiếc thay, lời "cam kết" tự do cũng lại là thứ đã kìm kẹp các nền tảng nhỏ này. Càng tự do thì các cuộc tranh cãi chính trị càng nảy lửa, đẩy xa các nhà đầu tư khi rủi ro của nó quá cao. Không phải ai cũng được chống đỡ bằng số người dùng “khủng" như Twitter và Facebook.

Đây có lẽ cũng là lý do mà Musk chọn mua Twitter thay vì tự mình xây dựng mạng xã hội. Ông hiểu rõ những tiềm năng và sức mạnh mà các nền tảng sẵn đã tích góp. Trong mắt nhiều người, Musk có vẻ là một “anh cả” vui tính, nhưng những trò đùa của ông đều là một phần của kế hoạch lớn hơn.