Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Khi nhìn thấu những ẩn ức bên trong, bạn có thể tự mình chữa lành | Vietcetera
Billboard banner

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Khi nhìn thấu những ẩn ức bên trong, bạn có thể tự mình chữa lành

Khi tư vấn tâm lý, ta thường nghĩ rằng mình cần đưa ra giải pháp cho đối phương. Giải pháp càng chi tiết thì càng chứng minh mình là người tư vấn giỏi. Nhưng sự thực không phải vậy.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Khi nhìn thấu những ẩn ức bên trong, bạn có thể tự mình chữa lành

Nguồn: Nguyễn Hà Thành

Dịch bệnh kéo dài trong gần 2 năm qua đã gây ra nhiều tổn thất về kinh tế, biến cố về sức khỏe và hao tổn tinh thần cho tất cả chúng ta. Ngay cả người vững tâm nhất cũng có lúc thấy bất ổn trước những gì đang diễn ra trước mắt.

Trong thời điểm mọi người dành nhiều sự quan tâm hơn cho sức khỏe cộng đồng, đường dây nóng Ngày mai, một dự án giúp đỡ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, được thành lập. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành là một trong hai người sáng lập đường dây nóng Ngày mai, cùng với Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Sau buổi trò chuyện với chị Hà Thành, nhà tư vấn tâm lý có 20 năm kinh nghiệm, tôi hiểu hơn nhiều điều về lòng trắc ẩn, sự bất ổn, và cái nhìn của người Việt với những vấn đề tâm lý.

Trong thời điểm số người gặp bất ổn tâm lý tăng lên, nhà tư vấn có thể làm gì?

Covid tạo ra gánh nặng kinh tế, kéo theo lo âu về sức khỏe, sự căng thẳng trong các mối quan hệ. Có người bình thường ít gặp vấn đề, giờ lại bị ảnh hưởng, còn người vốn đã bất ổn thì càng bất ổn nhiều hơn. Và họ cùng tìm kiếm giải pháp tư vấn tâm lý, dù trước đây nghĩ rằng mình chưa cần đến dịch vụ này. 

Nhiều thân chủ của tôi mô tả rằng họ như bị tấn công bởi từng đợt sóng lo âu, khiến họ rơi vào tình trạng bồn chồn, mất ngủ triền miên. Họ nóng nảy, dễ mất kiểm soát hơn mọi khi.

Lúc này, điều đầu tiên và quan trọng nhất mà một nhà tư vấn tâm lý cần làm là hướng dẫn họ quan sát bản thân, để họ tự mình cảm nhận cường độ, tần suất và sức ảnh hưởng của những cơn nóng giận hay bất an. 

Tôi thường yêu cầu thân chủ ghi chép lại chi tiết những diễn biến cảm xúc của họ. Quan sát nội tâm đều đặn, cộng thêm thực hành kiểm soát hơi thở, là biện pháp hiệu quả để kiềm chế giận dữ, bất an.

Độ tuổi nào thường gọi đến đường dây nóng Ngày mai nhất?

Quãng tầm 17- 40 tuổi. Đặc biệt, người trẻ là một trong những nhóm tuổi mà dự án của chúng tôi muốn tập trung hỗ trợ. Người trẻ thường có sức bật cao, khả năng phục hồi tốt (resilience). Nếu chúng ta kịp thời hỗ trợ, giúp họ đi qua được một khúc quanh, không để họ rơi vào vực sâu, họ có thể tự hồi phục một cách kỳ diệu. 

Mỗi người trẻ còn chứa đựng sự kỳ vọng của bản thân, gia đình và xã hội, và khi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này, họ hiểu thấu cảm giác ấy, họ có thể sẵn lòng giúp đỡ những người trẻ khác đang mắc kẹt trong tình huống tương tự. 

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con?

Người Việt, đặc biệt là thế hệ cha mẹ ông bà, thường chú tâm nhiều đến sức khỏe thể chất và những điều dễ nhận biết từ bên ngoài, họ coi hao mòn cảm xúc là vấn đề thứ yếu. Thậm chí, có người quan niệm: tâm bệnh là sự yếu kém của ý chí. 

Hệ quả là, người lớn cũng thiếu đi khả năng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình. Điều này vô tình tổn hại đến quan hệ của họ và con cái.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và chị Nguyễn Hà Thành giới thiệu về đường dây nóng Ngày mai | Nguồn: Nguyễn Hà Thành

Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng cho con hàng trăm triệu để phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng lại do dự nếu phải chi 10 triệu cho một khóa trị liệu tâm lý.

Người mẹ động viên: “Mày lại nghĩ quá. Đi chơi, đi shopping đi. Rảnh quá thì học thêm trang điểm, cắm hoa, nếu cần mẹ cho tiền tân trang ngoại hình, tự khắc yêu bản thân”. Nhưng cô con gái lại tâm sự với chúng tôi: “Chị ơi, em bị bắt nạt, em không có tiếng nói với mọi người, em không được coi trọng. Chắc em cần tân trang tâm hồn”.

Một số bậc phụ huynh lại dày vò: “Ngày xưa chúng tao khổ trăm bề, giờ chúng mày ăn ngon, mặc đẹp còn bày đặt trầm cảm, buồn rầu. Đúng là thiếu nghị lực”. Họ không ý thức được rằng, những lời nói đó đang làm tổn thương con. 

Có một thế hệ cha mẹ đã trưởng thành khi xã hội còn rất khó khăn, họ nhìn nhận vấn đề theo giá trị của thế thế hệ trước, và rồi vô tình áp đặt những giá trị đã đúng với họ lên con cái, trong đó có giá trị vật chất. 

Nỗi đau của nhiều bạn trẻ không đến từ hình hài, sắc vóc, hay thiếu ăn thiếu mặc, các bạn đang mắc kẹt với vấn đề tâm lý nhiều hơn. Mỗi bậc phụ huynh cần ý thức được tầm ảnh hưởng của mình để giảm đi áp lực và tổn thương ở thế hệ sau. Để hồi phục và chữa lành, người trẻ cần rất nhiều sự thấu hiểu và hỗ trợ từ cha mẹ.

Theo chị, thế nào là một lời khuyên phù hợp?

Một hiểu lầm phổ biến về công việc của nhà tư vấn tâm lý: họ là người đưa ra lời khuyên và giải quyết “hộ” vấn đề tâm lý của người khác. Họ trả lời càng hay thì năng lực tư vấn càng xuất sắc. Đây thực chất là một “cái bẫy” của nghề. 

Mỗi cá nhân đều lớn lên trong những gia đình khác nhau, trải nghiệm môi trường khác nhau, bước ra xã hội và gặp những biến cố khác nhau, các yếu tố cộng hưởng lại và nhào nặn ra bản sắc riêng, một logic giải quyết vấn đề theo cách riêng. Nhà tâm lý không thể đặt sẵn vào tay họ một giải pháp và hy vọng nó vừa vặn.

Thực chất, họ chỉ giúp bạn tháo gỡ các nút thắt cảm xúc, giúp bạn bình tâm hơn để nhìn thấu những ẩn ức, tổn thương và cái tôi bên trong. Khi đã tỏ tường thì bạn là chuyên gia của chính mình và tự quyết định hướng đi cho bản thân.  

Khi làm nghiên cứu tại Đài Loan, tôi biết đến một dự án về sức khỏe tâm thần mang tên “A half way back home - Dẫn tôi một nửa đường về nhà”. Cái tên ngụ ý rằng, nhà tâm lý và các dịch vụ trợ giúp xã hội chỉ song hành với bạn một đoạn đường, đoạn còn lại bạn phải tự đi. 

Đừng công thức hóa lời khuyên, vì nó thể dẫn họ đi sai hướng | Nguồn: Nguyễn Hà Thành

Việc tách bạch công việc và trải nghiệm cá nhân là yếu tố quan trọng của người làm tâm lý chuyên nghiệp.

Một người phụ nữ gọi điện đến và than thở về người chồng lạnh nhạt, cô nghi chồng ngoại tình. Người ta khuyên cô ăn mặc đẹp, học nấu món ngon, lo chu toàn cho con để người chồng biết trân trọng sẽ quay về.

Lời khuyên công thức này nghe qua cảm giác có vẻ đúng, nhưng ta đâu biết người phụ vẫn đang làm rất tốt khía cạnh trên, người chồng trong trường hợp này hóa ra không ngoại tình mà đang thất bại chuyện làm ăn. Đưa ra một lời khuyên theo góc nhìn cá nhân như trên dễ khiến cô ấy ngầm hiểu bản thân chưa tốt.

Một trong những yêu cầu khó nhất với người tư vấn là để cho vấn đề của mình và thân chủ độc lập với nhau. Vì vậy, ngay cả người đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm vẫn cần nỗ lực cải thiện từng ngày.

Tỏ ra là mình cần lời khuyên, nhưng có phải điều họ cần nhất là cảm giác được lắng nghe? 

Mong muốn “Tôi cần được lắng nghe, tôi cần được thấu hiểu” đôi khi ngụy trang dưới lớp vỏ “Hãy khuyên tôi đi, hãy chỉ dẫn cho tôi”. Khi một người nói họ cần lời khuyên, trong hầu hết các tình huống, thứ họ bộc lộ là cảm giác trống trải và mất kết nối. Họ cũng có thể đã kiệt sức với rất nhiều lời khuyên trước đó, vì lời khuyên không hữu ích với họ.

Một người mất kết nối với người thân, và xã hội dễ có xu hướng diễn giải: “Cả thế giới này không ai hiểu tôi”, “Tôi không muốn chịu đựng thêm”, “Tôi là gánh nặng của mọi người”. Họ khao khát cảm giác được đón nhận, được giãi bày mà không có bất kỳ phán xét nào. 

Nguyễn Hà Thành trong hội thảo "Kiểm soát cảm xúc để thành công trong công việc và cuộc sống" | Nguồn: Nguyễn Hà Thành

Một cô gái 25 tuổi, dành 5 năm yêu một chàng trai rồi bị phụ bạc. Cô cảm thấy trời đất quay cuồng, thế giới như đóng lại. Bạn thân cô khuyên: “Thằng đấy đểu, quên đi mà sống, cố lên!”, mẹ cô trách: “Đừng lụy tình, bọn đàn ông đều như nhau cả”.

Vấn đề không nằm ở việc cô ấy không hiểu, không tiếp nhận lời khuyên, mà là cô ấy đang đau đớn, lòng kiêu hãnh của cô bị đánh sập. Nhà tâm lý lúc này cần nghe nỗi niềm của cô ấy. Khi đã bình tĩnh, cô ấy có thể nhận ra xung quanh cô mọi thứ vẫn còn nguyên, chỉ có người đàn ông không xứng đáng với mình thì, may quá, đã rời đi. Và nếu cô mở lòng, cô sẽ nhận ra vẫn còn rất nhiều người đàn ông tốt ngoài kia. 

Ở thời điểm đổ vỡ, cảm xúc tuyệt vọng thường choán hết tâm trí sáng suốt thường nhật. Khi đó, nhà tư vấn từ từ bước vào thế giới nội tâm của họ, đón nhận và thấu hiểu những đổ vỡ bên trong. 

Người tư vấn tâm lý có gặp vấn đề tâm lý?

Ai cũng có thể có mâu thuẫn hay nỗi khổ riêng, nhà tâm lý cũng vậy. Chỉ có điều, người làm tư vấn - trị liệu tâm lý là người được đào tạo bài bản và có kỹ năng chuyên nghiệp để hỗ trợ người khác. 

Khi học ở nước ngoài, tôi làm việc với một giáo sư tâm lý khoa Tâm lý học tội phạm. Với bất kỳ ai có ý định tham gia vào dự án nghiên cứu của ông, ông đều hỏi: “Anh/chị đã bao giờ đi tư vấn/ trị liệu tâm lý chưa?”. Nếu câu trả lời là chưa, ông sẽ yêu cầu họ đặt lịch với một nhà tâm lý để trải nghiệm khóa “detox cảm xúc” 4-6 buổi. 

Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Khi tham gia một khoá trị liệu 6 buổi, tôi khám phá ra rất nhiều khía cạnh nội tâm mà chính bản thân cũng không ngờ tới. 

Các đồng nghiệp trong ngành cũng thường duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn để cùng thảo luận các vấn đề. Chỉ cần mình đưa ra tín hiệu cần hỗ trợ, các đồng nghiệp trong nước và cả nước ngoài đều sẵn sàng chia sẻ. Đó là cách chúng tôi tạo ra một môi trường tích cực để học hỏi lẫn nhau.

Người tư vấn tâm lý cũng gặp vấn đề của riêng họ, điều khác biệt là họ biết cách gọi tên nỗi sợ | Nguồn: Nguyễn Hà Thành

Điều mà nhà tư vấn tâm lý không nên nói?

Không được cho mình quyền được khuyên bảo về cuộc đời người khác, dù thân chủ đang thể hiện rằng họ cần một lời khuyên, một giải pháp cụ thể. Điều đó không có ích gì với cuộc đời của họ và cũng không có ích dưới góc độ chuyên môn hay uy tín nghề nghiệp. Một sự song hành, khích lệ và giúp họ sáng tỏ những nút thắt mới là điều quan trọng. 

Tôi thực hành tư vấn trị liệu tâm lý theo khuynh hướng Nhân văn hiện sinh, bám sát các chỉ dẫn và quan điểm của Carl Rogers về liệu pháp Thân chủ trọng tâm. Trong đó, thân chủ là chuyên gia trong vấn đề của họ, họ mới là người hiểu bản thân nhất, nhà tâm lý chỉ giúp họ nuôi dưỡng tính độc lập, lòng tự tin và hướng dẫn họ khám phá tiềm năng. 

Thương Thân là loạt bài viết giúp bạn nâng cao sức khỏe tâm thần và chăm sóc bản thân tốt hơn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.