Những năm gần đây, chúng ta nghe nhiều đến cụm từ “chuyển đổi số” trên báo đài hàng ngày. Hiểu một cách đơn giản, nó chính là quá trình giúp bạn có thể chuyển khoản thay vì cặm cụi đếm tiền mặt, sử dụng căn cước điện tử thay vì phải mang theo thẻ cứng, và làm mọi việc dễ dàng hơn nhờ tiến bộ công nghệ số.
Vào khoảng năm 2016-17, chuyển khoản vẫn là khái niệm khá xa lạ ở Việt Nam, và mọi người chủ yếu ra ngân hàng để thực hiện. Vậy mà bây giờ gần như ai cũng biết sử dụng ngân hàng điện tử, quét mã QR để chuyển khoản. Quá trình diễn ra nhanh như vậy là nhờ nỗ lực chiến lược lâu dài của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số. Và khách mời của Have A Sip lần này là một trong số họ - cô Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành tựu và thách thức của chuyển đổi số ở Việt Nam
Trong 28 năm công tác tại Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM, cô Võ Thị Trung Trinh đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam hiện đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á, vượt 15 bậc so với lần đầu được đánh giá năm 2003.
Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia có hạ tầng số phát triển, với tỷ lệ người sử dụng internet rất cao. Nước ta đã khá thành công về khía cạnh thu hẹp khoảng cách số (digital gap), giúp người dân ở mọi khu vực, dù xa xôi cách trở đến đâu cũng đều tiếp cận được internet.
Cô Võ Thị Trung Trinh đánh giá một lợi thế khác của Việt Nam là dân số trẻ, thành thạo công nghệ, tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho cuộc cách mạng số. Dù vậy, không ít dự án đã thất bại vì chúng ta có phần “lý tưởng hóa” về kết quả, hoặc quá tập trung vào khía cạnh số hóa mà quên mất yếu tố con người (thể hiện ở kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp và văn hóa doanh nghiệp).
Bản thân cô Trinh rút ra bài học khi làm dự án chuyển đổi số là phải hết sức thực tế, đầu ra rõ ràng và có thể đo đếm. Điều này luôn quan trọng dù bạn làm dự án với doanh nghiệp hay với cơ quan chính phủ, bởi ta cần kết quả rõ ràng mới thuyết phục được các bên liên quan về độ hiệu quả của chuyển đổi số.
Học được gì từ quá trình chuyển đổi số ở Úc?
Cô Võ Thị Trung Trinh từng có thời gian học tập tại Úc - một nước mạnh về chuyển đổi số, nơi sản sinh những nền tảng học tập và làm việc trực tuyến nổi tiếng như Canva hay Udemy. Tại đây cô đã học được những bài học quan trọng về tư duy chiến lược với mục tiêu dài hạn, bởi nếu không có mục tiêu, chúng ta sẽ cứ đi lung tung mà chẳng biết nên đi về đâu.
Một kỹ năng khác cô Trinh học được khi ở Úc là phối hợp hiệu quả trong các bài tập nhóm, và kỹ năng thuyết phục để đạt sự đồng thuận trong quá trình hợp tác. Thay vì giận dữ hay phản ứng khi nghe ý kiến người khác, thì đây là kỹ năng cần thiết để cả nhóm đạt được mục tiêu chung, không để dự án bị tắc nghẽn giữa chừng.
Sau này khi đã về nước, cô vẫn có cơ hội làm việc cùng các đồng nghiệp Úc trong nhiều dự án khác. Chính trong các cuộc trao đổi này, cô biết được những trở ngại trong quy trình số hóa thanh toán trong siêu thị Úc thời COVID (người cao tuổi không thể làm quen với chúng). Cô nhận ra rằng luôn có một khoảng cách giữa những gì mình đã làm, những gì đang lên kế hoạch và những gì diễn ra trong thực tế, từ đó không ngừng nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục.
Vai trò của từng nhóm tuổi trong quá trình chuyển đổi số?
Cô Võ Thị Trung Trinh nhận định, giới trẻ luôn là một phần quan trọng trong cuộc cách mạng số, nhờ khả năng tiếp thu và sáng tạo cái mới. Họ chính là lực lượng thúc đẩy văn hóa số như thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra các nội dung số có tính tương tác cao.
Bản thân cô dù đã nhiều năm trong nghề vẫn luôn học cách dùng TikTok, Instagram từ các cháu của mình. Đối với cô, giới trẻ chỉ cần bước khỏi vùng an toàn, chia sẻ các ý tưởng là đã đóng góp lớn vào quá trình chuyển đổi số nói chung.
Còn với thế hệ lớn tuổi, cô Trinh nhận định nếu có cách tiếp cận đúng đắn, họ không hề “low-tech” chút nào. Không ít người cao tuổi sau khi được con cháu hướng dẫn dùng ngân hàng điện tử, đặt xe công nghệ… đã tích cực phổ cập lại cho những người cao tuổi khác.
Đa số họ đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu công nghệ, cộng với khả năng tự học tốt nên có những người thậm chí “sành” công nghệ hơn cả con cháu. Đây là lợi thế rất lớn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cộng đồng, cũng như phát triển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa - một giải pháp cần thiết khi dân số Việt Nam đang dần già hóa.
Dĩ nhiên với bất kỳ nhóm tuổi nào, chúng ta cũng cần lưu ý phát triển văn hóa số phù hợp. Điều này giúp họ hiểu và ứng xử phù hợp, hạn chế những vấn đề như bạo lực mạng, tin giả, lừa đảo và các tội phạm kỹ thuật số.