Con artist – Đâu là điểm chung của các bậc thầy lừa đảo? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 02, 2022
Tâm Lý HọcBóc Term

Con artist – Đâu là điểm chung của các bậc thầy lừa đảo?

Dù không có ý định trục lợi nhưng bác sĩ giả Khiêm vẫn có những nét tương đồng với con artist.
Con artist – Đâu là điểm chung của các bậc thầy lừa đảo?

Anna Sorokin ở tòa | Nguồn: AP

1. Con artist là gì?

Con artist là người lợi dụng lòng tin của người khác, khiến nạn nhân tin vào những lời nói dối để trục lợi. “Con" ở đây tới từ confidence trick. Tiến sĩ Tâm lý học Maria Konnikova giải thích, khi nạn nhân có niềm tin vào một điều gì đó tới mức quá tự tin, họ sẽ không mảy may nghi ngờ và dễ dàng rơi vào mánh khóe của con artist.

Vụ việc bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm là một ví dụ cho tâm lý này. Bằng việc giả mạo bằng cấp, giấy tờ và cả chức vụ, người này thành công giả danh bác sĩ để chữa bệnh cho F0 trong khu điều trị cách ly.

Trong quá trình chống dịch gấp rút, trường Đại học Y Dược đã tin tưởng vào tinh thần tự nguyện của sinh viên. Vậy nên họ đã không xác minh lại thẻ sinh viên với dữ liệu của nhà trường, hay thậm chí lường trước tình huống có người giả mạo.

alt
Bác sĩ Khiêm làm giả giấy tờ để "mua" niềm tin | Nguồn: Tiền Phong

Dù cho tới hiện tại bác sĩ giả này nói rằng mình không có ý định trục lợi, tuy nhiên cách thức anh lấy sự tín nhiệm của đồng nghiệp và báo chí có nhiều điểm tương đồng với một con artist.

Thực ra việc giả danh thành bác sĩ rất phổ biến trên thế giới. Bên cạnh lý do tiền bạc thì những kẻ giả mạo này có thể đổi lại được cảm giác thỏa mãn khi nhận được sự công nhận của người khác, nhất là khi bác sĩ vốn là một nghề cao quý.

2. Nguồn gốc của con artist?

Thuật ngữ con artist hay con man tới từ William Thompson, một trong những kẻ lừa đảo đầu tiên tại Mỹ. Vào năm 1849, hắn đã bị bắt sau khi thành công thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo. William thường thuyết phục để xin mượn một món đồ có giá trị của người qua đường, sau đó biến mất.

alt
Hình minh họa cho bài báo đăng về con man | Nguồn: ephemeralnewyork

Bấy giờ báo chí và chính quyền gọi Wiliiam là “confidence man", gọi tắt là con man. Bởi khi lừa đảo William thường hỏi rằng: "Ngài có tự tin để trao cho tôi chiếc đồng hồ của ngài tới mai không?"

Tới năm 1857, cuốn sách được cho là dựa trên hình tượng của William là The confidence man (Herman Melville) được xuất bản. Nó khiến thuật ngữ con artist dần trở nên phổ biến hơn.

3. Vì sao con artist phổ biến?

Vừa qua Netflix đã cho ra mắt series phim Inventing Anna dựa trên một con artist nổi tiếng Anna Sorokin. Dù còn trẻ, Anna đã thành công bước chân vào giới thượng lưu với cái danh người thừa kế tới từ nước Đức, để rồi thực hiện các hành vi lừa đảo.

Bản thân con artist cũng luôn là đề tài cho văn hóa đại chúng. Một trong số đó phải kể tới bộ phim Catch me if you can kể về hành trình phạm tội của Frank William Abagnale, kẻ có nhiều gương mặt và nghề nghiệp. Hay Jordan Belfort, kẻ thao túng thị trường chứng khoán Mỹ nổi danh trong bộ phim The Wolf of Wall Street.

Điểm chung của những kẻ lừa đảo này chính là khả năng thuyết phục và thao túng. Các nhà tâm lý học cho rằng họ có xu hướng machiavellianism, một đặc điểm tính cách của những người sẽ thao túng người khác cho đến khi đạt được mục đích. Những người này đề cao tiền bạc hơn các mối quan hệ, đồng thời họ cũng không thấy có lỗi khi lừa người khác.

alt
Machiavellianism (tạm dịch: mưu mô) là loại đặc điểm tính cách nằm trong "The dark triad" bao gồm cả ái kỷ và thái nhân cách | Nguồn: Sprout Schools

Maria Konnikova đã so sánh con artist như một nhà tâm lý học. Cô cho rằng những kẻ này không thực sự cướp lấy thứ gì từ nạn nhân, thay vào đó thuyết phục họ tự nguyện trao tài sản.

Một trong những cách phổ biến là đánh vào tâm lý muốn giúp người khác của nạn nhân. Con artist sẽ đặt chúng ta vào tình thế phải giúp đỡ họ, từ đó trục lợi. Đây cũng là cách mà Anna Sorokin đã làm với những nạn nhân của mình và khiến họ tự nguyện chi trả cho cô.

Tại Việt Nam, hình thức này phổ biến hơn trong lĩnh vực đầu tư hoặc kinh doanh đa cấp. Những nạn nhân cũng thường được thuyết phục khéo léo, hay đặt vào tình huống khiến họ phải tự nguyện đưa tiền cho kẻ lừa đảo. Bản thân các hình thức đa cấp (ponzi scheme) cũng được tạo ra bởi một con artist là Charles Ponzi.

Theo thời gian, dù con người có trở nên cẩn trọng hơn thì con artist cũng tìm cách tinh vi hơn để luồn lách qua khe hở của các hệ thống nhằm thực hiện trò lừa đảo của mình.

4. Cách sử dụng con artist?

Tiếng Anh

A: I just realized that Leonardo Dicaprio often plays as con artist, like Catch me if you can or The Wolf of Wall Street.

B: I know right! The man knows his charm.

Tiếng Việt

A: Mình mới nhận ra là Leonardo Dicaprio toàn đóng mấy vai bậc thầy lừa đảo, như kiểu Catch me if you can hay là Sói già phố Wall.

B: Ừ công nhận luôn, ông này biết ổng giỏi gì mà.