Các bác sĩ giả như Nguyễn Quốc Khiêm làm gì để qua mắt mọi người? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Các bác sĩ giả như Nguyễn Quốc Khiêm làm gì để qua mắt mọi người?

Nguyễn Quốc Khiêm có thể phải đối mặt với những tội danh gì?
  Các bác sĩ giả như Nguyễn Quốc Khiêm làm gì để qua mắt mọi người?

Nguồn: Báo Giao Thông

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Những ngày vừa qua, cộng đồng xôn xao về thông tin Nguyễn Quốc Khiêm (26 tuổi) thành công giả danh bác sĩ và điều trị cho F0. Được biết Khiêm đã sử dụng thẻ sinh viên Đại học Y dược giả để làm tình nguyện viên và hỗ trợ tại Khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực Thành phố (quận 12).

Sau đó, Khiêm tự nhận mình là bác sĩ, thạc sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tham gia điều trị cho F0. Khiêm đảm nhận các công việc bao gồm ra y lệnh, cấp phát thuốc, ký các loại giấy tờ chuyển viện, báo ca tử vong. Đến tháng 9/2021, vì cảm giác sự việc sắp bại lộ nên Khiêm đã xin nghỉ việc tại khu cách ly.

Khi được hỏi, Khiêm từng nhận mình học các trường như Hồng Bàng, Đại học Y Dược và Cao đẳng Sài Gòn Gia Định. Tuy nhiên, các trường này đều nói đây là thông tin không đúng.

2. Khiêm đã có phản hồi gì?

Khiêm thừa nhận lỗi của mình khi đã giả mạo giấy tờ và chức vụ, tuy nhiên anh khẳng định mình không có ý định trục lợi mà chỉ muốn tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Anh nói rằng trong thời gian tham gia tình nguyện anh chỉ nhận đúng 6 triệu đồng tiền hỗ trợ.

Giấy khen giả của Khiêm | Nguồn: plo

Khi được hỏi về giấy khen giả, Khiêm chia sẻ rằng anh đã sao chép theo mẫu trên mạng với mục đích là khoe với bà. Hiện tại Khiêm đang rất cắn rứt và muốn xin lỗi tới các tổ chức và người bệnh bị ảnh hưởng. (Theo báo Tuổi Trẻ)

3. Khiêm có thể đối mặt với tội danh gì?

Dù Khiêm đã sớm xin nghỉ việc từ năm ngoái, tuy nhiên vụ việc lại đang gây được sự chú ý của cộng đồng. Hiện tại Sở Y tế và Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc để điều tra vụ việc và xác minh động cơ của Khiêm.

Chia sẻ với báo Lao Động, nhiều luật sư cho biết Khiêm có dấu hiệu của các tội bao gồm: giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác; làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Tuy nhiên, hiện tại cần phải xác định xem Khiêm có phải người tự làm giả các giấy tờ hay nhờ người làm, từ đó mới có thể xác định tội danh.

alt
Báo cáo khoa học được làm giả | Nguồn: Thanh Niên

Các luật sư cho rằng cũng cần xác minh được hậu quả và động cơ của Khiêm vì nó có liên quan tới việc Khiêm có hỗ trợ chống dịch. Từ đó mới có thể đưa ra hướng xử lý nghiêm khắc hay xử lý nhân văn nếu Khiêm thực sự không có mục đích xấu.

4. Tại sao không ai nghi ngờ Khiêm?

Theo như trường Đại học Y dược, thời điểm Khiêm đăng ký làm tình nguyện có tới 5.000 sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tin tưởng vào tinh thần của sinh viên mà không đối chiếu lại thẻ sinh viên với hồ sơ của nhà trường, giúp Khiêm trót lọt trở thành tình nguyện viên.

Nhờ các loại giấy tờ giả mà nhiều người không hề nghi ngờ Khiêm. Bên cạnh đó, Khiêm còn từng được lên báo và nhận được giấy khen của Bệnh viện Chợ Rẫy. Khu vực làm việc của Khiêm cũng chỉ có bệnh nhân nhẹ, dễ dàng cho Khiêm tự xưng là bác sĩ nội trú.

alt
Khiêm đã từng lên trang của Bộ Y tế | Nguồn: Tuổi trẻ

Có thể thấy, những người đồng nghiệp của Khiêm đã quá tin vào các bằng chứng giả. Theo như tác giả và Tiến sĩ Tâm lý Maria Konnikova, khi một người có quá nhiều niềm tin tới mức tự tin, họ dễ bị các con artist, người thành thạo nghệ thuật thao túng lợi dụng.

5. Giả mạo bác sĩ có phổ biến không?

Từ đầu mùa dịch, lợi dụng tâm lý hoang mang và bất ổn của cộng đồng mà nhiều người đã giả danh dược sĩ/bác sĩ để tư vấn bán thuốc cho những người bệnh. Cách đây một năm, cũng có vụ việc một phòng khám mở ra với bằng cấp giả. Có thể thấy, một phần của vấn đề này tới từ việc xã hội quá coi trọng bằng cấp và vô tình tạo ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo, làm giả giấy tờ.

Trên thế giới, lừa đảo giả danh bác sĩ được cho là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở rất nhiều quốc gia. Philippa Martyr, giảng viên và dược sĩ thuộc Đại học Tây Úc đã chỉ ra 4 điểm mà một “bác sĩ giả” có thể lợi dụng hệ thống y tế như sau:

  • Lợi dụng niềm tin: Tương tự như trường hợp của bác sĩ Khiêm, việc quá tin tưởng mà bỏ qua các bước xác minh cần thiết tạo ra lỗ hổng cho những bác gĩ giả mạo.
  • Bằng cấp ngoại quốc: Chứng chỉ, bằng cấp thuộc trường nước ngoài có thể tốn thời gian và công sức để kiểm tra và đối chiếu.
  • Công tác tại khu vực hẻo lánh: Bác sĩ giả thường sẽ chọn nơi có ít tai mắt để tránh sự kiểm tra và giám sát.
  • Khó để phân biệt một bác sĩ giả mạo và tay nghề kém: Từ góc nhìn không chuyên môn, bệnh nhân khó có thể phân biệt được điều này. Trong một số trường hợp, các bác sĩ giả thường chọn làm việc theo nhóm để che dấu những thiếu sót chuyên môn.