"Con hư tại mẹ" - Khi nữ giới phải gánh trách nhiệm vì hai chữ “thiên chức” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
26 Thg 02, 2022
Gia Đình Opinion

"Con hư tại mẹ" - Khi nữ giới phải gánh trách nhiệm vì hai chữ “thiên chức”

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chỉ đúng trong xã hội nơi vai trò giới bị khoá kín. Trong xã hội đó, lao động chăm sóc của phụ nữ bị khai thác miễn phí.
"Con hư tại mẹ" - Khi nữ giới phải gánh trách nhiệm vì hai chữ “thiên chức”

Nguồn: Alex Green @ Pexels

Gần đây câu chuyện về bi kịch của Pan (đến từ Hồ Nam, Trung Quốc) gây xôn xao cộng đồng mạng. Anh đã 36 tuổi nhưng không có công việc ổn định, nghiện game nhiều năm và ăn cơm vẫn để mẹ đút tận miệng. Được biết bố Pan làm việc xa nhà, anh sống cùng mẹ từ nhỏ đến lớn.

Ở Việt Nam, những trường hợp tương tự như vậy không hề hiếm. Nhưng dường như trong mọi hoàn cảnh, người mẹ luôn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về việc con đi chệch hướng. Điều này được phản ánh rõ nhất trong câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Hiểu tục ngữ “Con hư tại mẹ” như thế nào?

Tục ngữ này nhắc đến mối quan hệ khăng khít giữa đứa trẻ và hai người phụ nữ trong nhà - người mẹ và người bà. Họ cùng đóng vai trò chăm sóc đứa trẻ nên người.

Tất nhiên, không phải người đàn ông trong nhà không có nghĩa vụ gì trong việc dạy con. Vì Tam Tự Kinh cũng có câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, nghĩa là “Nuôi con mà không dạy là lỗi của người cha”.

Tuy vậy, ẩn dưới câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là một sự phân chia lao động ngầm dựa trên đặc thù về giới. Một số bài phân tích Ngữ Văn cấp 3 cho rằng vì thiên tính của người phụ nữ là dịu dàng, duy cảm, nên họ có thiên chức chăm sóc trẻ nhỏ. Và cũng vì tính duy cảm, nên họ dễ nuông chiều khiến trẻ con hư.

Thế còn sự chăm sóc của người cha hoàn toàn đến từ mục tiêu duy lý, đối nghịch với duy cảm. Họ ra ngoài săn bắn, kiếm tiền, bươn chải để gia đình có đủ tài nguyên sống.

Hai quan điểm trên đều có điểm chung là cho rằng bản chất sinh học của từng giới tính quyết định vai trò xã hội của con người. Lập trường này được các nhà chuyên môn gọi là chủ nghĩa quy chất giới (gender essentialism).

Lập trường này tới ngày nay đã lỗi thời. Bên cạnh việc bỏ qua một số yếu tố chuyên môn về nghiên cứu giới, nó còn làm cho đời sống gia đình và xã hội trở nên vô cùng thiếu linh hoạt. Người phụ nữ và người đàn ông không thể làm thay công việc của nhau, và giúp đỡ nhau trong các trách nhiệm chung.

Nhưng với tính chất truyền khẩu trong dân gian, câu tục ngữ này đã tự nhiên hoá (naturalize) vai trò giới, biến vai trò giới thành quan niệm ăn sâu vào nếp sống người Việt.

Khi lao động của người phụ nữ bị bóc lột không công

Xuất hiện dưới dạng tục ngữ, vai trò xã hội của phụ nữ bị khoá kín, nhưng chưa bị bóc lột một cách công nghiệp trước thế kỷ 17. Nhà triết học đạo đức Joan Tronto lý giải, từ sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất, sự chăm sóc được đồng bộ đối với tất cả mọi đứa trẻ.

Các nhà tư sản cho rằng để thị trường tiếp tục tăng trưởng, các nhà máy cần nhân công có chất lượng đồng đều nhau. Trẻ con, với tư cách là những nhân công tương lai của xã hội, cần phải được chăm sóc với quy trình giống hệt nhau.

Các thiết chế chăm sóc trẻ em ra đời: nhà hộ sinh, nhà trường, bệnh viện, v.v. Các công việc chăm sóc (caregiver) ra đời: hộ sinh, y tá, giáo viên, điều dưỡng viên, v.v. Xã hội hiện đại được xây dựng trên vai của không chỉ người bà và người mẹ, mà còn của lao động nữ nói chung.

Thiên tính duy cảm, dưỡng dục được gán với bản chất của nữ giới. Và bản chất ấy được khai thác triệt để. Câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ngày càng bị lạm dụng ở Việt Nam vì nhu cầu công nghiệp hoá nền kinh tế.

Sự chăm sóc của người phụ nữ dành cho thế hệ sinh sau đẻ muộn có vai trò vô cùng then chốt đối với sự vững bền của xã hội. Giữ cho quá trình trưởng thành của người trẻ ổn định, lao động chăm sóc khiến thế hệ sau làm tròn trách nhiệm kế thừa giá trị xã hội của thế hệ trước.

Và trong hệ thống tính công của chủ nghĩa tư bản, lao động đó hoàn toàn không được trả công. Nghĩ theo hướng đầu tiên, cả xã hội phụ thuộc vào “thiên chức” của một tầng lớp để phát triển. Nghĩ theo hướng thứ hai, cả xã hội nhân danh “thiên chức” để bóc lột lao động chăm sóc.

quotCon hư tại mẹquot Khi nữ giới phải gaacutenh traacutech nhiệm vigrave hai chữ ldquothiecircn chứcrdquo
Cả xã hội vừa phụ thuộc, lại vừa bóc lột người làm mẹ vì đó là “thiên chức”. | Nguồn: Pexels

Theo nhà nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Giang, ở Việt Nam, lao động chăm sóc của người bà và người mẹ phụ thuộc một cách bấp bênh vào các nền tảng số. Để chăm lo cho sức khoẻ gia đình trong thời đại thực phẩm bẩn, bên cạnh việc đến công sở, người phụ nữ còn phải lăn lộn trên mạng để kiếm tìm nguồn thực phẩm “sạch” cho gia đình. Bán đồ ăn hữu cơ qua mạng xã hội cũng trở thành một nguồn thu đối với các bà mẹ thời đại số.

Không có những khuôn mẫu về vai trò giới, môi trường lao động chăm sóc có thể bớt vất vả và độc hại hơn rất nhiều. Sẽ không có người bố nào thoái thác trách nhiệm chăm con và người mẹ nào tự thao túng chính mình nếu con hư nữa.

Xoá bỏ khuôn mẫu không có nghĩa là cổ vũ con người đừng chăm sóc nhau

Khác với quan điểm của nhiều nhà nữ quyền tân tự do (neoliberal feminist), Nguyễn Thu Giang cho rằng thay vì bảo người phụ nữ hãy từ bỏ vị trí chăm sóc của mình để giải phóng lao động, thì xã hội cần phải nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của chăm sóc, và phân phối nghĩa vụ lao động này một cách đồng đều hơn.

“Con hư tại mẹ, tại bố và tại cả mạng lưới xã hội bao bọc quanh đứa trẻ” là quan điểm của các nhà nữ quyền theo trường phái Đạo đức chăm sóc (Ethic of Care) như Tronto và Nguyễn Thu Giang.

Trường phái này cho rằng sự chăm sóc lẫn nhau là điều kiện cơ bản để xã hội tồn tại. Khác với nhiều loài động vật có vú khác, đứa trẻ sơ sinh không thể tự lớn lên và sống sót nếu như thiếu sự chăm sóc của đồng loại.

Cứ như vậy cho đến khi lớn lên, các mối quan hệ xã hội ra đời khi con người lệ thuộc lẫn nhau để tổ chức cuộc sống. Sự chăm sóc ấy thể hiện trong từng bữa ăn, trong y tế, trong giáo dục, trong vệ sinh môi trường và nhiều phạm trù khác mà chúng ta vẫn nghĩ là “miễn phí”.

Phân phối đồng đều sự chăm sóc, những vai trò giới sẽ không còn quan trọng nữa. Đàn ông và phụ nữ có thể cùng san sẻ nhau chuyện bếp núc, việc nhà và chăm sóc gia đình, cùng lúc đó họ vẫn ra ngoài xã hội lao động theo nguyện vọng của mình.

Con hư tại mẹ Khi phụ nữ phải chịu traacutech nhiệm vigrave hai chữ thiecircn chức
Khi nhiệm vụ chăm sóc con được phân phối đồng đều, vai trò giới không còn quan trọng nữa.| Nguồn: Pexels

“Dạy con” sẽ không còn là nghĩa vụ độc quyền của bất cứ ai nữa. Trên triết lý của đạo đức chăm sóc, thậm chí hệ thống công cũng có trách nhiệm bao cấp cho tác vụ nuôi lớn trẻ nhỏ.

Như vậy, những tiêu cực như bạo lực học đường hay cha mẹ độc hại sẽ dần bị đẩy lui.

Kết

Vượt qua sự bó hẹp về tư duy của câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, xã hội của chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng đổ lỗi cho nhau nếu như tiêu cực xảy ra nhưng không ai sẵn sàng thay đổi.

Thay vì phủ nhận sạch trơn vai trò của sự chăm sóc trong tục ngữ xưa, có lẽ chúng ta nên nhìn lời răn dạy của thế hệ trước dưới một ánh sáng khác. Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ nên là của tất cả mọi người.

Với lý tưởng này, sự “hư” của đứa trẻ hoặc người lớn nằm ở việc khước từ tính liên kết hữu cơ của xã hội. Một đứa trẻ “ngoan” trân trọng tình yêu của người nuôi dạy mình và sẵn sàng đưa tay giúp người khác khi cần.