Việc nhà: Một người gánh, không ngã cũng nghiêng | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình

Việc nhà: Một người gánh, không ngã cũng nghiêng

Đàn ông không vụng về. Phụ nữ cũng không sinh ra đã giỏi việc nội trợ. Nhưng dường như việc nhà vẫn đang được xem là do nữ giới chịu trách nhiệm chính.

Việc nhà: Một người gánh, không ngã cũng nghiêng

Nguồn: Kamaji Ogino/Pexels

Sau vài tuần giãn cách xã hội tại Pháp, tôi phấn chấn vô cùng khi được trở lại văn phòng làm việc. Thế nhưng một người đồng nghiệp của tôi thì không.

Cô ỉu xìu kể rằng mình đang đệ đơn xin ly hôn. Nguyên nhân chẳng liên quan gì đến ngoại tình, hay tiền bạc, mà xuất phát từ việc người chồng quá thụ động trong việc chia sẻ việc nhà. Anh chỉ làm khi vợ nhắc, nếu không thì anh kệ. Căng thẳng lên đỉnh điểm khi cả hai phải cùng ở nhà vì COVID. 

Lý do này khiến tôi sốc còn hơn tin chính. Tôi tự hỏi có bao nhiêu cuộc ly hôn đã xảy ra vì lý do tương tự? Phụ nữ đòi hỏi sự tự giác ở nam giới trong chuyện làm việc nhà có phải là “được voi đòi tiên”?

Đồng ý rằng nam giới cùng gánh vác việc nhà, dù thụ động, đã là một bước tiến xã hội, nhưng như thế dường như là chưa đủ. 

Việc nhà: Trách nhiệm của ai? 

Ngạn ngữ Anh có câu “men make house, women make home”, rất giống với câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" mà chúng ta vẫn thường nói. Xã hội truyền thống từ Tây sang Đông đã dày công xây dựng một hệ thống năng suất, nơi người ta phân loại trách nhiệm dựa trên giới tính.

Các bé trai, bé gái, thậm chí cũng được định hướng về giới ngay từ khi chưa có ý thức về xã hội. Một ví dụ là cách phân loại các món đồ chơi, chẳng hạn như bé trai chơi ô tô, siêu nhân, lắp ghép nhà cửa, còn bé gái chơi búp bê, với bộ nồi niêu xoong chảo tí hon.

Bé gái chơi búp bê
Các bé gái thích chơi búp bê, không chỉ vì các em có "bản năng" chăm sóc, mà còn vì định hướng của cha mẹ. | Nguồn: Polesie/Pexels

Cách giáo dục gián tiếp này có ảnh hưởng ít nhiều đến hành vi sau này của các em. Một nghiên cứu thực hiện trên 54.000 trẻ em tại 16 quốc gia đã chỉ ra rằng các bé gái, từ 8 - 12 tuổi, có xu hướng dành thời gian để làm việc nhà nhiều hơn các bé trai.

Khi đã mặc nhiên công nhận vai trò của nam giới và nữ giới, trong xã hội lại nảy sinh những đánh giá không công bằng trên cùng một sự việc. Chẳng hạn, nếu một căn nhà bừa bộn thuộc về một người đàn ông trong cảnh “gà trống nuôi con”, mọi người sẽ thường có cái nhìn cảm thông, thương xót. Nhưng nếu căn nhà đó thuộc về một người phụ nữ đơn thân, cô có thể phải nhận những lời nhận xét ác ý như: chắc vì bừa bộn thế nên mới bị chồng bỏ. 

Cùng xuất phát từ “truyền thống” hay nói đúng hơn là “định kiến xã hội” như vậy mà mọi gánh nặng việc nhà đều dồn lên vai người vợ. Kể cả ngày nay, khi nam giới tiến bộ hơn, đã biết xắn tay áo rửa rau hay hút bụi, thì những công việc vô hình vẫn phần lớn thuộc về phụ nữ.  

Việc nhà: Gánh nặng nhận thức 

Có lẽ nhiều bạn khi đọc đến đây sẽ bắt đầu thắc mắc, có mỗi mấy việc rửa bát quét nhà trông con thôi mà, có gì mà làm quá lên thế? 

Việc nội trợ thường bị đánh giá sai lầm do chúng ta chỉ thường nhìn vào những công việc cụ thể được bày ra trước mắt như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa, thay bỉm tã, cho con ăn... Hầu như không ai để ý đến những gánh nặng đằng sau những công việc giản đơn này, vì nhiều thứ được “xử lý” ở trong đầu trước khi bắt tay vào thực hiện. Chúng còn được gọi là “gánh nặng nhận thức” (cognitive load).

Damminger, học giả xã hội học thuộc ĐH Harvard, đã chia gánh nặng nhận thức của việc nhà thành 4 nhóm: dự đoán những việc cần làm, xác định các phương án, quyết định, và giám sát kết quả.

Ví dụ, vào tháng 9 năm tới con bắt đầu đi học lớp 1, thì từ đầu năm người mẹ đã bắt đầu phải suy nghĩ về việc tìm trường cho con, sau đó cân nhắc giữa một số trường công/tư, tiếp theo mới quyết định cho con học trường nào. Cuối cùng, người mẹ sẽ lo liệu các thủ tục cần thiết để đảm bảo con được nhận. 

Hay với công việc đơn giản hơn là nấu cơm thì người phụ trách công việc này cũng phải tính toán hôm nay ăn gì, mua ở đâu, khi nào mua, chọn thực phẩm thế nào... 

Phụ nữ thường mang nhiều gánh nặng nhận thức trong việc nhà hơn đàn ông.
Mọi quyết định dù đơn giản nhất cũng phải tính toán. | Nguồn: Katerina Holmes/Pexels

Qua khảo sát được thực hiện năm 2019, Damminger nhận thấy các cặp vợ chồng thường cùng nhau ra quyết định, nhưng người vợ mới là người đảm nhiệm các khâu từ đầu đến cuối. 

Không dừng lại ở đó, một năm sau, Damminger tiếp tục phỏng vấn những cặp đôi đã tham gia vào khảo sát năm 2019 để tìm hiểu kỹ hơn về sự phân chia này. Nhiều nữ giới đưa ra lý do họ nhận về phần mình nhiều gánh nặng nhận thức hơn là do thời gian họ làm việc (kiếm tiền) ít hơn. Tuy nhiên, điều này không hẳn là luôn đúng. Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu Oxford, Cambridge và Zurich cho thấy người vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn người chồng ngay cả khi họ có thu nhập bằng nhau. 

Trong khi đó, lý do các ông chồng đưa ra là vợ họ giỏi sắp xếp hay cắt đặt hơn. Nhưng tiếc thay, các nhà khoa học lại chỉ ra rằng đó chỉ là nhận định rất cá nhân. Còn thực tế, phụ nữ không tự nhiên sinh ra đã giỏi sắp xếp hay lên kế hoạch hơn, cũng chẳng ai giỏi đa nhiệm (multitask) hơn ai cả. Chỉ là vì họ phải làm nhiều mà trở nên thành thục hơn thôi.  

Việc nhà: Chia sẻ ra sao? 

Trong những năm gần đây, việc các ông chồng làm việc nhà đã không còn quá xa lạ nữa. Tuy nhiên, khi bàn sâu về “gánh nặng nhận thức” thì thực tế là những công việc vô hình vẫn chưa được chia sẻ ở mức độ xứng đáng. Chúng vẫn còn gây cản trở đối với người phụ nữ, trên cả con đường sự nghiệp, lẫn sức khoẻ về thể chất và tinh thần.

Nghiêm trọng hơn, đây cũng có thể là mối đe doạ cho đời sống vợ chồng và hạnh phúc gia đình. Dữ liệu từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp đều tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ đệ đơn tăng vọt. 

Để thực sự san sẻ gánh nặng nội trợ và chăm sóc con cái với vợ, các ông chồng nên đảm bảo cung cấp “dịch vụ trọn gói”. Ví dụ, nếu anh là người chịu trách nhiệm thay bỉm cho con, ngoài việc anh cần tự giác làm khi con cần, anh nên biết loại bỉm nào tốt nhất cho con, biết mua bỉm dự trữ cho con, mua bao nhiêu và mua ở đâu có giá tốt, và kể cả là đảm nhiệm tập cai bỉm cho con. 

Trong hành trình học hỏi của các ông chồng, các bà vợ cũng nên có cái nhìn thông cảm và bao dung hơn, chứ đừng tặc lưỡi, thở than kiểu “anh làm một thì bày ra mười, tôi còn mệt hơn”. Đừng vội tước đoạt cơ hội “nâng cao tay nghề”, và cả hạnh phúc chăm sóc gia đình của các ông chồng khi họ còn chưa kịp trải nghiệm nó. 

Chồng nấu ăn cùng vợ.
Đàn ông không vụng về. Họ không giỏi nội trợ và chăm sóc gia đình chỉ vì không được học hỏi trong quá trình trưởng thành, cũng như không thực hành, luyện tập thường xuyên mà thôi. | Nguồn: Gary Barnes/Pexels

Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Nhiều gia đình cả vợ chồng con cái đều ở nhà 24/7. Các đầu việc nhà cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì việc chia sẻ giữa vợ chồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Lúc này điều quan trọng nhất là cả hai nói chuyện với nhau thường xuyên hơn, cùng trao đổi có tính xây dựng. Đừng để “một điều nhịn chín điều lành” quá nhiều mà dẫn đến “tức nước vỡ bờ”. 

Khi những công việc trong nhà được san sẻ hài hoà hơn, thì cả đàn ông và phụ nữ đều đang xây tổ ấm. Không còn ai là “lãnh đạo”, hay ai “trợ giúp”.

Chúng ta có thể sẽ bị đánh giá khi mới bắt đầu, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc đáng được hưởng về sau. Có hạnh phúc nào mà không cần phải đánh đổi mồ hôi và nước mắt, đúng không?!